Mùa trăng Tháng Tám này tôi được bạn tặng 2 cái bánh Trung Thu. Tôi ăn hết cả 2 cái, ăn một mình, không chia cho ai, và tôi cũng không mua tặng ai một cái bánh nào. Mình tham ăn và ích kỷ quá, tôi thầm nghĩ vậy. Nói ra điều này tôi hơi xấu hổ, nhưng sự thật là như vậy.
Tôi kể ra chuyện trên vì sáng nay xem 2 tấm hình và status dưới đây trên Facebook cùng những lời bình.
Facebooker Ngoc Nhi Nguyen: “Tại sao người ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự lố bịch của Ngọc Trinh khi cô này cho in hình mình lên túi quà Trung Thu phát cho trẻ em và lên án cô ta, nhưng lại không thể thấy sự lố bịch của Hồ Chí Minh khi ông này đi đâu cũng cho treo hình mình to tổ bố cùng những khẩu hiệu tự sướng như “Hồ chủ tịch muôn năm”, và hễ gặp nhi đồng là bắt các cháu hát bài ca tụng mình như “Ai yêu bác HCM hơn chúng em nhi đồng”?
Phải chăng vì 1 hành động được cho phép nhìn nhận xem xét 1 cách tự do, còn hành động kia thì đã bị định hướng, nhồi sọ nên những lúc ấy não ngưng không làm việc nữa mà chỉ còn mũi dãi chảy ra như chó Pavlov?
Thực tế là 2 hành động không khác gì nhau, cùng lố bịch ngang nhau và nó cho thấy cái tâm cùng cái trình quá kém của kẻ đang cố tự tô bóng mình.”
Nếu bạn chưa biết thì có lẽ sẽ thắc mắc Ngọc Trinh là ai mà được mang ra so sánh với ông Hồ Chí Minh vậy ta?
Tôi cũng vậy, tôi không rành lắm về cô, chỉ biết rằng Ngọc Trinh là một người mẫu rất nổi tiếng, được báo chí gọi là “nữ hoàng nội y”. Tôi bèn lên google gõ “người mẫu Ngọc Trinh” thì có kết quả rất ấn tượng: About 931,000 results (0.27 seconds).
Tò mò, tôi gõ tiếp “Ngọc Trinh + bánh trung thu”, thì trong những kết quả có bài báo với tựa đề: “Ngọc Trinh góp 100 triệu tặng quà trẻ nghèo ở quê” với những hình ảnh ở trên và thông tin về hoạt động từ thiện: “Nhân dịp Trung Thu, “Nữ hoàng nội y” đã dành một ngày để về Trà Vinh và Bến Tre tặng quà cho các học sinh nghèo.”
Nhìn kỹ 2 tấm hình, tôi nghĩ:
– Một là, dù sao, cái bánh Trung Thu thật của cô Ngọc Trinh thì có giá trị thực tế hơn các khẩu hiệu dỏm của ông lãnh tụ;
– Hai là, các túi quà có in hình của cô Ngọc Trinh có thể cho thấy sự phô trương nhưng không mang lại sự nguy hại cho lắm (ai không thích thì thấy khó chịu thôi chứ không chết thằng tây nào), còn về sự trơ trẽn thì nó nhẹ hều nếu so với tấm hình ông lãnh tụ đứng trước cái khẩu hiệu “muôn năm” tung hô chính mình;
– Ba là, đôi vai trần của Ngọc Trinh thì đẹp (và lành) hơn hàm râu của lãnh tụ chứ, các bạn nam đồng ý không nào? Nếu đôi vai trần của Ngọc Trinh là một thương hiệu của cô ấy, như hàm râu bạc hay cái trán bóng cũng là những thứ thương hiệu của ông lãnh tụ kia, thì tôi nghĩ không quá đáng hay lố bịch lắm đâu khi cô trưng bày ra cái thương hiệu mà cô có trong những hoạt động của mình. Khi nào cô phô trương cái mà cô không có, cái mà cô mạo nhận, thì mới là đáng trách, thì mới là quá xá lố bịch. Tôi chỉ thấy cô hơi non nớt, hay được / bị cố vấn thiếu tinh tế trong việc PR tên tuổi của mình.
Khi tôi post lên ý trên thì được nhận xét rằng: “Cái lố bịch ở đây là PR CHO THIẾU NHI NGHÈO, trong 1 công tác TỪ THIỆN!!! Đúng là các ông, cứ thấy Ngọc Trinh là sáng mắt nên có lòng bao che.”
Không oan chút nào, tôi có sáng mắt lên khi nhìn đôi vai trần của cô Ngọc Trinh, mà tối mắt lại khi thấy bộ râu của ông Minh, quả là lỗi tại tôi mọi đàng!
Tuy nhiên, nếu bị ai kề dao vô cổ bắt hô, thì tôi nghĩ rằng mình dễ dàng hô “Ngọc Trinh muôn năm” hơn là tung hô ông lãnh tụ râu dài muôn năm; mà nghĩ cho cùng thì thật ra có cái gì muôn năm đâu, kể cả đôi vai trần của Ngọc Trinh lẫn bộ râu của ông lãnh tụ, phải không nào?
Nghĩ đến đây tôi không khỏi ngậm ngùi, vì dù có cố công lắm thì cô Ngọc Trinh gìn giữ được đôi vai đẹp của mình chừng 40 năm là cùng. Nghĩ đến đây tôi không khỏi buồn cười, vì cho dù thiên hạ có cố công bảo dưỡng bộ râu của ông lãnh tụ bằng mọi phương pháp tối tân và tốn kém thì cũng giữ được chừng bấy nhiêu năm, hay dài hơn một thời gian, nếu so với đôi vai (hoặc những bộ phận khác) của cô Ngọc Trinh, nhưng rồi từng sợi cũng sẽ bạc màu, cũng sẽ xác xơ, cũng sẽ rơi rụng, rồi tan vào hư vô tro bụi.
Viết đến đây thì một anh bạn gởi cho mấy câu thơ sau đây của bác làm tặng thiếu nhi:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương.”
(Thư Trung thu 1951)
Không hiểu mấy câu lục bát vụng về, dễ dãi vần vè này, có tác động với các em thiếu nhi thời đó ra sao, nhưng tôi tin rằng với trẻ em ngày nay thì một mùa Trung Thu không bánh cũng không đèn, hẳn là một mùa Trung thu “trớt quớt”; vầng trăng của bác dù có lồng lộng rực rỡ thì cũng là cái ảo (thời nay gọi là hàng đểu), chẳng bằng hương vị thơm ngon ngọt ngào của cái bánh thiệt của cô Ngọc Trinh mang xuống Trà Vinh.
Còn mình thì nghĩ sao nhỉ? Còn sao nữa, ngó vầng trăng khi ẩn khi hiện giữa những đám mây ở lưng trời mà tôi phục bác Minh vô cùng, phục lăn phục lóc. Vừa phục mà cũng vừa ngứa miệng lắm, chỉ muốn chửi đổng lên một câu như nhân vật của nhà văn Nam Cao ngày xưa, “Tiên sư cái thằng Tào Tháo!”.
ND