The Economist Itelligence Unit mới làm một cuộc khảo sát 140 thành phố trên thế giới thì Melbourne đoạt huy chương vàng, nghĩa là hạng nhứt, với danh hiệu là thành phố đáng sống nhứt trên thế giới với số điểm là 97.5 trên 100.
Nếu coi đây là cuộc đua ngựa Melbourne Cup, tổ chức hàng năm vào Thứ Ba đầu tiên của tháng 11 thì ở mức đến phải cần ‘photo finish’
(Trong một cuộc đua mà có nhiều người tham dự, tới mức đến hầu như cùng một lúc mà mắt thường khó phân biệt ai là người thắng cuộc thì phải cần ảnh chụp để rạch ròi chính xác. Có hình ảnh sờ sờ ra đó làm bằng chứng thì khỏi cãi!)
Melbourne hơn anh về nhì 00.1%, là Vienna của Áo được 97.4 chiếm huy chương bạc và Vancouver của Gia Nã Đại 97.3 chiếm huy chương đồng. Còn nói về nội địa chỏi với nhau thì Melbourne cũng hơn Adelaide, tiểu bang Nam Úc hạng 4 với 96.6 và Sydney của tiểu bang New South Wales hạng 7 với 96.1 và Perth của tiểu bang Tây Úc hạn 9 với 95.9. Nghĩa là trong 10 hạng đầu, mấy chú Kangaroo nầy đã chiếm hết 4 rồi.
Người viết giận vợ, buồn tình quá, tính tự vận cho rồi mà nghe thành phố Melbourne mà mình đang ở được bình bầu là thành phố đáng sống nhứt trên thế giới bèn đổi ý, không thèm ngu mà chết vì bị ‘em yêu’ xài xể! Sống ở thành phố đáng sống nhứt trên thế giới thì ngu sao mà chết?!
Cái vụ thà chết sướng hơn nầy bây giờ xin dành cho những thành phố hạng bét đi như: Damascus, thủ đô của Syria, cầm đèn đỏ với 30.5 điểm. Kế đó là Dhaka, Đông Hồi (Bangladesh) 38.7 và Port Moreby ở Papua New Guinea và Lagos của Nigeria cùng 38.9 điểm.
Dĩ nhiên trước kết quả rực rỡ tên vàng như vậy thì mấy ông chánh trị gia nhào ra kể công do tui đó à nha!
Trước hết là Thị trưởng Melbourne, Robert Doyle, của Đảng Tự Do ca rằng: huy chương vàng tưởng thưởng cho Melbourne thật là trên cả tuyệt vời. Năm nay chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào an toàn, về phát triển thông minh (bộ ông thị trưởng nghĩ thị dân chúng tôi ngu cả đám hết hay so mà cần phát triển thông minh hả?) và cơ sở hạ tầng; về chăm sóc sức khỏe và giáo dục! Nghĩa là cái gì thành phố do tui làm ‘cha’ cũng đậu tối ưu cả! Thôi mình đi nhậu ăn mừng cái đã!
Rồi ông Tiến sĩ Denis Napthine, Thủ hiến tiểu bang Victoria: ‘Đây là bằng chứng rõ ràng những gì chúng ta đang làm cho Melbourne và Victoria thành tiểu bang tốt nhứt trên thế giới!’
Người ta chỉ chấm có thành phố Melbourne thôi mà ông Thủ hiến cố tình gom toàn bộ cái tiểu bang nầy vô; tự ên khen mình cũng number one luôn. Tuyên bố lập lờ như vậy kỳ lắm nghe huynh!
Công tâm mà nói về kinh tế thì phải kể tới Sydney trước. Còn về âm nhạc, triển lãm nghệ thuật, sự kiện thể thao như giải Grand Slam về tennis hoặc đua xe Formula 1, đua ngựa thì phải nói tới Melbourne.
Mặc dù trên toàn cõi nước Úc tỉ lệ tội phạm đang gia tăng, nhứt là đang đi nhậu cãi lộn rồi bị đấm một phát rồi ngã lăn ra chết, thì Melbourne tỉ lệ tội sát nhân là 3.1 trên 100 ngàn dân theo thống kê năm 2012/2013. (Nghĩa là 1 triệu dân mỗi năm chỉ có 31 người bị giết, 4 triệu thì hơn 100 nạn nhân mỗi năm, nếu đem so với thủ đô Mexico của nước Mễ Tây Cơ thì số người bị giết nầy có thể chỉ một ngày thôi)
Còn khoe khoang về nhà mầy lớn nhà mầy cao sao bằng nhà tao thì Melbourne có Euroka Tower cao 285 mét chỉ sau Ocean Heights ở Dubai. Thang máy chạy với tốc độ 9 mét một giây đưa bạn lên ngắm cảnh toàn thành phố chỉ chưa tới một phút, như đi hỏa tiễn.
Nhà hàng ăn trên xe điện (xe tram), The Colonial Tramcar Restaurant, đầu bếp 5 sao phục vụ ăn tối, khi xe tram (xe điện) chạy vòng vòng trong thành phố, qua Quốc hội tiểu bang tới bờ Nam rồi ngược về hướng Bắc tới Bourke St.
Đây đâu phải lần đầu Melbourne được huy chương vàng đâu mà là lần thứ tư trong bốn năm liên tiếp đó bà con cô bác ơi! Số thống kê cho thấy phi trường Melbourne mỗi năm tăng thêm 15% du khách người ngoại quốc. Nên bà con cô bác trên thế giới và các tiểu bang khác của nước Úc cứ việc xúm về đây ở cho vui nha!
Mà đâu phải chỉ người ta khoái Melbourne không thôi mà mùa hè khi mặt trời lặn có hơn 60 ngàn con dơi cũng rủ nhau về đậu cho vui trên những cành cây trong công viên nằm giữa thành phố kề bên dòng sông Yarra. Ai bảo dơi không biết đọc báo hè?
Nếu quý độc giả bên Mỹ mà lỡ bữa nào quá chén, chạy đua, quá tốc độ, bị cảnh sát chớp đèn kêu lại phạt thì hãy qua Melbourne mà chạy cho nó đã nha! Melbourne cho phép chạy tới 312 cây số giờ! Bạn nghĩ là trên siêu xa lộ của nước Đức chăng? Không phải!
Ngay tại Melbourne nầy đây, tay đua người Đức, Michael Schuhmacher, đã chạy tới 312 cây số giờ trên đường đua Công thức 1 tại Công viên Albert mà có ai nói gì đâu! Mà còn được hoan hô rùm trời, tay cầm cúp vàng giơ lên, chai sâm banh bành ky nái, xịt rượu văng tùm lum (thiệt là tiếc)… Rồi có hai em sexy, cực kỳ nóng bỏng, nhón gót lên, chìa môi thơm vào má nữa! Khoái nhé!
Nếu quý bạn là thành phần thứ ba, xin hãy đến Melbourne! Chúng tôi yêu những người đồng tính nam và nữ (gays, lesbians) dù hôn nhân với người cùng phái chưa được chánh thức công nhận về mặt luật pháp. Tuy nhiên, Melbourne có một đài phát thanh phục vụ cho họ với 250 tình nguyện viên, đài Joy FM, rất được yêu thích đóng tại Bourke Street. Rồi nhà hàng Blue Train ở Southgate nữa. Vui hết biết!
Còn quý bạn khoái cần sa! Hãy đến Melbourne, đừng đi Amsterdam, Hòa Lan chi cho nó xa. Luật pháp cũng chưa cho phép nhưng nếu bạn dùng ‘bazooka’ mà kéo rột rột như bắn thuốc lào thì chả ai nói năng gì sất!
Nhưng Melbourne thành lập hồi nào và tại sao có tên đó? Người viết vốn đã nhận nơi nầy làm quê hương dẫu khó thương thì cũng nên biết chút chút về người thương mình chớ phải không?
Khám phá năm 1835 do John Batman, nông dân Tasmania, cùng John Pascoe Fawkner thám hiểm tìm ra vùng đất tốt hơn để chăn nuôi và trồng trọt. Melbourne là thành phố lớn của Úc không phải do những người tội phạm từ Anh quốc bị đi đày đến đây thành lập.
(Do đó bạn có lỡ cãi lộn với Úc nói: ‘Ông cố mầy hồi xưa ăn cắp bánh mì bên Anh rồi bị đày qua đây; còn tao là dân đàng hoàng, chỉ tị nạn CS mà tới đây thôi!’ Thì xin nói với dân Úc ở thành phố khác đừng nói ở Melbourne nó quạu nó đục mình phù mỏ!)
Melbourne vùng Derbyshire, vốn là tên một làng, quê của Thủ tướng Anh William Lamb (1835- 1841) dưới triều đại của Nữ Hoàng Victoria; nên tên tiểu bang là tên Victoria của Nữ Hoàng; còn thủ phủ tiểu bang thì lấy tên Melbourne. (Cũng xin nhắc nhỏ là ở tiểu bang Florida Hoa Kỳ cũng có một thành phố tên Melbourne nữa đó nha!) Melbourne ngày nay diện tích khoảng 9,900 km vuông gồm nội ô và các vùng phụ cận, có 4 triệu dân, ít dân hơn Sydney (khoảng 4.4 triệu)
Phát triển rầm rộ thời đổ xô đi tìm vàng (Gold Rush) những năm 1850. Thời cực thịnh những năm 1880.
Còn ông chủ thực sự của Melbourne là cộng đồng Koori, thổ dân chỉ còn khoảng 14 ngàn người thôi. Phần còn lại là di dân từ thế kỷ 19! Người Ái Nhĩ Lan, người Anh, người Tàu, người Đức, người Mỹ. Thế kỷ 20, người Ý, người Hy Lạp, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Việt, người Tàu, dân tị nạn từ Đông Âu, Phi Châu và các phần khác của Á Châu.
Ngôn ngữ tiếng Anh, và hơn 100 thứ tiếng khác như là tiếng Quan Thoại, Ý, Hy Lạp và tiếng Việt. Mạnh ai nấy nói tiếng của dân mình!
38% dân Melbourne vốn sanh ra ở nước ngoài đến đây gom thành mỗi khu mỗi khác. Đồ ăn cũng khác; chào hỏi cũng khác và chửi thề cũng khác luôn.
Đóng góp vào danh tiếng Melbourne là thành phố đáng sống nhứt trên thế giới phải kể tới công sức của hơn 120 ngàn người Việt đang sống tại thành phố nầy.
Có anh bạn của người viết là cựu tù cải tạo, vượt biên qua được Melbourne định cư mấy chục năm rồi nói: ‘Tui từ địa ngục lên được thiên đàng?!’
Nên có chuyện vui như vầy: ‘Ba người từ địa ngục gọi điện thoại về quê hương bản sở để nhắc bà con nhớ ngày mà cúng giỗ cho mình. Một người Mỹ, và người Úc tốn 100 đô nhưng anh Việt Nam tốn chỉ có 25 xu. Thế nên ông Mỹ, ông Úc than phiền là hổng có công bằng. Quỷ sứ bèn trả lời: Hai ông gọi, tui tính tiền nhiều là vì điện thoại quốc tế. Còn ông Việt Nam nầy gọi là cú gọi địa phương!’
Ý nó muốn nói Việt Nam mình sau 75, dưới sự cai trị của mấy ‘quan anh’ nó là một địa ngục! Mà cũng đúng! Chính vì vậy mà bà con ta ào ào ra biển, giong thuyền vượt biên hết ráo!

Bảo Huân