Menu Close

Tơ tình vương vấn (09-10-2014)

Câu hỏi kỳ này

Em làm kế toán cho một công ty sợi nhựa và quen anh ấy qua lần ảnh về thăm Việt Nam Tết rồi. Nhà của chị ảnh có quán nước sát với công ty em làm và hai đứa quen nhau từ đó….

Anh ấy đang bảo lãnh em sang Mỹ, em rất lo lắng cho tương lai của mình, vì công việc của em là kế toán gần 10 năm nay, nhưng qua Mỹ thì nghe nói phải học lại từ đầu và tuổi của em chắc khó mà đi học nổi (năm nay 29 tuổi), nhất là ảnh quyết định phải có con sớm (ảnh 41).

Khi bàn tính về việc làm, cuối cùng, ảnh chọn cho em nghề nail. Ảnh nói nghề này học nhanh, người Việt mình khéo tay dễ có tiền mà dì của ảnh có một tiệm cứ thiếu thợ hoài. Ảnh sẽ gởi ở đó làm cho đến khi có bằng. Rồi ảnh gởi cho em một mớ dụng cụ để thực tập và tài liệu tiếng Việt để tìm hiểu trước.

Em lên mạng search thêm tư liệu thì thấy nhiều bài viết có vẻ hơi “đả kích” người làm nail và nhiều câu chuyện lùm xùm quanh họ. Em cũng đâm lo. Mẹ em thì bảo nghề nào cũng nghề, lương tâm trong sáng là được. TTVV có ý kiến gì về công việc tương lai của em không?

(Thủy Tiên, Gò Vấp)

Trả lời của bạn đọc:

Tín Nguyễn

Mình đang là thợ nail, tính tuổi nghề mình đã hơn 16 năm, bắt đầu từ một sự tình cờ, khi tiệm của chị mình thiếu thợ, bày cho mình thực tập hồi còn high school, không hiểu sao mình “mê” luôn và gắn bó cho đến nay. Mình nghĩ chọn lựa nào cũng đúng đắn, một là do sở thích (như mình) hay do hoàn cảnh (như bạn). Mình chỉ muốn chia sẻ đôi điều khi bạn chọn nghề, là làm đúng, bạn sẽ được tôn trọng như giá trị của bạn, không cứ phải là ông này bà nọ. Theo mình có một số kinh nghiệm mình học hỏi được, xin chia sẻ cùng

Thủy Tiên:

1. Hạnh kiểm:  Là cách bạn cư xử khi làm việc với khách hàng, chủ tiệm và đồng nghiệp

2. Thân thiện: Tạo ra một sự thân mật, một không khí nhẹ nhàng, thoải mái cho khách và chắc chắn họ sẽ quay lại tìm bạn

3. Đúng giờ: Phải đúng giờ khi có hẹn với khách. Nếu trễ nải làm cho bạn trở nên bất lịch sự đối với khách hàng và mất sự tín nhiệm của họ.

4. Chuyên nghiệp: Nên sắp sẵn dụng cụ cần thiết trước khi khách đến.

5. Kế hoạch: Giữ cuốn sổ ghi hẹn để biết rõ mình sẽ làm gì. Ghi tên khách, dịch vụ cần làm, giờ hẹn và số điện thoại của khách. Nên gọi khách bằng tên cho thân mật.

6. Thông báo cho khách nếu có thay đổi về giờ hẹn họ sẽ hài lòng với sự chu đáo của bạn và họ cũng vui vì bạn không làm họ mất thời gian.

7. Nhã nhặn: Nên có thái độ vui vẻ với khách. Việc này làm cho khách thấy rằng bạn quan tâm đến họ. Khách mới nên được giới thiệu đi xem tiệm và cho biết chỗ rest room.

8. Tránh phàn nàn, cãi vã với khách.

9. Không nên kể lể với khách về đời tư của bạn cũng như của những khách khác, đồng nghiệp, chủ tiệm.  

10. Không nhai kẹo chewing gum, không hút thuốc hay ăn ở những nơi khách có thể nhìn thấy.

11. Đừng bao giờ gợi ý cho khách những dịch vụ không cần thiết hoặc không tốt cho họ.

12. Giữ lời hứa và làm đúng bổn phận:  Luôn luôn thực hiện điều bạn đã hứa với khách.  Đừng làm tắt chỉ vì bạn đang vội vàng hoặc vì tiện lợi cho bạn.

13. Nếu bạn bỏ nghề hay dọn đi chỗ khác, nên báo cho khách biết trước hoặc bạn có thể giới thiệu cho họ một người thợ mà bạn tin tưởng.  

14. Đừng bao giờ đổ lỗi cho đồng nghiệp: Hãy can đảm nhận lấy trách nhiệm của mình.

15. Đừng khuyến khích khách đánh giá đồng nghiệp:  Khi bạn nghe một người khách đánh giá đồng nghiệp của mình, đừng đứng về phía ai cả.  Khuyên khách nên nói trực tiếp với người đó.  

16. Không nên ngồi lê mách lẻo và đồn đãi:  Có một số người cho đây là một chiến thuật để thăng tiến, nhưng điều này chỉ làm xấu chính bản thân mình.

17. Nếu tiệm không bắt buộc đồng phục, bạn nên ăn mặc kiểu cách, thoải mái nhưng đừng như dạ hội.

Có ai đó sẽ nói mình “nhiều chuyện” nhưng thực tâm mình muốn bạn luôn đẹp trong mắt người ngoại quốc khi chọn công việc này.

alt

Bảo Huân