Menu Close

Thành phố nổi – Kiến trúc sinh thái New Orleans

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất bất lợi đến nhiều thành phố trên thế giới trong những thập niên tới. Lượng mưa sẽ giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình dự báo sẽ tăng là 1 độ C khiến mực nước biển tăng 30cm vào năm 2050, và mực nước dâng cao thêm từ 65cm đến 100cm khi nhiệt độ tăng 2.6 độ C vào cuối thế kỷ này. Riêng tại Hoa Kỳ, Miami, New York và New Orleans là ba trong số nhiều thành phố ven biển sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong thế kỷ biến đổi khí hậu.

 

alt

Chúng ta còn nhớ cơn bão khủng khiếp Katrina năm 2005 ập vào vùng vịnh Mexico là một minh chứng cho sự tàn phá hiểm họa tự nhiên khởi đầu thế kỷ 21 và New Orleans gần như chìm trong biển nước. Cơn bão đã cướp đi 1,836 sinh mạng, thiệt hại tài sản lên đến 125 tỉ USD. Sau bão, chính quyền thành phố đã phải chi mạnh tay vào việc xây dựng hệ thống phòng chống đối phó với các thiên tai trong tương lai. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để cứu thành phố thấp hơn mực nước biển này.

 

alt

Thiết đồ NOAH với các minh họa công trình thiết kế bên trong

Sau tổn thất nặng nề do bão người ta bắt đầu nghi ngờ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật chống bão lụt của thành phố New Orleans, giải pháp mà ngày nay trong “thế kỷ biến đổi khí hậu” gọi là “giải pháp công trình”, nghĩa là sử dụng hệ thống các công trình thoát nước mưa (đê điều, mương, cống, trạm bơm ngập úng…) và giải pháp san nền, tôn nền để phòng chống ngập lụt. Tính bền vững của giải pháp truyền thống này đã không còn bền vững nữa. Các cách tiếp cận mới bắt đầu xuất hiện, đó là “Các chiến lược cho một thành phố trên nền đất mềm” do Trường Đại học Howard và Trường Kiến trúc Tulane phối hợp nghiên cứu cho thành phố New Orleans với diện tích nghiên cứu lên đến 50 nghìn mẫu tây.

Các nhà thiết kế xây dựng cho rằng, cấu trúc hạ tầng hiện tại của New Orleans không còn phù hợp. Một hệ thống đê, đập tràn và hệ thống bơm thoát nước – theo thời gian – đã tạo ra một sự tin tưởng và cho phép thành phố phát triển. Nhưng sự khiếm khuyết là không xem xét đến văn hóa đô thị cũng như điều kiện địa lý của khu vực. Do đó, mục tiêu của các công ty thiết kế là tìm ra những giải pháp đáp ứng nhu cầu thích nghi của các thành tố nhân tạo phát triển thành phố với những sự biến động không ngừng của môi trường tự nhiên. Nghiên cứu điểm này nhấn mạnh vào cách tiếp cận dựa trên lược đồ mặt cắt ngang địa chất, cho phép hình thành những dự án chiến lược phù hợp.

 

alt

NOAH nhìn từ trên cao giống như thành phố trong phim khoa học viễn tưởng

Trong cuộc Hội thảo “Đối thoại Hà Lan” hồi năm 2008 giữa các nhà xây dựng và kiến trúc sư công trình, cảnh quan đô thị đến từ Louisiana với đề tài làm thế nào để hệ thống quản lý nước (hệ thống kè, các cống thoát nước ngầm, mương, trạm bơm, đê điều) kết nối với thành phố. Các nhà xây dựng Mỹ tin rằng cách tiếp cận của người Hà Lan đối với quản lý nước và phát triển đô thị cũng như chính sách gần đây của họ “sống chung với nước” có thể là cơ sở cho những chiến lược thay thế ở New Orleans cho dù cả hai khu vực đều thấp hơn mực nước biển nhưng lại có nhiều sự khác biệt đáng kể về mặt địa lý giữa đồng bằng sông Mississippi và đồng bằng Hà Lan.

Các nhóm trong hội thảo đa ngành đã khám phá những cơ hội để thiết kế  một đô thị nước mới hơn cho New Orleans ở những quy mô khác nhau. Một trong những thách thức lớn nhất được xác định và giải quyết là làm sao trữ nước mưa nhiều hơn. Đối với một số các mương của thành phố đã bị lấp trong thế kỷ vừa rồi, ý tưởng mới là tái tạo lại các mương này và chuyển đổi chúng thành những không gian đô thị hấp dẫn. Các mương mới có thể mở rộng mạng lưới thoát nước và cung cấp một nhân tố cấu trúc trong đô thị. Các mặt nước như hồ, ao và đầm lầy có thể được lồng ghép vào trong quy hoạch phát triển không gian và trở thành nơi thực hiện một loạt các chương trình phát triển đô thị. Bên cạnh đó, một số khu vực công viên có  khả năng  rất lớn trữ nước vào những tháng mùa mưa và trong các cơn bão.

 

alt

Minh họa một phần không gian bên trong NOAH

Hội thảo “Đối thoại Hà Lan” đã khơi nguồn những tầm nhìn và ý tưởng cho một New Orleans khác xa những dự án của nhiều nước trên thế giới muốn tách biệt đất liền để xây dựng những thành phố nổi trên biển với nhiều quy mô trong tương lai. “Sống chung với nước”, cách tiếp cận đương đại của người Hà Lan là bài học không chỉ cho New Orleans và cho các vùng đồng bằng trên toàn thế giới. Đồng thời, các giá trị về văn hóa xã hội của cảnh quan, cũng như các phương tiện về kinh tế kỹ thuật khác nhau để giải quyết vấn đề không thể chỉ được sao chép một cách máy móc từ bối cảnh này sang bối cảnh khác.

Vậy tại New Orleans có công trình nào giảm bớt cũng như ngăn chặn được thiệt hại do những vấn đề biến đổi khí hậu. Dự án NOAH (New Orleans Arcology Habitat – Môi trường kiến trúc sinh thái New Orleans) ra đời bởi ý tưởng của nhà thiết kế Kevin Schopfer. Giờ đây, một nhóm các nhà thiết kế, có trụ sở tại Boston, đã đưa ra một đề nghị cho một thành phố “nổi” sẽ “lênh đênh” trên bờ sông Mississippi và có thể giúp ngăn ngừa một thảm kịch tương tự Katrina. Thành phố được thiết kế để có thể nổi trong một vị trí cố định, yên vị trong một bể đầy nước có độ sâu 76.2m (250ft), kéo dài 365.76m( 1200ft). Đây sẽ là một phần trên bờ sông Mississippi và sẽ mở rộng ra dọc con sông hung dữ trong mùa bão lũ. Dựa trên địa hình New Orleans (thành phố ven biển luôn bị đe dọa bởi lũ lụt và thiên tai), nhóm thiết kế tin rằng cấu trúc của họ có thể được sử dụng trong bất kỳ khu vực đô thị ven biển nào. Ông Schopfer cho biết thêm: “Đây là một dự án to lớn, vượt ra ngoài sự mong đợi cho New Orleans. Đi đầu về khả năng phát triển đô thị trong tương lai gần”.

 

alt

Kiến trúc sư công trình nghiên cứu NOAH Kevin Schopfer

Với kiểu thiết kế hình kim tự tháp nhằm mục đích giảm thiểu sự ảnh hưởng của các trận bão nhiệt đới mạnh. Tòa nhà NOAH  có thể điều chỉnh dễ dàng lên xuống khi khu vực đặt tòa nhà xảy ra lũ lụt hay nước biển dâng. Ngoài ra, NOAH còn được trang bị các tấm chống bão, kết cấu có thể đưa các luồng gió của một cơn bão với sức va chạm sẽ yếu dần vào bên trong và thoát ra theo hướng khác. Việc tạo ra hình tam giác vững chắc để NOAH không bị “xê dịch” hay bị thổi bay trong trường hợp gió bão ở cấp mạnh nhất. Thành phố “nổi” này trông như vừa bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng nó có thể là giải pháp tốt nhất cho các thành phố bị tàn phá bởi thiên tai khắc nghiệt.

Giải đáp thắc mắc về hình dạng chóp tam giác đều của NOAH, kiến trúc sư Kevin Schopfer cho biết: “Hình tam giác là chắc chắn nhất của tất cả các hệ thống khung kết cấu. Hệ thống này được thiết kế để  triệt tiêu lực của gió thông qua một ứng dụng hoàn toàn bằng thép như một khung xương bên ngoài cùng khung nội bộ thông thường. Thứ hai, tam giác là một “mở” cấu hình khung, phân chia thành ba NOAH “tháp” riêng biệt hội tụ ở đỉnh đầu. Mục đích của hệ thống mở này là cho phép gió thổi qua tòa nhà theo bất kỳ hướng nào”.

 

alt

Cấu trúc khung tháp của tòa nhà nhìn từ bên trong được trang bị các quạt gió cấp điện gắn liền khung bên ngoài

Cấu trúc kỹ thuật cao lạ lẫm này có chiều cao 365,76m (1197.5ft), trên diện tích mặt bằng lên đến 9,144 km vuông (96875193.7 sft) và được thiết kế để 40,000 cư dân cư trú. Tất cả mọi thứ bạn mong đợi có thể tìm thấy trong một thành phố bình thường – từ khách sạn đến các cửa hàng, trường học, bệnh viện đều có ở đây, thậm chí cả những khu vườn, hay các con đường đi bộ. NOAH còn có các khu vực phức hợp được quy hoạch cụ thể với diện tích hơn 30 triệu mét vuông cùng sức chứa được 40,000 người – tương đương với sức chứa của khán đài của một sân vận động. Kiến trúc sư Kevin Schopfer, người đứng đầu nhóm thiết kế đề nghị cụ thể như sau: sẽ có 20,000 nhà ở, 3 khách sạn, 3 sòng bạc riêng biệt nằm tại ba mặt chính, 500,000 mét vuông diện tích văn phòng, bãi đỗ xe đủ cho khoảng 8,000 chiếc. NOAH tự cung cấp điện năng bằng các cánh quạt nhỏ gắn ở khung ngoài đón gió. Nói chung đây sẽ là một tiểu thành phố nổi và nếu dự án thành công có thể sẽ hình thành thêm nhiều thành phố nhỏ tương tự cấu trúc kết hợp với nhau tạo thành một New Orleans mới.

Biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai là một trong những động lực làm cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị đang ngày đêm tìm ra các giải pháp nhằm đối phó với nó. Hy vọng NOAH, một trong những giải pháp mà các chuyên gia thiết kế xây dựng đã và đang nghiên cứu sẽ được khởi công trong một tương lai không xa.

 

alt

NOAH lung linh ánh đèn, hình ảnh tương lai của thành phố New Orleans

NL