Khi mục tiêu lợi nhuận chi phối toàn bộ hoạt động của phần lớn những tập đoàn thương mại và cơ sở tiểu thương, thì quyết định đóng cửa ngày Chủ Nhật của toàn bộ nhà hàng thuộc hệ thống Chick-fil-A là một sự hy sinh về lợi nhuận khá lớn. Phương cách kinh doanh này xuất phát từ một đức tin mạnh mẽ cùng một sự quan tâm đến đời sống tinh thần của toàn bộ nhân viên của mình, hay hơn thế nữa, nó là một triết lý thương mại của nhà sáng lập kiêm chủ nhân hệ thống này là S. Truett Cathy, người vừa qua đời hồi tuần tuần trước, hưởng thọ 93 tuổi. Có lẽ tìm hiểu về ông cùng hoạt động của Chick-fil-A cũng đem đến cho chúng ta đôi điều suy gẫm về vài giá trị chung trong thương mại.
Dù Chick-fil-A khá quen thuộc với nhiều người, chỉ khi S. Truett Cathy qua đời hồi tuần trước, người ta mới có cơ hội biết thêm về cuộc đời của ông, về một triết lý thương mại riêng biệt hơn những tài năng kinh doanh thành danh khác. Qua tất cả những gì đã được mô tả về ông, người ta có thể hình dung S. Truett Cathy là một người mộ đạo, một con người khiêm cung đức độ, một đầu óc thương mại xuất chúng, một nhà từ thiện hào phóng, một tấm lòng bao dung với người nghèo và trẻ em cùng vô số những điều tốt đẹp khác có thể nói đến. Với chỉ riêng câu chuyện rằng, ông đã dạy thiện nguyện các lớp học Chủ Nhật cho trẻ em tại nhà thờ của mình trong suốt 50 năm, ngay cả khi đã trở thành một tỉ phú, thì nó đủ làm người ta tin rằng những điều nói về ông ắt đã chẳng quá lời.
Hơn 2,000 người đã tham dự đám tang của S. Truett Cathy tại nhà thờ First Baptist ở Jonesboro. photo Lisa George / WABE
Ông Cathy vẫn thường hay khiêm cung tự giới thiệu về mình rằng, “Tôi là người nấu món gà để kiếm sống”. Xét theo nghĩa đen, quả thật đó là tất cả những gì ông đã làm trong suốt cuộc đời mình để tạo dựng nên một thương hiệu Chick-fil-A với các loại sandwich kẹp gà khá đơn giản. Cuộc lập nghiệp của ông cũng tương tự như phần lớn những chủ nhân các tập đoàn hay thương hiệu nổi tiếng khác, khi từ một quán ăn nhỏ tại Atlanta, ông đã tạo dựng nên một “đế chế” Chick-fil-A chỉ do gia đình làm chủ mà không cổ phần hóa, có khoảng 1,800 tiệm cùng hơn 70,000 nhân viên hiện nay. Không ai nghi ngờ về khả năng thương mại thiên phú của Cathy với một kỳ tích kinh doanh là, tổng thu của Chick-fil-A đã tăng liên tục mỗi năm trong gần 50 năm qua, lên đến hơn 5 tỉ đô la trong năm qua và qua mặt cả hệ thống KFC vốn chuyên bán gà chiên. Nhưng điều làm khác biệt với những phương cách thương mại đầy thủ thuật để tồn tại trong một thương trường cạnh tranh khốc liệt là những tôn chỉ Cathy đã đặt ra và Chick-fil-A áp dụng đến hiện nay khi áp dụng những chuẩn mực đạo đức và truyền thống trong đức tin vào trong hoạt động kinh doanh của mình. Điều tưởng như trái nghịch trên thương trường nhưng có lẽ nó lại cần thiết và là một bài học kinh doanh nói chung để dẫn đến thành công.
Cathy đã dạy thiện nguyện các lớp học Chủ Nhật cho trẻ em tại nhà thờ trong suốt 50 năm – nguồn businessinside.com
Chính Cathy đã từng nhìn nhận điều này và cũng bày tỏ tôn chỉ kinh doanh của mình rằng, “Tôi chẳng thấy có gì mâu thuẫn giữa Cơ Đốc giáo và những kiểu kinh doanh chân chính. Người ta bảo chẳng thể lẫn lộn giữa thương mại và tôn giáo, tôi thì cho rằng chẳng làm khác hơn vậy được”. Quyết định đóng cửa ngày Chủ Nhật hiếm hoi trong kỹ nghệ nhà hàng, là một trong những tôn chỉ kinh doanh mang tính đức tin này, nó cho phép nhân viên được nghỉ ngơi, gần gũi với con cái gia đình và thực hành đức tin của mình. Những giá trị gia đình và truyền thống được công ty cổ súy, dù không dành riêng cho những người Cơ Đốc giáo nhưng các câu hỏi phỏng vấn chung đặt ra với những chủ nhân tương lai muốn mở tiệm sang nhượng thương hiệu của Chick-fil-A cũng như với nhân viên các cấp thường được nhắm đến các nhận thức về các giá trị tinh thần và gia đình, khi Cathy bảo rằng nếu không là một người chủ gia đình tốt thì làm sao trở thành một chủ nhân thương mại giỏi. Chick-fil-A trở thành nơi mà nhiều thế hệ sinh viên học sinh chọn đến cho công việc đầu đời của mình và từ đó học hỏi, thấm nhuần được những giá trị kinh doanh đạo đức cho tương lai qua các tôn chỉ, chính sách và mối quan hệ từ công việc. Cathy tạo ra các học bổng và các chương trình thanh thiếu niên hữu ích cho giới trẻ và cho nhân viên muốn theo đuổi con đường học vấn hay thăng tiến đời sống. Ông cũng lập chương trình xây dựng và quản trị hàng chục cô nhi viện để cung cấp môi trường an toàn, yêu thương và có đức tin cho trẻ em mồ côi bị thua thiệt có những cơ hội thăng tiến như các trẻ em bình thường khác. Những trại Hè hàng năm tại các trung tâm của Chick-fil-A đem đến cho hàng chục ngàn học sinh một kỳ nghỉ thú vị, vừa có cơ hội học hỏi vừa thực hành đức tin của mình. Nói chung, những chương trình thiện nguyện của Cathy và Chick-fil-A mở rộng đến nhiều tầng giới nhưng chúng chú trọng đến giới trẻ, đến những thế hệ tiếp nối, đặc biệt là trẻ em nghèo. Một trong những cuốn sách đã phát hành, Cathy nhấn mạnh mối quan tâm này qua cuốn “It’s Better to Build Boys than Mend Men”. Sống đúng với đức tin, cuộc hôn nhân 65 năm của Cathy không chỉ là tấm gương cho đại gia đình con cháu nhà Cathy, mà có lẽ cho cả khuôn mẫu truyền thống xã hội nói chung. Người con trai kế nhiệm Truett Cathy trong vai trò Chủ Tịch và Tổng Quản Trị của Chick-fil-A hiện nay là Dan Cathy cũng chung sống hạnh phúc với vợ hơn 40 năm nay. Nhưng chính những chuẩn mực đạo đức này cũng đã gây nên sóng gió cho Chick-fil-A đôi năm trước.
Cathy ký tặng sách “It’s Better to Build Boys than Mend Men”
Hồi năm 2012, khi Dan Cathy trả lời phỏng vấn trên một tờ báo Tin Lành rằng, “Chúng tôi ủng hộ gia đình – theo định nghĩa Thánh Kinh về gia đình. Chúng tôi là một tập đoàn thương mại gia đình, điều hành kiểu gia đình và chúng tôi chung sống với người vợ đầu tiên của mình. Chúng tôi cảm tạ Chúa đã ban cho hồng ân đó”. Phát biểu này đã gây giận dữ nơi các tổ chức ủng hộ xu hướng hôn nhân đồng tính vốn đã chỉ trích Chick-fil-A thường hay cho tiền các quỹ từ thiện gia đình có ý hướng phản đối hôn nhân đồng tính. Nó gây nên những sự chống đối, kêu gọi biểu tình, tẩy chay Chick-fil-A khá rầm rộ trong một thời gian khá lâu. Nhưng đồng thời thì nhiều người cũng thành lập một liên minh ủng hộ Chick-fil-A, biểu tình “chống biểu tình”. “Cuộc chiến” về giá trị gia đình của Chick-fil-A trở thành tiêu điểm thời sự quốc gia, lôi kéo hai bên binh chống ngang ngửa nhau, từ giới chính khách, các tập đoàn thương mại đang làm ăn với Chick-fil-A cho đến các cấp chính quyền địa phương, các đại học, người dân… Chick-fil-A sau cuộc tranh cãi này đã tuyên bố sẽ để các vấn đề nhạy cảm này trong tay các nhà lập pháp và ngưng cho tiền các tổ chức từ thiện có liên quan đến đề tài trên. Nhưng cũng chính từ sự binh chống này, người ta nhận thấy số khách hàng ủng hộ mạnh mẽ cung cách và triết lý thương mại của Chick-fil-A như thế nào: tổng thu trong suốt cuộc tranh cãi đã tăng vọt cho dù có những cuộc tẩy chay rộng lớn.
Ba thế hệ điều hành Chick-fil-A
Cathy vẫn thường nói rằng, “Chúng ta đang sống trong một thế giới luôn thay đổi, nhưng chúng ta cần được nhắc nhở rằng có những điều quan trọng không hề thay đổi. Tôi vẫn hay khuyến khích những người điều hành các nhà hàng của tôi, các cấp quản trị là hãy đóng góp lại cho cộng đồng địa phương của mình. Chúng ta nên làm hơn chuyện bán gà, mà nên là một phần trong đời sống của khách hàng và cộng đồng mà chúng ta phục vụ”. Nếu triết lý thương mại trở thành “một phần trong đời sống của khách hàng và cộng đồng mà chúng ta phục vụ” này cao hơn những mục tiêu thương mại thông thường, thì chỉ cần những người làm thương mại, các văn phòng chuyên môn, dịch vụ cho đến những cá nhân cung cấp các dịch vụ hàng ngày biết thực hiện một cung cách làm ăn chân thật, uy tín và có trách nhiệm, để không chỉ xứng đáng với lòng tín cẩn của khách hàng mà còn là tiền đề cho sự thành công lâu dài của chính mình.
Trẻ em Việt với Chick-fil-A
ĐYT