Dyslexia là một chữ không phụ huynh nào muốn nghe khi nói đến con em mình. Đứa trẻ gặp khá nhiều khó khăn với việc đọc chữ. Một thế kỷ trước, dyslexia có tên là “word blindness” hay “mù chữ”, nhìn thấy nhưng không thể đọc ra chữ. Chứng “bệnh” này hiện diện trong khoảng 15% cư dân Huê Kỳ.
Các chuyên viên thế giới từ đó đã tìm hiểu về căn “bệnh” này, cách chẩn đoán và chữa trị; và trong tiến trình nghiên cứu ấy, họ khám phá ra một khả năng đặc biệt của người bị chứng dyslexia.

Dyslexia khá phức tạp, khoa học chưa biết nhiều chi tiết về chứng bệnh bẩm sinh ấy nhưng đã khám phá và chứng minh được một số chi tiết về khả năng nhận thức đặc biệt của những người bị dyslexia. Họ có thể nhìn [thấy] và nhận rõ những hình ảnh bên ngoài “visual field”. Visual field là một khoảng không gian mà mắt bình thường có thể nhìn thấy những vật thể hiện diện trong vùng không gian ấy. Tiến Sĩ Gadi Geiger và Tiến Sĩ Jerome Lettvin, hai chuyên viên về khoa học “tri thức,” cognitive science, tại the Massachusetts Institute of Technology, đã dùng một dụng cụ tên tachistoscope để chiếu rọi rất nhanh những hàng chữ từ tâm điểm đến bên ngoài bìa “visual field” của người xem.
Người trung bình chỉ có thể đọc ra những chữ nằm trong tâm điểm visual field trong khi những người bị dyslexia đọc ra cả những chữ ngoài bìa. Nói giản dị là người bị dyslexia có một visual field rộng lớn hơn người bình thường.
Dyslexia là một chứng “bệnh” dai dẳng, ảnh hưởng rất sâu đậm đến việc học hỏi và là chứng bệnh thông thường nhất của trẻ em trở ngại trong việc học hỏi, “learning disability”. Theo tài liệu của Bộ Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ, the National Institutes of Health, khoảng 15% dân số Hoa Kỳ gặp khó khăn khi đọc chữ.
Người bị dyslexia thường gặp nhiều trở ngại trong việc đọc, viết, đánh vần, làm toán, và đôi khi cả lúc chơi nhạc. Tỷ lệ bị dyslexia cao gấp 3 lần trong các em trai so với các em gái.
Người bị dyslexia thường đọc từ phải sang trái, “thấy” chữ ngược với thứ tự bình thường [nên họ đọc không ra là chữ gì]. Nhưng đây không phải là yếu tố quan trọng nhất, không thể nhìn ra hình thể của chữ, mà não bộ của người bị dyslexia hoạt động một cách khác thường, thiếu khả năng “bẻ” từng mẫu tự trong một chữ viết khiến họ khó nhận ra âm thanh của chữ viết khi đọc thành lời.
Dyslexia có thể ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau của tri thức. Trẻ em bị dyslexia thường bị xem như “lười biếng”, thiếu “nghị lực” dưới mắt thầy cô và phụ huynh. Thực ra dyslexia tạo ra nhiều khó khăn khiến đứa trẻ chán nản và không muốn học.
Dưới một khía cạnh khác, người “bị” dyslexia là những người có thị giác rất nhạy, “thấy” nhiều hơn người bình thường; về mặt tri thức họ bén nhạy trong việc nhận thức, có óc tưởng tượng phong phú và nổi trội khi làm theo. Tạm hiểu là khi học bằng cách thực tập thì những người bị dyslexia học rất nhanh và rất giỏi. Họ là những nghệ sĩ có tài và có óc sáng tạo trong việc thiết kế, tính toán và suy tưởng bên ngoài thứ tự bình thường.
Dyslexia có khuynh hướng “di truyền”, nhiều người trong gia tộc bị chứng “bệnh” này và khoa học đã nhận diện một số di thể liên quan đến dyslexia.
Khoa học cũng đã tìm ra vùng não bộ đặc biệt của dyslexia, gồm nhiều cấu trúc khác thường nhất là tại bán não bên trái.
Não bộ của người bị dyslexia có rất ít các hoạt động nối kết hình ảnh của chữ với phần âm thanh. Do đó để có thể “đọc”, người bị dyslexia phải phát triển các “đường” nối kết khác trong não bộ. Họ dùng nhiều hơn cấu trúc Broca nơi sắp xếp các hoạt động về ngôn ngữ & tiếng nói của người bình thường.
Triệu chứng Dyslexia
Các triệu chứng của dyslexia bao gồm các khó khăn khi học hỏi, nhất là các hoạt động như đọc, đánh vần, viết và phát âm chữ. Những dấu hiệu sớm nhất có thể là:
– Không xuất sắc trong tiến trình phát triển. Có thể là đứa trẻ chậm bò, chậm đi, hoặc chậm nói. Đứa trẻ xem ra thông minh nhưng không đọc, viết hay đánh vần theo mức học vấn; có thể làm bài rất dở dù IQ khá cao.
– Cử động vụng về, lọng cọng; chữ viết “gà bới” hoặc tập đồ chữ một cách khó khăn, các cử động không phối hợp nhịp nhàng với nhau. Không giỏi khi chơi thể thao chung với bạn. Có thể dùng cả tay trái lẫn tay phải, khó phân biệt bên trái & phải, bên trên & dưới; chỉ giỏi khi thực tập, học bằng cách thực hành.
– Ngôn ngữ và khả năng đọc thấp kém; bị chóng mặt, nhức đầu hoặc dễ mệt mỏi khi phải đọc; không thích đọc sách; luân chuyển vị trí của mẫu tự, đặt sai chỗ, đặt ngược khi viết chữ, viết một dãy số; đánh vần sai; gặp khó khăn khi diễn tả ý nghĩ; có thể nói lắp.
– Gặp khó khăn với toán và những con số; không thể nhìn đồng hồ và nói giờ giấc; có thể làm toán hình học nhưng dở về đại số; trí nhớ kém trong việc nhớ một dãy số, số điện thoại, số an sinh xã hội; nghĩ bằng hình ảnh và cảm nhận thay vì ngôn ngữ.
– Hành động: Có thể phá phách trong lớp học, dễ chán nản khi phải vào lớp học các môn đọc, viết, toán; có thể bị “đái dầm” sau khi qua tuổi thơ ấu; gặp rất nhiều khó khăn khi phải làm xong việc trong một thời gian ngắn [không thể làm việc một cách nhanh nhẹn].
– Thị giác: Gặp khó khăn khi nhìn, các khó khăn này có thể khó nhận ra trong các loại test thông thường; thiếu sự cảm nhận về chiều sâu (depth perception) và độ rộng.
Chứng dyslexia khiến người bệnh hành động không thuần nhất, khả năng thay đổi bất ngờ. Thí dụ, đứa trẻ có thể đánh vần đúng một số chữ nhưng lại đánh vần sai các chữ này trong những lần khác!
Chữa trị Dyslexia
Hiện nay cách chữa trị bao gồm việc sử dụng các phương pháp giáo dục giúp đứa trẻ đọc dễ dàng hơn. Khi chẩn đoán sớm, cha mẹ có thể giúp con cái thay đổi cách học giúp việc học hỏi dễ dàng hơn, và đứa trẻ có thể theo kịp bạn bè đồng trang lứa.
Khi con em lên ba tuổi và được chẩn đoán là bị dyslexia, phụ huynh cần theo dõi việc dạy dỗ tại trường học một cách chặt chẽ. Tại Hoa Kỳ, theo luật liên bang, trường học sẽ phải cung cấp các dịch vụ giáo dục đặc biệt, từ việc thử nghiệm để sắp xếp trình độ đến việc sử dụng các phương pháp đặc biệt để dạy đứa trẻ.
Khi con em bị nhà trường cho ở lại lớp; hãy thảo luận với thầy cô để lựa chọn giải pháp thích hợp nhất cho đứa trẻ. Đôi khi ở lại lớp không giúp đứa trẻ học thêm hoặc học khá hơn, chỉ khiến nó chán nản và muốn bỏ học.
Trở lại với các khám phá gần đây về dyslexia; các chuyên viên nhận ra rằng người bị dyslexia có thể “thu hình” rất nhanh cảnh tượng trước mắt. Họ nhận ra các “lỗi” của tấm hình trước mặt, loại hình ảnh dùng để thử nghiệm xem người nhìn nhận ra được bao nhiêu chi tiết [cố ý] vẽ sai, vẽ ngược trong vòng 2 giây so với người bình thường cần ít nhất 3 giây hoặc lâu hơn.
Khả năng thu nhận đặc biệt này dẫn đến câu hỏi là ta có thể dùng tài năng ấy vào việc gì? Người bị dyslexia thường chọn công việc làm trong các ngành nghệ thuật, thiết kế… các nghề dùng sự cảm nhận tinh tế sắc bén của thị giác.
Khi nhận ra các khả năng đặc biệt này, việc hướng dẫn trẻ em bị dyslexia có thể dễ dàng hơn và dẫn đến các công việc làm thích hợp hơn. Nói một cách khác, dyslexia có thể là một trở ngại, chữ “tai”, nhưng khi ta áp dụng tiềm năng đặc biệt của thị giác và giúp đứa trẻ phát triển theo đường hướng ấy và thành công hơn người, dyslexia trở thành chữ “tài”, phải không bạn?
TLL