Bạn hiền,
Cái trò “Ice bucket challenge”, tạm dịch ra tiếng Việt là “thử thách xô nước đá” hiện nay đã trở thành một phong trào. Tất cả bàn dân thiên hạ, già trẻ lớn bé, từ dân ngu khu đen cho đến những tỉ phú như Bill Gates, Mark Zuckerberg, từ cựu Tổng thống Bush, rồi đến các ca sĩ, tài tử, các cầu thủ thể thao nổi tiếng, và sau cùng là người dân bình thường. Tất cả lao theo cái phong trào dội nước đá lên đầu này. Cái phong trào này đã tăng vọt theo cấp số nhân một cách chóng mặt, và nó đã lan tràn khắp nơi, không phân biệt biên giới. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu xem cái trò này bắt nguồn từ đâu.
Đúng ra thì mục đích của trò dội nước đá này nhằm đánh thức nhân loại về căn bệnh hiểm nghèo có tên viết tắt là ALS, qua đó nhằm gây quỹ cho những công trình nghiên cứu để tìm ra phương pháp chữa trị. ALS viết tắt của chữ Amyotrophic lateral sclerosis. Đó là tên y khoa, dịch ra tiếng Việt rất khó, tuy nhiên bạn hiền cứ tạm hiểu là một chứng bệnh làm thoái hóa hệ thần kinh và tủy sống. Khả năng di chuyển của con người được điều khiển từ khối óc, não bộ gửi các tín hiệu đến tủy sống, và từ tủy sống đến các cơ bắp trên thân thể. Sự thoái hóa của các tế bào thần kinh có trách nhiệm di chuyển đồng nghĩa với chuyện khối óc không còn sai khiến các cơ bắp chuyển động, từ đó dẫn đến tình trạng bại liệt, và sau cùng là tử vong. Thật ra thì hội chứng ALS đã được bác sĩ thần kinh học người Pháp tên là Jean-Martin Charcot khám phá năm 1869, nhưng mãi đến năm 1939 cầu thủ bóng chày của Mỹ là Lou Gehrig mới làm cho nước Mỹ và cả thế giới hiểu rõ căn bệnh này hơn khi một cầu thủ danh tiếng như ông đang phá hết các kỷ lục của bộ môn bóng chày bỗng một hôm tài năng của ông bị tuột dốc thê thảm. Bác sĩ chẩn đoán Lou Gehrig bị ALS và ông qua đời hai năm sau, ở tuổi 38. Vì Lou Gehrig là anh hùng môn dã cầu, cho nên chứng bệnh ALS còn được biết đến qua cái tên của ông.

Trở lại chuyện đổ xô nước đá lên đầu. Ý tưởng này bắt đầu từ năm 2013 với tên gọi là “thử thách nước lạnh” để gây quỹ cho các nghiên cứu trị bệnh ung thư. Người bị thử thách phải quyên góp hoặc nhảy vào nơi có nước lạnh. Cho đến cuối tháng 6 năm 2014 đài Golf Channel truyền hình trực tiếp các cầu thủ golf nổi tiếng tự dội nước lạnh lên đầu, sau đó phát ngôn viên Matt Lauer của đài NBC làm theo, rồi từ đó nó đã tỏa đi khắp nơi. Cũng tưởng phải nói thêm là bà góa phụ Ethel Kennedy, vợ của cố Thượng nghị sĩ Robert Kennedy đã thử thách Tổng Thống Obama, nhưng Obama từ chối dội nước và thay vào đó là đóng góp 100 đô la. Về điều luật của trò chơi này là người bị thử thách có 24 giờ để thực hiện và ghi hình, sau đó có quyền thử thách 3 người kế tiếp. Luật chơi không được rõ ràng, có luật thì bảo là nếu chịu dội nước thì không phải đóng tiền, có luật thì lại bảo là phải đóng ít nhất 10 đô. Cho đến nay số tiền quyên góp cho ALS đã lên đến vài trăm triệu đô la, một con số mà không có cơ quan từ thiện nào có thể quyên góp trong một thời gian quá ngắn khi không có biến cố thiên tai hay tai nạn nào xảy ra.
Tuy nhiên trò chơi nào cũng có mặt trái của nó. Phong trào gây quỹ cho ALS cũng không phải là ngoại lệ, có người khen thì cũng có kẻ chê. Chuyện mà BTL tôi thấy được là có nhiều người tham gia trò dội nước đá này, đặc biệt là các ca sĩ và tài tử, chỉ muốn làm nổi, thậm chí có khi họ chẳng đá động gì đến cái mục đích của ALS. Tài tử Pamela Anderson thì phản đối vì cô theo hội bảo vệ súc vật và ALS thì thường hay đem các con thú ra làm thí nghiệm. Còn các thành viên của phong trào pro-life và nhà thờ Công Giáo chống lại ALS vì tổ chức này thực hiện thí nghiệm cấy tế bào sống (embryonic stem cells). Ngày 22 tháng 8, 2014 bác sĩ Brian ÓNeil của trung tâm y khoa Detroit còn đưa ra khuyến cáo là dội nước lạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bị dội, đặc biệt là những ai đang uống thuốc cao máu, có thể bị bất tỉnh. Có nhiều người bị thương khi bị quăng nguyên một xô nước lạnh từ trên cao vô đầu, không khéo bị trúng dây thần kinh điều khiển của não bộ thì hóa ra kẻ tham gia sẽ bị tê liệt và mang chứng bệnh ALS ngay tức khắc! Những kẻ chỉ trích còn phê phán dân California là trò chơi này làm lãng phí nguồn nước vốn đã cạn kiệt của tiểu bang này.
Theo BTL tôi thì căn bệnh ALS này đã đạt được quá nhiều sự chú ý. Đành rằng ủng hộ các nghiên cứu khoa học để chữa bệnh hiểm nghèo là điều cần thiết, nhưng một khi sự ủng hộ này trở thành phong trào, thành một trò chơi thì chúng ta cũng cần phải xét lại. Hiện tại có nhiều chứng bệnh trước mắt đáng được quan tâm hơn, lấy ví dụ bệnh mất trí nhớ Alzheimer là một chứng bệnh rất gần với ALS. Bạn hiền có chứng kiến người thân chết dần chết mòn vì căn bệnh này chưa? Hiện tại ở Mỹ có 5 triệu người bị bệnh Alzheimer so với 30 nghìn người bị ALS. Hơn nữa tổ chức nghiên cứu ALS hàng năm vẫn nhận được 45 triệu đô-la từ viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia (NIH) và một điều rõ ràng là 30 nghìn bệnh nhân của ALS đều có đầy đủ bảo hiểm sức khỏe, và nguồn kinh phí đó đến từ tiền đóng thuế của bạn hiền. Nước Mỹ là cường quốc số một trên thế giới, nhưng nước Mỹ cũng còn nhiều trẻ em vô gia cư, và theo thống kê thì ở Mỹ có khoảng 15 triệu trẻ em sống trong những căn nhà có thu nhập dưới mức độ nghèo nàn theo tiêu chuẩn liên bang. ALS có thể quan trọng với bạn hiền, nhưng nó chẳng có nghĩa lý gì với những bậc cha mẹ già yếu mất trí nhớ đến nỗi không thể nhận ra con cái của họ, hoặc thậm chí muốn lấy dao đâm người thân của mình chỉ vì nghĩ rằng họ là kẻ xâm phạm gia cư bất hợp pháp. ALS chắc chắn không quan trọng với những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi phải đi tìm thức ăn trong các sọt rác.
Bạn hiền có thể bỏ tên BTL tôi vào danh sách. Nếu quan tâm về ALS thì BTL tôi sẽ ký ngân phiếu nhưng sẽ không đổ nước đầu vịt. Đổ nước lạnh lên cái bộ phận đáng được trân quý nhất trên cơ thể con người thì chả chứng minh được cái quái gì nếu không muốn nói là… phí nước, và chỉ làm béo cho những kẻ đói sự chú ý.
BTL – Rockledge, FL – 2 tháng 9, 2014