Có nên chuyển diện F2B sang diện F1?
Văn phòng chúng tôi vừa nhận được một câu hỏi trên trang Facebook của văn phòng Robert Mullins International, hỏi rằng có thể giữ lại diện bảo lãnh F2B (diện cha mẹ Thường trú nhân bảo lãnh con độc thân trên 21 tuổi) thay vì chuyển sang diện F1 (diện cha mẹ quốc tịch Mỹ bảo lãnh con độc thân trên 21 tuổi) hay không? Việc chuyển diện này xảy ra khi cha mẹ Thường trú nhân trở thành công dân Hoa Kỳ. Tại một số nước, việc chuyển diện từ F2B sang F1 sẽ tăng thêm thời gian chờ đợi vài tháng và có thể tăng một vài năm, vì thế nên giữ lại diện bảo lãnh F2B.
Sau khi người bảo lãnh có quốc tịch Hoa Kỳ, người bảo lãnh hoặc người được bảo lãnh có thể yêu cầu chuyển lại diện F2B. Việc xin giữ lại diện bảo lãnh F2B không tốn kém thêm chi phí. Chỉ cần viết một lá thư cho Sở di trú nơi đã chấp thuận đơn bảo lãnh. Nếu đơn bảo lãnh đang ở Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia (tức National Visa Center – NVC) hoặc Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ, quý vị nên gửi bản sao thư yêu cầu đã gửi cho Sở di trú cho một trong hai nơi kể trên.
Sở di trú sẽ chấp thuận yêu cầu của quý vị và quý vị có thể xin giữ lại diện bảo lãnh F2B. Nếu đơn bảo lãnh của quý vị vẫn còn ở NVC, quý vị sẽ phải gửi thư chấp thuận của Sở di trú cho NVC để họ cập nhật hồ sơ.
Đối với những đương đơn người Việt Nam, giữ lại diện F2B không có lợi nhiều lắm. Hiện nay, thời gian chờ đợi của hai diện bảo lãnh F2B và F1 chỉ cách nhau vài tháng, và sẽ phải chờ Sở di trú vài tháng mới có thể chấp thuận đơn xin chuyển lại diện F2B. Với cùng thời gian này, diện bảo lãnh F1 cũng đến kỳ đáo hạn.
Quý vị có thể vào trang Facebook của văn phòng Robert Mullins để biết thêm thông tin qua địa chỉ: www.facebook.com/rmiodp.
Tiên Đoán Của Bộ Ngoại Giao: Diện bảo lãnh F2A sẽ tiến lên.
Diện bảo lãnh F2A dành cho vợ/chồng và con độc thân dưới 21 tuổi của Thường trú nhân. Ông Charles Oppenheim, Trưởng phòng Kiểm Soát Chiếu Khán (Visa) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tiên đoán rằng ngày đáo hạn của diện F2A sẽ tiến lên trong tháng 9 năm 2014 sắp tới. Hiện nay ngày đáo hạn của diện F2A là 1 tháng 5 năm 2012. Trong bảng Thông Tin Chiếu Khán tháng 9 năm 2014, ngày đáo hạn có thể tiến lên thời gian cuối Thu năm 2012.
Ban An Ninh Quốc Gia và Truy Tìm Gian Lận (tức Fraud Detection and National Security):
Ban Quản Trị An Ninh Quốc Gia và Truy Tìm Gian Lận có trách nhiệm bảo đảm rằng những lợi ích về di trú không thể nào đến với những cá nhân đe dọa quốc gia, hoặc những người muốn tìm cách lừa đảo hệ thống quản trị của chính phủ.
Hầu hết nhân viên của ban này là những nhà điều tra và những nhà nghiên cứu các hệ thống lưu trữ dữ kiện và các nguồn thông tin công cộng để kiểm chứng thông tin về người di dân. Ban này có nhiệm vụ nghiên cứu và nếu họ khám phá những sự lạm dụng hệ thống di trú, họ sẽ chuyển những hồ sơ này cho Ban Thi Hành Luật Hải Quan và Di Trú để truy bắt.
Ban An Ninh Quốc Gia và Truy Tìm Gian Lận hiện có những nhân viên làm việc ở từng văn phòng di trú địa phương, các trung tâm di trú, và các văn phòng trợ giúp người lánh cư trên khắp nước Mỹ và còn có ba địa điểm ở hải ngoại.
Ban này hiện phụ trách việc đến điều tra tại chỗ để bảo đảm rằng những công ty và các nhóm tôn giáo đưa nhân viên di dân và người đại diện đến Hoa Kỳ đang chấp hành đúng luật lệ và không có những hành động gian lận.
Ban An Ninh Quốc Gia và Truy Tìm Gian Lận làm việc rất mật thiết với các cơ quan thi hành pháp luật và phối hợp tình báo, bao gồm Các Lực Lượng Hỗn Hợp Chống Khủng Bố của Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI). Tất cả các Trung Tâm Hỗn Hợp Các Vùng Thành Phố Lớn và Tiểu Bang đã cử các nhân viên của ban này đến Trung Tâm Hoạt Động Vì Quốc Gia thuộc cơ quan Bảo Vệ Biên Giới và Hải Quan Hoa Kỳ, đến Lực Lượng Đặc Biệt Chống Gian Lận Giấy Tờ thuộc Cơ Quan Thi Hành Luật Di Trú và Thuế Quan Hoa Kỳ, và Phòng Thí Nghiệm Hình Sự, Trung Tâm Chống Khủng Bố Quốc Gia, Trung Tâm Kiểm Tra Khủng Bố, Trung Tâm Lãnh Sự Kentucky thuộc Bộ Ngoại Giao, và Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia, Ban Quản Trị Trung Tâm Quốc Gia thuộc Phòng Cảnh Sát Quốc Tế Interpol, và nhiều nơi khác.
Chính Phủ chấp thuận gia hạn Chương Trình Tạm Hoãn (thi hành) Lệnh Trục Xuất:
Vào tháng 6-2014 vừa qua, Sở di trú đã bắt đầu nhận đơn xin gia hạn của những di dân trẻ tuổi đã nộp đơn cho Chương Trình Tạm Hoãn Thi Hành (Lệnh Trục Xuất) Những Người Đến (Hoa Kỳ) Từ Thơ Ấu (gọi tắt là Chương trình DACA). Để tránh quá gần ngày hết hạn xin tạm hoãn và được phép làm việc, những cá nhân liên hệ phải nộp đơn xin gia hạn trước khi hết hạn thời gian của chương trình DACA. Sở di trú khuyến khích các đương đơn nên nộp đơn gia hạn 120 ngày (bốn tháng) trước khi thời gian tạm hoãn hết hạn.
Chương trình DACA là phương cách giúp cho những di dân không được phép làm việc đã từng nhập cảnh Hoa Kỳ bất hợp pháp hoặc những người đến Mỹ hợp pháp nhưng sau đó làm mất diện nhập cảnh của mình. Với diện được tạm hoãn bị trục xuất, các di dân này có thể làm việc hoặc đi học hợp pháp ở Hoa Kỳ trong hai năm mà không sợ bị trục xuất.
Chương trình DACA được lập ra cho những trẻ em đến Hoa Kỳ trước 16 tuổi và liên tục ở Hoa Kỳ từ ngày 15 tháng 6 năm 2007 cho đến nay.
Cải Tổ Di Trú trong năm 2014
Quốc hội hiện đang nghỉ Hè và khi họ trở về làm việc, người ta không thấy bất cứ dự luật cải tổ di trú quan trọng nào sẽ được thông qua. Có một cơ hội mà Tổng Thống Obama sẽ tìm cách để mang lại lợi ích cho di dân bất hợp pháp, nhưng cũng chỉ là tạm thời và có thể bị hủy bỏ bởi một tân tổng thống khác. Tòa Bạch Ốc nói rằng chúng ta có thể thấy một số biến chuyển trong tháng 9 sắp tới.
Hỏi Đáp Di Trú
– Hỏi: Có quá trễ để các em nộp đơn Chương trình DACA không?
– Đáp: Những đơn xin Chương trình DACA vẫn được chấp thuận. Các đương đơn phải dưới 31 tuổi và đã nhập cảnh Hoa Kỳ trước sinh nhật 16 tuổi và phải ở liên tục trong nước Mỹ từ ngày 15 tháng 6 năm 2007 cho đến nay.
– Hỏi: Ông Obama có thể làm gì cho việc cải tổ di trú nếu Quốc hội không hợp tác với ông?
– Đáp: Với vai trò hành pháp, ông Obama có thể sắp xếp việc nới rộng quyền cho người di dân bất hợp pháp ở quy mô lớn. Hành động của ông Obama có thể bảo vệ đông đảo người di dân đang sống ở Hoa Kỳ bất hợp pháp. Gần 5 triệu trong số phỏng định 11 triệu người đã nhập cảnh Hoa Kỳ không có giấy tờ hợp lệ hoặc ở quá hạn chiếu khán (visa) có thể được bảo vệ. Ông Obama hy vọng sẽ dùng quyền hành pháp để sửa chữa hệ thống di trú càng nhiều càng tốt, mà không cần có sự hợp tác của Quốc hội.
– Hỏi: Điều gì đã cản trở chính phủ Hoa Kỳ trong việc tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng biên giới, liên hệ đến hàng chục ngàn trẻ em đến từ Trung Mỹ?
– Đáp: Trong năm 2008, Quốc hội đã thông qua một đạo luật nói rằng những trẻ em không đi cùng cha mẹ đến từ Trung Mỹ có thể có cơ hội nộp đơn xin lánh cư. Hiện nay, các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ và Thượng viện muốn tu chính đạo luật này, trong khi phe Dân chủ chống lại bất cứ sự thay đổi nào vì họ tin rằng một số trẻ em này hợp lệ để được quyền xin lánh cư.
LMH