Thưa Bác sĩ. Cách đây vài ngày vợ em kêu là tại sao gân hai tay, phần ở gần cổ tay nổi lên rất rõ đồng thời cảm thấy nặng và đau ở những đường gân đó. Cách đây một năm,vợ em cũng có dấu hiệu bị dãn tĩnh mạch chân (BS ở đây nói thế) nhưng vợ em chưa uống thuốc trị bệnh này lần nào.
Đi dạy về thỉnh thoảng thấy hai chân hơi sưng phù một chút ( có lẽ do đứng nhiều).
Chiều nay vợ em đi khám bệnh ở BV thì BS hẹn hôm khác đi sớm để siêu âm tĩnh mạch xem sao.
Vợ em tỏ vẻ lo lắng nhiều về bệnh này.
Rất mong BS xem xét cho trường hợp của vợ em. Nếu thật là bệnh dãn tĩnh mạch thì cách điều trị hiệu quả sẽ như thế nào ạ.
Xin cảm ơn BS rất nhiều. Dũng Trần
Đáp
Xin nói về bệnh dãn tĩnh mạch ở chân trước, rồi trả lời câu hỏi của bạn sau.
Dãn tĩnh mạch chân và bàn chân là bệnh thường xảy ra và bất cứ một tĩnh mạch nào cũng bị dãn, đặc biệt là tĩnh mạch nổi dưới chân và bàn chân. Lý do là con người thường xuyên đi đứng, đôi khi ngồi lâu, cho nên có áp lực lên dòng máu từ tĩnh mạch chảy ngược lên phần trên của cơ thể.
Bình thường, tĩnh mạch rất nhỏ, nom như cái màng nhện trên da nhưng cũng có trường hợp tĩnh mạch dãn quá lớn, nom giống như những con giun ngoằn ngoèo bám vào chân.
Nguyên nhân
Người tuổi cao thường hay bị dãn tĩnh mạch vì tĩnh mạch giảm tính đàn hồi, dãn ra thêm vào đó các van tĩnh mạch yếu, không đóng kín cho nên máu dội ngược xuống phần dưới làm cho tĩnh mạch ứ nhiều máu.
Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng hay bị bệnh này, vì thai lớn ép vào thành bụng, gây trở ngại cho máu từ chân lên phía trên cơ thể, do đó máu cũng tụ lại dưới chân. Tương tự, người mập quá ký cũng hay bị bệnh.
Nữ giới thường bị bệnh hơn nam giới.
Biến chứng
Vì máu tụ lại phía chân, lâu ngày đưa tới tổn thương tế bào khiến cho da chân hay bị loét. Đồng thời máu giảm lưu thông cũng tạo ra các huyết cục trong tĩnh mạch.
Điều trị
May mắn là bệnh dãn tĩnh mạch hạ chi cũng dễ dàng điều trị tại phòng mạch và bệnh nhân cũng có thể tự mình giảm thiểu rủi ro gây ra bệnh này.
– Về phía bệnh nhân: Năng vận động cơ thể, giảm cân, không mặc quần áo quá chặt ở vùng bụng trở xuống dưới; khi ngồi năng nâng chân cao nhất là tránh đừng đứng hoặc đi lại quá nhiều.
Bệnh nhân cũng có thể mang tất đàn hồi ôm chặt chân, tránh máu ứ đọng làm căng tĩnh mạch.
– Về phía bác sĩ
Có nhiều cách để chữa bệnh này, như là:
1-Chích thuốc làm teo mạch máu bị dãn;
2.Dùng tia laser đốt tĩnh mạch bị dãn;
3-Cắt bỏ tĩnh mạch dãn nổi ở chân;
4.Với tĩnh mạch dãn lớn, bác sĩ có thể đưa một dụng cụ vào tĩnh mạch, dùng nhiệt để đốt chỗ dãn quá lớn.
Thêm vào đó, phụ nữ không nên mang giầy, guốc với gót quá cao và không nên ngồi tréo chân để máu lưu thông dễ dàng.
Xin để ý là trong bệnh dãn tĩnh mạch, các tĩnh mạch nằm sâu dưới da chân vẫn làm việc như thường lệ: các van tĩnh mạch vẫn khép kín, chặn không cho máu dội ngược xuống phía dưới.
Trở lại trường hợp của vợ bạn, nổi gân ở cổ tay có thể cũng là do các tĩnh mạch bị dãn ra, máu tụ nhiều, gây ra hơi nặng và đau đau. Nên nói với bác sĩ làm siêu âm hoặc khám coi xem có bị bệnh nào khác ngoài dãn tĩnh mạch.
Làm siêu âm là để coi xem các van tĩnh mạch có hoạt động tốt hơn cũng như để coi xem có cục máu nằm trong đó. Siêu âm không gây đau và được thực hiện dễ dàng bởi một người chuyên về xét nghiệm này. Thành ra vợ bạn cứ yên tâm để bác sĩ làm siêu âm. Trong khi chờ đợi, nên thực hiện các phương thức cá nhân tự chữa như đã nói ở trên.
Xin bác sĩ cho biết khi bị bệnh Thống phong cần phải làm gì và chữa như thế nào?
Cảm ơn bác sĩ. – Mr Xuân Điềm
Đáp
Xin lưu ý là sau đây chỉ là những ý kiến tổng quát để ông hiểu thêm về điều trị bệnh Thống phong. Ông cần theo đúng hướng dẫn của bác sĩ gia đình.
Thống Phong là một loại viêm khớp với đặc tính là tăng mức độ uric acid trong máu và sự kết tụ tinh thể urate trong mô bào. Acid này đến từ chất purines trong một số thực phẩm và từ sự chuyển hóa căn bản của cơ thể. Mức độ trung bình uric acid trong máu là 6.8 mg/dl.
Mục tiêu của điều trị là làm sao giảm thiểu các cơn đau cấp tính, ngăn ngừa cơn đau tái phát và tránh sự gia tăng lượng uric acid trong máu.
Thuốc chống đau viêm không steroid như ibuprofen (motrim), indomethacin (Indocin), naproxen (anaprox), etodolac…đều có thể kiểm soát các cơn đau cấp tính trong vòng 48 giờ.
Tác dụng ngoại ý của các thuốc này là cồn cào, xuất huyết bao tử, giảm chức năng của thận.
Khi các dược phẩm nêu trên không hiệu nghiệm, thuốc loại steroid có thể được dùng.
Thuốc cổ điển Colchicine có nguồn gốc cỏ cây vẫn còn được dùng và có tác dụng rất tốt với các cơn phong thấp cấp tính cũng như để ngăn sự tái phát của các cơn viêm đau.
Thuốc allopurinol (Zyloprim) được dùng khi acid uric lên cao vì tăng sản xuất.
Trường hợp uric acid lên cao vì thận giảm bài tiết, cần dùng thuốc loại probenecid (Benemid, Probalan) hoặc sulfinpyrazone.
Trong cơn đau, nên nằm nghỉ, nâng cao khớp viêm hơi cao hơn thân mình một chút với cái gối nhỏ để tránh dịch nước ứ đọng ở khớp và giúp giảm viêm sưng.
Khi khớp bớt viêm, nên cử động khớp thường xuyên để tránh cứng khớp đồng thời sức mạnh các bắp thịt và gân ở xung quanh.
Chườm lạnh khớp bệnh vài lần trong ngày, mỗi lần 20 phút để giảm viêm sưng và đau.
Y học cổ điển tây phương có câu nói “Once gouty, always gouty”, một khi đã bị thống phong thì thống phong suốt đời.
Tuy nhiên với các phương thức trị liệu hiện nay, thống phong có thể thuyên giảm và người bệnh tiếp tục sống đời sống sinh động bình thường.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể giảm thiểu các rủi ro gây bệnh, như là:
a.Giảm thiểu thực phẩm có nhiều purines.
b.Vận động cơ thể đều đặn.
c.Uống nhiều nước không có rượu. Nước giúp thận loại bỏ uric acid khỏi cơ thể, trong khi đó rượu bia lại tăng chuyển hóa purine ra acid này ở trong gan.
d.Giảm cân nếu mập phì nhưng không giảm quá nhanh để khỏi bị thiếu dinh dưỡng, thống phong xuất hiện nhiều hơn.
đ.Duy trì huyết áp ở mức bình thường để tránh hư hao thận, giảm bài tiết uric acid.
e.Ăn nhiều rau trái cây tươi.
g.Tiêu thụ số lượng vừa phải sữa, pho mát.
h.Thử nghiệm acid uric khi đau khớp cấp tính để kịp thời sớm khám phá bệnh.
Thực hiện được như vậy thì ta tránh được thức giấc nửa đêm, ôm trái nhót đỏ hỏn ngón chân cái mà xuýt xoa kêu đau.
NYD