Tiểu thuyết A Time to Love and A Time to Die của Erich Maria Remarque có nhiều phiên bản. Chừng như Remarque đã chỉnh sửa nhiều lần, cộng thêm sự khác biệt của các bản dịch. Đảo Hy Vọng là tựa ban đầu của Một thời để yêu và Một thời để chết. Tôi lưu trữ một phiên bản khác.
Quyển tiểu thuyết dầy 431 trang viết về mối tình của một thanh niên Đức học hết trung học đi lính trên chiến trường Nga rồi đến kỳ phép, khi về quê cũ, khám phá thành phố đã thành đống gạch vụn dưới các trận bom. Ngôi nhà của bố mẹ anh sụp nát, không biết cha mẹ còn sống hay chết, đang nằm dưới đống gạch hay đã rời đi đâu…

Ernst Gräber ở tạm trại tiếp cư quân đội, mỗi ngày anh trở về ngôi nhà nơi mình đã sinh ra, đã lớn lên, đã chú ý đến cô bạn hàng xóm bên nhà, mà bây giờ căn nhà hàng xóm cũng là đống gạch vụn. Mỗi ngày Gräber đến đống gạch vụn là nhà mình để đào bới, nhặt nhạnh, cố gắng tìm vết tích của cha mẹ, và tìm cả dấu vết kỷ niệm của mình. Anh nhặt nhạnh một vài cuốn sách anh đã đọc, giữa một thành phố hoang tàn đổ nát. Cho đến một buổi sáng, anh bắt gặp Elisabeth Kruse, cô bạn hàng xóm và học cùng trường với anh, trước khi anh đi lính. Elisabeth cũng đang nhặt nhạnh những món vật dụng trong nhà để xài lại: một cối xay tiêu, một máy xay cà phê, vài ba chiếc chảo đồng móp méo… Elisabeth đã trở thành công nhân làm việc trong một xưởng nhồi thuốc đạn cho chiến trường, như tất cả các thiếu nữ thời kỳ này phải tham gia vào nỗ lực chiến tranh. Từ sau khi thành phố bị dội bom, cha mẹ qua đời, Elisabeth sống tạm trong căn phòng thuê ở một góc phố đổ nát, lâu lâu cô trở lại căn nhà cũ, đào bới chút vật dụng còn sót, hy vọng đem về dùng được. Khi Elisabeth đứng lên, cô trông thấy một thanh niên đứng trên đống gạch bên cạnh nhà mình đang nhìn cô chăm chăm. ‘‘Gräber!’’ Cô nhận ra người thanh niên hàng xóm và học chung với cô. Ðã lâu rồi, họ không gặp nhau. Ba bốn năm mà người thanh niên đã khác hẳn, quân phục, ủng da và cả nét mặt chai sạn chiến trường. Gräber nhận ra Elisabeth tức khắc. Anh nhận ra thiếu nữ chưng diện lộng lẫy lúc xưa khi những vương tôn công tử đến đón cô đi chơi. Ngày ấy, Gräber ước ao anh có một chiếc xe để đưa Elisabeth đi khiêu vũ. Anh hay thường ở trong phòng nhìn qua cửa sổ theo dõi Elisabeth. Bây giờ, không trang điểm, áo đầm công nhân, trông Elisabeth đơn sơ, nhưng Gräber lại thấy Elisabeth gần với anh hơn. ‘‘Elisabeth!’’ Gräber cũng ngạc nhiên khi thấy anh và cô gái vụt trở nên thân thiết mặc dầu họ chưa bao giờ trò chuyện với nhau. Elisabeth sống trong một thế giới khác, xa hoa và giàu sang. Còn Gräber thuộc gia đình giáo chức, chính chiến tranh đã xóa đi biên giới ngăn cách và đem họ lại gần. “Anh tìm được gì không? Tôi tìm được vài món này.” Elisabeth chìa cho Gräber xem cái chảo gang cong queo và cối xay tiêu. Elisabeth nhìn quyển tiểu thuyết trong tay Gräber: “Chỉ có bấy nhiêu?“ – “Không, còn cô nữa.” Câu trả lời nhiều ngụ ý của Gräber làm Elisabeth bối rối. Cô tự hỏi vì sao trước đây cô không để ý đến người thanh niên này, trông anh có vẻ thành thật lắm. “Nếu anh khuân giùm tôi cái cối này về phòng, tôi sẽ đãi anh một tách cà phê.” Elisabeth nhìn bộ quân phục nhàu nát của Gräber rồi hơi cúi xuống: “Tôi muốn đãi anh hơn nữa, lâu rồi chúng ta không gặp nhưng tôi không có tiền nhiều.” Bất chợt Elisabeth ngửng lên: “Có phải chúng ta sắp bại trận rồi không? Anh hãy nói thật. Anh ở chiến trường về, anh biết chuyện gì xảy ra. Tôi chỉ có thể đoán theo số lượng nhu yếu phẩm ngày càng ít đi. Có thật chúng ta sắp bại trận rồi không?” Gräber lắc đầu: “Tôi không biết. Tôi biết vùng hành quân của mình mà không bao quát toàn cảnh.“ “Anh thật không biết?“ – “Tôi thật không biết. Tôi biết vừa tìm lại được cô và đây là sự thật duy nhất.” Gräber trả lời. Elisabeth cười: “Anh thật biết nói chuyện với đàn bà nhỉ? Quân đội dạy anh phải không?”- “Không. Tôi tập nói chuyện với cô từ trước khi đi lính mà không có dịp.” -“Anh khéo lắm. Anh thật biết nói chuyện với tôi.” Elisabeth mỉm cười và rủ Gräber về nhà cô uống cà phê. Họ trở nên thân mật tự nhiên. Gräber nghĩ trong đầu anh: là nhờ những thảm bom, những thảm bom giết rất nhiều người nhưng cũng đem Elisabeth đến với anh.
“Ở đây, đi ăn ở đâu?” Gräber hỏi những bạn đồng ngũ trong trại gia binh.
“Ở Câu Lạc bộ Hạ Sĩ quan nhưng phải có quân phục Hạ sĩ quan, có thể thuê ở ông già Zoss…”
Elisabeth mặc chiếc áo dạ hội duy nhất cô còn lại. Chiếc áo rách vai trong trận bom, cô phải mất cả giờ để vá lại. Cô nói: “Anh không chê tôi quá bần hàn chứ?” – “Không đâu. Cô giống như tôi mơ ước.” “Anh đã thật mơ ước?” – “Tôi trông thấy cô trên những cánh đồng ngoài mặt trận.” “Trông thấy tôi?” Elisabeth ngạc nhiên ngửng lên, khi cô cắt chỉ. Gräber thành thật: “Tôi thường trông thấy cô ngoài mặt trận, những khi tôi gác ngoài giao thông hào, trên băng tuyết cô hiện ra rõ lắm…” Elisabeth hiểu. Cô nói nhanh: “Tôi thật không ngờ.” Rồi cô im lặng.
Buổi tối, Gräber kêu những món ăn ngon nhất với chai rượu đắt nhất, Elisabeth nói “anh không cần phải phí phạm, ngồi ăn với anh là tôi vui rồi.” Gräber lắc đầu, “tôi có ba năm lương lính chưa tiêu, và phải làm lễ mừng chúng ta còn sống sót gặp lại.” – “Ðúng vậy! Gräber! Còn sống và gặp lại anh là điều tốt nhất đối với tôi từ ba năm nay. Tất cả lần lượt chết, tôi không gặp lại ai hết trong lớp mình.” “Cô gặp lại tôi.”
“Tôi cám ơn anh đã nhặt lại tôi, Gräber, thật sự là tôi thất lạc, tôi không biết mình làm gì nữa trong thành phố trở thành đống gạch vụn này.”

Bìa tiểu thuyết L’Ile d’espérance – NGUỒN IMAGES-BOOKNODE.COM
Buổi tối đầu tiên của Elisabeth với Gräber đứt quãng vì trận bom, một trái bom rơi xuống dẫy nhà phía sau hiệu ăn. Thành phố bốc cháy. Gräber và Elisabeth chạy ra khỏi khu phố. “Ðừng về nhà. Chúng ta hãy lên đồi.” Elisabeth nắm lấy tay Gräber.
Ngọn đồi không xa phố, nhìn xuống đám cháy bốc cao như điệu múa lửa. Elisabeth thì thầm: “Em thường lên đây ngắm điệu múa lửa, thay vì trốn xuống hầm trú bom. Ðằng nào cũng chết, nhưng em muốn chết trong tự do, giữa thiên nhiên thay vì dưới hầm và được ngắm vũ điệu của lửa. Không còn hí viện, rạp hát, gánh xiếc hay nhạc kịch, tất cả đã sụp, điệu vũ của lửa là tiêu khiển duy nhất của em.” Rồi cô bật khóc: “Bố mẹ em chết rồi anh biết không, em tìm thấy họ dưới đống gạch. Bố mẹ anh, người ta cũng khiêng ra từ đống gạch cạnh nhà em. Em không còn ai hết. Cám ơn anh đã đến lúc này.” Gräber ôm lấy Elisabeth, anh thấy tội nghiệp cho cả hai vô cùng.
Mỗi buổi tối đều có trận bom, mỗi buổi tối, Gräber và Elisabeth lên đồi nhìn cảnh lửa cháy, họ thấy rõ lửa đang thiêu rụi tuổi trẻ của cả hai. Elisabeth quyết định nói Gräber về sống chung trong căn phòng mình nhưng Gräber từ chối: vì hệ thống phường, hộ khẩu, tổ dân phố, dân phòng sẽ phát hiện ra ngay, anh vẫn ở tạm trại gia binh. Ban ngày Elisabeth đi làm công nhân trong xưởng đạn, Gräber vẫn lục lọi những kỷ niệm niên thiếu của mình ở đống gạch hay tìm đến một vài bạn đồng ngũ để có tin tức chiến trường và xếp hàng mua xúc xích, thịt nguội theo tiêu chuẩn quân đội cho Elisabeth.
Một đêm khuya, Elisabeth mở cửa sổ cho Gräber vào phòng cô bằng ngả vuờn. Gräber trông thấy Elisabeth trắng như băng. “Em thật đẹp.” Anh thì thầm. “Anh thật biết nói chuyện với đàn bà, em bắt đầu ngạc nhiên là anh học cách nói chuyện này ngoài mặt trận. Anh học từ đâu, với phụ nữ Nga?” -“Không. Phụ nữ Nga bắn anh và anh cũng bắn họ.” “Vậy anh học ở đâu?” – “Ở thân thể của em.” Elisabeth nguýt Gräber, rồi cô ngả vào mình anh: “Gräber, anh thấy em đẹp, vì chung quanh anh đổ nát, không còn một thứ gì nguyên vẹn hình hài. Tất cả đều mang dấu tích của bom. Em còn nguyên, nhưng không biết được bao lâu. Nhưng em cũng có vết bom, anh tin không?” Elisabeth cởi áo cho Gräber trông thấy vết sẹo của miểng bom trên mình cô. “Bom rớt trúng phân xưởng, em không biết mình bị thương, chỉ thấy máu, rồi ngất đi… nhưng không quan trọng, bây giờ em đã lành và anh vẫn còn sống.” Gräber thấy Elisabeth như hoa tuyết Edelweiss óng ánh và anh thật tin là anh đã trông thấy Elisabeth hiện ra thật giữa cánh đồng tuyết trên đất Nga.
Gần hết phép, Gräber muốn làm hôn thú với Elisabeth. Thiếu nữ lắc đầu: “Em không bắt anh phải ràng buộc. Thật sự là không cần thiết. Không phải vì em không yêu anh, nhưng như vậy có tốt hơn không Ernst, anh sẽ không phải có trách nhiệm gì với em và anh sẽ nhẹ nhàng hơn ngoài mặt trận.” – “Không, Elisabeth. Hôn thú sẽ cho em tiền trợ cấp tử tuất hàng tháng, đủ để em không chết đói. Vì sao thí cho chính phủ khi chúng ta cần nó, em cần nó để sinh sống một khi anh tử trận…”
“Ernst! đừng nói gở!”
“Anh nói thật. Anh sẽ yên tâm xung phong lên ngọn đồi chết tiệt nếu biết em sẽ có vài trăm Ðức kim, dù chuyện gì xảy ra. Ðây là điều anh còn làm được khi còn sống, chỉ việc ký vào tờ giấy. Hãy để anh làm việc này. Ðể anh không ân hận.”
“Ðược rồi Ernst. Ðược rồi bồ ơi. Em sẽ ký vào bất cứ điều gì anh muốn.”
Gräber và Elisabeth làm lễ cưới nhỏ, với vài đồng ngũ từ trại gia binh, ngay trước hôm Gräber lên đường. Tiểu thuyết Ðảo Hy Vọng lấy bối cảnh của thành phố Dresde có thật trong chiến tranh bị Đồng Minh dội bom chết 56,000 người. Bối cảnh chính là ngọn đồi, hiệu ăn, căn phòng của Elisabeth, và những đống gạch vụn mà hai người tuổi trẻ vừa là bạn, vừa là hàng xóm, vừa là tình nhân, cùng đi qua những con đường đổ nát. Những con đường mang khẩu hiệu: “Gạch vỡ nhưng trái tim chúng ta không vỡ.” Ðây đó, một biểu ngữ ca ngợi lãnh tụ: “Sống và chiến đấu theo gương Quốc trưởng.” Tiểu thuyết xây dựng trên những mẩu đối thoại và suy nghĩ của Gräber và Elisabeth. Hoàn toàn tăm tối, không tương lai, không ánh sáng, với ngày bại trận đã gần kề. Một tuổi trẻ tan mất vào trong chiến tranh không để lại dấu vết, không kịp sống, không kịp tận hưởng tình yêu của chính họ.
Elisabeth sẽ ở lại Dresde trong chờ đợi và trốn tránh những trận mưa bom. Cô vẫn chạy lên đồi ngắm vũ điệu của lửa nhưng không còn thấy chúng đẹp kỳ lạ mà thay vào đó, lửa làm Elisabeth sợ hãi vì Gräber không có tin tức. Gräber không trở về. Anh bị thương và chết khi quân Ðức di tản khỏi đất Nga. Khi thấy máu chảy xối xả, Gräber biết mình sắp chết, anh cố gắng quay nhìn ra khoảng đồng tuyết lạnh băng lấp lánh trước mắt với hy vọng Elisabeth sẽ hiện ra, anh chỉ kịp gọi Elisabeth. Mỗi tháng Elisabeth ra quân bưu lãnh tiền tử tuất. Mỗi tháng cầm những đồng bạc, cô đều quặn thắt và khóc lặng lẽ.
Đảo Hy Vọng u ám, ảm đạm và thê lương. Cho đến phút cuối cùng người đọc vẫn cố hy vọng. Từng trang, từng trang, nỗi sợ hãi trong đầu người đọc tăng dần vì biết Gräber sẽ chết, kết cục sẽ bi thảm, vì không lối thoát, cũng vì sau từng trang người đọc quyến luyến với Gräber và Elisabeth. Remarque ngừng ở đó, không cho biết Elisabeth sẽ ra sao, nhưng người đọc đoán Elisabeth sẽ chung số phận của nhiều triệu phụ nữ Đức bị Hồng quân Nga hãm hiếp và bạo hành khi tràn vào nước Đức. Còn vài trăm tiền tử tuất, ủy ban quân quản của Chính quyền Giải phóng sẽ nhanh chóng cắt bỏ, vì quân nhân Đức bị xem là Phát-xít.
Trong truyện Remarque tả Gräber dong dỏng cao, tóc úa, ánh mắt màu bạc, còn Elisabeth tóc sẫm đen và mắt màu lục. Thời trẻ, tôi mê Elisabeth Kruse như từng mê Patricia Hollmann và Ruth Holland, các nhân vật nữ khác của Remarque. Họ chung đường nét: thông minh và mềm mại trong thân thể mảnh mai. Tôi thuộc hết các tiểu thuyết của Remarque.
Kỳ quặc là mỗi lần đọc lại, tôi đều khám phá ra nhiều chi tiết lạ vì trong đầu tôi lưu trữ một phiên bản cá nhân khác nhiều với bản gốc. Các đối thoại tôi vừa kể, cùng một số chi tiết, không có trong bản Pháp văn L’Ile d’Espérance của Michel Tournier, Nxb Plon, 1955. Chậm rãi, tôi hiểu chúng sinh sôi từ tâm trí của mình, đến mức mình đinh ninh chúng xuất phát từ Remarque. Chậm rãi, tôi hiểu ra tiểu thuyết hay là tiểu thuyết mà nhà văn biết đem người đọc vào trong truyện, sống chung với nhân vật, buồn vui âu lo hay hoan lạc sung sướng với nhân vật. Một tiểu thuyết gia kỳ tài là một nhà văn biết lôi người đọc nhập vào tác phẩm, tham dự vào câu chuyện như chính người đọc là nhân vật. Chính vì tham dự mà người đọc hình dung ra thêm đối thoại, quang cảnh phố xá, con người cùng màu sắc vây quanh. Ước ao mối tình giữa Gräber và Elisabeth kéo dài thêm mãi, hay ước ao mình là Gräber.
Báo trước cái chết của nhân vật chính là một kỹ thuật khó, vì mất tính bất ngờ, song Remarque đã thành công vô cùng trong Đảo Hy Vọng. Không phải Sartre, Camus, Céline hay St. Exupéry, càng không phải Alphonse Daudet, Emile Zola, Francois Mauriac hay Somerset Maugham mà chính Erich Maria Remarque đã tạo ra trong tôi những phiên bản tiểu thuyết khác thường. Với mỗi tiểu thuyết Remarque, tôi cất giữ một phiên bản cá nhân riêng.

Cảnh trong phim “A Time To Love And A Time To Die” – NGUỒN EUREKAVIDEO.CO.UK