Menu Close

Cái gối cái chăn

Chuyện cũng lạ.  Tôi đi làm việc ở xa, cả hai năm trời không gặp Trung, vậy mà khi tôi ghé thăm, Trung ôm chầm lấy tôi, và hôn lên má tôi. Rồi không cho tôi kịp thở, Trung cười tung tóe cả căn hộ, và bắt tôi chơi cút bắt. Cả mấy tiếng đồng hồ. Tôi chạy đứt hơi, quanh phòng, rồi lượn quanh cái ghế sofa trong cái âm thanh hỗn độn của tiếng Trung cười vô tư và tiếng TV.

Tôi cứ tưởng, lâu ngày không thấy mặt, chắc Trung đã quên tôi rồi. Vì tôi ít có dịp ghé chơi với Trung, ngay từ đầu. Thỉnh thoảng, sau giờ hát lễ Chúa Nhật, tôi ghé, thấy Trung đứng bên cửa sổ. Ngoài vườn, cây bơ trĩu quả, và gió biển từ Huntington Beach thổi về, thật dễ chịu.

Đối với Nghĩa, thì là một chuyện hoàn toàn khác.Tám năm trước, tôi vẫn ở Little Saigon, và thường xuyên ghé nhà thăm. Mỗi lần tôi đến thăm rồi về, Nghĩa khóc thật lớn, âm vang cả một dãy chung cư. Nghĩa bắt mẹ đưa ra tận cầu thang, dõi theo tôi, rồi khi tôi vừa đi khuất chân hành lang, Nghĩa khóc thật lớn. Tôi về đến nhà, gọi điện thoại lại, Nghĩa vẫn còn khóc. Cho đến khi mệt lả, Nghĩa vật ra ngủ. Mẹ Nghĩa và tôi mới thở phào.

Mỗi lần đến thăm Nghĩa, tôi đều lo ngai ngái trong lòng. Rồi sẽ làm sao để “trốn” Nghĩa mà về đây? Tôi cảm thấy tội lỗi khi Nghĩa khóc không cho tôi về. Có hôm, giằng co cả giờ đồng hồ, mẹ mới bảo Nghĩa đi nằm võng, rồi mở cửa cho tôi phóng đi. Nhưng tất cả mọi toan tính của hai người mẹ đều không giải hòa được với sự cương quyết của một đứa bé.

Tôi học đan với Anaheim YMCA trong một năm tôi làm việc thiện nguyện ở đó. Sau biến cố 9/11 năm 2001, chúng tôi đan mền để cứu tế các nạn nhân khủng bố. Rồi khi Trung chào đời, tôi mày mò đan một cái mền xanh da trời để tặng cậu bé. Vậy mà lúc nhỏ, Trung không hề nể mặt tôi.  Mỗi lần đến thăm, tuy Trung không bắt tôi chơi đủ trò như Nghĩa, nhưng cũng không cho tôi đến gần mẹ. Bạn tôi biết ý, ôm Trung trong lòng, rồi ngồi nói chuyện với tôi.

Khi tôi về, Trung không cho mẹ đưa tôi ra xe, như sợ tôi ăn cắp mất mẹ của mình. Trung níu lấy áo mẹ, khóc thét lên. Tôi lại phải ù té chạy, không vì ‘được lưu luyến,’ nhưng vì bị tố giác là kẻ dám tranh giành tình thương với một đứa bé. Trẻ con lúc nào cũng làm chủ tình hình, và là quan tòa.

Cho nên, sau mấy năm vắng mặt, thấy Trung tự dưng thương và nhớ tôi, tôi thắc mắc không biết vì nguyên cớ gì mà tôi được ‘đổi đời’ như vậy. Tôi cứ đinh ninh là mình đã bị ‘quên’ rồi. Khi nghe Trung gọi tên tôi, và ôm choàng lấy tôi, tôi thật sự cảm động. Tôi ngồi nghĩ lại, xem mình đã làm gì mà được thương như vậy.

Có lẽ không phải vì mấy viên kẹo tôi thỉnh thoảng mang qua cho hai anh em. Kẹo thì ở đâu chả có. Mà hai cậu cún này được cả nhà và ông bà ngoại cưng hết mực, kẹo bánh thì không ăn thua gì. Hay là đồ chơi? Mà trẻ con ở Mỹ, đứa nào chẳng có khối đồ chơi. Mẹ còn phải dọn bớt đồ chơi của Nghĩa và Trung đi cất ở garage, vì không đủ chỗ để trong nhà.  Vậy thì, điều gì đã khiến Trung nhớ và thương tôi?

Cũng không phải chuyện Việt Ngữ.  Trung chào đời khi mẹ đã phải nghỉ dạy Việt Ngữ để chăm sóc cho hai đứa, và tôi đã phải đi xa thường xuyên vì công việc. Nghĩa còn đi dự những sinh hoạt của trường Việt ngữ Westminster với bố mẹ, và còn níu áo dài bắt tôi bế trong những buổi lễ phát thưởng ở hội trường. Chứ Trung thì không có kinh nghiệm đó.

Nghĩ mãi, tôi tự cho là mình may mắn. Rồi mấy hôm nay, khi ngồi đan khăn choàng cổ cho hôn phu ở bên kia sông Tương, tôi ngẫm nghĩ: có phải cái mền ấy không? Có phải khi Trung đắp nó, tình thương của tôi cũng choàng lấy người cậu bé, và giữ cho tình cảm giữa hai chúng tôi được ấm áp như Trung đã biểu hiện trong lần tái ngộ này?

Tôi cũng có những chị em bạn gái khác. Họ cũng giữ tôi lại cả ngày. Tôi cũng ngủ trưa với mẹ cùng bầy trẻ trên cái giường to đùng.  Nhưng trong số ấy, chẳng có đứa nào lưu luyến tôi như Trung. Có lẽ, vì Trung là đứa duy nhất chào đời trong lúc tôi có đủ thời gian để ngồi đan một chiếc mền con để làm quà ‘hạnh ngộ.’ Và có lẽ sự nhiệm mầu của cái mền ấy, là tình thương của tôi dành cho một hài nhi chưa gặp mặt đã thấm vào hơi thở của nó. Để năm bảy năm sau, nó thương tôi, dù có xa mặt mà không cách lòng.
May quá, tôi đan khăn choàng cho người yêu – và mong là Anh cũng học theo Trung, nhớ và thương tôi nhiều, qua những sợi tơ yêu thương bao lấy cổ Anh.

TGT