Menu Close

Giỗ Tổ Cải Lương

Bài và ảnh: Trân Phương

Orlando – Giới nghệ sĩ Cải lương không ai mà không biết ngày 12 tháng 8 Âm Lịch. Hằng năm, cứ đến ngày này là các ca, nhạc, kịch sĩ thuộc giới cổ nhạc hội tụ nhau lại để giỗ ông Tổ của ngành. Ở Việt Nam, tuần rồi làm giỗ Tổ rất lớn với sự góp mặt của nhiều đào, kép thành danh từ trước năm 1975 cho đến nay. Ban Cổ Nhạc ở Orlando, cũng làm lễ cúng Tổ chiều Chúa Nhật ngày 14 tháng 8 ta. Nghệ sĩ Nguyệt Anh cho biết những năm trước cúng Tổ tại tư gia, năm nay vì nhiều anh chị em nghệ sĩ tham gia nên tổ chức tại nhà hàng Lạc Việt.

“Cải” mang ý nghĩa thay đổi, “lương” là tốt lành. Ghép hai chữ lại, cải lương có nghĩa là thay đổi cho tốt hơn. Từ những năm 1916, 1917 ông Lương Khắc Ninh muốn thay đổi lối diễn xuất cùng hát xướng của các đào kép hát bội (đúng ra là hát bộ. Vừa ca vừa làm điệu bộ để khán giả nghe và xem). Sau đó danh từ cải lương dùng để chỉ bộ môn kịch nghệ sân khấu bắt đầu từ môn kịch nói với lối diễn xuất tự nhiên, cùng với lời đối thoại trong sáng, dễ hiểu đã được người dân miền Nam nồng nhiệt đón nhận. Điệu nhạc trong tuồng Cải lương thường là những bài vọng cổ nhịp đôi, nhịp tư, nhịp tám, nhịp 16 hay nhịp 32. Để nghệ sĩ vô ca vọng cổ cho êm, soạn giả cũng thường gối đầu bằng một khúc nói lối văn xuôi, những câu nói lối văn vần (lục bát, tứ tuyệt..) hoặc một bản ngắn cổ điển như Lưu thủy, Hành vân.. hoặc tiêu biểu là Lý con sáo.

Buổi cúng Tổ khai mạc lúc 3 giờ 30 chiều. Ngoài lư hương, bình hoa, trái cây, Đèn cầy, bày trên bàn thờ Tổ, còn có 3 con gà luộc để nguyên đầu và một con vịt quay. Ngoài 20 nghệ sĩ của ban cổ nhạc Orlando lần lượt lên thắp hương, bái Tổ, còn có rất nhiều anh chị em nghệ sĩ yêu cải lương từ khắp nơi về tham dự. Ai đến giờ nào thì chung vui giờ đó. Đến rồi đi tùy giờ giấc cho đến khi nhà hàng đóng cửa. Với mục đích tạo tình thân trong giới nghệ sĩ Cải lương, lại sẵn những tay nhạc sĩ nhà nghề hiện diện, nghệ sĩ cũng như khách yêu nghệ thuật thoải mái ca những bản “ruột”, trút nỗi lòng mình gửi đến tha nhân trong ngày cúng Tổ.

Cùng một tâm sự, nghệ sĩ Ngọc Linh Phong diễn tả bản “Đội Gạo Đường Xa” rất “tới”. Từ tích thày Tử Lộ, một học trò nghèo đốt lá lấy lửa học bài, đội gạo mướn kiếm tiền nuôi Mẹ; khi làm quan thì Mẹ đã qua đời, bèn đến khóc với thày Khổng Tử rằng: “Còn Cha, còn Mẹ như tiên, mất Cha, mất Mẹ như chim lạc đàn”.

Đặc biệt, một vị khách thích vọng cổ, ông Nguyễn Văn Đạo đến rất sớm từ 2 giờ, say mê ngồi nghe những bản vọng cổ quen có, lạ có với tấm lòng đồng cảm. Thức ăn, nước uống thì cứ tự mua từ nhà hàng rồi ra ngồi thưởng thức phần văn nghệ. Hỏi dễ mấy khi có dịp như vầy?

Được biết người trưởng ban cổ nhạc Orlando là nghệ sĩ Văn Lộc, chơi đờn Kìm, Lê Sĩ chơi Guitar. Các nghệ sĩ Linh Cảnh, Danh Phận từ Orlando. Đến từ Tampa là Trần Bửu, Vĩnh Hùng và Kim Phượng. Trong dịp này, tôi gặp lại nghệ sĩ Hoàng Quỳ, người đã từng chơi guitar cổ đệm đờn cho nghệ sĩ ca những bản Vọng cổ trong nhiều sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam trung tâm Florida từ năm 1987. Tiếp chuyện với nhạc sĩ – guitar – Hải Luận, định cư tại Ocoee (Orlando) năm 2007, ông chuyên đạo diễn các vở tuồng Cải lương. Xuất thân là con nhà nòi. Ba và các anh chị em đều là nghệ sĩ của sân khấu cải lương. Vợ và con trai cũng thế. Hải Luận theo học chuyên ngành Nghệ Thuật Sân Khấu 2 (Cao Đẳng Sân Khấu Điện Ảnh ở VN) từ năm 1989, ông tốt nghiệp năm 1992. Nguyện vọng của Hải Luận là đoàn kết các nghệ sĩ lại để nâng cao nghệ thuật cải lương tại Orlando.

Xin chúc ông sớm đạt ước mong.

alt

Nghệ sĩ Ngọc Linh Phong đang dợt “Đội Gạo Đường Xa”

alt

Khán giả đang thưởng thửng một màn ca cổ

alt

Hòa nhạc

alt

Phẩm vật cúng tổ

alt

Khấn tổ Cải Lương


alt

Thành tâm dâng nén hương lòng

alt
Soạn giả Hải Luận cùng Nghệ sĩ Nguyệt Anh

alt

Chúng ta cùng ca

alt

So lại giây đàn 


alt
alt
alt

Các nghệ sĩ đang đốt nhang trên bàn thờ tổ

alt

Thành viên ban Cổ Nhạc Orlando chụp hình lưu niệm