Hôm Thứ Ba vừa qua, 2-9-2014, cả thế giới, cách riêng là Tây Phương lại chấn động với video hình ảnh ký giả Steven Sotloff bị nhóm Hồi Giáo cực đoan ISIS xử tử hình. Hai tuần trước, ngày 19-8-2014, một ký giả khác là James Foley cũng đã bị ISIS hành quyết.

Cả hai ký giả bị ISIS giết hại cùng một cách dã man là cắt lìa đầu, và phát tán hình ảnh khắp thế giới, sử dụng mạng lưới toàn cầu “Internet”, gọi là để “gởi thông điệp cho Hoa Kỳ”. Trang báo tuần này thăm lại hoàn cảnh bi ai của không ít ký giả tự do của Tây Phương đang bị ISIS bắt làm con tin, về nguồn gốc của tổ chức ISIS, về sự khác biệt với al-Qaeda, cũng như về tài chánh và tham vọng của họ.
Thủ lãnh ISIS hiện thời Abu Bakr al-Baghdadi.
Con tin Tây Phương bị ISIS bắt cóc thường là giới ký giả hoặc các chuyên viên trợ giúp thiện nguyện. Khó biết con số chính xác là bao nhiêu vì các nhà hữu trách lẫn gia đình phải kín tiếng để bảo vệ họ. Có ước lượng trên 80 ký giả bị bắt cóc từ khi xảy ra nội chiến Syria. Khi ISIS bắt cóc con tin, mối lợi trước nhất là tài chánh. Qua 2 vụ tử hình mới đây, ISIS cũng muốn gây tâm lý sợ hãi cho thế giới Tây Phương.
Nhưng quan trọng nhất, ISIS muốn tạo sự chú ý, kích động tinh thần “thánh chiến” quá khích nơi tuổi trẻ Hồi Giáo để chiêu mộ thêm binh sĩ, cảm tình viên, tài trợ, v.v… Sách lược đối với các vụ bắt cóc tống tiền, chánh phủ Hoa Kỳ, cũng như Anh Quốc, trước sau nhất định không thương lượng, không nộp tiền cho khủng bố. Tuy nhiên, vài nước Tây Phương có thể hành xử rất khác như trường hợp Pháp, Ý, Hòa Lan, v.v…
Phim ảnh ISIS xử tử hình dân chúng bất tuân phục họ thường xuyên được đưa lên TV hoặc internet nhằm gieo rắc sợ hãi.
Nhóm ISIS này là hậu thân của nhánh al-Qaeda tại Iraq (al-Qaeda in Iraq), thành lập năm 2004. Có nhiều lần đổi tên tùy theo tham vọng và hoàn cảnh. Làng báo Hoa Kỳ thường gọi tắt là “ISIS” (Islamic State in Iraq and Syria). Trong khi đó, ký giả Canada thích gọi “ISIL” (Islamic State in Iraq and the Levant). Trên thực tế thì ISIS, ISIL, hoặc chỉ IS (Islamic State) đều là một. Người đầu lãnh hiện nay là Abu Bakr al-Baghdadi, 43 tuổi, từng bị Hoa Kỳ bắt nhưng rồi lại thả sau 6 tháng, rồi gia nhập al-Qaeda tại Iraq.
Dù xuất phát từ al-Qaeda, thực tế ISIS là tổ chức cực đoan mới, hoàn toàn khác. Al-Qaeda là nhóm đã đánh sập Tòa Tháp Đôi New York trong vụ 9-11 và đầu lãnh là Osama bin Laden đã bị Biệt Hải Hoa Kỳ triệt hạ năm 2011. Chánh phủ Hoa Kỳ tiêu tốn hằng ngàn tỉ Mỹ kim từ sau vụ 9-11 để tuyệt diệt al-Qaeda. Ngoài bin Laden, nhiều thủ lãnh al-Qaeda cũng đã bị giết, chỉ còn một số nhỏ. Vì vậy, uy thế al-Qaeda ngày càng giảm. Ngày nay, cả ISIS lẫn al-Qaeda đều tranh giành ảnh hưởng với các nhóm Hồi Giáo quá khích trên thế giới, chiêu dụ họ về phe mình.
ISIS xử tử ký giả James Foley hôm 19-8-2014.
Với al-Qaeda, họ hầu như không có lãnh thổ, ngoại trừ các trại huấn luyện nơi những vùng rừng núi hẻo lánh. Tại Afghanistan, thực sự al-Qaeda chỉ là khách mời. Ngược lại, ISIS chỉ trong 8 tháng qua đã thâu tóm vùng tây và bắc của Iraq, và mở rộng kiểm soát tại bắc Syria. Gộp chung, các tay súng ISIS chiếm cứ một vùng rộng lớn 35,000 dặm vuông với trên 6 triệu dân, gồm nhiều thành phố lớn (Mosul, Tikrit và Tal Afar của Iraq; Raqqa ở Syria). Họ cũng nắm giữ nhiều mỏ dầu, xa lộ chánh, và nhiều tiền đồn biên giới.
Từ các cuộc lấn chiếm này, ISIS mỗi ngày thu nạp thêm nhiều võ khí tối tân. Khác al-Qaeda chú trọng khủng bố, ISIS hiện nay đang hoạt động như quân đội thực thụ, với chiến xa, trọng pháo, v.v… Khi ISIS chiếm phi trường Mosul Airport vào Tháng Sáu 2014, đã cướp lấy 1 số trực thăng UH-60 Blackhawk và các phi cơ vận tải trang bị cho quân lực quốc gia Iraq.
ISIS xử tử ký giả Steven Sotloff hôm 2-9-2014.
Cuộc nội chiến Syria đang là mảnh đất nảy nở nhiều khuynh hướng cực đoan. Tháng 8-2014, tổ chức nhân quyền “Syrian Observatory for Human Rights” ước lượng ISIS có 50,000 tay súng tại Syria và 30,000 ở Iraq. Trong số này, đến nay, đã xác nhận ít nhất 2 công dân Hoa Kỳ đã tử thương trong khi cầm súng dưới màu áo ISIS. Ước lượng khắp thế giới có trên 11,000 các “chiến sĩ thánh chiến” tụ tập về Syria để đánh nhau. Nhiều nhất là 3,000 người Tunisia; 2,500 người Saudi; 1,500 người Morocco; trên 800 người Nga… Tại chính Tây Phương, Canada có chừng 30 “thánh chiến quân” trong dân số 940,000 người Hồi Giáo cư ngụ tại nước này. Pháp có trên 700 theo ISIS trong dân số người Hồi là 4.7 triệu. Đức có 300 trong 4.1 triệu. Anh có khoảng 500 trong 2.9 triệu người. Và Hoa Kỳ khoảng trên 100 tay súng “thánh chiến quân” trong dân số 2.6 triệu là thường trú nhân hoặc công dân Hoa Kỳ theo Hồi Giáo.
Về tài chánh, hiện nay, ISIS có trên $2 tỉ tiền mặt. Lợi tức bán dầu hỏa từ các mỏ dầu lọt vào tay họ kiểm soát chiếm 1/2 thu nhập của ISIS. Chỉ tính riêng Tháng 6-2014, ước lượng ISIS kiếm được $430 triệu từ dầu hỏa bán ra thị trường chợ đen. Hằng chục triệu Mỹ kim khác từ việc buôn bán trái phép các bộ sưu tập nghệ thuật cổ. Để dễ so sánh, trong cuộc tấn công 9-11, al-Qaeda chỉ cần $500,000. Hiện tại, ước tính ngân khố đen của ISIS đã cao hơn con số đó ít nhất là 800 lần, có thể cho thấy tầm mức nguy hiểm của nhóm này.
Các tay súng ISIS chiếm Mosul, Fallujah và Tikrit ở miền Bắc Iraq sau các cuộc hành quân quy mô.
Như al-Qaeda, nhóm ISIS cũng có cùng mục đích cực đoan là thiết lập một Islamic State (tạm dịch Quốc gia Islam) theo thần quyền, do giáo chủ đạo Hồi cai trị dựa trên vài điều khoản khắt khe của luật Sharia. Theo các tuyên truyền của ISIS, sắp tới họ có tham vọng chiếm luôn Jordan, Lebanon, Do Thái (Israel) và Palestine, thậm chí đe dọa chinh phạt cả giáo triều Vatican ở Rome.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới gồm có: Hoa Kỳ, Úc, Canada, Saudi Arabia, Anh Quốc, Indonesia… đã chánh thức xem ISIS là tổ chức khủng bố, là mối đe dọa an ninh toàn vùng và cả thế giới.
Một phiến quân Hồi Giáo bên hỏa tiễn Scud của Nga sô trang bị cho quân chánh phủ Syria nay lọt vào tay ISIS. Ảnh Reuters
TD