Menu Close

Chích ngừa cúm

Với các nhà chuyên môn y tế, chích ngừa vẫn là phương pháp rất hữu hiệu để tránh dịch bệnh Cúm mà tiếng Anh gọi là Flu.

Chích ngừa là tạo ra tính miễn dịch trong cơ thể để chống lại sự xâm nhập, gây bệnh của các vi sinh vật độc hại.

1. Có mấy loại thuốc ngừa cúm

Có 2 loại vaccine ngừa Cúm

– Thuốc chích với virus đã bị vô hiệu hóa dành cho người từ 6 tháng tuổi trở lên, kể cả người khỏe mạnh lẫn người có bệnh kinh niên.

Cũng có vaccine với liều lượng cao dành cho người trên 65 tuổi để tạo ra tính miễn dịch mạnh hơn, vì ở tuổi cao khả năng phòng bệnh yếu đi.

– Thuốc xịt lỗ mũi với virus cúm đã được làm giảm độc tính, dành cho người khỏe mạnh từ 2 tới 49 tuổi, không có thai.

2. Bao giờ chích ngừa?

Ở Bắc Bán Cầu như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Cúm hoành hành mạnh nhất từ tháng 12 tới tháng 2 năm sau, nhưng đầu tháng 10 đã lai rai xuất hiện và có thể kéo dài tới tháng 5. Sau chích ngừa, cần khoảng 2 tuần lễ để tạo ra tính miễn dịch chống lại virus cúm. Do đó, ngay sau khi đọc nhắc nhở này, xin bà con lấy hẹn với bác sĩ gia đình hoặc tới các pharmacy để chích ngừa.

3. Những ai cần ngừa

Mọi người đều cần chích ngừa trước khi mùa Cúm bắt đầu, đặc biệt là nhóm người sau đây:

– Mọi lứa tuổi từ 6 tháng tuổi trở lên.

– Những người vì nghề nghiệp dễ mắc hoặc truyền bệnh cúm, như nhân viên y tế, người làm việc trong nhà dưỡng lão.

– Những người mà bệnh cúm có thể đưa tới tử vong, như đã có các bệnh kinh niên về tim, phổi, ho suyễn, tiểu đường,  thận.

– Người mắc bệnh xơ gan vì nghiện rượu.

– Người suy yếu miễn dịch như ung thư máu, đang chữa ung thư bằng phóng xạ, hóa chất.

– Phụ nữ đang mang thai từ ba tháng trở lên cần được chích ngừa cúm với loại siêu vi trùng đã làm giảm cường lực

4. Những ai không chích ngừa?

– Dị ứng trầm trọng với trứng gà. Lý do là virus ngừa cúm được nuôi dưỡng trong tinh cốt trứng gà

– Đã có phản ứng trầm trọng với thuốc ngừa cúm

– Trẻ em dưới 6 tháng, vì thuốc ngừa cúm chưa được chấp thuận dùng cho lứa tuổi này

– Người đang có vấn đề sức khỏe với nóng sốt. Đợi sau khi khỏi bệnh hãy chích ngừa.

5. Thuốc ngừa cúm có gây ra phản ứng gì không?

Thuốc ngừa cúm dạng chích và xịt mũi đều có thể gây ra vài phản ứng rất nhẹ  như hơi đau sưng ở chỗ chích, hơi sốt chừng vài ngày rồi hết.

6. Ngoài ra, cần chích ngừa bệnh nào khác nhân mùa cúm không?

Với thời tiết mưa lạnh, nhiều người nhất là quý vị tuổi hơi cao, cũng dễ dàng bị nhiễm bệnh phổi. Do đó, nên hỏi bác sĩ để chích ngừa bệnh Sưng phổi (Pneumonia), vì đây là một biến chứng trầm trọng của bệnh Cúm, có thể đưa tới tử vong, nhất là ở người cao tuổi.

7. Nếu bị cúm, tôi phải làm gì?

Trước hết là nên ở nhà, không đi làm, không đi học, không tới nơi hội họp đông người, không đi shopping…để không truyền bệnh cho người khác.

Theo các nhà chuyên môn y tế, chỉ nên ra ngoài sau khi đã hết nóng sốt khoảng 24 giờ. Mà nếu có bắt buộc phải rời khỏi nhà để mua dược phẩm hoặc nhu cầu cá nhân gì khác thì nên mang khẩu trang hoặc che miệng mũi với khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi, để virus không lan vào không khí.

Và nhớ rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa lan tràn virus cúm qua những vật dụng mà người bệnh mới cầm sờ.

8. Có thuốc trị Cúm không?

Có chứ.

Hai loại thuốc thường dùng là oseltamivir và zanamivir giúp rút ngắn thời gian bệnh và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Cần được bác sĩ khám bệnh rồi biên toa. Để có công hiệu, thuốc cần được dùng ngay khi bệnh mới xuất hiện.

9. Làm sao để tránh CÚM vào mùa dịch bệnh này?

Phương thức công hiệu nhất vẫn là chích ngừa hàng năm, dù là với vaccine chích hoặc xịt mũi, đặc biệt là đối với người nhiều nguy cơ có thể bị biến chứng của cúm.

Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp sau đây để tránh lây lan bệnh:

– Không nên tiếp xúc quá gần với người bị bệnh để tránh hít phải virus. Nếu mình bị cúm thì cũng nên giữ khoảng cách để khỏi truyền bệnh cho người khác.

– Nếu có thể, nghỉ ở nhà khi bị cúm để tránh bệnh lan sang người lành.

– Che miệng, mũi với giấy lau khi ho hoặc hắt hơi, sổ mũi để tránh “phun” virus vào không khí, người khác hít phải và mang bệnh. Xin an toàn ném bỏ giấy lau đã dùng.

– Rửa tay thường xuyên để bảo vệ với vi sinh vật gây bệnh.

– Tránh sờ tay dơ vào mũi, miệng, mắt. Virus thường lan khi sờ vào các vật dụng có virus. Virus có thể còn sống từ 2-8 giờ trên các vật dụng như sách báo, nắm cửa ra vào, cửa tủ lạnh, bấm nút TV…

10. Tại sao một số người vẫn bị cúm dù đã chích ngừa?

Có mấy lý do khiến một số người có dấu hiệu giống như bị flu dù đã được chích ngừa. Đó là:

– Đã tiếp xúc với virus cúm ngay trước khi chích ngừa hoặc trong thời gian 2 tuần lễ sau khi chích để cơ thể được bảo vệ. Sự tiếp xúc này có thể khiến con người bị cúm trước khi thuốc chủng có công hiệu.

– Con người có thể bị bệnh vì các virus khác nhưng có triệu chứng tương tự như cúm.

– Vì có nhiều loại virus cúm khác nhau, nên ta có thể bị một virus không có trong vaccine tấn công và gây bệnh

– Một số người vẫn bị cúm dù đã chích ngừa, chẳng hạn người bị suy yếu hệ miễn dịch. Tuy nhiên, thuốc vẫn có thể bảo vệ được họ dù hệ miễn dịch có yếu.

Kết luận

Nghiên cứu ở quý vị cao niên được công bố trong New Journal of Medicine cho hay, chích ngừa cúm giảm thiểu tỷ lệ nhập bệnh viện vì cúm và sưng phổi tới 27%, giảm tử vong tới 48%.

Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Bệnh CDC, hàng năm tại Hoa Kỳ có khoảng 60% quý vị trên 65 tuổi đi tiêm ngừa cúm. Chính quyền y tế đặt mục tiêu là phải cố gắng nhắc nhở khích lệ  để các cụ đi chích ngừa nhiều hơn nữa, ít nhất cũng phải là 90%. Lý do là các cụ dễ có nguy cơ bị sưng phổi, một biến chứng của cúm, vì các cụ thường hay bị bệnh tim, phổi từ trước.

Vậy xin mời độc giả Trẻ rủ nhau đi chích ngừa Cúm.

NYD