Ăn ở nhà hàng Nhật chúng ta thường được mời uống sake. Sake được coi là thức uống truyền thống của người Nhật và đã nổi tiếng trên thế giới, chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ lược và thưởng thức nếu có dịp.
Sake, hoặc saké phiên âm tiếng Việt là sa-kê, nhưng phát âm tiếng Anh giống như xa-ki. Cách viết từ này của người Nhật là 酒 (phiên âm Hán-Việt: tửu, nghĩa Việt: rượu).
Ba loại chén để uống sake
Sake có từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Màu lạt, vị ngọt và không sủi hơi, có độ cồn khoảng 18%-20% dung lượng, (so với wine: 9%-16%; bia: 3%-9%). Đây là thứ rượu quốc hồn quốc túy của người Nhật và được dùng trong các nghi lễ của Thần đạo. Sake được hâm nóng trong các bình sành hoặc chai sứ trước khi được cung tiến và thường uống bằng chén sứ.
Sake được hâm nóng bằng bình ngâm trong nước sôi.
Ngày nay, rượu sake thường được uống bằng nhiều cách:
– Ở dạng được làm lạnh, rượu có nhiệt độ vào khoảng từ 7 đến 10oC. Giản dị là chỉ cần cho vào tủ lạnh một thời gian trước khi uống là được. Đây là cách uống đơn giản nhất mà vẫn giữ được vị ngon của rượu.
– Ở dạng được hâm nóng: Rượu được hâm nóng từ 40-60OC người Nhật gọi chung là Kan, trên dưới 50oC gọi là Atsukan, trên dưới 40oC gọi là Nurukan, ở khoảng giữa 45oC gọi là Tekion.
– Ở dạng nhiệt độ phòng: nhiệt độ trung bình ở dạng này vào khoảng từ 15 -20oC, thường được những người sành rượu ưa thích vì có thể cảm nhận được đúng nhất hương vị của rượu.
– Ở dạng uống với đá (on the rock): Uống với đá lạnh là cách uống rượu đã được làm lạnh sẵn cùng với một viên đá cục lớn trong loại ly dành riêng cho cách uống này. Chỉ rót khoảng 50-60ml để vừa đủ uống trước khi đá bị tan.
Ly gỗ Masu dùng để uống rượu Sake.
Tại sao ăn xong ta hay buồn ngủ?
Sau khi ăn – đặc biệt là các món ăn ngọt – tụy tạng sản xuất ra insulin để biến đổi những chất đường đang luân lưu trong máu thành dạng có thể dự trữ được trong các tế bào.
Mức insulin tăng lên làm cho tryptophan chuyển động và hoạt động trong óc não. Tryptophan là một acid amino chủ yếu, không phải do cơ thể tạo ra mà lấy từ thực phẩm ta ăn vào.
Một khi ở trong óc, nó tăng cường việc sản xuất ra serotonin, chuyển các tín hiệu điện giữa các tế bào thần kinh (neuron) nối kết với nhau. Khoảng chừng 90% serotonin của cơ thể nằm ở bụng để điều hòa các hoạt động của ruột. 10% còn lại nằm trong óc. Serotonin có một số nhiệm vụ như điều khiển tâm trạng và giấc ngủ; nó cũng liên quan đến tình trạng suy trầm và những cảm giác thân mật.
Do đó, sự tăng cao mức độ serotonin, hình thành sau bữa ăn ngọt, có thể làm cho ta cảm thấy buồn ngủ. Nhưng cũng còn các yếu tố khác nữa góp phần làm cho ta thờ thẫn sau bữa ăn.
Nhất là một bữa ăn thịnh soạn cần thời giờ để tiêu hóa, tức là máu có thể đổi hướng không đến nhiều các bộ phận khác trong cơ thể mà dồn nỗ lực giúp công việc này. Hơn nữa, nếu ta không uống nước trong hoặc sau bữa ăn, cũng làm cho mau buồn ngủ.
Tại sao ta say rượu?
Trong thế giới hóa chất có nhiều loại alcohol (rượu cồn) nhưng thứ chúng ta uống nhiều là ethanol. Chính cấu trúc đặc biệt của một phân tử ethanol mới làm cho ly bia hoặc shot rượu ta uống tạo ra tác động riêng biệt trên óc não con người. Phân tử này rất nhỏ, tạo thành do 2 nguyên tử carbon, 6 nguyên tử hydrogen và 1 nguyên tử oxygen. Ethanol tan được trong nước nên dễ nhập vào dòng máu rồi từ đó mau chóng đi khắp cơ thể (đặc biệt là gan và óc). Nó lại có thể hòa tan được chất béo nên dễ thâm nhập các màng tế bào và những nơi khác.
Các nhà khoa học chưa kết luận chính xác được ethanol tác động lên óc ra sao nhưng đã đặt ra những giả thuyết có cơ sở. Phản ứng chậm chạp, giọng nói lè nhè, tính hay quên của một người say có thể là gây ra bởi ethanol gắn kết với các bộ phận nhận glutamate (glutamate receptors) trong mạch điện thần kinh nơi óc. Những receptor này thường nhận các tín hiệu hóa chất từ những nơi khác trong óc, nay thay vào đó lại nhận được một phân tử ethanol. Tác động này làm cho dòng chảy tín hiệu bị hủy hoại, cả đầu óc con người bị chậm lại.