Quê hương không của riêng ai, hoàn cảnh khó khăn, phương tiện eo hẹp nên dù có cố gắng bao nhiêu cũng chưa đầy đủ, khi tìm hiểu về vùng đất Ba-Thê thuộc huyện Thoại Sơn (tỉnh An-Giang). Chúng tôi gói ghém tất cả lòng chân thành nồng nhiệt muốn ghi lại những tự tình dân tộc, nét đẹp quê hương của đồng bằng sông Cửu Long miền tây thân yêu. Chính nơi đây có một thời gian khá dài chúng tôi từng sống và chiến đấu bảo vệ miền châu thổ này, nên sự thân mến đong đầy kỷ niệm là điều tất yếu. Mặc nắng thiêu đốt, mặc đường dài ròng rã, bụi bặm chúng tôi đã vượt thoát tất cả để đến miền đất trù phú đó với đồng ruộng bao la cùng nhiều di tích lịch sử kỳ bí trong mùa hè nóng bức chưa từng xảy ra ở miền Nam này.
Một phiên chợ nổi An Giang
Ba-Thê hay còn gọi là xã Vọng Thê cũng vậy. Một địa danh chẳng xa lạ gì với dân chúng lục tỉnh và cũng rất quen thuộc với những nhà khảo cứu tìm hiểu về lịch sử văn minh nhân loại. Chợ Vọng Thê thuộc quận Huệ-Đức (trước năm 1975) bây giờ đổi thành huyện Thoại Sơn (sau năm 1975) có gò Óc Eo còn tiềm tàng những di tích của vương quốc Phù Nam xưa kia. Qua khỏi cầu Thoại Giang và thị trấn Núi Sập chúng tôi phải vượt qua chiếc cầu cao nghệu dựng ngược rồi xuống con dốc chúi nhũi (dù vật liệu đá núi nơi đây không thiếu) để bắt đầu một lộ trình khá vất vả, đường xá tương đối phẳng (sau nhiều năm tháng sửa chửa liên tục mà vẫn không đạt tiêu chuẩn mong muốn). Chúng tôi tựa hồ quên đi nổi mệt nhọc khi đưa tầm mắt nhìn màu vàng của lúa chín và những nơi đã gặt còn trơ lại thân rạ. Xa xa những cánh đồng lúa xanh mướt nhô lên như những ngọn kim tự tháp và chúng tôi liên tưởng đến những ước ao riêng mình tự bấy lâu nay ôm ấp trong lòng.

Kênh rợp bóng mát
Trước khi người Việt Nam đặt bước chân Nam tiến đến vùng đồng bằng song Cửu, thì ở đây chỉ là một miền rừng rú hoang vu… nhưng trước đó nữa biết đâu lại chẳng là một biển cả? Điều này có thể đúng đối với vùng đất Ba-Thê. Thời đệ nhất Cộng Hòa, khi tổng thống Ngô Đình Diệm nhìn thấy dược lợi điểm quan trọng của Ba-Thê mà thành lập khu trù mật. Xáng múc được đưa vào để nạo vét kinh Thoại Hà. Chiếc xáng vẫn thong thả vét sâu lòng kinh, đến khi những vỏ sò hến… được thổi lên bờ, dân chúng sống ở đây bàn tán về một cuộc thương hải tang điền. Căn cứ vào lịch sử của nước Phù Nam, khả dĩ cho ta tin tưởng được điều này. Ngày nay những ai có óc hiếu kỳ muốn đến đây tìm hiểu đều không quên ghé “Sò”. Đó là những cái gò cao trên thước tây, chạy dọc theo bờ kinh Thoại Hà, toàn là vỏ sò thật đẹp, người ta có thể mang về cán nhuyển ra để làm chén bát, vì vỏ sò này có chất thạch cao trắng. Xa nơi đó một đổi, chúng tôi cảm thấy thích thú khi bắt gặp một trái núi nhỏ hình thể lạ kỳ, những viên đá rời rạc chồng chất lên nhau, đặc biệt bên trên ngọn núi có ba phiến đá vuông dài chất thành hình chiếc bàn hai chân trông thật ngoạn mục. Rải rác trên triền núi là những lô cốt do chính quyền đệ nhất Cộng Hòa tạo dựng nên làm tăng thêm cảnh hùng vĩ thiên nhiên. Người dân ở đây chỉ biết gọi với nhau là Núi Tróc mà không biết điển tích của nó ra sao và có từ bao giờ? Có lẽ vì những phiến đá lóc chóc tạo nên hình thù trái núi nhỏ đặc biệt này. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Khoảng thời gian sau chúng tôi đến một con dốc tẻ qua chiếc cầu băng qua bên kia ngọn núi nhỏ khác được gọi là núi Tượng. Núi Tượng nằm như hình tượng phục, trên lưng còn có một hòn đá khá lớn nhô lên cái gu. Dưới chân núi Tượng là một xóm đạo, có nhà thờ, trường học và hai hàng dương liễu dẫn lối vào trông thật ngoạn mục (khu trù mật). Từ núi Tượng có con đường xuôi qua núi Ba-Thê, ngọn núi khá cao cây cối um tùm đầy vẻ huyền bí. Trên đỉnh núi thiết lập chiếc cầu sắt bắc ngang qua cái vực sâu để xuống tới lưng chừng núi hiện ra một khoảng trống nhỏ bằng phẳng gọi là Sân Tiên. Đây có thể nói là thắng cảnh nổi tiếng của thị trấn Ba-Thê. Điều chúng tôi đặc biệt chú ý là nơi đây xuất hiện ngôi chùa Phật bốn tay, rất linh thiêng. Dân chúng cư ngụ rất sùng bái, may mắn có căn duyên gặp được tượng Phật, thì dù người Việt (Kinh) hay người Miên (Khờ Me) đều tranh nhau mang về thờ trong chùa của mình. Cuộc tranh dành thế nào không rõ mà người Khờ Me huy động ba bốn chục người tới khiêng về, nhưng không cách nào khiêng nổi. Thế rồi đôi bên cùng thỏa thuận đưa đến giải pháp bắt thăm, cuối cùng người Kinh (Việt) đã thỉnh được tượng Phật bốn tay về thờ ở chùa mình chỉ cần khoảng bốn năm người thôi. Trong cuộc chiến Tết Mậu Thân (1968) ngôi chùa này bị tàn phá bởi đạn bom đến tiêu điều, chỉ riêng kim thân tượng Phật vẫn còn nguyên vẹn chẳng hề có vết đạn nào xuyên qua, do đó lòng sùng kính của dân chúng địa phương tăng len gấp bội. Mai đây đất nước được hoàn toàn tự do (thực sự) người người hành đạo theo tôn giáo của mình, không còn rào cảng cấm đoán hay bắt bớ giam cầm trái pháp luật, nhân dân cơm no áo ấm… thiết nghĩ chùa Phật bốn tay sẽ qui tụ những cuộc hành hương tấp nập của bá tánh khắp mọi nơi cả người Kinh lẫn người Khờ Me.

Núi Tróc
Hướng về núi Sập (Thoại Sơn) rẽ qua tay trái của núi Ba-Thê là núi Trọi, còn phía tay mặt là Gò Óc Eo. Đứng dưới cầu tàu chợ An-Long của Ba-Thê, ta thấy thấp thoáng xa xa hòn núi Trọi, một hòn núi nhỏ đứng lẻ loi trơ trọi giữa đồng trống bao la trơ gan cùng tuế nguyệt. Mấy ai có sẵn tấm chân tình thương mến sự cô quạnh của núi Trọi không? Chúng tôi rất muốn đến đó quan sát xem sự tàn phá của thời gian có làm thay đổi cảnh quan nơi đây nhiều hay ít, nhưng lực bất tòng tâm, đành hẹn dịp khác, để dành thời gian còn lại đến gò Óc Eo (thủ phủ của vương quốc Phù Nam bị chôn vùi bao thế kỷ qua) nơi phần lớn chủ đích muốn tìm hiểu về vương quốc xa xưa này.

Rừng tràm Trà Sư
Sau khi hỏi thăm cặn kẻ đường đi nước bước của người dân địa phương, lão thành, và cũng quên đi sự mệt nhọc của cái nắng gay gắt mùa hè, chúng tôi đã đến Óc Eo (địa danh khảo cứu lịch sử của vương quốc Phù Nam). Vòng ra sau núi Ba-Thê đi một khoảng đường mười mấy cây số là tới gò Óc Eo: nói là cái gò chứ thực ra là một quả núi khá cao, đường lên núi vòng quanh như hình ốc xoắn, hai phần ba phía dưới là núi đá nhỏ, còn một phần ba chóp núi màu trắng. Con đường lên núi xung quanh là những hang động tối om xen trong những đám cây rậm rạp thâm u, một sự thâm u đầy vẻ huyển bí vi diệu vô cùng. Trong hang động nếu bật đèn pin lên quan sát sẽ thấy những phiến đá lởm chởm chồng chất lên nhau và những hình thể bằng vàng. Trên đỉnh núi có ngôi chùa cổ kính, những bô lão người Việt và Miên (Khờ Me) tu ở đây, các dụng cụ trong chùa đều bằng vàng thật chứ không phải sơn son thếp vàng; Căn cứ vào lịch sử của người Trung Hoa ghi chép lại, Óc Eo ngày nay xưa kia là một hải cảng trung tâm thương mại của người ngoại quốc nằm trong kinh thành NYADHAPURA của nước Phù Nam trên đường thủy giữa Trung Hoa và Ấn Độ.

Đường vào khu di tích gò Óc Eo
Theo Đông Nam Á sử lược (nhà xuất bản Khai Trí) thì nước Phù Nam thành lập vào đầu thế kỷ dương lịch tại Óc Eo bởi KAUNDINYA người BRAHMA thuộc giống dân Indonesia. Từ buổi sơ khai đã có lịch sử và dùng tiếng Khờ Me và vào cuối thời lúc sắp bị tận diệt, họ bỏ ngôn ngữ này để dùng tiếng cổ Khờ Me. Đất Phù Nam bao trùm cả Nam phần Cam Bốt và Nam Việt ngày nay là một đế quốc ở Đông Nam Á có uy thế như đế quốc La Mã ở Châu Âu, bao gồm những quốc gia chư hầu trải dài từ Chiêm Thành ở miền Đông đến vịnh Bengal ở miền Tây, trong đó có phần lớn bán đảo Mã Lai. Tuy nhiên đến thế kỷ thứ 6 thì bị Chân Lạp tiêu diệt qua 13 triều vua.

Đám cưới người Chàm ở An Giang
Trải qua những gió cùng sương, hưng phế đổi thay, vùng đất Ba-Thê Óc Eo vẫn còn bao phủ một vẻ huyền bí mà người trần hoàn toàn chưa khám phá nổi, dù có mật độ dân tứ xứ đông đảo đổ về đây tìm vàng. Năm 1944 MALLERET và các nhà khảo cổ Pháp đã quật lên được nguyên một thành của đế đô NYADHAPURA vuông vức mỗi bề dài được 1.500 mét cùng nhà cửa đền đài bằng đá hay gạch trên một diện tích 225 mẫu trong đó có rất nhiều đồ kim loại, tiền vàng, đồng và huy chương như bài khuê vàng của hoàng đế La Mã ANTONIUS PUIS năm 152 tây lịch. Một tấm ngọc thạch chạm hình nổi SASSANIDE, một số tượng Ấn Độ và các ấn chiếu phạn thời đó. Ngoài ra còn có tất cả 622 di tích cổ đã chiếm một chổ ngồi lớn lao trong viện bảo tàng Sài Gòn (trước năm 1975).
Thỉnh thoảng chúng tôi được nghe một vài giai thoại lý thú về thị trấn Ba-Thê như những chuyện bòn vàng , đòn gánh bằng vàng, những tấm ngọc thạch, một nải chuối vàng, tượng Phật bằng vàng …vân vân… điêu khắc thật công phu mà ngày nay dân chúng quận đều không quên đến chùa cúng viếng mỗi rằm lễ lớn. Sau chuyến vế thăm lại Ba-Thê, đi trong ngỡ ngàng, về thật vội vàng, giữa vùng đất mang nhiều kỷ niệm và chúng tôi có một thời gian gắn bó lâu dài trong cuộc chiến Quốc Cộng, luôn đậm sâu mối thâm tình khó tả. Mong sao có dịp nào thuận tiện chúng tôi sẽ trở lại nơi đây để mở rộng tầm mắt, trải lòng yêu mến.
HUY ĐẠO
AN GIANG
(Cảm tác)
Chim lành đậu đất tốt An Giang
Sông đắp phù sa trĩu lúa vàng
Điệu hát sắt son trai phố thị
Giọng hò chung thủy gái thôn trang
Người qua Chợ Mới mây đưa lối
Kẻ đến Ba-Thê núi chỉ đàng
Khắp dãy giang sơn ngời ánh đạo
Thái hòa an lạc tỉnh An Giang!
Huy Đạo