Trong Tháng Tám vừa qua, trong cộng đồng người Việt hải ngoại, một cuốn sách vừa mới xuất bản được nói đến khá nhiều. Đấy là cuốn hồi ký Đèn Cù của ông Trần Đĩnh. Ông được biết đến là người chuyên viết hồi ký cho các vị tai to mặt lớn ngoài Bắc, kể cả Hồ Chí Minh. Trong cuốn hồi ký của mình, ông nhấn mạnh một chi tiết về người em trai của ông, lớn lên ở trong Nam. Năm 1975, ông vào Sài Gòn tìm gặp lại gia đình (đã vào Nam hồi năm 54). Ông được người em đưa đi chơi phố. Đến đường Kỳ Đồng, thấy xe đám ma, người em vội bước lên hè đường và ngả mũ cúi đầu. Đi phía sau, ông lặng người ngạc nhiên! Lối hành xử văn hóa ấy có lẽ đã bị triệt tiêu trong xã hội miền Bắc từ sau năm 1954. Thật sự, lối ứng xử ấy đối với người đã khuất, cho dù không quen biết, là nét chung trong các xã hội văn minh, cho dù hình thức biểu hiện có khác nhau, tùy mỗi nền văn hóa. Như ở Mỹ, đoàn xe đám tang của bất cứ ai đều được quyền ưu tiên. Ngoại trừ xe cấp cứu, mọi xe cộ đều phải dừng lại nhường đường chờ đoàn xe đi qua hết. Đấy không chỉ là luật giao thông mà còn là luật bất thành văn trong văn hóa ứng xử của người Mỹ (và có lẽ của nhiều nước khác trên thế giới). Suy rộng ra, làm người trong một xã hội văn minh phải biết cả hai bộ luật: một (thành văn) của nhà nước và một (bất thành văn) của xã hội. Những bậc phụ huynh chú trọng việc giáo dục con cái, thường nhắc nhở giải thích cho con em mình cả hai. Cũng trong Tháng Tám vừa rồi, có một người Mỹ rất nổi tiếng và đã bị tai tiếng về loại luật thứ nhì bất thành văn này.
Ông họp báo nói về vụ nhà báo Mỹ James Foley bị chặt đầu bên Trung Đông. Nói xong, ông lên xe đi… chơi golf. Một phóng viên tên là Steven Senne đi theo chụp được tấm hình ông ngồi trên xe (dùng để di chuyển khi chơi golf) đang cười khoái trá. Hôm Chủ Nhật vừa qua, trong chương trình phỏng vấn “Meet The Press” của đài NBC, ông thú nhận chuyện đi chơi golf hôm đó là sai lầm. Ông phân trần công việc của ông nhiều khi cần phải đóng kịch, mà đóng kịch thì không phải là bản tính tự nhiên của ông. Nói như thế, có lẽ ông còn lờ mờ về tính chất về văn hóa ứng xử của sự việc. Dĩ nhiên, trong văn hóa ứng xử, nhiều lúc cũng phải… đóng kịch hoặc nói dối. Người Mỹ gọi kiểu nói dối ấy là “white lies”. Giả sử nghe tin người nhà của một đồng nghiệp (không thân) trong hãng qua đời, mặc dù mình không đau lòng gì lắm nhưng vẫn làm bộ buồn bã nói với họ những lời “thành kính phân ưu”. Đối với một người có văn hóa hay được giáo dục kỹ, phản ứng ấy bộc lộ ra một cách… tự nhiên! Nói là không phải đóng kịch thì cũng chưa chắc đã quá…
sai! Giống như người em trai của ông Trần Đĩnh, việc bước lên hè đường rồi ngả mũ cúi đầu làm sao gọi là “đóng kịch”? Như chính ông Trần Đĩnh phân tích: “Chú em tôi đang làm tay sai cho ai đây trong việc ngả mũ cúi đầu tiễn biệt một vong linh không quen biết?” Nói khác đi, đối với một người có văn hóa, có giáo dục thì đó chỉ là một phản ứng tự nhiên.
Người đàn ông trong cuộc phỏng vấn ấy của đài NBC, vì không thấy tính “tự nhiên” ấy trong văn hóa ứng xử, đã cố ngụy biện rằng mình không có khiếu đóng kịch. Ông còn nói thêm khi nghe gia đình của nạn nhân kể về nỗi đau của họ, ông phải khó khăn cố giữ nước mắt không tuôn trào. Thật ra, đóng kịch phải cần có năng khiếu; chứ nói dối thì ai… nói cũng được! Không biết khi ngồi trên xe golf, ông cười khoái trá như thế có… khó khăn lắm không? Bởi vì lúc ấy, sau khi nói chuyện về việc nhà báo bị chặt đầu, trong lòng ông phải đau buồn lắm!
Nếu không bị báo chí lên tiếng và dư luận chỉ trích, có lẽ người dân Mỹ khó mà biết được Tổng thống của mình không có khiếu đóng kịch. Họ lại càng không biết Tổng thống của họ, một giáo sư luật học, chỉ biết luật… pháp mà thôi!

Tổng Thống Obama trong chương trình phỏng vấn “Meet The Press” của đài NBC – PHOTO: STEVEN SENNE, AP