Ngày tôi và con gái nhỏ của tôi đặt chân đến Mỹ, thành phố Houston này, đó là ngày kỷ niệm rất khó quên đối với tôi. Tôi không phải là người nói hay nghe tiếng Anh giỏi, chỉ biết một chút ít để giao tiếp. Và câu chuyện tôi sắp kể đây là câu chuyện mà mỗi khi nhắc lại tôi vẫn còn rất nhiều cảm xúc, cứ như vừa mới xảy ra ngày hôm qua thôi.
Chuyện bắt đầu khi hai mẹ con tôi vừa bước chân xuống sân bay, tôi cảm thấy trong lòng có một cảm giác nôn nao khó tả xen lẫn niềm vui háo hức. Tôi đảo mắt nhìn quanh khung cảnh trước mắt, mọi thứ đều mới mẻ. Khi tôi còn chưa bừng tỉnh trước cảnh vật lúc đó thì từ xa 1 cô nhân viên người da màu tiến gần đến nơi tôi đứng. Cô nở nụ cười tươi và hướng dẫn tôi vào trong để làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ. Vừa đi cô nhân viên ấy quay sang hỏi tôi: “How old are you?” “Dạ… thank you”. Thế là cô trố mắt nhìn tôi. Mà mãi sau đó tôi mới hiểu ra là cô ấy ngạc nhiên vì không hiểu sao tôi lại trả lời cô ấy như vậy. Con gái tôi nói: “Bà Mỹ hỏi mẹ bao nhiêu tuổi? Sao mẹ lại trả lời là cám ơn thế? Mẹ bị sao thế?”. Thế là tôi như muốn độn thổ xuống đất, nhưng sau đó định thần lại tôi trả lời với cô ấy rõ ràng là tôi 45 tuổi. Sau đó cô nhân viên chắc cũng đã hiểu được tôi nói gì nên cười toe toét lại với tôi. Thế là một ngày đầu tiên khi đặt chân đến Mỹ cũng suôn sẻ và vui vẻ với hai mẹ con tôi.
Vài ngày sau, tôi rút kinh nghiệm khi đi đâu có ai hỏi tôi đều nói ‘can’t speak English’ cho chắc ăn. Thấm thoắt hai mẹ con tôi đã ở trên đất Mỹ được 1 tháng, cứ ăn rồi ngủ nghỉ, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà dọn dẹp nấu nướng xem tin tức. Bởi 2 mẹ con tôi phải chờ được cấp thẻ xanh và thẻ an sinh rồi mới tính tiếp chuyện phải làm gì kế tiếp.
Tôi là người năng động và dễ thích nghi với môi trường mới nên tôi cũng không thấy buồn lắm. Rồi cũng đến ngày nhận được giấy tờ, ông xã tôi mới dẫn tôi đi học tại Trường thẩm mỹ ICC. Song song đó tôi được thằng con trai nuôi hướng dẫn cho tôi đi học bằng xe bus (số 108) để xuống downtown. Rồi đón một chiếc tàu điện chạy thẳng tới trường học. Cháu dẫn tôi đi một lần để tôi biết cách sau này tự đến trường một mình. Cháu hỏi tôi có nhớ được hết cách đi không? Với chút sĩ diện sẵn bên trong tôi trả lời rằng tôi nhớ rồi cứ yên tâm. Trong bụng cũng đánh lô tô, nhưng cứ nghĩ khi mình còn ở Việt Nam cái gì tôi cũng biết cũng nhanh lẹ chẳng lẽ ở Mỹ tôi lại không tự đi một mình được hay sao.
Thế là ngày hôm sau đúng 7h30 sáng Thứ Hai, tôi chuẩn bị mọi thứ đi một mình băng qua bên kia đường đối diện nhà để đứng chờ đón chuyến xe bus 108 thẳng lên thành phố. Khi vừa bước lên xe, tôi bắt chước những người Mỹ đưa thẻ để xác nhận vào chiếc máy đặt ngay lối đi trên xe. Nhưng do hôm qua tôi không nhìn rõ thằng con trai tôi làm thao tác ra sao nên tôi cà thẻ mãi mà nó không kêu. Tôi sợ quá giơ giơ cái thẻ cho người tài xế và ra dấu. May mắn thay, người tài xế da màu đã kịp hiểu ý tôi nên cầm thẻ chỉ tôi ấn vào máy một lần là được luôn. Hoàn tất xong, tôi vội kiếm cho mình một chỗ ngồi sát cửa để có thể nhìn thấy rõ mọi thứ của thành phố. Nhưng cũng không dám lơ là mất tập trung vì tôi còn phải ráng chú ý để hai lỗ tai có thể nghe cho rõ tên downtown để còn bước xuống trạm cho đúng. Khi thấy đã gần đến trạm tôi vội giật sợi dây trên xe bus để nói rằng tôi muốn dừng ở chỗ này. Việc đầu tiên khi bước xuống xe là tôi vội đảo mắt kiếm tàu điện ngầm ở đâu? Kia rồi mừng quá tôi chạy qua tàu điện. Sau khi đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư, tôi vội chạy đến thì cũng vừa lúc đoàn tàu xe điện cũng tới kịp lúc. Lần đầu tiên tôi di chuyển bằng phương tiện này. Xe chạy rất nhanh và êm. Mải suy nghĩ và nhìn ngắm cảnh đẹp, tôi chợt nhận ra mình đã đi lố mất trạm để xuống xe. Trời ơi! tôi hoảng sợ vì mình đã bị lạc. Lúc đó trên xe tất cả mọi người đã xuống hết chỉ còn lại mình tôi. Định thần lại tôi bước xuống thì mới biết ra đó là trạm cuối cùng. Tôi thấy mình đứng trên cao chót vót đảo mắt nhìn quanh chẳng có nhà cửa cũng không có người qua lại, xe cộ cũng chẳng thấy. Đưa mắt nhìn xuống tôi thấy cả thành phố thu nhỏ ở bên dưới nơi tôi đứng. Tôi thấy lo sợ, nhìn xa xa thấy ở khu dãy ghế chờ xe bus có hai ông già người da màu. Lấy hết can đảm tôi tiến lại gần thì hóa ra đó là hai ông già hành khất, tôi biết họ vì họ mặc quần áo luộm thuộm không được sạch sẽ và những túi đồ lỉnh kỉnh. Tôi nghĩ trong bụng không lẽ tôi sẽ chết như thế này ở xứ người hay bị bắt cóc sao. Giá như lúc này có đôi cánh tôi sẽ bay thật nhanh về nhà ở Việt Nam chứ không ở Mỹ nữa.
Tôi run lắm nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh tiến lại gần bắt chuyện. Tôi nói: “I am lost. I help me. I go to school ICC”. Một ông già quay sang nhìn tôi và dường như hiểu tôi cần sự giúp đỡ. Nên ông ta nói và ra dấu bảo tôi theo ông ta lên xe điện cùng với ông ấy. Tôi cũng hơi lo sợ nhưng cũng gật đầu để đi theo ông. Bởi vì tôi nhìn thấy ánh mắt ông nhìn tôi rất thân thiện. Ông ấy ngồi còn tôi thì đứng (phòng thủ) để có gì không hay tôi còn chạy kịp chứ. Ở trên xe ông ấy ra dấu bằng ngón tay – ý nói tôi nếu muốn tới trường ICC thì còn 9 trạm nữa mới tới. Lúc đó tôi mới nhớ lại lời con trai tôi dặn là chỉ cần đi qua hai trạm là đã tới trường rồi. Trên chuyến đi cứ mỗi trạm là lại có người lên xe nên tôi cũng thấy an tâm. Trong lúc đó ông ấy cứ tiếp tục ra dấu cho tôi biết con số còn lại của trạm dừng mỗi khi xe đi qua được một trạm. Và cho đến khi còn một trạm nữa thì ông cầm tay tôi nói rằng: “Get down here”. Tôi mừng quá vội cám ơn ông rồi nhanh chân bước xuống xe. Đúng như ông nói thì trường thẩm mỹ ngay trước mặt tôi. Tôi vui sướng lắm và đi nhanh vào trường, lòng có một cảm giác lâng lâng khó tả.
Vậy là kết thúc chuyến đi lạc của tôi mất 3 tiếng đồng hồ để có thể đến trường lúc đó đã là 10h30. Tôi đi nhanh vào trường để kịp bấm thẻ với tâm trạng nhẹ nhõm hẳn ra. Nghĩ về những sự việc tôi vừa trải qua, thâm tâm tôi rất biết ơn ông già ấy. Một người hành khất tôi không quen biết cũng chẳng kịp hỏi được cái tên nhưng đã không ngại ngần đi theo để giúp tôi có thể đến trường một cách an toàn. Tôi chỉ ước nếu may mắn tôi có thể gặp lại ông một lần để được cảm tạ tấm lòng của ông. Ông ấy có thể nghèo khổ trong đời sống vật chất nhưng tấm lòng ông thì lại quá giàu có. Vì vậy đừng vội phán xét người khác chỉ qua bề ngoài của họ. Tôi thấy mình như là một người phụ nữ may mắn nhất khi đến một đất nước xa xôi lạ lẫm. Nhưng đã được những người ân nhân ở đất nước Mỹ giúp tôi hết lòng. Tôi cũng cám ơn các bạn bên chương trình Báo trẻ đã tạo cơ hội để tôi được chia sẻ và tri ân tới những người ân nhân đã giúp tôi trong chuyến đi lạc ngày ấy. Nếu bài viết của tôi may mắn được đăng trên báo tôi ước gì ông già ngày ấy có thể đọc được những dòng tâm sự này và nhận lấy từ tôi lời cám ơn sâu sắc nhất mà tôi muốn gửi tới ông.

Tác giả Hoàng Lệ Quyên và con gái