Menu Close

Tơ tình vương vấn (09-03-2014)

Câu hỏi kỳ này

Em làm kế toán cho một công ty sợi nhựa và quen anh ấy qua lần ảnh về thăm Việt Nam Tết rồi. Nhà của chị ảnh có quán nước sát với công ty em làm và hai đứa quen nhau từ đó….

Anh ấy đang bảo lãnh em sang Mỹ, em rất lo lắng cho tương lai của mình, vì công việc của em là kế toán gần 10 năm nay, nhưng qua Mỹ thì nghe nói phải học lại từ đầu và tuổi của em chắc khó mà đi học nổi (năm nay 29 tuổi), nhất là ảnh quyết định phải có con sớm (ảnh 41).

Khi bàn tính về việc làm, cuối cùng, ảnh chọn cho em nghề nail. Ảnh nói nghề này học nhanh, người Việt mình khéo tay dễ có tiền mà dì của ảnh có một tiệm cứ thiếu thợ hoài. Ảnh sẽ gởi ở đó làm cho đến khi có bằng. Rồi ảnh gởi cho em một mớ dụng cụ để thực tập và tài liệu tiếng Việt để tìm hiểu trước.

Em lên mạng search thêm tư liệu thì thấy nhiều bài viết có vẻ hơi “đả kích” người làm nail và nhiều câu chuyện lùm xùm quanh họ. Em cũng đâm lo. Mẹ em thì bảo nghề nào cũng nghề, lương tâm trong sáng là được. TTVV có ý kiến gì về công việc tương lai của em không?

(Thủy Tiên, Gò Vấp)

Trả lời của bạn đọc:

Ted Ngọc Tâm

Những ai làm nails thì đã hiểu. Còn những ai chưa từng làm nails hoặc sắp làm nails sẽ biết thêm. Tôi viết từ kinh nghiệm bản thân chứ không đâu. Đa phần những ai vừa định cư qua Mỹ cũng đều chọn ngành này để nuôi sống gia đình và bản thân.

Dầu có bằng đại học ở Việt Nam, ngoại ngữ chính là English nhưng tiếng Anh không rành, gia đình cho tôi vô trường nails. Tôi học rất nhanh vì có lẽ trong người đã có sẵn máu yêu “nghệ thuật”.

Năm đầu, chưa có kinh nghiệm, tôi luôn bị chủ, thợ, khách ăn hiếp… Tôi phải nhờ những người rành tiếng Anh thông dịch, có khi tôi bị họ chơi, dịch bậy để tôi làm sai rồi bị khách quậy. Cầm cái bằng đi xin việc hết tiệm nails này tới tiệm nails khác với mong muốn họ đối xử với mình giống như người đồng nghiệp.

Có lần tôi lại xin được một tiệm mà không biết ông chủ nổi tiếng… dê xồm. Những cô thợ nào trẻ đẹp đều bị dụ dỗ. Bà vợ của ổng nổi tiếng là hoạn thư. Có lần 1 người thợ nữ trong tiệm đi ngủ khách sạn với ổng. Bà ấy biết được, hai người đánh lộn tại tiệm. Tôi xin nghỉ. Tôi thầm mong chỉ cần một người chủ biết điều, những người thợ hoà nhã để tôi có thể ngồi lâu một chỗ để kiếm tiền nuôi gia đình.

Hơn mười năm đi làm tôi tiếp xúc cả hàng ngàn loại khách. Khách giàu, khách nghèo, khách học thức, khách ít học, khách trắng, khách đen, khách Á Châu… Loại khách mà tôi không thích là người da đen. Không phải tôi kỳ thị hay này nọ, cũng có người tốt người xấu, nhưng đa phần xấu nhiều hơn, họ  hay chôm chỉa nước sơn, ăn cắp tiền tip, yêu cầu làm đủ thứ mà không muốn trả tiền, kiếm chuyện rồi chạy. Ác cảm cũng chỉ để trong lòng thôi, chứ làm ăn thì cũng phải cần họ.

Tiệm nails đầu tiên tôi mua trong khu trung tâm người Việt với một số vốn ít ỏi. Chỗ nào càng đông người Việt ở là chỗ đó càng cạnh tranh khốc liệt. Giá đã thấp mà đối phương còn treo bảng giảm giá thêm, free cái này, tặng cái kia… Cuối cùng phải bỏ và trời thương tôi tìm mua một tiệm ở tiểu bang khác, xa xôi nhưng có thu nhập tương đối…

Mong là cho bạn một số kinh nghiệm trong nghề. Chúc bạn học hỏi để thành công!

Lynh Kim

Theo như tôi biết thì cô Thủy Tiên nên học tiếng Anh ở VN cho giỏi.  Khi đến Mỹ nên nói ông chồng xin cho cô vào học lớp Anh văn ở trường college ít nhất 2 năm, rồi xin financial aid để đi học kế toán (accounting) vào năm thứ 3.  Phải ở Mỹ 2 năm mới xin được financial aid của chính phủ.  Cô đã học kế toán ở VN rồi thì học lại rất dễ.  Học 2 năm rồi tìm việc làm.  Nghề này dễ kiếm việc, nhàn hơn là nail, và lương cao hơn.  Trong thời gian 2 năm đi học có thể xin làm part time nail để có thêm tài chánh.

Làm nail có tiền, nhưng tính ra thì lương thấp hơn, vì phải làm 10 tiếng hay hơn mỗi ngày, và có khi làm 7 ngày 1 tuần.  Trong khi đó làm kế toán cho chính phủ hay các hãng tư nhân thì chỉ làm 40 giờ mỗi tuần.  Ngoài ra làm nail còn có hại cho sức khỏe cả mẹ và con nếu cô có con.

Các chỗ làm nail đều đăng báo tìm người làm với số lương tuần, nhưng không bao giờ ghi rõ số giờ làm trong 1 tuần.

alt

Bảo Huân