
Candid shot. Cô gái Jamaica và cell phone.
Một biến khúc tím
1.
Tiếng còi xe cấp cứu nấc lên từng hồi. Những đôi giày giẫm đạp ầm ầm trong hành lang hẹp. Trên cái băng ca, nạn nhân như con thú bị thương đang vùng vằng điên dại. Sàn nhà loang lổ những vết máu nhơm nhớp. Trong ánh sáng lạnh mờ, gương mặt của gã đàn ông mang sắc màu tăm tối như không còn sức sống. Một người đàn bà, vẻ như là thân nhân của người bị nạn, trông thô lỗ và đáng sợ trên đôi giày gót nhọn, bước sải sầm sầm vào khu phòng cấp cứu.
Mỏi mệt, tôi nghiêng đầu trên cái ghế gỗ cạnh giường bệnh. Cảm giác như nặng trĩu vào một thế giới đầy những âm thanh của nỗi ám ảnh thường trực, lắm lúc đến mức ngộp thở. Anh vẫn thiếp đi trong cơn đau vô biên trên giường bệnh. Ngày qua dài, giờ phút chở nỗi lo âu từng lượt.
Thần chết, đang choảng từng cú kinh người trên từng số phận…
Cả ca trực, huy động hết thảy đội ngũ từ y tá cấp một đến tập sự cũng chỉ đếm chưa đầy một bàn tay. Và thường thì chỉ duy nhất một bác sĩ trực. Khu cấp cứu cả thẩy năm cái giường bệnh. Nhân viên, đa số là phụ nữ, vốn thuộc phe nói nhiều. Tên gọi của bệnh viện nghe đầy vẻ lạc quan, “Mobay Hope Hospital”. Song đó chỉ là một bệnh viện tư thuộc bậc thường nhất ở Jamaica, tiêu chuẩn chỉ như một cái trạm xá tỉnh lẻ.
Nurse Linda, đo nhiệt độ bệnh nhân bằng cái nhiệt kế kẹp nách. Cô nàng y tá, chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để chờ nghe âm thanh kết thúc của tiếng beep beep. Thường, cái nhiệt kế luôn bị quên lãng dưới những cặp cánh gà của bệnh nhân.
“Cái nhiệt kế của tôi đâu rồi?” Cô nàng, nhíu đôi lông mày tỉa cong, rồi nhấc liền cái cánh gà của anh lên, “Lạ thật? Nó biến đâu mất tiêu.” Cô nàng lầm bầm, rồi nguây nguẩy bước đi.
Anh lừ đừ, “Nó ở đâu đó thôi. Em tìm thử giùm anh, honey”.
Tôi lặp lại động tác của cô y tá. Bồi thêm cái đẩy nghiêng người. “Đây rồi,” tôi khó thể nín cười. Cái nhiệt kế đang nằm chơ vơ dưới bờ… mông héo úa!
Nurse Linda trở lại, “Chúa ơi, vậy là tôi lại bỏ quên trong nách ông nữa rồi,” cô nàng lắc lắc cái đầu, giả lả. Tôi nhìn những lọn tóc uốn, vô hồn như tờ giấy khô queo.
“Anh sẽ khoẻ lại, bác sĩ John vừa tái khám, hứa sẽ cho phép anh xuất viện ngày mai, hay trễ nhất là ngày mốt. Và mình sẽ phải ở lại khách sạn hai ngày để họ tiếp tục theo dõi bệnh trạng của anh trước khi cho phép anh lên máy bay.” Anh chấm hết câu, đầy phấn chấn. Tôi nghe vực dậy một nỗi vui mừng khó tả.
2.
“Lão bà bà”, thân hình cứ như bẹp gí dưới lớp chăn mỏng manh. Cụ bà đã thôi tiện tay dứt bỏ những cái tiêm truyền nước biển hay những viên thuốc xuống sàn nhà. Anh kể, có đêm bàn chân bà đánh nhịp, tuy yếu ớt cũng đủ kẽo kẹt chiếc giường lò xo. Bà kể chuyện mình, một buổi sớm ở nhà, vừa bước xuống giường, cảm giác bên hông tê cứng, rồi té ngã vào một góc phòng như một con búp bê bị vứt xó. Bà cụ, như chỉ muốn chia sẻ nỗi đau của mình. Trên gương mặt nhăn nhúm, nước da bạc màu áo gối, đôi mắt bà như ráo hoảnh,“Người già, càng ít nói hơn khi nhích đến gần hơn với cái chết, nhưng tôi cảm thấy hơi mất kiên nhẫn, và xấu hổ với mình. Bởi Thượng đế bao giờ cũng cho mình đủ nghị lực để chịu đựng…”
Những ẩn ý về cái chết vẫn ve vãn và nheo mắt ý nhị. Cả sự sáng suốt, có khi cũng chỉ nhìn thấy tất cả toàn một màu đen. Tôi trầm ngâm nhìn vào khoảng không, tính nhẩm số ngày anh nằm trên giường bệnh.
“Chỉ có đá mới không cần được chôn cất khi chết,” bà cụ nhìn tôi. Nụ cười như nụ khóc.
3.
Đêm qua, nước han gỉ từ vòi rỉ ra dưới căn phòng bỏ phế. Cơn ác mộng, lại dự báo nỗi sợ hãi bất an. Mấy con muỗi vo ve, làm nổi cơn ngứa. Tôi thẳng tay đập. Những giọt máu bám vào chân, cái chết tươi rói. Cơn mưa ngày qua, ngần ấy ẩm ướt vẫn không thay đổi được cái nóng. Tôi ngột ngạt trong bầu không khí nghẹt hơi thở chính mình. Chẳng thể chợp mắt, suốt đêm, tôi lảng vảng trên phòng chờ, chỉ mong được nhìn thấy anh. Bên ngoài, trời nóng đến mụ người.
Một người lao công bệnh viện chùi hành lang, vừa hát lầm bầm. Tôi lên tiếng, “Bà thường tự hát cho mình nghe khi làm việc?”
“Tôi cũng… không chắc.” Cái cán cây lau nhà ngừng lại với chút ngập ngừng.
“Xin lỗi, tôi không có ý tọc mạch,” tôi nhìn bà, nhỏ giọng.
“Vậy thì đừng tọc mạch.” Câu trả lời như nhát dao chặt trên mặt thớt.
Tôi nén thở dài, bâng quơ nhìn lên trần nhà. Vô tình đụng phải cái mạng nhện. Thời khắc trôi qua chậm rãi khi cô quạnh trên xứ người vẫn còn là nỗi kinh hoàng. Cuộc sống như vuột ra khỏi sự nắm bắt. Chỉ còn tôi. Tôi cảm giác mất thăng bằng về mình, về người, về mọi điều…

Ly café và cái hóa đơn 1 đô!
4.
Tôi cần ra ngoài để gọi phone và mua vài thứ lặt vặt. Anh nắm tay tôi lo ngại, như chạm vào sự vắng mặt của tôi, anh chẳng thể bình tâm. Tôi hôn anh trấn an, rồi vác cái balô quay bước.
Trời nóng hầm hập. Những cái mái tôn như muốn đổ sụm dưới sức nóng. Cơn mưa còn lại đọng trên vũng nước bẩn đầy muỗi mòng. Một lũ trẻ con òi ọp đen đủi, có đứa bụng ỏng, còn cả vệt nước tiểu chảy dài trên đôi cẳng tong teo. Đàn gà đang bươi mổ ở bãi đất cạnh đám trẻ với một sự khoái khẩu câm lặng. Những hàng cây đổ lá, ném vào lòng tôi những trái tim xa lạ…
Cô hàng thâu ngân quán tạp phẩm, dường như đã dần quen với khuôn mặt của người khách lạ, cư xử với tôi có đôi chút nhã nhặn hơn. Trên đường về, tôi dừng lại ở quán café “Hummingbird”. Khách ngồi đồng, mỗi người vẻ như hoàn toàn hài lòng với sự im lặng.
Và cái nhìn chỉ chực đăm đăm vào những kẻ đối diện. Cô hàng café, luôn thường trực với chiếc khăn quàng sặc sỡ quanh đầu một cách kỹ lưỡng, khiến tôi có cảm tưởng như người ta đang gói một bó hoa. Cặp lông mày đậm đà nét bút chì, hai mắt nằm xa cách, mí mắt thâm quầng như bị cú đấm vào mặt.
Tôi gọi vài cú phone cần thiết về nhà. Mấy cái thẻ nhựa đang dần kiệt quệ. Nỗi lo tăng dần theo cấp số nhân. Những cố gắng tuyệt vọng khi kề cận nỗi sinh tử làm tôi đuối sức. Tôi gắng không để niềm tin thui chột. Ly café như trộn lẫn nỗi cô độc. Đôi chân tôi vội vã bước sau tiếng off máy…
5.
Cuối tuần, bệnh viện vắng bặt những chiếc áo blouse trắng. Ban đêm, thường chỉ có hai y tá trực. Ngày nay, một nhóm thực tập viên y khoa, trong bộ đồng phục đầm sọc, áo cánh ngắn, nơ gài cổ, tươm tất như những học sinh tư thục. Sự chỉn chu như một biểu tượng lỗi thời. Những cái đầu bím cắm cúi ghi nhận, xì xào. Những cặp mắt đầy vẻ khám xét trên cái thân thể của người bệnh. May Rủi. Bệnh tật và Nghèo đói- một dạng thức thật đơn giản ở cái xứ sở chỉ thích hợp với những kẻ đếm từng xu trên sinh mạng của con người. Những kẻ vô tâm trước những đôi chân mất thăng bằng trên xứ lạ.
Khi tôi về đến, y tá đã chuyển phòng anh sang căn phòng khác. Anh đón tôi với ánh mắt vui mừng, “Em đi lâu, anh lo quá. Họ chuyển anh sang phòng này là có thể anh sẽ được xuất viện sớm hơn dự tính. Mình có thể ‘ăn mừng’ sức khỏe ở một cái hotel nào đó gần biển để chờ ngày lên máy bay.”
Tôi hôn nhẹ lên gương mặt xăm xỉa râu ria của chồng, trái tim tôi lăn tăn niềm hạnh phúc.
6.
Nốc nước cam chảy quá nhanh xuống cằm anh, cánh tay anh chợt lẩy bẩy. Tôi chùi miệng anh bằng cái khăn tay.
“Honey ơi, anh cảm thấy lạnh quá!” ánh nhìn anh chợt nhiên thảng thốt. Tôi quẳng cái khăn tay, ôm siết anh lo ngại.
“Anh có sao không, honey. Anh làm em lo quá!” Chợt dưng, một dự báo của nỗi bất an làm tôi run rẩy.
“Em nằm lên người anh, ôm thật chặt lấy anh đi,” môi anh mấp máy, khẩn khoản.
Trống ngực tôi như hụt hơi, sự đau đớn đang đi từ ký ức đến sự thật. Cảm giác đang bị truy đuổi bởi nỗi sợ hãi. Tôi ôm siết anh như muốn nghẹt thở. Trên màn hình monitor, áp suất máu giảm đột ngột, nhịp tim anh hoảng loạn. Môi, da dần thay màu xám xịt. Cả thân người anh như một chiếc bóng động kinh nhảy trên giường.
Tôi nhấn cái nút cấp cứu. Mấy cái áo xanh ùa vào, lớ ngớ. Vài cú phone (có lẽ gọi bác sĩ) để giải quyết một tình trạng cấp thời. Ống dưỡng khí chụp lại trên mặt anh. Họ đẩy anh trở về khu cấp cứu. Như điềm báo của một cơn ác mộng về số phận. Cái nhìn anh hướng về tôi, đầy hốt hoảng, trăn trối. Đôi chân tôi như muốn quỵ ngã xuống sàn nhà.
“Bà cần trả thêm tiền chi phí của bệnh viện, LIỀN,” một cặp mắt trân trân với một ánh nhìn vô cảm, một gương mặt không dính liền với một con người, và trái tim.
“Các người có còn chút lương tâm không? Hay có đủ kiên nhẫn để tôi bình tâm mà ném vào mặt các người cái thẻ nhựa này đây”, tôi nói như gào.
Tôi chạy vào restroom, gục đầu trong cái bồn cầu, nôn thốc tháo. Sự cuồng nộ tích tụ với một cảm xúc khủng khiếp. Những áp chế, hủy hoại, đau đớn, tê liệt, khủng hoảng, và cả nỗi giận dữ…
Tôi oằn người xuống sàn nhà, vật vã trong từng cơn khóc.

“Thợ lặn” Andy Nguyễn. Những ngày “dật dừ” mê man sau những cơn động kinh, hệt như trong phim… kinh dị!