Một báo cáo dày bốn trăm trang về tác động của biến đổi khí hậu đối với New York vừa được công bố gần đây cho thấy thành phố đứng trước nhiều nguy cơ thiên tai nghiêm trọng. Các nhà khoa học dự báo mực nước biển ở New York sẽ dâng 1 mét vào cuối thế kỷ 21. Với mức ngập úng này, New York sẽ trở thành Venice thứ hai trên thế giới. Hơn nữa, bão tố sẽ thường xuyên gây ra những cơn sóng lớn có thể tàn phá thành phố không thua cơn sóng thần khủng khiếp ập vào Nhật Bản hồi năm 2011.

Khi còn đương nhiệm, cựu Thị trưởng Bloomberg cảnh báo trong tương lai, một cơn bão như Sandy có thể gây những hậu quả tồi tệ hơn nhiều đối với New York. Năm 2012, bão Sandy đánh vào New York, cướp đi sinh mạng của 43 người và khiến thành phố tê liệt trong nước lũ nhiều ngày. Gần phân nửa diện tích Manhattan bị mất điện, hệ thống giao thông đình trệ, hạ tầng ven biển bị tàn phá nặng nề. “Siêu bão Sandy khiến thành phố thiệt hại $19 tỉ, nhưng đến giữa thế kỷ con số thiệt hại từ một trận bão tương tự có thể lên gấp năm lần như thế.”
Dự án đê biển bao quanh New York (đường viền màu sáng) dài 835km và cao 6m, có thể ngăn chặn được mực nước dâng cao
Vậy làm thế nào để có thể cứu nguy thành phố New York mà không làm thay đổi cảnh quan cấu trúc đô thị hình thành sớm nhất và lớn nhất trên nước Mỹ? Không riêng gì Hoa Kỳ, hầu hết các nước trên thế giới đều chuẩn bị hàng trăm dự án xây dựng thành phố nổi với nhiều cấp độ quy mô nhằm đối phó với thế kỷ biến đổi khí hậu. New York đã chọn một giải pháp cổ điển để bảo vệ New York và các vùng lân cận tránh được ngập lụt khi nước biển dâng hoặc do những cơn siêu bão tạo nên sóng thần có thể tàn phá đô thị. Sau cuộc thi đồ án “New York đối phó với biến đổi khí hậu”, thành phố đã chọn và công bố sẽ xây dựng các bức tường chắn sóng ven biển để ngăn chặn nguy cơ sóng thần và một con đê biển bao quanh thành phố ứng phó ngập lụt trên diện rộng.
Đê biển, một giải pháp cổ xưa chống ngập lụt có thể áp dụng cho New York rộng lớn rất hiệu quả. Mô hình đê điều và đập tràn New Orleans được bao quanh thành phố vẫn còn tồn tại gần trăm năm nay. Tuy nhiên New Orlean vẫn bị ngập lụt theo từng chu kỳ khi gặp những cơn bão lớn bởi thành phố nằm ở vùng duyên hải dưới mực nước biển đến 6 mét trên vùng đồng bằng. Còn địa hình New York thuận lợi hơn vì ngang bằng mực nước biển. Nhưng như thế, không có nghĩa là New York sẽ không biến thành biển nước khi nước biển dâng cao do ảnh hưởng biến đổi khí hậu hoặc đối phó với những cơn sóng thần bất ngờ xuất hiện. Giải pháp bức tường chắn sóng và con đê biển New York được xây dựng quy mô lớn. Một công trình hiện đại khổng lồ trên thế giới cao 6 mét, dài 835 km. Và đó là điều các nhà thiết kế dự án bảo vệ quan điểm, đê và tường chắn biển không phải là một giải pháp lạc hậu.
Mặt cắt đê biển, công viên cây xanh tựa lưng vào tường đê biển bê tông
Chúng ta cùng nhìn lại từ cổ chí kim các công trình tường chắn và đê biển trên thế giới. Batroun một thành phố ven biển ở miền bắc Lebanon có một bức tường biển vẫn còn tồn tại. Nằm cách thủ đô Beirut khoảng 50km về phía bắc và cách thành phố Tripoli của Liban khoảng 30 km về phía nam, Batroun là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới có lịch sử về quá trình cư trú của con người ít nhất là 5,000 năm. Batroun mang nền văn minh của người Phoenicia (một nền văn minh cổ nằm ở miền bắc khu vực Canaan cổ đại, với khu vực trung tâm nằm dọc vùng eo biển Liban, Syria và bắc Israel ngày nay).
Bức tường biển nguyên gốc là cấu trúc tự nhiên bao gồm những cồn cát hóa đá. Sau đó được người Phoenicia gia cố thêm bằng đá và quá trình gia cố vẫn tiếp tục diễn ra cho đến khi nó mang hình hài một bức tường vững chắc. Bức tường đã xuất hiện trên biển từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên có chiều dài 225m và dày 1.5 m. Một vài chỗ của bức tường đã sụp đổ do những tác động của thiên nhiên, nhưng những phần còn lại của bức tường ngày nay vẫn đứng vững trước biển.
Các công trình phụ trợ đê chắn sóng, vừa làm nơi trú ngụ cho sinh vật biển và làm giảm những cơn sóng lớn vào bờ
Gần đây nhất là cơn sóng thần do động đất gây nên tại Nhật Bản vào năm 2011. Thiên tai kinh hoàng đã làm thiệt mạng ít nhất gần hai chục ngàn người, thiệt hại ước tính $300 tỉ. Với những người sống sót, cuộc sống của họ thay đổi mãi mãi. Gần tròn một năm sau thảm họa, Nhật Bản vẫn quay cuồng với hậu quả trận động đất và sóng thần cùng cuộc khủng hoảng hạt nhân đi kèm với các đợt rò rỉ phóng xạ.
Nhật Bản quyết định cho xây dựng một bức tường chắn sóng thần ngoài khơi vùng biển Wakayama khai triển ngay sau đó. Không giống như bất cứ đê chắn sóng khác, “đê” này được thiết kế đặc biệt để có thể ứng phó nhanh chóng với những cơn sóng thần trong tương lai. Đê chắn sóng là những túi khí hình trụ khổng lồ nối tiếp nhau và được nối với ống bơm khí đặt chìm dưới biển. Bình thường, túi khí này nằm sâu dưới đáy biển. Khi có báo động sóng thần, người ta sẽ cho bơm khí vào, “bức tường” này được hình thành và nổi lên rất nhanh chóng trong một vài phút sau đó và sẽ phá vỡ cơn sóng. Khi đã hoàn tất nhiệm vụ, các túi khí này được xả ra và tự động thu lại chìm xuống dưới biển.
Được biết, bức tường chắn sóng này được xây dựng cao 20m (trong đó 13m chìm dưới đáy biển làm chân nền, và cao 7m so với mặt nước biển) và trải dài 234m dọc theo bờ biển Wakayama. Theo như các chuyên gia đánh giá, “đê” chắn sóng này là một giải pháp thông minh. Dự án này đã tiến hành thực hiện từ cuối năm ngoái. Tính đến hiện tại, Nhật bản mới thử nghiệm và xây dựng thành công 9m đê đầu tiên trong tổng số chiều dài 234m. Trước đó, Nhật cũng đã cho tiến hành xây dựng một đoạn đê chắn sóng thần tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi, Đông Bắc Nhật Bản với chiều cao là 17m (tuy nhiên bằng phương pháp nâng chiều cao đê thêm 3m trên nền đê cũ cao 14m) và dài 600m.
Đê ngăn nước biển dâng sẽ có những khu vực mua sắm trên cao nhìn ra biển lớn
Nhưng những bức tường chắn sóng nói trên dùng để đối phó với sóng thần, để chống ngập lụt người ta cần con đê biển. Indonesia đã chọn thành phố Rotterdam của Hà Lan làm đối tác để tiến hành soạn thảo kế hoạch “Bức tường chắn biển khổng lồ”, và việc mở thầu cho các dự án liên quan sẽ được kết thúc vào năm nay, để có thể bắt đầu khởi công vào năm 2015 và hoàn thành sau 10 năm xây dựng với kinh phí $5 tỉ. Con đê khổng lồ này dài 60 km, từ Tangerang, Jakarta đến Bekasi ở phía bắc thủ đô. Ngoài việc ngăn nước biển, con đê này sẽ tạo ra một đập nước khổng lồ đa chức năng, trong đó có việc cung cấp nước sạch cho thành phố. Các chuyên gia đang nghiên cứu tác động môi trường của công trình này để tìm biện pháp khắc phục, song việc xây dựng được cho là khả thi bởi kỹ thuật này đã được áp dụng ở New Orleans, nơi từng hứng chịu thảm họa do cơn bão Katrina gây ra. Đây là công trình đê biển lớn nhất châu Á.
Riêng dự án đê biển bao quanh thành phố New York sẽ khởi công trong vài năm tới có chiều dài kỷ lục thế giới, kết hợp giữa đê và tường chắn sóng biển. Công trình sẽ tiêu tốn $20 tỉ. Chính phủ liên bang hiện có kế hoạch chi hàng tỉ đô la tu sửa, xây mới các công trình chắn biển phụ để bảo vệ thành phố New York và các vùng lân cận từ mực nước biển dâng. Trong số đó có kế hoạch xây dựng công viên và các công trình thương mại phục vụ dân sinh dựa lưng vào đê biển, một đường đê bảo vệ quấn quanh Manhattan bao gồm khu vực cao và các rào cản lũ lụt có thể tự động bật ra chắn những cơn sóng thần ở những vị trí khác nhau khi nhận được báo động xuất hiện sóng thần. Thế nhưng, với chiều cao 6 mét của tuyến đê liệu có thể bị hủy hoại bởi cơn sóng thần cao hàng chục mét như từng xảy ra ở Nhật Bản? Đồng thời các nhà thiết kế đã tính toán một dự án khác nhằm mục đích làm sóng thần vào bờ sẽ yếu đi bằng cách đặt nhiều đê chắn sóng xung quanh đảo Staten. Mục đích của tuyến đê bao là đối phó với mực nước biển dâng cao. Còn đê chắn sóng sẽ không đơn giản chỉ là rào cản đối với những cơn sóng thần. Nó được thiết kế như một môi trường sinh thái tự nhiên cho các loài sinh vật biển trú ngụ và sinh sản. Các kế hoạch khác cùng lúc đã được lựa chọn để bảo vệ các thành phố lân cận như Jersey, Hoboken, và Weehawken. Các nơi này được trang bị máy bơm để rút nước ngập úng ra khỏi khu vực.
FEMA (Federal Emergency Management Agency – Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp liên bang) đang theo dõi dự án này rất chặt chẽ. Và chính quyền New York đang kêu gọi chi phí đầu tư cho dự án từ nhiều nguồn. Thị trưởng New York đương nhiệm, Bill de Blasio cho rằng, dự án sẽ bắt đầu hình thành trong vài năm tới. “Tôi nghĩ rằng, bốn hay năm năm nữa người New York sẽ thấy một hiện thực thay đổi trong thành phố. Chúng ta không thể ngăn chặn tự nhiên, nhưng chúng ta phải thích ứng với thực tế mới cứu và bảo vệ được New York”.
Tường đê biển kết hợp với các thanh chắn dưới nước được bật ra khi có sóng lớn
NL