Menu Close

Đèn cù – Trần Đĩnh

Mở đầu quyển “Đèn Cù,” Trần Đĩnh viết:

“Tôi đến ATêKa, an toàn khu (ATK) để làm báo Sự Thật đầu 1949. ATêKa, an toàn khu là gì? Là căn cứ địa đầu não của Đảng Cộng Sản Đông Dương, và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng  Hòa, nằm ở chân hai con đèo tên Re và So của dãy núi Hồng, chia đôi hai huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang.” [Trang 17]

Ông đến ATêKa làm “lính mới” trong lúc tờ Sự Thật chỉ có ba cây bút sắt là [Hà] Xuân Trường – thư ký tòa soạn ; Quang Đạm; Thép Mới [cựu binh làm từ báo Cờ Giải Phóng trước 1945]. Và một cây bút lông là Phan Kiến An. Ông đã “chữa” 19 tuổi thành 23 tuổi, vì thẻ nhà báo ngang với “coupe -fil cắt chỉ của Pháp,” được phép vượt qua bất cứ sự chặn giữ, kiểm soát nào. Ông đến ATêKa, ngay sau khi có cuộc bút chiến lẫy lừng giữa Trường Chinh và Tô Ngọc Vân về chủ đề: Văn nghệ có phục vụ chính trị và làm tuyên truyền hay không. Tô Ngọc Vân phản đối; còn Trường Chinh dĩ nhiên khẳng định văn nghệ là công cụ phục vụ chính trị và để tuyên truyền. Làm việc tại cơ quan báo chí cao nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Trần Đĩnh có cơ hội gặp những lãnh tụ của chế độ, như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Tùng, Đỗ Mười, Lê Đức Thọ… Chính vì vậy ông sớm nhận ra khuôn mặt thật, ở phía sau chiếc mặt nạ của các nhân vật nói trên.

“Đèn Cù” nhấn mạnh đến hai phần quan trọng xảy ra trong xã hội Việt Nam, sau khi cộng sản cướp chính quyền. Lần thứ nhất đấu tố địa chủ – một chính sách “cải cách ruộng đất” đẫm máu người dân vô tội. Lần thứ hai đấu tố những đảng viên thân Nga chống cuộc chiến tương tàn, đó là “vụ án xét lại chống đảng.” Đảng Cộng Sản Việt Nam là chiếc đèn cù kéo quân, chạy theo đuôi ngọn nến ý thức của đàn anh Trung Quốc. Những người lãnh đạo tự trở thành những hình nộm không nghe – không nhìn- không thấy, mù quáng tin tưởng Bắc Kinh. Để rồi chính vì ý thức hệ sai lầm này, cả đất nước Việt Nam rơi vào bi kịch chỉ vì một nhóm người thao túng chính trường, khiến cuộc chiến nồi da xáo thịt kéo dài trong nhiều thập kỷ.

“… Phải vạch ra mọi thủ đoạn đàn áp, bóc lột nông dân cùng tội ác của bố mẹ, gia đình, họ hàng địa chủ, cường hào gian ác. Thứ ba trên cơ sở thành khẩn khai báo kia mà tuyên bố căm thù bố mẹ, tỏ ra đã dứt khoát lập trường vô sản, đoạn tuyệt với kẻ thù giai cấp…” [Trang 74]

Thật đáng sợ cho một chế độ dã man buộc người ta phải tuyên bố đoạn tuyệt với cha mẹ bằng những câu chữ đầy lập trường vô sản, bất nhân không có đạo đức.

Tác giả “Đèn Cù” là nhà báo kỳ cựu của tờ Sự Thật, ngay từ khi tờ báo được thành lập và Trường Chinh làm tổng biên tập. Ông sinh năm 1930, tham gia phong trào Việt Minh năm 1946 lúc mới 16 tuổi. Trần Đĩnh thuộc lớp đảng viên tiên phong gia nhập đảng cộng sản từ năm 1948. Ông là người chấp bút viết tiểu sử của Hồ Chí Minh, và tự truyện của nhiều nhân vật chính trị như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm, Nguyễn Đức Thuận. Sau khi vụ án “xét lại chống đảng” diễn ra, ông cũng là một nạn nhân. Dù mức độ không nặng như những người khác, nhưng cũng đủ để Trần Đĩnh thấy sự đấu tranh gay gắt, sống còn giữa Mao Trạch Đông và Liên Xô; ông hiểu rằng Nghị Quyết 9 là con đường bí đạo, khiến cả hệ thống Đảng Cộng Sản Việt Nam bị Trung Quốc kiềm tỏa. Cho đến bây giờ Trần Đĩnh không thể nào quên những năm tháng bắt đầu bước vào ATêKa, những ngày niềm tin yêu hy vọng vào sự thật – như tên tờ báo Sự Thật của đảng – vẫn còn nguyên tuyền thành tín. Ông không quên phương châm “mù, què, câm, điếc” nổi tiếng do Thép Mới tự đặt ra để cảnh báo bản thân; đây cũng chính là điều Trần Đĩnh lĩnh hội để tránh những sự đáng tiếc, bởi vì sống gần lãnh tụ như sống gần cọp, bị họa sát thân lúc nào không biết nếu cứ đơn thuần, chân thật.

alt

Trần Đĩnh

HNP – 4:14am Thứ Hai ngày 8 tháng 9 năm 2014