Cuốn sách “The Wisdom of Psychopaths: What Saints, Spies and Serial Killers Can Teach Us About Success” của Kevin Dutton nằm trong danh sách bán chạy của tạp chí Time đã khởi đầu khá nhiều cuộc bàn luận, nhất là mệnh đề “sếp lớn [CEO] là nghề nghiệp có nhiều kẻ bệnh hoạn [tâm thần] nhất”.
Bảng phong thần này liệt kê những nghề nghiệp có nhiều kẻ bệnh hoạn tâm thần nhất. Top 10 nghề:
1-CEO (sếp)
2-Luật sư
3- Nghề truyền thông/Báo chí
4- Nghề rao bán hàng (Sales)
5-Bác sĩ phẫu thuật
6-Phóng viên
7-Cảnh sát
8-Tu sĩ
9-Đầu bếp
10-Công chức
Đây là những nghề nghiệp “quan trọng” trong mắt người thế giới vì họ lắm quyền năng, muốn và ở vị thế kiểm soát kẻ khác. Ngoài ra, các nghề nghiệp kể trên đòi hỏi khả năng quyết đoán công việc một cách khách quan, ra tay sinh sát không chút ngần ngại. Đây là các cá tính căn bản của chứng bệnh tâm thần này.
“Psychopathy” được từ điển dịch là “loạn nhân cách”, và Dế Mèn tạm dịch là “bệnh hoạn tâm thần” vì bệnh nhân rất “bình thường”. Họ bình thường về mọi mặt nhưng chỉ thiếu chút nhân tính, bản chất độc ác hung bạo từ xương tủy.
Hiểu theo nghĩa rộng rãi, tất nhiên, psychopath không chỉ là những kẻ giết người một cách tàn bạo, đâm chém, cưa cắt nạn nhân ra nhiều mảnh mà nói chung, đây là những kẻ hung ác, bạo tàn theo nhiều phương cách khác.
Sách vở định nghĩa “Psychopathy” là một chứng bệnh về nhân cách (personality disorder); người bệnh (psychopath) rất hiếm khi xúc động, ít khi áy náy, băn khoăn và nhất là không hề biết sợ. Họ chịu đựng được nhiều áp lực, không có lòng nhân ái, không cảm thông với kẻ chung quanh, không hề ân hận hay hối tiếc về hành động [bất nhân] của mình, cao ngạo, xem mình là quan trọng, nông nổi, thủ đoạn, thiếu trách nhiệm và có những hành động chống lại xã hội, sống như ký sinh và thường phạm tội ác.
Khi bảng phong thần kia cho thấy nghề điều hành chiếm hàng đầu với số người bệnh hoạn tâm thần cao nhất thì câu hỏi tất nhiên là “tại sao?”
Một nhà báo người Anh, ông Jon Ronson, đã dùng khá nhiều thời giờ tìm hiểu nguồn cơn của căn bệnh bằng cách nghiên cứu sách vở về bệnh tâm thần cũng như tài liệu về những kẻ phạm tội ác. Ông nhà báo đi tìm câu trả lời cho mệnh đề “những gì khiến con người ta trở thành psychopath, những kẻ rình rập chờ cơ hội ám hại người khác?”. Và ông ấy tìm ra vô khối chi tiết cho cuốn sách “The Psychopath Test: A Journey Through the Madness Industry”. Cuốn sách ấy xếp hạng các nghề nghiệp có nhiều psychopath nhất!
Tỷ lệ số người bệnh hoạn [tâm thần] trong giới điều hành là 4% (so với bàn dân thiên hạ, tỷ lệ dưới 1%); như thế, nghề điều hành thu hút những psychopath hoặc giả psychopath thích làm sếp thiên hạ?
Mấy giả thuyết ấy khiến Dế Mèn rùng mình, nếu sếp lớn là kẻ bệnh hoạn [tâm thần] thì thế giới thương mại ngoài kia làm ăn ra sao? Và cả xã hội chung quanh hẳn cũng khốn đốn không kém? Có tương quan nào giữa những điểm khiến người ta trở thành bệnh hoạn [tâm thần] và những điều kiện khiến người ta trở thành sếp lớn?
Hầu hết các nghề nghiệp liệt kê trên bảng “đối chiếu” đều đòi hỏi sự tương thân tương ái giữa các đồng sự để có thể làm việc chung một cách hữu hiệu. Và hầu hết các nghề nghiệp này không kèm theo quyền hành, sinh sát. Những kẻ tâm thần bệnh hoạn thường không ưa chuộng các công việc ấy hoặc họ không thể thành công trong các nghề nghiệp đòi hỏi lòng tương lân này.
Thí dụ điển hình là ông sếp lớn Al Dunlap, mệnh danh “Chainsaw” nôm na là “máy cưa”, cưa nhanh và cưa mạnh. Ông Dunlap nguyên là sếp lớn, CEO, của hãng Sunbeam, nổi tiếng lẫy lừng qua việc “thu gọn” (downsizer) công ty qua việc thải người không thương tiếc.
Khi viết về ông Dunlap, nhà báo Ronson còn kể chuyện thêm về con người của “máy cưa”. Ông Dunlap kia dường như thích thú lắm trong việc cắt giảm nhân sự chưa kể những mẩu chuyện cá nhân. Bà vợ [cũ] kể lại rằng có lần ông chồng phát biểu ý thích muốn…
ăn thịt người xem hương vị ra sao (?!), cha mẹ qua đời cũng chẳng bận lòng đi dự đám tang … Ông Dunlap tiếp tục thăng tiến trong nghề nghiệp, mỗi ngày quyền hành một lớn và dĩ nhiên là túi tiền cá nhân mỗi ngày một đầy; được công ty thưởng công cho việc “tiết giảm” ngân quỹ điều hành. Càng “thu gọn” nhân sự, tiền lời càng nhiều và giá cổ phần của công ty càng cao!
Trên Fortune 500, danh sách các công ty hàng đầu thế giới, liệt kê danh tánh tân, cựu và cả các CEO tại chức, ta có thể nhận mặt một số “psychopath” qua những việc làm thiếu nhân tính nhưng ông CEO lẫy lừng kể trên là một con người vô cùng đặc biệt, một psychopath sư tổ nên khó lòng có nhiều người “kế vị”, bằng không thế giới con người sẽ là thế giới của cá mập, của các con thú thích cắn xé ăn thịt lẫn nhau?!
Ngoài các sếp điều hành, các nghề nghiệp khác cũng có khuynh hướng thu hút psychopath là luật sư, cảnh sát, truyền thông báo chí…, những công việc có thể tạm hiểu là có [hay thích] quyền bính nhưng… nghề nấu nướng, đầu bếp thì khó hiểu quá? Hay vì những người này hay múa dao và có cả mấy bộ dao sắc lẻm nên bá tánh cần cẩn thận khi giao tiếp chăng?
Dưới con mắt tâm lý học, psychopath khác với người bình thường rất xa, họ không thể thương xót đồng loại cũng như không hề biết hối hận, ăn năn về việc làm gây tổn thương người khác. Khi làm điều ác, psychopath luôn có lý do để biện hộ, từ việc “thời thế thay đổi, cần thích nghi để thành công”, như kiểu ông Dunlap kể trên, đến việc đổ tội cho nạn nhân hầu biện minh cho sự hung bạo, tồi tệ của mình. Như kẻ chuyên hãm hiếp thì biện minh rằng bị nạn nhân quyến rũ, rủ rê; hay tệ hại hơn vu khống cho nạn nhân để bào chữa kiểu “đi với ma [nên tôi] mặc áo giấy”!
Con người là một sinh vật luôn thay đổi nên cách hành xử thay đổi, vui buồn tùy theo tâm cảnh, là chuyện không lạ. Do đó, theo các nhà phân tâm học, việc thẩm định các căn bệnh tâm thần cũng có nhiều tiêu chuẩn, mực thước để xếp hạng đàng hoàng; có bao nhiêu cá tính ‘đặc biệt’ thì trở thành bệnh hoạn? “Psychopath” cũng không ngoại lệ. Thí dụ: Bản tính con người thích ganh đua, thích nổi trội, và cá tính này hiện diện trong mọi cá nhân nhưng ganh đua đến mức độ nào [để thăng quan tiến chức] thì trở thành kẻ bệnh hoạn tâm thần?
Khi dùng hệ thống tính điểm Hare [Hare Scores do ông Robert Hare sáng tạo, các tiêu chuẩn dùng trong giới hành pháp để nhận diện (profile) tội phạm], 40 điểm là mức cao nhất. Kẻ bệnh hoạn đáng sợ nhất của xã hội thường ở số điểm 30. Chỉ số này là mức “bất kể”, không có chút lương tâm nào để thương xót, say mê trong việc điều khiển kẻ khác và thích thú khi hành hạ, hạ bệ được kẻ họ không ưa thích!
Tất nhiên không phải psychopath nào cũng có thể trở thành CEO dù thích ganh đua nổi trội; sự thiếu tự chế, hành động theo bản năng khiến không mấy kẻ bệnh hoạn [tâm thần] thành công trong việc làm ăn buôn bán.
Ngược lại, các cá tính đặc biệt giúp psychopath thành công bao gồm tính hiếu sự, tò mò, thích tìm kiếm, dễ chán ngán khiến họ hiếu động, luôn tìm cách canh cải, sửa đổi; do đó công việc đạt hiệu quả hơn. Ngoài ra, sự chịu đựng dẻo dai dưới áp lực khiến psychopath dễ thành công hơn người bình thường.
Nói chung, kẻ bệnh hoạn tâm thần với số điểm cao có thể là một CEO tài giỏi, nhưng sự thành công chỉ trong giai đoạn; như ông Dunlap, kiếm một mớ tiền lớn, rồi làm việc khác!
Trong một bài tường trình khác, Belinda Board và Katarina Fritzon, tại University of Surrey, Anh, lập bản thống kê sau khi quan sát cá tính các nhóm người khác nhau: a) những người điều hành công ty, b) bệnh nhân tâm thần và c) tội phạm đang được điều trị bệnh tâm thần tại bệnh viện.
Dựa trên phương pháp tính điểm (scoring), hai nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng các đặc tính của psychopath hiện diện rất nhiều trong nhóm (a); họ có số điểm cao hơn so với nhóm (c), các tội phạm điên loạn, trong các đặc tính như “thu hút”, cao ngạo, có tài thuyết phục, độc lập, có [khả năng] tập trung cao và không biết thương xót [kẻ khác].
Sự khác biệt giữa hai nhóm này là nhóm điều hành có thể tự chế, biết kiềm chế đủ để không trở thành tội phạm; họ có số điểm cao hơn nhóm (c).
Tiền, quyền bính và vị thế xã hội thu hút mọi người, đặc biệt là những kẻ bệnh hoạn tâm thần. Những thứ này, tham vọng, thúc đẩy các CEO làm việc bất kể đêm ngày để leo bậc thang công ty.
Các đặc điểm ấy có dễ nhận diện không? Không, bạn ạ! Vì khi các CEO hì hục làm việc thì xã hội đặt cho các đặc tính (tốt/xấu) ấy những danh hiệu lộng lẫy như “chăm chỉ”, “mẫn cán”, “hết lòng với công việc”!
Đối nghịch với psychopath là những người thích và dễ dàng làm việc chung trong nhóm, ít ganh đua, tương lân tương ái. Đứng hàng đầu danh sách này là những người giúp việc chăm sóc kẻ khác, kế đến là điều dưỡng, nghề làm đẹp, nhà giáo, bác sĩ và kế toán…
Các công việc này đòi hỏi sự thân cận với kẻ chung quanh và liên quan đến tình cảm giữa con người và xã hội chung quanh!
Đọc mấy bài tường trình và cuốn sách bán chạy kể trên, Dế Mèn băn khoăn lắm. Con người thay đổi với trời đất, chẳng lẽ mấy người như ông Dunlap kia, lúc nào cũng bạc ác, tệ hại? Hẳn là cũng có những lúc tử tế nhưng chẳng ai ghi chép để kể lại vì bá tánh căm ghét những kẻ tàn phá xã hội, một cách hợp pháp, như ông ấy?
