Menu Close

Google… cùng nhìn lại

Thập niên 1990 của thế kỷ trước, Internet phát triển nhanh chóng. Những trang web lớn nhất thế giới như Google, Facebook, hay YouTube lần lượt xuất hiện. Cả thế giới sử dụng và xem Google như một phần thân thuộc khi làm việc trên khung trời cyber, nhưng không mấy ai biết người sáng lập ra website khổng lồ này là Sergey Brin – một thanh niên chào đời tại nước Nga năm 1974. Khi Sergey vừa đúng 5 tuổi, gia đình anh di dân đến Hoa Kỳ, theo chương trình định cư dành cho người gốc Do Thái vào năm 1979. Hai mươi lăm năm sau, chàng thanh niên nhiệt tình, tích cực, luôn tươi cười, đã trở thành một biểu tượng đặc biệt của Thung Lũng Silicon đầy nhân tài – những người đã tạo ra cuộc cách mạng công nghệ thông tin vĩ đại cách đây mười năm. Cha của Sergey là ông Mikhail Brin – cựu giáo sư dạy toán –  tìm được việc tại Đại Học Maryland, nơi sau này Sergey theo học Khoa Toán và Tin Học. Còn mẹ của anh làm việc ở Cơ Quan Hàng Không Vũ Trụ NASA. Sinh trưởng trong bầu không khí khoa học, Sergey bộc lộ năng khiếu về toán và niềm đam mê điện tử rất sớm. Khi mới học Lớp Một, anh đã đề nghị với thầy giáo phương pháp điều hành việc in ấn – một phát minh rất thực dụng, khi ngành công nghệ máy tính bắt đầu xâm nhập vào các gia đình của người Mỹ. Cha mẹ của Sergey nói rằng: “Ngoài máy tính, anh không tha thiết đến bất cứ thứ gì khác.” Sự đam mê này giúp Sergey nhận bằng cử nhân tại Đại Học Maryland lúc 19 tuổi. Sau đó Khoa Computer Science của Đại Học Stanford mời Sergey làm luận án tiến sĩ, với đề tài “Lập hệ thống theo dõi những vi phạm về quyền tác giả.”

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Sergey là lúc anh lập ra hệ thống tìm kiếm trên Internet. Cùng với Larry Page, Sergey thảo chương trình tìm kiếm các files HTML – nền tảng của website Google. Phiên bản đầu tiên của Google xuất hiện trên tên miền của Đại Học Stanford, giúp Sergey và Larry được mời giảng dạy môn “Phân Tích Dữ Liệu Tìm Kiếm Trên Mạng Lưới Internet.” Sergey được dành một phòng làm việc, trong tòa nhà mang tên Bill Gates – ông chủ tập đoàn Microsoft. Chính Bill Gates là người chi tiền xây những tòa nhà mới, cho Khoa Vi Tính của Đại Học Stanford. Tưởng cũng nên biết Larry Page là con trai của ông Carl Victor Page – một giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, tại Đại Học Michigan. Larry có bằng cử nhân khoa học ngành kỹ sư máy tính hạng danh dự của Đại Học Michigan, và bằng thạc sĩ tại Đại Học Stanford. Nhưng vòng nguyệt quế và vinh quang của Larry của Sergey suýt rơi vào tay kẻ khác. Ngay sau khi Google bắt đầu hoạt động, đôi bạn quyết định bán đứa con tinh thần  cho một công ty Internet nào đó, thay vì phát triển một chương trình tìm kiếm độc lập. Tuy nhiên việc thương lượng với các ông chủ lớn lúc bấy giờ không thành, bởi vì các công ty Internet cho rằng nên đầu tư vào trò chơi điện tử, vào các thông báo chỉ số chứng khoán và các dịch vụ béo bở khác. Chẳng ai thèm ngó ngàng đến Google của hai chàng thanh niên bị xem là có những ý tưởng điên rồ. Đến cuối năm 1998, mạng lưới tìm kiếm với tên miền Stanford mỗi ngày có tới 10,000 người sử dụng, trong đó trang Google chiếm một nửa số lượng. Ban lãnh đạo của Đại Học Stanford buộc Sergey phải đóng cửa Google, để không làm nghẽn mạch Internet của các bạn đồng nghiệp. Sergey buộc lòng phải biến Google thành một dự án độc lập. May thay nhà sáng lập Sun Microsystems và Granite Systems – lúc đó là Andy Bechtolsheim – đã đánh giá đúng tiềm năng của dự án về Google. Và Sun Microsystem tài trợ $100,000 Mỹ kim  cho Sergey. Đôi bạn Sergey Brin và Larry Page bắt đầu thực hiện mộng tưởng. Mùa hè năm 2000, hợp đồng giữa Google và Site Yahoo được ký kết, và năm 2001 công ty bắt đầu sinh lợi. Mặc dù phải xếp lại luận án tiến sĩ, nhưng mơ ước của Sergey đã thành sự thật. Năm 2004, Google tuyên bố ghi tên vào thị trường chứng khoán. Các chuyên gia dự báo giá trị cổ phiếu  của Google có thể lên đến 20 tỷ Mỹ kim, khi bắt đầu giao dịch.

Năm 2007 Sergey Brin và Larry Page được tạp chí PC World bình chọn là hai nhân vật quan trọng số một, trong số 50 người quan trọng nhất của thế giới website. Hai nhà sáng lập Google đã mở ra công cụ tìm kiếm mới cho cả thế giới. Nhờ vậy việc tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thế giới  cũng bằng phẳng hơn nhờ công nghệ thông tin, và Google đã góp phần không nhỏ trong lãnh vực này.  Hiện nay Google Inc. là công ty tư nhân có trụ sở Googleplex tại Mountain View, tiểu bang California. Larry Page là giám đốc sản xuất, Sergey Brin là giám đốc kỹ thuật – cả hai chàng trai đều ở độ tuổi 40. Google tiếp tục là công cụ tìm kiếm hàng đầu trên Internet, cho dù thị trường có phần nào giảm sút sau Yahoo!  Tên “Google” là một lối chơi chữ của “từ googol” bằng 10100  … Google chọn tên này để thể hiện sứ mệnh của công ty, là sắp xếp số lượng thông tin khổng lồ trên khung trời cyber. Googleplex – tên trụ sở của Google, có nghĩa là 10googol.

 Google liên tục cho ra các sản phẩm mang lại nhiều tiện ích và gia tăng giá trị cho khách hàng, như  Google Earth, Google Desktop, Google Image, Google Book, Google Chrome, Google Translate… Google còn phát triển các sản phẩm và dịch vụ hướng dẫn, gần gũi với ngôn ngữ của các quốc gia, tạo ra sự thân thiện trong giao tiếp với khách hàng. Mỗi một quốc gia có trang Google, thể hiện theo chữ viết của từng quốc gia. Ngày 5 tháng 1 năm 2010, Google cho ra mắt điện thoại Nexus One, sản phẩm cộng tác với hãng điện thoại HTC. Nexus One chạy trên nền hệ điều hành Android 2.1 (cũng do Google phát triển), được cho là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với iPhone của Apple. Hiện nay thế giới đã chứng kiến 5 đời điện thoại Nexus, 2 đời tablet Nexus 7” và 1 đời tablet 10”…

Google là minh chứng của niềm đam mê không ngưng nghỉ, của sự sáng tạo bất tận. Google cũng cho thấy con đường thành công chẳng bao giờ bằng phẳng. Muốn đạt được bất cứ một điều gì đó bạn phải có niềm tin vào bản thân, phải xác định được bạn yêu thích điều gì, có thực sự sẵn sàng sống hết mình vì niềm đam mê đó hay không. Và “hãy quan tâm tới điều không thể, hãy thử làm những gì mà hầu hết mọi người chưa nghĩ tới”  – đây là phương châm của những người sáng lập Google, và phải chăng cũng là phương châm của những ai say mê sáng tạo.

alt

Larry Page và Sergey Brin NGUỒN HONGKIAT.COM

HV – 4:05am Thứ Hai ngày 25 tháng 8 năm 2014