Trân Phương
Ảnh: Đỗ Xuân Hùng
Orlando- Đây là tựa đề cuốn Bút Ký của nhà văn Sơn Tùng, nguyên Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại được “trình làng Orlando” vào thứ Bảy ngày 20 tháng 9 năm 2014 tại nhà hàng Lạc Việt, nằm trên đường Colonial. Vẫn là thói quen, Tôi đến trước giờ mời 2 tiếng để dùng bữa trưa xong rồi vào phòng hội luận lúc 1 giờ như trên thơ mời.

Nhà văn Sơn Tùng nói chuyện cùng quan khách
Nhà văn Sơn Tùng đang ký tặng những cuốn sách dành cho buổi ra mắt. Ông dừng tay đôi phút để trả lời câu phỏng vấn ngắn của phóng viên TRẺ về lý do và mục đích có mặt của mình. Đã nhiều lần sinh hoạt với văn hữu Orlando, nhà văn Sơn Tùng trở lại lần này trước là để hội ngộ bằng hữu, gặp gỡ văn hữu; sau là giải bày “Cái Nghiệp Văn Báo” của mình với bạn đọc.
Thi sĩ Thương Anh hội trưởng hội Văn Nghệ Tự Do đang đọc tiểu sử nhà văn Sơn Tùng
Mở đầu buổi hội luận lúc 1:45 là phần chào cờ ngắn gọn qua 2 bài quốc ca Việt Nam, Hoa Kỳ do ông Nguyễn Đăng Tuấn, một cựu chủ tịch VBVNHN hướng dẫn. Sau đó, cựu chủ tịch văn bút Việt Nam Đông Nam Hoa Kỳ, ông Đào Quang Vinh ngỏ lời chào mừng cùng cám ơn những văn hữu tham dự. Thương Anh, hội trưởng hội Nhà Văn Tự Do đã trình bày sơ lược về tiểu sử nhà văn Sơn Tùng như sau: Là một Luật Sư hành nghề tại Sài Gòn trước năm 1975, Nguyễn Minh Ngọc còn là nhà văn, nhà báo với bút hiệu Sơn Tùng. Ông đã từng cộng tác với Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Nhật báo Tiền Tuyến. Vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ năm 1983, nhà văn Sơn Tùng cộng tác với tạp chí Quan Điểm tại California. Năm 1985, di chuyển sang Virginia, ông cộng tác với Tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong và tiếp tục sáng tác, viết tham luận chính trị. Từ năm 1990, cộng tác và làm chủ bút Tạp chí Thế Giới Ngày Nay, Làng Văn.
Thi sĩ Vinh Hồ thuộc Văn Bút VN Hải Ngoại Đông Nam Hoa Kỳ đang đặt câu hỏi
Nhà văn Sơn Tùng được bầu làm chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại hai lần. Nhiệm kỳ 1996-1998 và 2006-2008. Ngoài sinh hoạt văn học, báo chí ông còn tham dự vào một số hoạt động chính trị chống cộng như yểm trợ đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do từ Mạc Tư Khoa (tức Radio Irina, 1992-1994), xây dựng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản thủ đô Washington (2004-2007).
Những sách đã xuất bản:
– Trừng Phạt (truyện ngắn, 1992)
– Vết Thương (truyện ngắn, 1993)
– Bầy Thú Nhỏ (truyện dài, 1994), dịch sang Đức ngữ năm 1996
– Làm Người, Làm Văn, Làm Loạn (Bút ký, 2000)
– Lửa Hòa Bình (truyện dài, 2004)
– Cái Nghiệp Văn Báo (Bút ký, 2013)
Cái Nghiệp Văn Báo, một Bút ký nói lên sự thật. Nói những điều không ai dám nói vì sợ đụng chạm. Nói thẳng ra những tệ nạn xảy ra trong Văn Bút Hải Ngoại trước đây mà không sợ bị chụp mũ. Không sợ bị phỉ báng. Kể cả vu cáo. Đọc “Cái Nghiệp Văn Báo” để hiểu rõ nhà văn , nhà báo, luật sư, bác sĩ… cũng nói gian, nói dối, ghen tị, thù hằn như những kẻ thất học. (Có Trí thức nhưng không có Tri thức. Chỉ khác nhau dấu sắc giữa hai chữ Tri và Trí). Theo lời Họa Sĩ Vũ Quang Minh, trong “Cái Nghiệp Văn Báo” người đọc sẽ hiểu rõ hơn về cái chết của vợ chồng nhà báo Lê Triết, sẽ nhìn rõ hơn những con người đã gây rắc rối, trở ngại cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đến nỗi suýt bị Văn Bút Quốc Tế khai trừ. May mà còn có Sơn Tùng, nhà văn đã có công rất lớn, giúp VBHNVN vượt qua cơn sóng gió này.
Với cái nhìn thật xa, nhà văn Sơn Tùng đã cố gắng đưa Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN) góp mặt với Quốc Tế. Ông nói: “Sân chơi của chúng ta (VBVNHN) là diễn đàn quốc tế, nên dốc hết khả năng để lên tiếng thay cho người cầm bút bị áp chế ở Việt Nam. Đó là điều chúng ta cần làm. Đừng vì những tranh chấp nhỏ làm mất thời giờ của nhau. Hãy nhìn đến mục đích chính của Văn Bút..”
Trả lời câu hỏi về khuynh hướng văn học hải ngoại, nhà văn Sơn Tùng cho biết: Văn Bút Quốc Tế (VBQT) đóng 2 vai trò. Thứ nhất là bảo vệ người cầm bút, thứ hai là bảo vệ quyền tự do sáng tác. Thực sự, VBQT cũng không có quyền hành thực tiễn với các quốc gia độc tài, cộng sản. Mà là gây tiếng vang, tạo áp lực của quốc tế trên những nước này. Ông tiếp: Ai đó nói một tác phẩm về chính trị thường ít giá trị là sai. Tác phẩm văn học giá trị phải đạt được 3 tiêu chuẩn: Đầu tiên là nghệ thuật, phải hay. Tiếp đến là phải có tư tưởng. Và sau cùng là tác phẩm phải vượt khỏi biên giới quốc gia, nghĩa là dù bằng ngôn ngữ nào, người đọc ở quốc gia đó vẫn cảm nhận được. Do đó, không phải tác phẩm về chính trị là không có giá trị.
Quan khách và thân văn thi hữu
Nói về tình hình Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhà văn Sơn Tùng cho biết hiện nay, do DS Vũ Văn Tùng làm chủ tịch, VBVNHN đang sinh hoạt bình thường với một ban chấp hành duy nhất và vẫn đang là một thành viên của Văn Bút Quốc Tế. Nói rõ hơn, VBQT là một tổ chức phi chánh trị. Bất cứ quốc gia nào cũng có thể gia nhập. Với cộng sản, người cầm bút không được tự do, điều này trái ngược với chủ trương bảo vệ người cầm bút của VBQT nên những nước cộng sản không tham gia vì vào văn bút chỉ có hại, không có lợi cho họ. Một câu hỏi lý thú khác của ông Phạm Hồng Hải về biện pháp đối với những thành viên thân cộng đang xâm nhập phá rối trong VBVNHN ? Trả lời câu hỏi này, nhà văn Sơn Tùng tâm sự: Không ai trong chúng ta không biết là Cộng sản rất quan tâm đến vấn đề tuyên vận. Tuyên truyền không được thì chúng đánh phá bằng đủ mọi phương cách. Từ chia rẽ đến chụp mũ, và cả mua chuộc tặng tiền. Điều dễ làm nhất là nằm vùng. Len lỏi vào các hội đoàn rồi phá hoại cho tan rã. Thế là chúng thành công. Làm thế nào để nhận biết kẻ thù là điều khó. Nên cẩn thận suy xét thôi. Văn hữu Vinh Hồ, đương kim chủ tịch VBVNHN vùng ĐBHK nêu câu hỏi chót: Tại sao các cựu chủ tịch sau khi mãn nhiệm kỳ đã rút lui, ngưng sinh hoạt ? Câu trả lời đơn giản của nhà văn Sơn Tùng là vì mệt mỏi và chán nản. Văn Hữu Tuyết Nga đã đọc một bài thơ ngắn “Đừng Do Dự” do phó chủ tịch hội Thơ Tài Tử sáng tác để động viên tinh thần mọi người.

Tác giả ký sách lưu niệm
Tuyết Nga thuộc VBVNHN ĐNHK
Nghe thế nhưng không phải thế. Tôi đang thấy đây, sau một thời gian nghỉ ngơi, nhà văn Sơn Tùng “đang” sinh hoạt trở lại. Một Bút Ký mới, một gặp gỡ mới với thi, văn hữu. Hy vọng nhà văn Sơn Tùng sẽ tiếp tục “cuộc chơi mới” dài dài vì ở bất cứ lãnh vực nào, cái tâm vẫn là quan trọng; mà ông là người có cả hai thứ: cái tâm và cái tài.
Cuộc hội luận kết thúc lúc 3:40 chiều.
Cựu chủ tịch VBVNHN và hội viên vùng ĐNHK
Cựu chủ tịch VBVNHN vùng ĐNHK Đào Quang Vinh “lạc giữa vườn hoa” văn nhân Orlando
Nhà văn Đào Quang Vinh cựu chủ tịch VB VNHN Đông Nam Hoa Kỳ phát biểu