Họ là những người Mễ bán sức lao động ở “chợ người”. Chợ tự nhiên hình thành trên một góc phố, trước sân đậu xe của Home Depot. Người cần sức lao động tay chân nhưng không làm nổi, cứ lò mò ra chợ tìm một hay vài tay Mễ về phụ dọn dẹp, làm vườn, cho đến những việc nặng nhọc hạ một cây cổ thụ, phá dỡ một ngôi nhà cũ nát, đổ nền bê tông, và còn nhiều công việc khác… Tiền công tính theo giờ hoặc giao khoán theo sự thỏa thuận giữa người thuê và người làm công.
“Chợ người” vắng bóng khách mua, có khi cả ngày không kiếm đủ tiền mua một cái hamburger
Nhọc nhằn chẳng ngại
Tôi tình cờ gặp anh T. nguyên là nhân viên xã hội của một cơ quan trợ giúp người tị nạn đang đi “chợ người” ở góc phố trên đường Copper, Arlington. Anh muốn tìm một vài lao động giúp anh làm lại cái hàng rào và tráng bê tông cái sân sau cho sạch. Công việc nặng nhọc, tìm lao động người Mễ là đúng. Họ khỏe và dẻo dai. Hai người đào cái ao sau nhà hai ngày là xong sáu bảy khối đất, trong khi tôi khoét cả tuần không xong một khối. Anh T. nói, thật ra là mình lười biếng và có điều kiện làm những công việc khác hơn.
Di dân lậu hầu hết làm thuê theo mùa ở các nông trại
Nhưng cái khác hơn tôi cho đó là mình được định cư hợp pháp, được đi làm kiếm sống. Nói chung mình có nhiều lựa chọn hơn những người tha phương bất hợp pháp, không được phép đi làm. Họ không có sự chọn lựa cho công việc nặng hay nhẹ. Cho dù phải bán sức lao động cực nhọc để mưu sinh trên xứ người. Anh T. kể chuyện cũ: “Hồi trước tôi thường hay tìm việc ổn định cuộc sống cho người tị nạn. Có ông muốn lương cao. Một hãng chuyên sản xuất cửa nhà đang cần người gấp. Tiền lương cao thì công việc nhọc nhằn. “Nhọc nhằn chẳng ngại. Ở quê, đi học cải tạo về, tôi từng làm những việc cực nhọc như trâu”. Thế nhưng, mới được hai ba ngày, tôi lại thấy ông ta lững thững đi chợ. Hỏi thăm sự tình, thì ra việc nặng quá làm không nổi”.
Người Mễ không kén việc, việc gì cũng làm, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Người nhập cư lậu bán sức lao động ở các hãng xưởng nhỏ xa thành phố hoặc làm công việc thời vụ cho các nông trại đầu tắt mặt tối rày đây mai đó. Hết mùa thu hoạch, làm đủ loại việc ở “chợ người”. Đâu phải ngày nào cũng có chuyện để làm. Mấy năm trước, cuộc sống kinh tế suy giảm, người ta không có nhiều nhu cầu sửa chữa, dọn dẹp vườn nhà. “Chợ người” không ai thuê mướn, nhiều người đứng chùn cả chân mà chẳng kiếm đủ tiền để mua cái hamburger cầm hơi qua ngày.
Nhà thầu xây cất tìm một số người có sức lao động cơ bắp ở “chợ người” cho công trình xây cất
“Đói đầu gối cũng phải bò”, anh T. nhận xét: “Đa số những người lao động ở chợ người đều không có nghề chuyên môn và sống ở những vùng quê nghèo khó. Họ chỉ có sức lao động cơ bắp do quen việc ở nông thôn. Họ phải ly hương, bất chấp nguy hiểm để đổi thay số phận. Bỏ sức “cày bừa” mong dành dụm ít tiền gởi về cho thân nhân cầm giữ, lỡ khi có bị bắt, trục xuất trở về cũng có ít vốn làm ăn”. Một anh người Mễ được anh T. thuê, xoay sang hỏi tôi có cần anh giúp làm việc gì không, “nặng nhọc nào tôi cũng làm được”. Tôi nghe anh ta phát âm những lời không rõ, nhưng tôi thấy ánh mắt và hiểu những gì anh nói bằng chính cái tâm lực của anh, muốn kiếm thêm được một công việc làm từ ý chí mưu sinh. Tôi đưa số phôn cho anh ta và nói xong việc chỗ anh T. gọi tôi đến đón. “Tuần này vất vả cho mấy anh rồi đấy nhé”.
Mảnh đời giữa chợ
Lần nào đi Houston, tôi đều thấy “chợ người” tập trung ở trước sân Home Depot lúc nào cũng tấp nập. Nhiều chục nhóm, mỗi nhóm năm bảy người đứng ngồi chờ người ta mua sức lao động. Vừa thoáng thấy chiếc xe của tôi rẽ vào khu nhận hàng, gần chục người vội chạy tới, vồn vã hỏi xem cần mướn ai, làm gì… Tôi lắc tay ra hiệu, họ tản ra rồi lại ùa vào chiếc xe khác đang theo đuôi. Có người kiên nhẫn bám theo xe tôi với vẻ mặt đầy tâm sự kèm theo lời cầu khẩn, “thuê ai cũng vậy, thuê tôi đi”. Câu nói của anh Mễ cao ráo này làm tôi phì cười. Tôi dừng lại: “Lên xe”. “Đi đâu, làm gì?”. “McDonald’s, ăn trưa”.
Home Depot thường là nơi tụ nên “chợ người” lao động
Lopez di dân lậu, anh về Houston hai năm trước làm đủ thứ việc lặt vặt sai đâu đánh đó cho một cơ sở đồng hương chuyên buôn và tái chế điện thoại cũ. Công việc gián đoạn sau khi cơ sở này làm ăn lụn bại. Mấy năm trước, anh ở Kansas cùng với người anh sau khi vượt biên vào Mỹ đi tìm cuộc sống mới, làm cho một lò mổ gia súc. Đồng lương ít ỏi, chưa kịp tìm một công việc khác thì cảnh sát di trú bố ráp, khám xét lò mổ thuê mướn di dân bất hợp pháp. Lương chưa kịp nhận, thì chủ bị bắt và bắt luôn cả người anh. May mà Lopez thoát thân “dọt” về Houston ra chợ bán sức lao động cùng với nhiều người Mễ khác trông chờ người ta thuê mướn.
Câu chuyện giữa chúng tôi càng lúc càng cởi mở hơn trong bữa ăn mà thoạt đầu Lopez rất dè chừng. Tự dưng có người kêu lên xe, không làm việc gì cả chỉ đãi cho một bữa ăn trưa. Tôi hỏi Lopez không sợ bị cảnh sát bắt sao? Anh trả lời một cách điềm tĩnh. “Không. Cảnh sát không có quyền xét giấy tờ hay bắt một người không phạm tội. Tội của tôi là định cư trái phép, có thể Cảnh sát Di trú ICE (Immigration and Customs Enforcement) có quyền. Những người tụ tập bán sức lao động ở Home Depot, không phải ai cũng là di dân lậu. Họ có visa còn thời hạn hoặc hết hạn. Không hãng xưởng nào thuê mướn chúng tôi, nên phải làm những công việc tự do kiếm chút tiền, tới đâu hay đó”.
Người Mễ lao động có sức khỏe và dẻo dai
Lopez cho biết, không phải những người bán sức lao động như anh đều là người Mễ. Đủ mọi sắc dân Trung Mỹ, kiếm sống ở chợ đời nên bản tính giành giật thường hay bộc lộ. Anh kể, nhóm này nhóm kia gây lộn, chửi nhau là thường nhưng hiếm khi nào xảy ra xung đột đánh nhau. Ai cũng biết chuyện đánh nhau, người nào cũng thiệt thòi khi bị cảnh sát tóm cổ. Người thuê lao động thích ai làm công việc gì cho họ thì cứ thuê người ấy. Ngay cả công lao động cũng tự thỏa thuận, làm được thì làm không thì thôi. Cho nên có những người chấp nhận làm những việc nặng nhọc như đào đất, đổ bê tông sân vườn với tiền lao động tính giờ rất thấp. Số người đó ít thôi, đa số chúng tôi gặp những người tốt bụng trả công không đến nỗi tính toán và làm xong thường cho thêm ít tiền bonus.
Lopez hớp ngụm cà phê nói tiếp: “Dẫu sao tôi vẫn may mắn hơn anh trai tôi. Có lần tôi gọi điện thăm hỏi, mới biết anh ấy được lao động trong tù. Mỗi ngày kiếm được một đô. Anh ấy bảo, không sao một đô còn hơn không có đồng nào, nằm chèo queo trong tù phát bệnh”.
Amigo, có muốn đi với tôi về dọn dẹp sân vườn?
TN