Menu Close

Giữa lằn ranh mong manh – Kỳ 4

alt

“Tôi  nhìn tôi trong gương”

1
Căn phòng tuyền một màu gam đen ngạt thở, ngay cả bụi bặm cũng phủ một lớp âm khí. Trong căn phòng bệnh viện hoang phế này, có mùi của sự chết. Đêm như ngậm những bức tường ẩm tối. Giấc ngủ vẫn khước từ tôi. Tôi thức dậy bước quanh phòng, gắng tống khứ những u uẩn ra khỏi tâm tưởng.

Cái bàn chải ậm ừ trong miệng. Tôi lắng nghe tiếng giọt rỏ trong bồn rửa mặt. Tôi nhìn người đàn bà qua lớp gương mờ – tái nhợt như một cái xác chết di động. Gương mặt người đàn bà còn tinh tươm những trăn trở, héo úa. Cơn hoảng loạn còn in sâu vào đồng tử, nó trao tráo vào gương như mắt của một con cá đang mắc vào chiếc lao móc.

Bộ quần áo vẫn tự ái âm ẩm suốt hàng chục giờ trên cánh cửa phòng tắm. Nỗi lo buồn chẳng biết máng vào đâu. Tôi lấy cái áo trong balô, chui tọt trong cánh áo rộng thùng của chồng. Nước mắt chực ứa, một nỗi buồn thênh thang, khập khễnh đến khốn cùng.
Tôi gắng vững đôi chân sau cơn chấn động, cảm giác như đang chịu đựng một bản án lưu đày, tận cùng nỗi cô độc. Trong đêm tối hay ánh sáng – chỉ mình tôi – mù lòa với số mệnh. Tôi chờ đợi một điều gì đó mà tôi đã không còn ý thức. Nó đã đến hay chưa qua?

Lũ chuột động cỡn suốt khuya, phiên chợ muỗi đen nghịt nhưng chỉ bấu víu ngoài cánh mùng.  Tấm vải mùng phơ phất như một cái rèm cửa trên chiếc nệm giường bệnh nhân xơ xác. Và cả những giấc ngủ cũng mê phủ ám đầy ác mộng…

Tôi lên giường, cố dỗ lại giấc ngủ trong cơn đói  dằn vặt. Tôi mơ về những “bữa cỗ” thịnh soạn ở khách sạn. Mùi thịt trừu nướng, những miếng beef steak mềm tan trong miệng; những miếng ‘dăm bông’ ngầy ngậy kèm với pho mát. Những đĩa trái cây mát lạnh đầy hương vị nhiệt đới. Những chiếc bánh kem tráng miệng đầy dụ dỗ. Rượu sóng sánh, ly café sớm dậy mùi hương bản xứ… Tôi đã sống trong một thế giới với những phút giây tuyệt vời. Và cả với những phút giây bi thảm tận cùng.

Ở dưới đáy âm ty, tôi mơ về giấc mơ thiên đàng.

alt

Cặp đôi văn sĩ Trần Vũ, Thanh Mai không mặn mà với  “sa pô chê”, phó nhòm Andy cũng chẳng biết thưởng thức.  Bịch trái cây ngon ngọt của xứ sở Jamaica chỉ mình tôi “tự biên tự diễn.”

2
“Bà Hanna, chồng bà vừa tỉnh dậy và muốn gặp bà,” Bailey – một nhân viên bệnh viện đánh thức tôi bằng mấy tiếng gõ cửa cùm cụp. Tôi tốc tung mùng, chân vừa chạm đất, cảm giác một vật mềm nhũn dưới lớp da chân. Tôi kéo dài tiếng chửi thề. Chụp vội tờ giấy, và nắm lấy cái đuôi một sinh linh bé nhỏ đang dạng bốn cẳng bất động trên sàn nhà.  

“Bailey, ông nhìn nè,” tôi nghe hơi thở mình hổn hển, “Tôi khó thể chấp nhận được mình phải trả cho cái giá $115 một đêm để đổi lấy điều này.”

“Chỉ là một con chuột nhắt thôi mà,” Bailey, vẻ chống chế như chuyện thường ngày ở huyện.

“Đúng, nó chỉ là con chuột nhắt đã tắt thở. Nhưng chẳng ai muốn trả với một cái giá $2,000 đô mỗi ngày để vào nằm trong cái bệnh viện chứa đầy những vi trùng dơ bẩn!”, tôi gắng trấn áp cơn bực tức đang hồi sủi bọt.

 “Xin lỗi bà, tôi sẽ gắng đặt cái bẫy đêm nay,” Bailey ra vẻ nhún nhường.

“Ông vui lòng nhắn lại giùm chồng tôi, là tôi sẽ có mặt liền,” tôi dằn tiếng thở dài. Ở một miền đất giữa sự sống và cái chết, trái tim tôi chợt nhân đạo hơn với cuộc đời.

3
Y tá chích thuốc. Anh than, “Y tá một ngày chích nhẹ, sáu ngày chích đau.” Tôi xốn xang nhìn cơ thể anh gầy rộc, bộ râu lùm sùm như cái sân cỏ hoang của nhà hàng xóm. Cánh tay chằng chịt dấu kim đâm. Tôi quay mặt, gắng giấu những giọt thút thít trước mắt anh.  

“Ah, hôm nay em mặc áo của anh trông cute, honey” anh cười ấm áp.

“Mang theo toàn là đồ đi biển mỏng manh.  Đồ giặt mấy ngày tự ái không chịu khô, may mà có cái áo rộng thùng của anh để che thân.” Tôi cợt đùa.

“Em đã hỏi ông Bailey mượn được cái mùng chưa?” anh lo lắng nhìn tôi.

“Bailey chu đáo lắm, còn kiếm thêm cái bẫy để …” Tôi chợt ngưng phắc như bị hớ lời. Trên da tôi cồm cộm những vết muỗi, anh đã chẳng an lòng; huống gì một cái bẫy lũ chút chít trong căn phòng hoang phế. Tôi lại còn muốn “giếm” luôn những mối lo âu tài chính. Cái con số “$2,000 đô” lệ phí được tính từng ngày, chỉ sớm làm anh… tắt thở như con chuột nhắt sáng nay!  

Anh vẻ như rất đói. Dr Mark dạo ngang, nhắc nhở, “Andy, đừng nên ăn quá nhiều, nguy hiểm!” Lời cảnh báo tựa chiếc xe đang ngon trớn bỗng thắng gấp. Anh bỏ nĩa, đẩy đĩa thức ăn sang tôi, “Em ăn giùm anh đi honey.”  Tôi sợ anh đói, sợ anh không còn sức. Và cũng sợ anh thôi thở!  

Dr. Mark đến bên giường, nheo mắt hóm hỉnh,  “Chuẩn bị dạo mát chứ, Andy?”

Hơn mấy chục giờ đồng hồ bị bó buộc bởi cơn đau, nỗi khổ cũng chật cứng như chu vi chiếc giường bệnh. Cặp cẳng anh lẩy bẩy, chập chững như những bước chân của đứa trẻ mới tập đi. Dr. Mark gọi nó là “baby step”.

“Khá tốt rồi, ông sẽ phải tập đi 10 phút, mỗi ngày 2 lần,” Dr. Mark gật gù hài lòng.

 “He’s in good hands,” câu nói trở thành bản năng của người thầy thuốc, “Tình trạng sức khỏe ông đã khá khả quan, tôi có thể tin tưởng để giao ông nhà lại cho bác sĩ John. Tôi cần vài ngày phép để về thăm gia đình.” Cơn mừng vui chưa trọn vẹn, tôi đã tiếc ông, người “thầy thuốc” mang niềm tin hy vọng đến tôi trong cơn triền miên khủng hoảng.

Những đợt sóng của hạnh phúc lẫn đớn đau tràn qua tôi. Tôi quay mặt đi, chỉ sợ mình bật khóc.

alt

Andy Nguyễn với những bước “baby step” cùng với Dr. Mark. “Tác nghiệp” bằng Galexy S3!

4
Đôi vớ nhờ Bailey mua vẫn chưa tới… chân của người bệnh. Đôi cẳng tong teo của anh vẫn hiu hẩm co lạnh.  

“Honey, em cần đi mua một ít đồ dùng,” tôi thì thào vào tai anh.

“Em cần mua gì?,” anh đầy vẻ hốt hoảng, “Ngoài kia đầy rẫy những bất an, anh lo lắm!”

“Bây giờ là ban ngày mà, ông Bailey chỉ chỗ em đi rồi,” tôi đầy vẻ thuyết phục.

“Em đi mau rồi về. Anh không muốn xa em lúc này honey” anh thở dài, siết tay tôi bịn rịn.

Tôi hôn anh, quay bước thật nhanh, “Em sẽ về liền, honey” .

5
Trong cô đơn, trong bối rối, tuyệt vọng. Những điều tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lấp đầy sự trống rỗng trong trái tim tôi. Tôi rưng rức khi nghe giọng Thanh Mai trên phone, “Mai và Vũ muốn đổi vé để ở lại vài ngày cùng lo cho Andy. Tội nghiệp, Hạnh một mình lẻ loi ở xứ người.” Ở lại – một từ tuyệt diệu trong ngôn từ của tình bạn. Tôi can ngăn, dẫu hiểu những chia sẻ đầy chân tình của những người bạn. Tôi nhớ cái siết tay đầy che chở của Thanh Mai, nhớ những ân cần tinh tế của Trần Vũ. Tôi luôn bị thuyết phục bởi giá trị của tình bạn. Và học được nguyên tắc của cuộc đời – trở thành người “chơi tốt” trong cuộc chơi bằng hữu.  

Sự căng thẳng như mai phục ở mọi góc đời. Chống chỏi với con số vắn vỏi $2,000 đô tiền viện phí mỗi ngày, tôi lao đao mỗi giây phút nơi xứ người. Khi tử sinh thách thức mọi đối mặt, tôi đối kề với những đong và đếm. Gạt và lường. Ở một xứ sở mà người ta sống, ngồi trong dối trá và sự bất hạnh. Đồng tiền trở thành lá bùa của định mệnh. Sự truyền máu được thực hiện từ túi này sang túi khác!

Tôi chẳng hề muốn quỵ ngã trước tuyệt vọng. Bất kể đầu óc đờ đẫn. Đôi mắt sưng húp. Bộ dạng thất thểu… Nỗi sợ hãi buộc tôi tiến hóa để thích nghi.

Con đường hun hút bụi và rác. Tất cả, đều lạ lẫm và đầy chịu đựng. Tôi gắng trút bỏ những run sợ, vác cái balô trên vai, lủi thủi bước. Tôi chỉ mong tìm mua cho anh một đôi vớ…

alt

Tác phẩm “Thác và Người” của phó nhòm Đặng Mỹ Hạnh

ĐMH