Xứ mình, chẳng mấy ai để ý rằng một dòng sông thường phân cách một miền đất thành hai thế giới, hai cảnh đời khác biệt. Bên này cờ đỏ, bên kia cờ vàng, bên này ta, bên kia địch. Tôi đứng bên này sông, bên kia đồn giặc đóng. Bên này phố phường tấp nập, bên kia quạnh quẽ những cánh đồng; bên này giàu sang, lụa là, bên kia những đứa bé gầy gò, ngơ ngác nhìn theo những con tàu xuôi ngược.
Năm 1982, xã tôi ở được chia đôi bởi một con sông nhỏ, chi nhánh của sông La Ngà. Bên này là lâm trường, nhà công nhân phần lớn được làm bằng tre, cây rừng, mái lợp tranh, san sát, đông đúc, bên kia là cánh đồng lúa trải rộng tới chân trời, nhà cửa thưa thớt, lác đác mấy con bò trầm tư gặm cỏ. Ngày ấy chưa có phà lớn, qua sông phải đi bằng đò. Chỉ có một con đò duy nhất, cũ kỹ cơ hồ sắp mục nát. Người lái đò dị dạng. Cái cổ anh ta quá ngắn, nhìn giống như cái đầu được đặt trực tiếp lên vai. Nhà của anh ở sát bên sông. Đêm khuya muốn qua sông, khách chụm hai bàn tay làm loa mà gọi, gọi đến khi ở bờ bên kia thấy cái đèn bão đung đưa là được.
Tết. Lâm trường cho công nhân trồng rừng nghỉ Tết. Như mọi người quê quán ở xa, Bảy Kỳ, trưởng nhóm ương cây cũng chuẩn bị về quê ăn Tết. Sáng ngày 28 âm lịch, hắn thu xếp hành trang lên đường. Ngoài cái ba lô cũ nhét đầy quần áo, quà cáp, hắn còn một cái giỏ đan bằng cói. Năm ấy lâm trường làm ăn phát đạt, ngoài tiền lương, tiền thưởng, công nhân còn được thêm nửa tháng lương và 4 cái bánh chưng. Bốn cái bánh chưng xếp vuông vức vừa đầy cái giỏ, trên mặt giỏ còn một khoảng trống. Gương mặt rạng rỡ, hắn cầm xấp tiền mới tinh, hí hửng nói: “Có cái này vợ con tao đỡ một chút. Quê tao nghèo, chúng nó khổ lắm!” Hắn xếp những xấp giấy bạc ngay ngắn lên trên mặt giỏ, lên trên những cái bánh chưng, xấp tiền che kín những cái bánh. Không biết thì cứ tưởng đây là một giỏ đầy ăm ắp tiền, tiền mới toanh và mệnh giá lớn. Hắn trùm lên miệng giỏ một cái áo rồi nhấc lên: “Nặng đây, khoảng 3 ký. Nếu không có 4 cái bánh chưng ở dưới thì tao bỏ quách con vợ già, cưới mấy em người mẫu, xây biệt thự, mua xe hơi… khà khà…”
Và Bảy Kỳ chết vì cái giỏ oan nghiệt ấy. Một gã ốm yếu, xách một cái giỏ nặng trĩu tiền đi một mình ngoài bến xe đêm. Mồi ngon quá ngon! Thế là một lưỡi lê đâm ngay vào cạnh sườn, từ dưới lên trên, xuyên thủng phổi. Cái xác giấu dưới gầm xe đò nằm trên vũng máu được phát hiện vào lúc nửa đêm.
Ban giám đốc lâm trường nhận được tin nhắn ra bờ sông nhận xác. Tối mù mịt, người ta biết được mình đang đứng ở bờ sông chỉ vì nghe tiếng nước chảy. Một đám người lố nhố đứng ở bờ sông, lẫn vào bóng tối, không ai nhìn rõ mặt ai. Đèn pin vào thời đó thuộc loại hàng xa xỉ, công an làm việc vào ban đêm mới có, nên lát sau những bó đuốc được làm bằng tre, nứa, ống đu đủ được thắp lên cả hai bên bờ sông. Trong ánh lửa chập chờn, lảo đảo in bóng xuống dòng sông đêm, con đò đưa xác lừ đừ trôi…
Đó là chuyện đêm hôm trước, sáng hôm sau sông vẫn trong xanh, nước vẫn chảy hiền hòa, nắng vẫn lấp lánh. Những người già sống lâu năm ở đây nói rằng con sông này coi vậy chứ linh thiêng và ác độc lắm, cũng vì thời trước có nhiều người bị bỏ rọ rồi ném xuống sông. Thật hay không thì không ai biết, nhưng năm nào cũng có người chết, năm nào cũng có xác người được vớt lên đặt nằm trên bờ, và trong khi chờ đợi được giải quyết, người ta hay cắm vội bên cạnh cái xác vài cây nhang.
Câu chuyện dòng sông và những xác người khiến nhớ đến một đoạn trong tác phẩm Người Mỹ Trầm Lặng* lấy bối cảnh cũng ở VN. Tác giả là một phóng viên chiến trường người Anh đi theo một toán lính VN hành quân. Ông ta vừa đi vừa nhớ tới người tình của mình, những đêm nàng khỏa thân trên giường với làn da trắng ngần… Nhưng khi đi trên một cây cầu khỉ bắc ngang qua một con sông, nhìn xuống dưới, thấy xác đàn ông, đàn bà, trẻ con đang trôi lập lờ, họ là những người dân sống giữa hai lằn đạn, không thấy máu, máu của họ đã chảy ra hết, hòa với nước sông. Có những xác đàn bà tuột hết quần áo, cũng phơi làn da trắng ngần, trắng như da người tình của ông trong những đêm khỏa thân… thì cơn rạo rực của ông tắt ngúm.
Nhưng dù những dòng sông dữ tợn và độc ác đến thế nào, kẻ tha hương, không hiểu sao khi nghĩ về quê nhà lại nghĩ đến dòng sông với tất cả vẻ êm đềm đáng yêu của nó…
Vì ở đó con sông dài lầm lũi / Suốt muôn đời chở rong cỏ về xuôi / Tôi tự nhủ phải quên niềm hận tủi / Nên lang thang tìm bè bạn niềm vui…*
NQT
* Thơ Đynh Trầm Ca.