Menu Close

Vùng cát Thăng Bình

Tôi có thói quen không đi cùng một con đường trong một ngày, ngoại trừ con hẻm dẫn vào nhà mình. Vậy nên lần này, sau khi từ Đà Nẵng về Thăng Bình theo quốc lộ 1A, tôi quyết định tìm một con đường khác để ra lại Đà Nẵng.

Má tôi vẫn thường kể trong thời kỳ khó khăn sau năm 86, ba tôi nghỉ làm ở hợp tác xã và trở thành anh thợ mộc kiêm nghề vá xe, má tôi thường đi buôn bán sắt vụn. Mười năm sau khi chiến tranh kết thúc, sắt vụn từ mảnh bom đạn vẫn còn nhiều, đặc biệt rải khắp khu vực xã Bình Dương và những xã vùng cát ven biển. Má đi mua sắt vụn, nếu đến mùa hạt đào thì mua hạt đào (đào là cách người Quảng gọi cây điều, hay còn gọi là đào lộn hột). Lúc đó tiền còn hiếm, má thường đổi mấy cái nồi nhôm, thau chậu rồi quy ra hạt đào. Mà ngày đó cái cân cũng chẳng có nên người ta chỉ nhắm chừng một thúng hạt đào đáng giá một cái thau chẳng hạn, nói chung là thời đó nghèo mà người ta không căn cơ hơn thua như bây giờ. Má đi buôn đến Bình Dương, Duy Nghĩa. Má mang về nhiều câu nghe xa xôi như tận bên Lào. Những địa điểm như Trà Đoã (hay Trà Đoá) ở cánh Bình Đào, Bình Triều nổi tiếng với khoai lang, rồi chợ Nồi Rang ở Duy Nghĩa, rồi Duy Hải… nghe xa xôi quá chừng. Vậy là tôi có niềm tin rằng sẽ có con đường nào đó dẫn đến Duy Hải, rơi vào điểm cuối của sông Thu Bồn đổ ra biển bằng Cửa Đại. Thế là tôi lên đường.

Từ phía nhà tôi đi về Bình Phục bằng một con đường mới rải nhựa băng qua trung tâm sát hạch lái xe Quảng Nam. Tôi khá bất ngờ vì đường sá mới quá, đi lại thiệt dễ dàng. Hai bên đường đã hết những mái nhà tranh, thay vào đó là những căn nhà mới, nhiều căn to vật vã chẳng thua gì biệt thự ở phố, rồi những căn nhà với hàng rào trắng nữa… coi cũng lạ mắt trong khung cảnh nửa quê nửa tỉnh này.

Từ dốc Bình Đào, chỗ gò mả chôn Thảo, bạn học lớp A1 hồi xưa, băng qua cái gò nớ vài cây nữa là tới Bình Tịnh. Khu này, đợt bão Chanchu ngoài khơi có nhiều người chết, nhiều tới nỗi treo cờ tang cả xóm, trông thương lắm.

 

alt

Bảo Huân

Đây rồi, hai bên đường với những đám đất sằm (sằm chỉ đất thổ, canh tác hoa màu mà không thể trồng lúa vì thiếu nước) là nơi gia đình tôi từng trồng mè, tỉa đậu, trồng khoai. Những cái tên như “sằm Huỳnh”, “sằm Tỏi”… dựa trên tên của người khai khẩn đất hoang hơn trăm năm trước, hay sằm phần trăm là đám đất chia lại sau năm 1986 nay hiếm khi được nhắc đến. Tôi dừng lại ngắm đám đất còn vài luống đậu chen lẫn với tường rào, nhà ở.

Tôi nhớ những mùa gió nam hiu hiu thổi vào buổi sáng, đi đuổi chim ở ruộng khô bằng đoạn dây chuối cột cái lon sữa rung cho nó kêu leng keng. Thỉnh thoảng, tôi ngủ quên dưới bóng dương liễu.

Tôi nhớ những mùa cắt mè. Nếu mè đã chín và nứt hạt thì phải cắt nhè nhẹ, vừa cắt vừa trải bao tời phía dưới để rung cho mè rụng bớt. Chở được xe mè về nhà, tay chân mặt mày nhớt nhợt vì bụi mè bám đầy người. Chị và mẹ thường lấy lá mè nấu với nước chùm kết để xả tóc cho mềm mượt. Bây giờ chẳng cần nữa, đã có dầu xả Sunsilk, Dove các loại, khen khét mùi hoá chất mà lại sành điệu.

Tôi nhớ mùa nhổ đậu phộng. Đậu phải nhổ thành từng nhúm một, rồi giũ sạch đất. Tôi và mẹ đi nhổ, ba thì đi gom lại và bó thành từng bó lớn. Đường xuống sằm nhỏ xíu, ba phải để xe bò tận trên trảng rồi gánh từng gánh lên chất trên xe. Đậu đưa về nhà, cả nhà mắc đèn ra tận gốc dừa ngồi rứt đậu. Đêm đến lại luộc đậu tươi ăn như phần thưởng của mùa thu hoạch.

Tôi thở dài rồi leo lên xe đi tiếp. Ba mẹ tôi đã nghỉ làm sằm cả sáu năm nay từ khi chính quyền giải toả khu đất này để xây trung tâm sát hạch lái xe. Họ đền bù cho ba má tôi cả ba đám đất sằm chừng năm bảy triệu gì đó. Vậy nên sáu năm nay, má tôi mua dầu Marvella thay cho dầu phộng, mè cũng phải mua, đậu đỏ nấu chè càng hiếm. Má cũng bớt nuôi heo vì đất sằm đã hết, nuôi heo thì phải ra chợ mua rau lang. Câu chuyện giải toả ở xứ này còn dài lắm với quá trình đô thị hoá phình rộng về phía nông thôn. Người nông dân dần thất nghiệp, số tiền đền bù đủ mua cái xe máy của Tàu rồi chạy tới chạy lui, rồi đụng nhau, rồi nằm viện, rồi chết. Chủ đề này đã thay những câu chuyện về đậu giống, dây khoai trong những buổi chợ trong xóm. Tôi biết mai đây, ven con đường này người ta sẽ đổ nền nhà, phân lô và bán lại. Những mảnh đất sằm vốn teo tóp cũng sẽ biến mất. Chữ sằm cũng sẽ tuyệt chủng, con cháu sẽ coi chuyện trồng đậu trồng khoai như thể tôi nghe chuyện cu-li thời Pháp. Để hình thành một nền văn hoá, chúng ta mất cả thế kỷ. Để phá hủy một nền văn hoá, người ta chỉ cần mở một con đường, mang đến một cái ti-vi.

Quê mình vẫn rứa, nhà cửa khá hơn, đường sá khá hơn, tiền kiếm nhiều hơn nhưng giá cả cao hơn. Những gì quen thuộc của tuổi thơ đang mất dần. Mà mình cũng không biết như rứa là tốt hay xấu nữa, chẳng lẽ cứ giữ mãi cái đẹp và cái nghèo? Nhưng mà mất đi thì buồn thiệt.

Tôi chạy xe dần về phía Bình Dương với một hy vọng le lói, một sự hồi hộp về những điều còn chưa biến mất. Bình Dương vốn nổi tiếng với nghề làm nước mắm. Những năm đầu thập niên 90, thức ăn chính của người nông thôn vẫn là nước mắm. Một chai 65 thì ăn được ba ngày. Thời đó nước mắm không có chất bảo quản, ăn đến ngày thứ năm là nước mắm đổi mùi thối, phải đổ cho heo. Vậy nên mấy cô bán mắm cũng hay lắm, cứ ba ngày là quanh lại một lần để bán mắm mới. Có cô gánh bộ, có cô đi xe đạp tận Bình Dương lên đây. Mấy cô bán mắm ở Bình Dương thời đó còn trẻ lắm, cô nào cũng chừng 15 đến 20 tuổi là cùng. Họ nổi tiếng vì mê cải lương. Cứ hai giờ đêm, các cô lại rời Bình Dương với chiếc xe đạp cột giỏ hai bên đầy những can mắm nước, mấy thẩu mắm cái. Đường thì vắng, các cô thì sợ ma. Để bớt sợ, các cô lại hát cải lương, từ Lan và Điệp cho đến Lưu Bình- Dương Lễ, từ Tình anh bán chiếu cho đến Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Các cô thuộc từng câu vọng cổ, nhớ từng lời thoại. Giọng Quảng đặc chất biển pha với giọng miền Nam nghe ngồ ngộ. Cứ bốn giờ sáng, gà bắt đầu dậy tiếng gáy rồi nín lặng là lúc giọng cải lương của mấy cô bán mắm vọng vào. Xe cộ trên quốc lộ thời đó cũng vắng, cứ dậy sớm là có được bài ca buổi tinh mơ thiệt mùi mẫn. Mấy chị bán cá dưới biển thương lắm, nói giọng khác hẳn trên xóm mình. Cá thì nói là cóa, tươi thì nói là tư, và họ nói to lắm. Xưa, cái chị gái bán mắm cho nhà tôi có đôi mắt thiệt xinh. Chị không nói được vần on, cái gì chị cũng đọc thành an, ví như 2 lon gạo chị nói thành 2 lan gạo. Bọn mình cứ ghẹo sao chị nói sai mà nói hoài, chị cãi lý: tau nói cái lan, thì tao kêu bớ làng, chứ bạn bay nói cái lon thì bay kêu bớ l. sao! Chuyện nhảm dzậy mà cứ nhớ hoài.

Về quê vẫn tình cảm. Mỗi lần về lại nghe ba má nói chú A, cô B, ông C, bà D mất rồi. Có khi ngồi nhổ tóc cho má, kể chuyện xưa, nhắc lại cho má nghe người này người nọ, má nói người đó chết 4-5 năm rồi. Tự dưng thấy buồn!

Tôi giật mình nghe tiếng còi xe sau lưng. Một người đàn ông vượt qua xe tôi, trên xe chất đầy nước mắm Nam Ngư, làm từ cá cơm Phú Quốc – theo như giới thiệu của nhà sản xuất – chạy về phía làng. Bình Dương không còn nghèo nữa, không còn dậy mùi nước mắm nữa. Không còn cô bán mắm, không còn những rặng dương liễu dày đặc. Phía trước, một mái đầu nhuộm vàng hoe của cô thôn nữ với chiếc áo màu vàng choé, lấp lánh hạt cườm đính hiệu Bebe đang lọc cọc guốc cao gót bên đường. Tôi chạy xe hướng về phía chợ Nồi Rang, lại tiếp tục một hy vọng khác.

PTLP