
Xe đạp, phương tiện thường ngày của những người dân nghèo ở Jamaica.
Cuộc điện đàm hồi sinh
1.
Anh thức giấc với một nỗi buồn trĩu mắt. Nỗi buồn sâu thẳm toát lên từ khuôn mặt, từ ánh mắt vô vọng. Anh lặng lẽ và xanh xao. Trái tim trong cơ thể gầy yếu vẫn cuồng nộ những nhịp đập bất thường. Cuộc chiến đấu chống thần chết bắt đầu. Cuộc sống vẫn đang ở trong anh, nhỏ như một cái gai, nhưng dẫu sao cũng là một cái gai…
Tôi khước từ căn phòng lạnh lẽo dưới tầng hầm bệnh viện để kề cận bên anh suốt 24 giờ đồng hồ. Căn phòng đầy những ám ảnh của đơn độc. Sự hiu quạnh của bốn bức vách co lại như một cỗ áo quan. Trái tim tôi giờ đây, mơ hồ cảm giác của sự mất mát đang dần lởn vởn. Đau khổ và hạnh phúc là những bí ẩn chẳng bao giờ như nhau.
“Anh có sao không, honey?” Tôi nhìn sâu vào mắt anh, và nhận ra rằng anh dường như chẳng muốn nói lên những gì cần phải nói. Hơi thở anh khò khè, lục bục như người mang chứng bệnh viêm phổi. Tôi siết nhẹ bàn tay anh. Cảm giác đau nhói từ ánh nhìn tuyệt vọng.
“ Em đã cứu anh thêm một lần nữa, honey”. Anh nói như khóc. Ánh mắt anh chạm vào hồn tôi. Anh chẳng thể hiểu, chính anh là người tự cứu lấy mình, khi chưa cạn kiệt sức vật lộn với cái chết.
“Anh chỉ sợ bỏ em lại một mình. Chẳng biết em sẽ ra sao trên xứ người. Tội nghiệp em.” Giọng anh như thổn thức với chính mình.
“Anh sẽ qua khỏi, mình sẽ về nhà mà, honey.” Tôi hít một hơi thở sâu, gắng tìm kiếm sự bình tâm từ những đau đớn. Tôi dợm đứng dậy, định đi lấy một ly nước.
“Honey, đừng bỏ anh một mình,” ánh mắt anh như nài khẩn, những ngón tay tím tái như bấu víu vào cánh tay tôi. Tôi nghe tim mình nghẹn thắt.
“Em sẽ ở đây với anh suốt ngày đêm,” tôi chỉ cái ghế cạnh bên giường. Anh mỉm cười. Rồi nhắm mắt, trôi vào cơn mơ…
2.
Giường láng giềng, “Lão bà bà” đang than van về chứng bệnh cườm mắt, “Một mắt tôi kéo mây xám, mắt kia thì kéo mây xanh” . Cô nàng y tá đang phụ bà thay trả lại bộ đồ của bệnh viện, chỉ ậm ừ qua loa. Cái cơ thể mỏng như cánh gián, lọt thỏm trên cái ghế xe lăn, bộ đầm với chất liệu chẳng còn tồn tại trên trái đất, trông cứ như lớp bụi phấn mỏng phủ lên một thân thể nhàu nhĩ. Cô nàng y tá vừa đẩy cái xe lăn, vừa hát âm ử. Bà cụ vẫy tay chào tôi, “Cầu cho ông nhà bình an, tôi sẽ là người đau khổ nếu có điều gì xảy đến, dù chỉ là một cọng tóc trên đầu ông ấy…,” cái nheo mắt hóm hỉnh thay cho lời tạm biệt. Tôi bật cười, đáp lại lời chúc chân tình của bà cụ; mắt liếc qua cái đầu bóng nhưỡng của chồng, mấy cọng tóc đang bắt đầu đâm chồi. Tôi nhìn dung nhan mình trong cái iPhone, ấn nhẹ tay lên đôi mí mắt sưng húp.
Ông Bailey xuất hiện, lừng khừng trước giường bệnh, cặp mắt co lại thành hai rãnh hẹp tăm tối dưới hàng lông mày rậm. “Andy, vẫn ổn chứ hả?” giọng nói mang âm tiết nặng nề, tương xứng với cái dáng to cao như King kông. “Khi Thượng đế đóng cánh cửa lớn thì Ngài mở cửa sổ. Hãy tin vào cơ thể của mình, nó là cái lý lẽ của mọi sự…” ông như đang muốn nhắn gửi đến cái cơ thể èo ọp đang thoi thóp trên giường bệnh.
“Bác sĩ John vẫn chưa có mặt ở đây hở Bailey?” tôi bồn chồn, hỏi.
“Cuối tuần, bác sĩ chỉ có mặt ở những ca bệnh nghiêm trọng.” Bailey dứt lời, đưa mắt nhìn về hai dãy giường bệnh vắng bặt những tiếng rên hư hử. Anh có lẽ là bệnh nhân duy nhất, còn rớt lại giữa chốn địa ngục này. Nỗi lo lắng làm tim tôi như bị bóp nghẹn. Tôi còn biết làm gì hơn trong sự kiệt quệ niềm tin. Cố ghì môi, bóp nghẹn những tiếng nấc, cố cho mình đừng gãy gập, nổ tung.

Những cái “mền xù” sổ đầy lông, luôn ủ mùi hôi hám. Suốt nhiều ngày kiệt sức, tôi thường trực trên cái “ghế ngủ” cạnh giường bệnh của anh. Phó nhòm Andy Nguyễn vẫn miên man hàng giờ trong những cơn hôn mê.
3.
Qua mi mắt tôi, mặt trời đỏ rực. Tiếng vỗ của sóng và âm thanh ồn ào của đời sống lẫn vào nhau. Tôi mở mắt. Những cơn sóng đã biến mất. Không còn đại dương và những cánh hải âu. Trước mắt tôi, cơn động kinh đang trở lại gõ cửa anh dồn dập.
Bầu không khí run rẩy đến ngộp thở. Nỗi sợ hãi chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Giá như tôi có thể tống khứ những tiếng la bị kìm hãm trong cơn hỗn loạn.
“Honey ơi, anh không muốn bỏ lại em một mình,” tia mắt anh như trăn trối. Hoảng loạn. Chất ngất những đau đớn. Tôi nhìn thấy cái chết trong mắt anh.
“KHÔNG! Anh phải sống với em. Mình sẽ về nhà mà.” Tôi rền rĩ với nỗi khiếp sợ trong cổ họng. Niềm tuyệt vọng như nuốt chửng tôi. Tất cả, đều như quá sức chịu đựng. Tôi gắng kiềm chế mình trên đôi chân lẩy bẩy. Gắng giữ một gương mặt điềm tĩnh đến dứt khoát. Vì anh, tôi chẳng thể đầu hàng trước số phận.
Đêm bệnh viện vắng lạnh. Tôi như nghe hơi thở đè nặng. Không phải cơn đói mà sự đau đớn đang giết chết tôi. Tôi đánh vần từng chữ của từ khổ đau với sức căng bật của thần kinh. Bất lực và đơn độc. Tôi cảm thấy mọi thứ. Nhìn thấy mọi điều trong cái thân xác của mình. Không đủ sức rên rỉ, rùng mình.
Y tá trực, sau cái nút nhấn cấp cứu, cô nàng vẫn thủng thẳng quẹt son lên cặp môi dày, rồi kẹp nách cái cuốn sổ ghi chép “nhiệt độ”, đủng đỉnh đến bên giường bệnh nhân. Áo xanh hời hợt liếc lên cái monitor, rồi cúi xuống ghi ghi, chép chép. Cô nàng đang chuẩn bị mang cặp cánh gà của anh ra cặp nhiệt. Tôi ngán ngẩm quan sát mọi thao thác của cô nàng y tá tập sự, trông lọng cọng như cọng rau muống!
Đêm bệnh viện, chỉ còn lại cái bóng hiu hắt của cái áo xanh- Một bệnh nhân với thân nhiệt lẩy bẩy trên giường bệnh – Và một tôi lao đao giữa cơn khủng hoảng tuyệt vọng. Chuyện gì sẽ xảy ra ở cái hỏa ngục này?
“Bà có tin ở Chúa không? Hãy cầu nguyện đi!” Giọng nói sắc lạnh như sắc lệnh, như quá thừa tự tin về sự quyết đoán một số phận. Họ nhìn anh như một con thú đang dần hoi hóp trước số mệnh.Thật khó thể hiểu, gương mặt với một ý thức vô cảm, lại hiện hữu dưới lớp áo xanh từ bi này.
“Tôi sống có đức tin, nhưng tôi không tin vào lương tâm đạo đức của các người!” Tôi đang nói với một hình khối không linh hồn.

Một cái gối, một cái mền. Thx Bailey đã cho mượn thêm một cái ghế để… gác chân!
4.
Tôi mượn được cái cell của bệnh viện để gọi về nhà. Nỗi khốn khổ là lúc phải tường trình những diễn biến về tình trạng u ám của anh với gia đình. Tôi nghe tiếng nấc của cô em chồng trên điện thoại, “Gia đình sẽ cố gắng tìm cách đưa anh Andy về .” Tôi hiểu những lo âu của gia đình anh. Tấm lòng của một người mẹ và niềm đau của người cha. Hy vọng lẫn tuyệt vọng. Tôi linh cảm số mệnh đang lên án mình trước bức màn tăm tối. Những lo âu vẫn còn nguyên vẹn. Tôi nhấn số gọi Tòa đại sứ Mỹ ở Jamaica.
“Tôi cần được giúp đỡ. Chồng tôi đang trong tình trạng nguy kịch, ” tôi nghe giọng mình run rẩy khi tường thuật lại mọi diễn tiến sự việc.
“Chúng tôi có dịch vụ chuyên chở bằng máy bay cứu thương. Họ đã chuyển thương một phụ nữ về đến bệnh viện ở Mỹ cách đây vài ngày. Chúng tôi có dịch vụ chuyên nghiệp đảm nhận công việc này,” giọng đàn ông bên đường dây kia đầy vẻ thông cảm và thuyết phục.
“Xin ông cho tôi biết thêm chi tiết,” con tim tôi như hồi sinh. Một chiếc máy bay chuyển thương từ Jamaica về Mỹ – một niềm hy vọng đang chấp chới? Trời ạ! Tôi đã chẳng nghĩ đến điều này trong những ngày đầy căng thẳng và tuyệt vọng.
Tôi gọi liền về Mỹ. Giờ, chỉ còn mong chờ vào sự may mắn và tài tháo vát của cô em chồng…
5.
Tôi thiếp ngủ trong một thân xác, nặng như chì, một thân xác hút lấy giấc ngủ như thể một cội cây bị bỏ quên hút lấy tinh sương. Tôi cần sống, cần nghị lực để chống chọi với những cơn giông bão đang hồi tơi tả.
Tôi mở mắt, nghe hơi thở anh mệt nhọc trên điện thoại. “…Tôi đã 3 lần suýt chết. Ở đây, tôi đã không được đối xử tử tế như một người bệnh. Xin cứu tôi khỏi nơi đây, tôi không muốn bỏ mạng trên xứ sở này…”
Lồng ngực tôi đánh lô tô.
Người điều phối của dịch vụ Máy bay Cứu thương Air ambulance gọi đến, họ chỉ muốn thương lượng với bệnh nhân. Thật may mắn, anh vẫn còn đủ tỉnh táo. Vẫn trực nhận mãnh liệt sự ngắn ngủi của một kiếp sống. Giọng anh, như một nốt thăng phấn kích giữa cơn tuyệt vọng, “Họ đang tiến hành thủ tục, trong vòng 24 giờ đồng hồ, mình sẽ ‘thoát’ khỏi cái địa ngục trần gian này!”