Menu Close

Đồng minh hiệp lực chống ISIS

alt

Các tay súng ISIS diễn hành khoe hỏa tiễn vừa chiếm đoạt. ẢNH REUTERS

Viện dẫn quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama mở rộng các cuộc không tập tấn công nhóm Hồi Giáo cực đoan ISIS (tên khác là ISIL, IS, v.v…), trên sàn Quốc Hội Hoa Kỳ hiện tại có nhiều Dân Biểu lẫn Thượng Nghị Sĩ thuộc cả lưỡng đảng kêu gọi ngừng cắt giảm ngân sách quốc phòng. Theo một thỏa hiệp ngân sách quốc gia năm 2011 mang tên “2011 Budget Control Act”, Ngũ Giác Đài phải cắt giảm chi tiêu đến $487 tỉ. Trong tình thế hiện tại, chỉ để chi trả chi phí huấn luyện và trang bị cho các nghĩa binh người Syria, Tổng Thống Obama đã phải xin thêm $500 triệu, và hơn một tháng không tập ISIS vừa qua cũng đã tốn kém cho liên bang hằng trăm triệu Mỹ kim.

Trên mặt trận quân sự, Pháp Quốc là nước đầu tiên ra mặt võ lực cùng với Hoa Kỳ chinh phạt ISIS. Hôm Thứ Sáu 19-9-2014, không lực Pháp Quốc đã mở cuộc không tập đầu tiên, với các chiến đấu cơ Rafale phá hủy hoàn toàn một căn cứ tiếp liệu của ISIS ở đông bắc Iraq. Về phần Hoa Kỳ, trung ương hành quân “U.S. Central Command” giữa tuần qua cũng cho biết kể từ đầu tháng 8-2014, Hoa Kỳ đã mở 176 cuộc không tập nhắm vào các mục tiêu của ISIS. Mới nhất, hôm Thứ Tư 17-9-2014, Hoa Kỳ không tập một quân trường và một kho đạn dược của ISIS nằm ở đông nam thành phố Mosul, Iraq.

alt

Các chiến đấu cơ Rafale của Pháp, có phi cơ hộ tống, trong phi vụ tấn công kho đạn dược của ISIS gần Mosul, Iraq.

 Vì chiếm giữ một vùng lãnh thổ quá rộng chỉ trong thời gian ngắn, nay ISIS đang phải căng ra bảo vệ, thế là trở nên các mục tiêu dễ xơi đối với các cuộc không tập của Hoa Kỳ và Đồng Minh. Điều khó hơn là làm sao vừa đánh đuổi ISIS vừa tránh phá hủy các cơ sở khai thác dầu hỏa và hạ tầng cơ sở có thể sẽ phải mất nhiều năm và nhiều tỉ Mỹ kim để tái thiết.

Để các cuộc không tập hiệu quả, giới nhà binh phải có nhiều bước chuẩn bị rất kỹ. Trường hợp Iraq, với mỗi cuộc không tập, binh sĩ Hoa Kỳ phải sẵn sàng, được các cố vấn chiến trường đồng thuận, kể cả có người điểm chỉ mục tiêu trên mặt đất. Còn tại Hoa Thịnh Đốn, Hội Đồng An Ninh quốc gia vẫn phải tham vấn Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, Trung Ương Tình Báo CIA, các sứ giả ngoại giao, các thủ lãnh người địa phương, v.v…

Với việc ISIS bành trướng ảnh hưởng sang Syria, sứ mạng này khó khăn hơn bội phần: văn hóa ngôn ngữ dị biệt so với Iraq; thêm cảnh tranh tối tranh sáng giữa thời điểm nội chiến–cuộc diện chiến trường thay đổi hầu như mỗi ngày; địa hình xa lạ, Hoa Kỳ và Đồng Minh thiếu những người hướng đạo đáng tin cậy, v.v…

alt

ISIS có cả chiến xa, chiến lợi phẩm sau các chiến thắng trên trận địa.

alt

Các cảm tình viên của ISIS ăn mừng, vẫy cờ ISIS sau khi nhóm này chiếm căn cứ không quân Tabqa gần Raqqa City của Syria cuối tháng 8-2014. ẢNH STRINGER/REUTERS

alt

Về phần ISIS, những chiến công cũng như thách thức lớn nhất cho họ có vẻ đều từ một nguồn: sự tàn bạo đến khốc liệt. Liên tiếp trong mấy tuần lễ, ISIS xử tử hình cắt lìa đầu 2 ký giả Hoa Kỳ (James Foley và Steven Sotloff) rồi một chuyên viên cứu trợ người Anh (David Haines). Đã có phúc trình ISIS cũng chặt đầu chôn sống công cộng ít nhất 50 binh sĩ quân chánh phủ Syria tại tỉnh phía bắc Raqqa nay nằm trong tay họ. ISIS gây bạo lực khốc liệt nhằm gây sợ hãi cho Tây Phương và hy vọng ngăn chặn Hoa Kỳ cùng Đồng Minh can thiệp.

Nhưng nước cờ của ISIS có vẻ đang gặp phản ứng ngược, gây phẫn nộ khắp thế giới. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết lên án các phương pháp “man rợ” của ISIS. Nhóm này cũng khiến nhiều nhóm lẫn các chánh phủ quốc gia quanh vùng Trung Đông ghê sợ, nên họ đồng loạt lên tiếng bài bác ISIS là phản Hồi Giáo.

Không ít phe phái lâu nay là kẻ thù lẫn nhau, nay lại chịu tương nhượng, cùng bắt tay đối phó với ISIS. Nhiều chiến binh Iraq bỏ chạy sang Syria khi Hoa Kỳ đổ bộ vào Iraq hơn 1 thập niên trước nay hồi hương đánh nhau với ISIS. Ngay sau khi ISIS bất thần đánh chiếm đa phần miền bắc Iraq, nước Nga đã gởi một số chiến đấu cơ lẫn trực thăng võ trang sang giúp chánh phủ Iraq, vô tình đặt Nga vào chung chiến tuyến với Hoa Kỳ, cho dù hiện đang có cuộc đối đầu chánh trị giữa đôi bên tại Ukraine.

alt

Biểu tình chống ISIS tại Washington, D.C. ẢNH RENA SCHILD / SHUTTERSTOCK.COM

alt

Biểu tình chống ISIS trên đường Downing Street ở London, bên ngoài tư dinh Thủ Tướng Anh Quốc.

Các tay súng ISIS theo Hồi Giáo hệ phái Sunni, vậy mà Vương Quốc Saudi Arabia do Hoàng Gia phái Sunni cai quản lại chống cự họ ra mặt. Trong khi đó, Iran theo hệ phái Shites thề không đội trời chung với ISIS. Thế là Saudi Arabia về phe với Iran vì sợ mầm họa ISIS có thể đe dọa cả 2 nước này, thậm chí gây bất ổn toàn vùng Trung Đông. Ngay cả nhóm khủng bố Hồi Giáo Hezbollah tại Lebanon cũng chống lại ISIS.

Bị bao vây tứ bề, nhưng ISIS cũng không phải chỉ là 1 nhóm thổ phỉ hoặc giặc cỏ không đáng lo ngại. Họ có nhân lực, có tiền của, và dư thừa súng đạn. Khác nhiều nhóm “thánh chiến quân” Hồi Giáo thường chỉ trang bị AK 47 thô sơ, ISIS có kho võ khí đáng gờm, đủ cả súng trường, súng chống chiến xa, các chiến xa T 55, T 72 của Nga sô, hằng trăm xe Humvee của Hoa Kỳ, và nhiều hệ thống hỏa tiễn có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hằng chục dặm… Không ít võ khí có nguồn gốc từ chính… Hoa Kỳ vì nhiều tháng trước, CIA đã bắt đầu đi đêm với Thổ Nhĩ Kỳ và vài nước Ả Rập khác, ngầm chuyển võ khí cho các phiến quân Syria đánh nhau với quân đội của Tổng Thống độc tài Bashar al-Assad.

Nguồn tiền chánh yếu của ISIS đến từ việc kiểm soát nhiều mỏ dầu đang hoạt động tại  Iraq lẫn Syria. Mỏ dầu lớn nhất của Syria hiện đang nằm trong tay ISIS. Do không thể sử dụng hệ thống đường ống dẫn dầu như bình thường, các tay súng ISIS sử dụng các chiếc xe bồn để vận chuyển dầu hỏa chiếm đoạt được. Có hằng trăm xe truck chở dầu như vậy mỗi ngày vận chuyển lậu dầu hỏa sang Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Syria và nhiều nơi khác. Ước lượng mỗi ngày ISIS buôn bán lậu chừng 30,000 thùng dầu tại Iraq và 50,000 thùng tại Syria. Với giá dầu thô chợ đen khoảng $40 mỗi thùng, hiện nay mỗi ngày ISIS đều đặn thu về $1.2 triệu tại Iraq và $2 triệu tại Syria.

Một võ khí lợi hại khác của ISIS là bộ máy tuyên truyền điệu nghệ nhắm vào số người Hồi Giáo đang sanh sống ngay chính tại các nước Tây Phương nhưng khuynh hướng cực đoan hoặc đang có nhiều bất mãn. Trên một khảo sát  xã hội gần đây, có 16% công dân Pháp Quốc hậu thuẫn ISIS. Con số này tăng lên đến 27% trong nhóm tuổi 18-24. Con đường bạo lực của ISIS dường như là hấp lực khó cưỡng cho giới trẻ Hồi Giáo Pháp Quốc với tỉ lệ thất nghiệp đến 40%.

ISIS có nhiều phần tử thành thạo internet, biết tận dụng Twitter, YouTube, và nhiều phương tiện khác, để lan truyền thông tin, khoe thành tích thắng trận, chiêu mộ thêm người, v.v… Việc ISIS công khai tham vọng thiết lập “Caliphate” (một hình thức  quốc gia với mọi công dân đều theo Hồi Giáo, do giáo chủ Hồi Giáo cai quản theo thần quyền, dựa trên luật Hồi Giáo Sharia) – cũng là hấp lực không nhỏ đặc biệt với các “thánh chiến quân” trẻ tuổi. Tổ chức nhân quyền Syrian Observatory for Human Rights đã tuyên bố, chỉ trong tháng 7-2014, ISIS có thể đã chiêu mộ thêm 6,300 tay súng – trong số này có rất nhiều người đến từ các quốc gia Tây Phương.

alt

Trước áp lực từ ISIS ngày càng lớn, nhiều phụ nữ sắc tộc thiểu số Kurdish cũng gia nhập hàng ngũ chiến binh.

TD