(Viết tặng Chiêu)
Biến cố lịch sử 1975, Sài Gòn bị đập tan tành thành trăm ngàn mảnh vụn, từng người con Việt Nam ôm từng mảnh vụn chạy tán loạn. Lớp chết không mồ mả, lớp sống không trú xứ, người ở lại, một số bị đày vào thân phận lưu vong ngay trên mảnh đất quê nhà, số khác chọn cách sống ly khai trong lòng một đô thành bị cướp bóc bị lột truồng bị hãm hiếp đến tả tơi. Sài Gòn, bị phong ấn một cách tủi nhục bởi cái tên thành phố Hồ Chí Minh.
Vùng ngụ cư mới, mỗi lần ngang qua cao ốc thương mại còn ở giai đoạn khung xương nhưng tên của nó, Little Saigon, rõ từng chữ cái, L I T T L E S A I G O N, là mỗi lần nỗi nhớ thương đau nhức tràn bờ khi cơn gió trở miền đưa tôi về lại nước Sài Gòn.
Nước Sài Gòn của tôi, chả có gì dính dáng đến các công trình kiến trúc nổi tiếng như dinh xã tây/tòa đô chánh/UBNDTP, nhà thờ đức bà, bưu điện thành phố, dinh thống nhất/dinh độc lập… Bởi vì trước khi tôi ra đời thì các nó đã chần dần ở đó rồi, các nó chần dần trên bưu thiếp bích chương quảng cáo khá là dai dẳng nên tôi cũng không có nhiều cảm hứng để thăm viếng, một cách đơn điệu, tôi coi các nó như là một cảnh quan mờ trong vùng tiềm thức về nước Sài Gòn.
Nước Sài Gòn của tôi, thời thơ ấu, là những buổi không ngủ trưa thì phải ngoẻo đầu ngồi trên cái ghế nhỏ cho mẹ bắt chí, mòn mỏi nghe tiếng chí chết tí tách giữa hai ngón tay, là những ngày sàng gạo thổi hết bông cỏ bắt con mối gạo, là nhiệm vụ bê bếp lò ba cẳng ra bên đường hẻm bỏ than bỏ củi bỏ giấy dầu vô rồi nhổng đít lên hì hà thổi lửa cho mẹ nấu cơm chiều, trò này chỉ hết cho đến khi trong bếp có mặt mấy cái bếp dầu hôi.
Nhớ chuyện củi lửa bếp núc, là lan man nhớ về phân cảnh của một cái giỏ đi chợ bằng nhựa. Phân cảnh này hiếm đến nỗi tôi phải đánh số và cất giữ cẩn thận ở kho lưu trữ nhớ. Kho chứa những khoảnh khắc thần tiên, khoảnh khắc niềm vui con nít khi mẹ tôi lục trong đống rau cải thịt cá rồi chìa ra cho tôi một món đồ chơi thần thánh nào đó, chõ nấu xôi / ấm nước / bộ mâm chén đũa muỗng / bộ ly tách bình thủy / chảo / nồi / bếp lò… Một cách duyên dáng, tất cả đều bằng nhôm, nhỏ con con như cái nắm tay và được làm thủ công rất xinh xắn. Bây giờ, ở cái thời mọi vật dụng, mọi đồ chơi… đều made in China một cách trơ trẽn, tôi luôn ao ước được mê mò lại những món đồ ngày xưa đó. Những lúc cùng tĩnh lặng, tôi trèo lên cành cây quá khứ, tìm về cảm giác chui vào cái góc xó xỉnh tối om nào đó với nắm gạo chôm của mẹ, nhìn thấy tôi đang hì hà thổi lửa nấu cơm bằng cái nồi đồ chơi nhôm, nấu xong cơm vẫn còn sống nhăn, nhưng tôi sẽ chú ý lắng nghe tiếng sột soạt màng tang khi trệu trạo nhai cơm sống với nước tương, rồi tái hồi lại niềm tin vĩnh cửu, rằng tôi đã từng được ăn một món ngon nhất trần đời.
Bữa nào trong giỏ không có đồ chơi thì sẽ là một cuốn truyện tranh lớn hơn khổ giấy A4 một chút, cuộn tròn như cái ống nhòm hồi hộp dõi theo các cuộc phiêu lưu của Lucky Luke / Xì Trum / Asterix / Obelix / Phan Tân / Sĩ Phú / chú vượn đốm / tí hon thần lực chú nhóc có sức mạnh bê được một chiếc xe hơi… Tôi thích nhất là tập chuyến xe bão táp của Lucky Luke và nhớ rõ nhất cái cảm giác tưởng tượng về mùi tanh tanh của bông hoa ăn thịt người trong truyện Xì Trum. Mẹ tôi tích cóp truyện tranh như người ta tích cóp trái phiếu, bà mua đủ bộ đủ số không sót tập nào. Khi tập truyện còn nóng hôi hổi, ba tôi sẽ là người dành coi trước đến ông anh rồi mới đến lượt tôi, sau cùng là hàng xóm.
Tết, bắt buộc như nó phải đến. Mỗi Tết là mỗi lần tôi sẽ mở ra xem lại cuốn phim hành động kể về câu chuyện lịch sử của gia đình. Câu chuyện truyền kỳ mạng rệp khởi đầu từ cái đường hẻm bên hông nhà dẫn vô hai căn nhà phía sau, quẹo phải là nhà ông Bảy Giai, một gia đình đông đúc với hai đời cha truyền con nối hành nghề đâm thuê chém mướn. Ngày đầu xuân phóng mật, mùng một Tết, con ong con bướm có vẻ hơi lảo đảo bởi dư âm của cuộc nhậu nhà ông Bảy Giai đã kéo dài tưởng chừng từ giữa Tháng Chạp đến Tháng Giêng chưa dứt, ông con trai du côn nhà này tới cơn ma men nhập nổi luôn cơn cà chớn đã lôi tên dòng tên họ ba tôi ra xách mé, cà khịa chương đầu lời phi lộ là đến chương chửi rủa thô tục. Lúc này, ba tôi cũng đương ngồi nhậu với bạn bè trong nhà, sẵn hơi men ngà ngà nên cũng khề khà lời qua tiếng lại tám chương rồi cả hai cùng nổi cơn khùng. Cha kia nhanh nhẹn động thủ trước, cầm cái ống nước bằng gang dài chừng 1m2 phang vô lưng ba tôi làm ổng muốn sụm bà chè. Trong nhà ngó ra đương bụng chửa tám tháng, mẹ tôi hét lên một tiếng dài lanh lảnh, kêu chồng tránh sang một bên, rồi cầm nguyên cái ghế đẩu bằng sắt ném tới, cha kia không kịp đề phòng bà chửa nên đã ăn trọn cái ghế tẩn vô đầu. Sau hiệu lệnh khai chiến đanh thép đó, hai bên đàn ông liền nhảy vô xáp lá cà thụi nhau tá lả cho đến lúc, cũng đùng đùng xuất hiện non nửa tá công an phường, miệng la hét miệng thổi còi inh ỏi yêu cầu ngừng chiến. Hai bên còn cãi nhau thêm một chương nữa rồi cuối cùng cũng rần rần lôi nhau lên xe ba gác cho công an chở cả đám về đồn. Ra Tết, ông Bảy Giai dắt thằng con du côn qua nhà xin lỗi ba mẹ tôi với mong muốn hòa giải nhai cục xí muội xí xóa mọi chuyện. Tình hàng xóm từ dạo hỗn chiến ấy càng thêm nồng đượm hữu tình.
Tập hợp vài đường lượn nhấp nhô trong ký ức nhớ, là nét phác họa hình bụi chuối bụi dừa buồn buồn núp sau những căn nhà im lìm xen lẫn giữa vài ruộng rau muống, đường đất thong dong vài chiếc xe đạp mờ ảo trong bụi đỏ, không có tiếng còi xe nhức óc mà chỉ có rộn tiếng heo éc éc vang lên từ những chuồng nuôi dã chiến. Vùng ngoại ô quê mùa của tuổi thơ tôi lững lờ trôi vào thời kỳ đổi mới và được lên đời phố thị, ủy ban nhân dân quận quyết định mở một con đường huyết mạch thông qua nhị tì Quảng Đông để nối liền bờ đông Q5 sang bờ tây Q11. Nguyên cái nhị tì to lớn, cổ xưa hàng trăm năm của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn bị di dời mất dạng, các khối nhà cao tầng lô xô mọc lên, đường trải nhựa bon bon, nhà tôi đương dài thòng thành cụt ngủn, hàng xóm rúc vào những khối nhà bé tí hin, lề đường lát gạch con sâu, mỗi dịp lễ lạt gì đó, tôi lại bày ra một, hai cái bàn con bán xá xị ướp đá cho dân đi chơi lễ, nói cho ngon vậy, chứ tôi chỉ bán đúng một lần, vừa bán vừa chém quá xá lời rồi dẹp luôn không bán nữa, con nít tôi còn phải bận đi chơi nữa chứ.
Con nít tôi, đi học mẫu giáo là đi bộ từ trường mẫu giáo đến đoạn băng qua lộ thì í ới kêu ai đó đương ở trần bận quần xà lỏn gãi râu đích thị ba tôi dắt qua đường, ba tôi hay vô tư lự chả bao giờ hỏi han cái mặt tôi bí xị vì bị chó cắn, chó cào, chó cạp, chó rượt triền miên mỗi khi tôi phải đi ngang qua căn nhà chó ám đó. Âm thầm vượt qua thời mẫu giáo đầy mùi chó, tôi vô lớp một, tiếp tục đi bộ cho đến cấp hai trung học cơ sở thì lên đời. Mẹ tôi mướn một chú xích lô ngày ngày hai bận đưa đón, chú xích lô hay cười là người ghi nhớ lịch học của tôi, bởi có những kỳ nghỉ Tết dài mà cái trường cà chớn đó bắt đi học sớm ngày mùng năm làm bài kiểm tra đầu năm, ác ôn hơn nữa, đứa nào trốn ngày này là bị hạ hạnh kiểm ngay lập tức. Tôi đương lo đếm bao lì xì ngẩng mặt lên đã thấy chú xích lô lù lù trước cửa, vội vàng tay gài nút áo, tay xách cặp táp nhảy phóc lên xe quên cả ăn để đi học cho kịp giờ.
Chừng cuối năm lớp bảy, sau ba tháng nghỉ hè phè phỡn, vú tôi và vú các bạn đồng niên bắt đầu nhú nhú chỏm cau. Đầu năm lớp 8, lại cái trường cà chớn có ông hiệu trưởng cà chớn, ra thông báo rằng khóa chúng tôi sẽ là khóa đầu tiên bắt buộc mặc đồng phục là áo dài trắng. Vậy là, mỗi đứa chúng tôi được may hai bộ áo dài trắng đầu tiên, được mua cho cái áo ngực đầu tiên, có đứa còn có thêm thỏi son gió màu trong trong nhờ nhờ như nước bọt, cứ trét son này lên rồi ráng chu mỏ ra trước gió thì màu nhờ nhờ ấy sẽ chuyển sang màu hồng hồng. Lũ chúng tôi còn chưa lớn hết, đứa nào đứa nấy xẹp như miếng ván ép, tròng bộ áo dài y chang cây sào treo cái bao vải màu trắng bay lơ phơ dưới sân trường. Cùng năm này, tôi chợt hăng hái tham gia một nhóm hát, phải tập tành dữ lắm để đi thi, trưởng nhóm cử một đứa biết đánh đờn ọt (organ) tập cho nhóm hát mỗi buổi chiều ròng rã đến ngày đi thi, đứa đánh ọt bị ỉa chảy vắng mặt, thay vào đó là một ông thầy nấm vố được ban giám khảo đề nghị đánh thay, cả nhóm tôi miễn cưỡng hát, ò è tới lui chả nhịp nào vô nhịp nào, bởi vì ông thầy đàn vô nhịp một nơi còn mấy đứa tôi thì hát trật nhịp một nẻo, sau ba lần hát hoài hát không xong hết bài, cả hội trường cười sặc máu, nhóm chúng tôi đành lủi thủi đi xuống. Lần thi hát này là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời tôi có suy nghĩ đến chuyện hát xướng, sau này bất cứ ai mời, dù là hát karaoke, tôi cũng đều bầm gan từ chối.
Ngôi trường cà chớn của tôi nằm trong khu Q5, khu tập trung người Hoa Chợ Lớn tụ tập kinh doanh buôn bán, trước cổng mặt tiền trường tự nhiên khoét một lỗ và nhét vào đó là một xe bán mì hoành thánh, tôi thì chả bao giờ ăn ở cái xe mì này, vì tiền ăn vặt của tôi chỉ đủ bu vào xô phá lấu nước cốt dừa ở cổng sau.
Cấp ba, trung học phổ thông, lúc này tôi dậy thì xong hết rồi, lúc nhớ lúc quên nên cũng chả có kỷ niệm gì ấn tượng. Các bạn tôi cũng bắt đầu rậm rựt, mỗi lần tụ bạ là mỗi lần tôi ngồi chống cằm lơ đãng nghe tụi nó kể chuyện yêu đương, nay nó cua thằng này mốt nó dụ thằng kia. Còn tôi thì khá xấu gái chả ma nào dòm nên bình lặng mỗi ngày hai bữa đến trường rồi về, đành hanh sai vặt mấy đứa em lau nhà rửa bát. Có lần mẹ tôi từ nhà dưới lên lầu nhìn mâm chén bát ngổn ngang chưa rửa còn tôi thì nằm ườn coi tivi, mẹ tôi lặng lẽ bê nguyên mâm chén quăng xuống đường hẻm nghe một cái choang thiệt bự. Xong. Mẹ tôi bình thản xuống nhà tiếp tục làm việc. Còn tôi thì xong luôn cái tật làm biếng.
Tui rớt một năm đại học Kiến Trúc, năm sau thi lại. Đậu. Đời tôi sang một chặng mới đông đúc như đường phố Sài Gòn bắt đầu nghẹt dần dân nhập cư tỉnh lẻ.
Năm 2000 cựa mình trồi vào một thời kỳ bon chen dữ dội, giai đoạn hết đổi mới để bước vào cái chuồng sắt của chế độ cai trị độc tài kiêm luôn bán lẻ đất nước. Còn nước Sài Gòn, thủ phủ của tuổi thơ, đã được tôi bao bọc an toàn trong tâm nguyện.
TT – SyDney, tháng 8/2014