Menu Close

Ngày Tựu Trường

Anatole France trong sách Le Livre De Mon Ami (Cuốn sách của bạn tôi) khi kể lại ngày đầu tiên trở lại trường cho niên học mới, đã viết: Càng về già tôi càng quan tâm tới Ngày Khai Trường. Tại sao thế nhỉ? Một điều thoạt xem tưởng là đơn giản nhưng khó mà giải thích cho thông. Có thể ở tuổi tóc đã ngả màu người ta thích sống với quá khứ của mình. Mà buổi đầu đời ấy, ngày đầu tiên cắp sách tới trường, là thời gian ngây thơ trong trắng nhất, hồn nhiên như chim chóc, tươi cười như một bông hoa. Chẳng thế mà cô bạn nhà thơ của tôi nhớ mãi chiếc áo đầm trắng của những Ngày Tựu Trường ở thành phố Nha Trang ngày xưa.

 

Trở lại với những kỷ niệm của thời thơ dại. Không biết những vị cao tuổi hạc khác nghĩ sao nhưng Nguyễn tôi cũng cùng tâm trạng như văn hào Anatole France, nghĩa là theo với năm tháng chồng chất, nỗi niềm nostalgia về Ngày Tựu Trường càng trở nên da diết.

Khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc” lại nhớ những ngày tựu trường của đời mình. Nhớ những năm ở Vương Phủ, Vỹ Dạ, tựu trường đến một cách vui vẻ hồn nhiên. Không có sương thu và gió lạnh, không được mẹ cầm tay dẫn đi như cậu bé Thanh Tịnh, tôi cùng với mấy cousins đồng lứa tuổi kéo nhau tới trường Thế Dạ bên bờ Sông Hương. Nhớ nhất là tiếng trống trường do bác cai trường gióng lên vang dội, báo cho biết giờ học bắt đầu. Thầy giáo dạy tôi ngày ấy là thầy Bửu Vụ, anh ruột của Phùng Khánh sau này học cùng lớp với tôi ở năm Đệ Nhất C Quốc Học. Thầy dạy hay nhưng rất nóng tính, có lần học trò nghịch ngợm làm ồn, thầy bắt cả lớp quỳ trên băng ghế, dang hai tay ra. Anh chàng Hồng Khắc Thanh (Thanh ơi, giờ ở đâu?) nhúc nhích cười giỡn sao đó bị thầy quất cho một roi té đái ra quần. Qua thầy Bửu Vụ lần đầu tiên tôi biết tới văn chương Truyện Kiều: Thanh Minh trong tiết tháng ba / Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh và những câu văn xuôi không nhớ của ai viết về anh chàng đua xe đạp, sắp sửa tới đích chàng đưa hai tay lên, nhoẻn miệng cười đắc thắng… Có hôm hứng chí thầy mang theo đàn violin kéo cho đám học trò nửa người nửa ngợm mắt tròn xoe ngồi nghe. Sau lớp nhất ở trường Thế Dạ tôi vào đệ thất trung học ở Nguyễn Tri Phương, lúc này vẫn còn quần xà lỏn tóc húi cua đi chân đất tới trường. Còn nhớ ngày tựu trường cu cậu ôm theo cả chồng vở mấy chục cuốn nặng trịch. Những năm đầu tiên ở trung học mình được mẹ mỗi sáng bới cho một mo cau cơm nắm với ruốc sả và chai nước, rồi đi bộ băng qua Đập Đá, đi dưới bóng những cây mù u và cây bút bắt đầu vàng lá, qua ngõ Hàng Me tới trường. Bữa trưa lấy cơm ra ăn xong cùng với thằng Phan Thanh Thư nghịch như quỷ sứ rong chơi lên tới ga xe lửa qua khu nhà của Hà Thanh. Hôm nào có tiền ra bến đò Thừa Phủ uống nước trà xanh trong cái bát sành của một bà ngồi dưới cây phượng già.

 

alt

Lớp học xưa – nguồn truongxuabancu.fpb.yuku.com

Mùa tựu trường. Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent… Tôi sẽ kể cho bạn nghe điều mà hằng năm làm cho tôi nhớ lại bầu trời chập chùng của mùa thu, những bữa ăn đầu tiên dưới ngọn đèn dầu và những chiếc lá bắt đầu vàng úa trên hàng cây run rẩy; tôi sẽ nói với bạn điều mà tôi trông thấy khi đi ngang qua vườn Lục-xăm-bảo (Luxembourg) trong những ngày đầu tháng mười; lúc bấy giờ khu vườn hơi buồn và đẹp hơn bao giờ cả; vì đó là lúc lá vàng rơi từng chiếc trên bờ vai trăng trắng của những pho tượng. Điều mà tôi thấy lúc bấy giờ trong khu vườn ấy, là một cậu bé, hai tay thọc túi quần, và chiếc cặp da trên lưng, đi tới trường vừa nhảy nhót tung tăng như một con chim sẻ. Chỉ có trí tưởng của tôi trông thấy cậu bé ấy mà thôi; vì cậu bé ấy, chính là một cái bóng; cái bóng của chính tôi cách đây hai mươi lăm năm.

 

alt

nguồn frenchasyoulikeit.com

Có nhiều tác giả viết về Ngày Tựu Trường. Thanh Tịnh, Huy Cận, Edmond de Amicis nhưng mình yêu nhất là Anatole France. Thật ra những điều Anatole France kể trên gợi lại một phần cái bóng của Nguyễn này hồi còn bé tí, phần khác là bóng hai cậu con của Nguyễn cách đây mấy chục năm ở Đà Lạt và Sài Gòn, phần nữa là hình bóng mấy đứa cháu của Nguyễn bây giờ ở nước Mỹ này. Ôi, thời gian qua, tất cả rồi trở thành những cái bóng. Những cái bóng thật thân yêu, thật đẹp. Tháng 9 về. Ở đây nơi thành phố nước Mỹ này, những đám mây thu đang bay đầy trời, lòng Nguyễn này chợt bồi hồi khi thấy những chiếc xe buýt màu vàng bắt đầu xuất hiện, chở học sinh tới trường. Ôi, ông Robert Rojdesvensky ơi, ơi ông Nguyễn Nhật Ánh ơi, có chuyến tàu nào đi tuổi thơ không để tôi khoác áo ra ga mua ngay một vé?   

TN