
Xem Chicken Dance bằng…tai
Ngay từ đầu tháng 7, các hiệu bánh trung thu uy tín lâu năm như Kinh Đô, Bibica, Đồng Khánh đã gửi quảng cáo khắp nơi, mở thêm đại lý, mở quầy bán bánh trung thu đường phố. Các phố đèn Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo quận 5 Chợ Lớn cũng đồng loạt ‘lên đèn’ buổi tối, cố tạo không khí Tết Trung Thu. Nhưng không khí Trung Thu vẫn khá im ắng, đơn điệu.
Trung Thu Sài Gòn
Hầu hết giới kinh doanh vẫn ‘chơi’ chiêu thức ‘mua một tặng một’ quen thuộc. Một phụ huynh tuyên bố sẽ mua bột, nhân và khuôn về tự làm bánh Trung Thu thay vì ăn ‘bánh lừa’ (bánh cơi giá gấp đôi giá thực, rồi đề bảng mua một tặng một, hoặc một bánh thực tặng kèm một bánh dỏm). Một phụ huynh khác thì ‘khỏi cần kẹo bánh lôi thôi, đêm Trung Thu chở sắp nhỏ chạy vòng vòng trên phố đèn Chợ Lớn, cho tụi nó rửa mắt’.

Tiệm bánh Trung Thu Sài Gòn rất ế ẩm (dù đã giảm giá ngay từ khi vào mùa)
Đặc biệt, các hàng đèn Hà Nội bày bán loại lồng đèn hình tầu thủy với khẩu hiệu ‘Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam’ bên hông tầu; hàng bánh cũng sử dụng hộp bánh in bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Thì ra, giới thương mại cũng tìm cách bày tỏ lòng yêu nước của mình trên sản phẩm, họ không phải chỉ lo kiếm tiền…

Trung thu Chợ Lớn
Tặng trăng thu cho người khiếm thị
Nhóm từ thiện O+ mà độc giả Trẻ từng ủng hộ, đã lên kế hoạch tổ chức vui Trung Thu cho con em của Hội Người Mù huyện Xuyên Mộc. Sáng ngày 1 tháng 9, từ xã Hòa Hiệp (Bưng Kè), nhóm O+ ra quân với một chiếc xe tải nhỏ, vượt hơn 20 cây số, chở đầu lân, quà bánh và 20 thành viên O+ trẻ trung trong mầu áo xanh in slogan quen thuộc ‘Happy to give away’ đến hội trường Xuyên Mộc. Bảy rưỡi sáng, khi xe vừa dừng bánh, cả nhóm nhảy xuống, nhanh nhẹn bắt tay ngay vào việc. Đội lân thay quần áo, hóa trang, chuẩn bị “đồ nghề”. Toán trang trí treo băng rôn, đèn lồng, toán lo điện âm thanh, ánh sáng. Các trẻ em có phiếu nhận quà (là con, dưới tuổi 15, của hội viên Hội Người Mù) có mặt từ sớm, ngồi sẵn trong hội trường cùng cha mẹ, ông bà. Trong số 33 em, có hai em bị mù bẩm sinh, có hai em gần như mù. Nét mặt các em, tuy háo hức nhưng không giấu được vẻ sợ sệt, rụt rè. Ba mẹ con chị Mai Thị Đàm là người cuối cùng bước vào hội trường. Thị lực của chị chỉ còn 1/10. Chồng chết, để lại ba đứa con. Đứa lớn nhất 11 tuổi. Chị Đàm đi bán vé số dạo để nuôi con. Hôm nay, chị vượt gần bốn chục cây số từ nơi ở (ấp Bầu Ngứa xã Tân Lâm) tới nơi nhận quà Trung Thu, ba mẹ con mới dám đáp xe bus- một phương tiện di chuyển khá xa xỉ.

Trong tiếng trống thùng thùng dồn dập, con lân màu vàng uốn lượn khéo léo, cùng ông Địa và Tề Thiên làm trò giữa hai hàng ghế khán giả. Khác vẻ say sưa thích thú của trẻ em thành phố khi xem múa lân, trẻ em ở đây nép vào mẹ sợ hãi, có đứa khóc thét khi thấy lân tiến gần.
Cô Hội trưởng Hội Người Mù kể: ‘Hội chỉ mới thành lập được hai năm, chưa có chỗ. Bản thân cô và hai thành viên nữa đều ‘ăn cơm nhà vác ngà voi’. Cô cho biết, toàn huyện có ít nhất 130 người mù. Tất cả nếu không nhờ thân nhân cưu mang thì chỉ kiếm sống bằng nghề bán vé số, chăn nuôi hoặc đi ăn xin. Để ‘cứu vớt’ họ, sắp tới, Hội sẽ xoay sở mở lớp dạy nghề (làm tăm, làm bàn chải, làm chổi). Nghe hỏi trường hợp chị Đàm bán vé số nuôi ba con nhỏ ăn học, cô Hội trưởng và Trưởng làng Dân tộc Châu Ro- nơi chị Đàm cư trú- đều xác nhận đúng. Họ dắt chị Đàm lại, đặt bàn tay ướt mồ hôi, chai sần và run rẩy của chị vào tay người viết bài. Hỏi chuyện, chị kể lí nhí, rụt rè. Hai đứa con bám lấy mẹ sợ sệt. ‘Nếu có nhà hảo tâm nào, nhờ cô giới thiệu cho họ trường hợp chị Đàm, là trường hợp tội nghiệp nhất. Cô Hội trưởng rút điện thoại di động, bấm tìm số. Nhìn cô gí điện thoại sát mắt, người viết bài mới biết người đứng mũi chịu sào của cả hội, bản thân cũng chỉ ‘nhìn được lờ mờ’.

Sau màn múa lân khai hội, nhóm trưởng O+ cắt tóc miễn phí cho trẻ em cũng như người lớn. Một cô gái khiếm thị đứng riêng trên hành lang, có mái tóc dài phủ hết lưng. Khi được gợi ý cắt bớt cho đều cho đẹp hơn, cô gái đã lắc đầu: ‘Em đang nuôi dài thêm, để bán. Nghe người mua tóc dạo nói hễ tóc dài một thước, họ có thể mua tới năm trăm ngàn đồng’.
Trên sân, các em nhỏ đang cùng các anh chị O+ múa hát, chơi trò chơi (có thưởng quà). Tiếng hát, tiếng cười đùa hồn nhiên vang lên rộn rã, khác hẳn vẻ nhút nhát mặc cảm ban đầu. Xong màn cắt tóc, mọi người trở vào hội trường xem ‘Chicken Dance’.
Đến phần phát quà – phần cuối cùng, được chờ đợi nhất – nghe xướng tên lên nhận quà, bọn trẻ con mau mắn chạy lên bục. Những đứa vắng mặt do đi học hay đau ốm, cha mẹ, ông bà phải lên nhận thay. Mỗi phần quà vỏn vẹn 150 ngàn đồng, gồm phong bì 100 ngàn đồng và một túi bánh trung thu (thêm lồng đèn xếp) 50 ngàn đồng. Nhiều trẻ nhận quà xong, hồn nhiên mở ra xem. Nhiều ông bố bà mẹ nhận quà xong, lùi lũi ra về, thiếu sót tiếng cám ơn. Và nhiều người thay vì đón xe bus về, họ lại móc ra… cọc vé số.
Con dắt cha, ông vịn cháu, vừa dò dẫm, sờ soạng vừa rao bán vé số trong ánh nắng đổ lửa ban trưa. Những người này không trông thấy trăng Tháng Tám tròn sáng đã đành, càng không mấy tin vào nhịp cầu thân ái mà nhóm O+ vừa bắc. Họ chỉ nghĩ có cái phong bì 100 ngàn đồng là đỡ được một ngày mua rau, mua gạo, mua thuốc…

Phát quà (vì cho các em khiếm thị nên không cần gói kín, không hình thức màu mè)
Nhóm trưởng O+ đang phục vụ khách hàng nhí
vui mừng dắt nhau về
Cô Hội trưởng Hội người mù cũng ‘sờ là chính’ thay vì nhìn mắt