Menu Close

Hoa Kỳ khai chiến với ISIS

Hôm Thứ Tư, 10-9-2014, trên 34 triệu người Hoa Kỳ đã mở TV lắng nghe Tổng Thống Obama trình bày kế hoạch đối phó với nhóm phiến quân Hồi Giáo cực đoan “Islamic State”, hay còn gọi là “ISIS” hoặc “ISIL”.

 

alt

Tại Phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc hôm 9-9-2014, Tổng Thống Barack Obama gặp các đại diện hàng đầu từ Quốc Hội để thông báo quyết định tấn công ISIS. Ảnh Jim Lo Scalzo-EPA

Trên các bảng thăm dò công luận Hoa Kỳ, khoảng 90% dân chúng nói ISIS là mối đe dọa cho quốc gia. Những tuần gần đây, ngày càng có nhiều dư luận ủng hộ nỗ lực tiêu diệt ISIS. Mặc dù nhiều người ngán ngẩm viễn ảnh Hoa Kỳ dan díu vào một cuộc chiến khác tại Trung Đông, các thăm dò dân ý đều cho thấy sự hậu thuẫn cao cho các biện pháp quân sự cứng rắn, bao gồm cả không tập ISIS. Về phần Tổng Thống Obama thừa nhận cuộc chiến chống ISIS sẽ có không ít khó khăn và có thể kéo dài.

 

alt

Xác một chiếc quân xa của ISIS sau khi bị Hoa Kỳ không tập. Ảnh Ahmad Al-Rubaye/AFP/Getty Images

Nhìn lại, cho đến khi ISIS chiếm thành phố Mosul của Iraq trong Tháng Sáu 2014, Hoa Kỳ và Tây Phương chưa xem nhóm phiến quân Hồi Giáo cực đoan này là mối họa khẩn cấp. Kể từ thời điểm đó, ISIS tiến chiếm thêm nhiều làng mạc và thành phố. Thậm chí Baghdad cũng bị uy hiếp, các sắc dân Thiên Chúa Giáo ở Bắc Iraq phải chạy lánh nạn, Tòa Đại Sứ và công dân Hoa Kỳ bị đe dọa, các ký giả bị xử tử hình, v.v… ISIS giờ đây chẳng những khuấy đảo Iraq, mà còn đe dọa các lân bang như Syria hay Lebanon…

Trong những vùng lãnh thổ do ISIS kiểm soát, ngày Thứ Sáu mỗi tuần dùng để hành quyết hoặc chặt tay chân những người phạm sai sót đối với các điều khoản nghiêm ngặt của luật Hồi Giáo. Phụ nữ mặc trang phục không đúng quy định cũng bị đánh đòn công cộng. Đã có ghi nhận tại nhiều nơi trong vùng ISIS kiểm soát, trẻ em chỉ mới 10 tuổi bị bắt gia nhập hàng ngũ chiến binh ISIS.

Vì những diễn biến này, ISIS hiện đang tứ bề thọ địch, từ các chánh phủ đến các tổ chức tôn giáo, nhân quyền, v.v… Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã hơn một lần tố cáo ISIS phạm tội diệt chủng ở miền Bắc Iraq, bao gồm giết người hằng loạt, bắt cóc, và các tội ác chiến tranh khác… Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi cộng đồng thế giới hiệp lực cắt bỏ “ung thư”, không cho nó lan rộng. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry cam kết đập nát một nhóm “xấu xí, dã man, vô đạo,” v.v…

 

alt

Các tay súng “Islamic State” diễn hành sau khi chiếm thành phố Raqqa của Syria. Ảnh Raqqa Media Centre of the Islamic State/AP

Trong thế giới Hồi Giáo, cũng đã có nhiều lãnh tụ chánh phủ cũng như tôn giáo mạnh mẽ lên án các phương pháp bạo lực của ISIS là phản Hồi Giáo. Từ Tháng Ba 2014, chánh phủ Saudi Arabia đã chánh thức xem ISIS là một nhóm khủng bố, rồi bố ráp bắt bớ bất cứ ai nghi ngờ có dính dáng đến ISIS hoặc giúp nhóm này chiêu mộ thêm người. Thủ Tướng Malaysia gọi ISIS là “tội phạm nhân danh Islam,” và ban hành lịnh gia tăng kiểm soát đối với dân chúng du lịch ra ngoại quốc. Malaysia có đến 20 triệu dân theo đạo Hồi, nhưng nhờ các nỗ lực này, đến nay chỉ có khoảng 50 người Mã Lai gia nhập ISIS. Indonesia và Úc Châu gần đây cũng ra tuyên bố chung gọi ISIS “làm nhục” hằng triệu tín đồ Hồi Giáo. Úc thậm chí ban hành luật siết chặt an ninh trên internet cũng như tại các phi trường hay tiền đồn biên giới, v.v…

Về phần Hoa Kỳ, đã thấy có những phân tích gia, những chuyên viên chống khủng bố hàng đầu đánh giá ISIS không nguy hiểm như al Qaeda trước kia. Sau vụ 9-11 Tòa Tháp Đôi New York đổ sập vì khủng bố, ngành an ninh Hoa Kỳ đã tăng cường chuẩn bị, kiểm soát bằng nhiều cách để phát giác và ngăn chận những cuộc tấn công tương tự. Hiện nay, chưa có bằng chứng các tay súng ISIS chuẩn bị tấn công trên chính lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, Hoa Kỳ chánh yếu tập trung bảo vệ các sứ giả ngoại giao và các chuyên viên đang làm việc tại ngoại quốc, nhất là tại Iraq.

 

alt

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trên bàn, thứ hai từ trái) họp với các nước Ả Rập, mưu tìm hậu thuẫn trong cuộc chiến chống lại ISIS. Ảnh Brendan Smialowski/AFP/Getty Images

Góp tay với nỗ lực của Hoa Kỳ, nhiều chánh phủ Tây Phương cũng thắt chặt kiểm soát các hoạt động chiêu mộ thêm người cho ISIS. Đức Quốc thậm chí đồng ý quân viện cho các nhóm nghĩa quân người Kurd thiểu số đang đánh nhau với ISIS ở miền Bắc Iraq. Các món viện trợ bao gồm hằng ngàn súng máy, hỏa tiễn tầm ngắn, cũng như quân xa… Trị giá đợt quân viện của Đức Quốc vừa qua đến $92 triệu.

Ngoài chuyện tứ bề thọ địch, ISIS cũng có những yếu huyệt chết người từ chính chiến thuật của họ. Hằng loạt chiến thắng của ISIS hầu hết đều là vì các lực lượng địa phương quân Iraq còn non nớt lại thiếu chuẩn bị. ISIS đang kiểm soát nhiều mỏ dầu tại Iraq và Syria, dùng lợi nhuận để kéo dài chinh chiến. Tuy nhiên, các cơ sở này cần được bảo trì, cần máy móc thay thế, cần nhiều kỹ sư giỏi để điều hành… mà về lâu dài ISIS không có được. Lâu nay, họ sử dụng và buôn bán chánh yếu từ lượng dầu hỏa dự trữ, và nguồn này không phải vô tận.

Cũng chưa ai rõ con số chính xác các tay súng ISIS là bao nhiêu người. Đã có những ước đoán phóng đại. Nhưng cũng có ước lượng ISIS chỉ có tối đa 15,000 tay súng rải đều từ Bắc Syria sang Trung Phần Iraq. Binh sĩ ít, có thể là một lý do vì sao ISIS thích đuổi dân chúng đi mỗi khi chiếm được một thành phố mới, vì e sợ người ta nổi dậy. Chọn lựa này như con dao 2 lưỡi. Nếu phiến quân sống lẫn trong số dân chúng đông đảo thì có thể an toàn tánh mạng hơn. Vì mở rộng lãnh thổ chiếm được quá nhanh, nay ISIS gặp khó khăn trong việc phòng thủ, vừa căng sức ráng giữ những phần đất đã đoạt được, vừa đối diện nguy cơ bị tấn công từ nhiều phía cùng một lúc.

Chính vì sự phân tán, dàn mỏng của ISIS, mà có lẽ Hoa Kỳ sẽ dùng chánh yếu võ khí không tập. Một chiến thuật ưa thích của ISIS là gài bom/mìn dọc xa lộ. Nhưng nhiều lần trong quá khứ, Hoa Kỳ đã áp dụng rất thành công chiến thuật dùng người chỉ điểm dưới đất, kết hợp với phi cơ tự động trên trời (“drone”, không có phi công) để xác định và hủy diệt các chiếc bẫy bom/mìn này. Hiện nay, theo tin tức hành lang, các lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ (U.S. special force) đã hiện diện tại mặt trận, điểm chỉ mục tiêu cho các cuộc không tập.

 

alt

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry thị sát Baghdad từ trực thăng hôm 10-9-2014. Ảnh Brendan Smialowski/Reuters

Nhưng để hủy diệt ISIS, chắc chắn bao nhiêu súng đạn, bom mìn, không tập… cũng không đủ. Cuộc chiến chống ISIS có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nội các Tổng Thống Obama có vẻ muốn áp dụng lại phương cách đánh al Qaeda trước kia của Tổng Thống George W. Bush (Bush con). Từ sau vụ 9-11, Hoa Kỳ tốn kém hằng ngàn tỉ Mỹ kim để tuyệt diệt al Qaeda, chánh yếu tại Afghanistan và Pakistan, bằng cách loại trừ các cấp chỉ huy của đối phương, giảm thiểu mối họa. Đến nay, nhiều thủ lãnh al Qaeda đã bị giết chết, chỉ còn một số nhỏ. Với ISIS ngày nay, chiến lược lâu dài là trừ khử các chỉ huy, làm suy yếu khả năng tác chiến của họ, cũng như cắt đứt nguồn tài chánh.  

Ngũ Giác Đài đã tuyên bố, từ lúc bắt đầu vào giữa tháng 6-2014, các nỗ lực chống lại nhóm quá khích ISIS tốn kém trung bình mỗi ngày $7.5 triệu. So sánh với thời điểm 2007, lúc binh sĩ Hoa Kỳ còn trực tiếp tác chiến trên chiến trường Iraq, quân lực Hoa Kỳ phải tốn kém $720 triệu mỗi ngày, thì vẫn còn là con số khiêm tốn. Tuy nhiên, kể từ nay, với cuộc đối đầu lan rộng và mạnh mẽ hơn, chi phí cũng sẽ leo thang mau chóng.

Lắng nghe kế hoạch kết liễu mối họa ISIS của Tổng Thống Obama, cũng có không ít người chỉ trích. Việc ông Tổng Thống khăng khăng không chịu đưa binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến trực tiếp (chỉ dùng không tập và yểm trợ kỹ thuật giúp quân bạn dưới đất, dù là người Iraq, người Kurd, hay người Syria). Không ít người thậm chí lo ngại, nếu không đánh mạnh, đánh thẳng tay, nhóm ISIS khởi sự từ Syria, nay băng qua Iraq và Lebanon, liệu sẽ có ngày đủ mãnh lực thôn tính toàn vùng Trung Đông, đưa đến uy hiếp Âu Châu và cả Hoa Kỳ sau này.

 

alt

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry (giữa) đi thuyết phục các Ngoại Trưởng khối Ả Rập. Ảnh Reuters

TD