Xin lưu ý độc giả:
Bác sĩ gia đình của quý vị vẫn là nhân vật chính trong việc điều trị.
Chúng tôi chỉ làm sáng tỏ thêm để mở rộng tầm hiểu biết và duy trì sức khỏe của quý vị và gia đình.
Chào bác sĩ. Vợ tôi bị bệnh sỏi túi mật, lâu lâu mới đau bụng một lần. Bác sĩ nói có thể để đó theo dõi xem bệnh tình có trầm trọng thì hãy mổ. Chúng tôi rất phân vân. Bạn tôi nói nếu lo ngại thì đi hỏi thêm ý kiến bác sĩ khác. Xin bác sĩ cho biết có nên làm như bạn tôi nói không? Cảm ơn Bác sĩ. Quốc Bình
Đáp
Thưa ông, Lấy ý kiến thứ hai khi mình có bệnh mà chưa biết rõ là bệnh gì cũng như điều trị ra sao là việc thường xảy ra bây giờ. Lý do là càng có nhiều ý kiến có tính cách xây dựng của các bác sĩ chuyên môn thì càng yên tâm hơn. Sự tìm hiểu thêm này có thể là từ sách báo, internet nhưng thường thì với các bác sĩ chuyên môn khác. Xin góp ý kiến như sau.
Việc lấy ý kiến thêm (Second Opinion), là chuyện được nói tới khá nhiều ở mọi quốc gia. Ấy vậy mà kết quả thăm dò cho biết hàng năm chỉ có 20% bệnh nhân làm công việc có tính cách hỗ trợ, quyết định về bệnh tình của mình.
Lấy ý kiến thứ hai (hoặc thứ ba…) có thể do bệnh nhân hoặc thân nhân yêu cầu, đôi khi cũng từ bác sĩ, khi vị này có khó khăn trong chữa trị, chẩn đoán.
Các trường hợp cần phải xin ý kiến thứ hai
– Khi chính bác sĩ đang điều trị cho mình nêu ra, vì căn bệnh ngoài chuyên môn của vị này.
– Khi bác sĩ đề nghị một giải phẫu không khẩn cấp. Trong trường hợp này, công ty bảo hiểm cũng đòi phải có ý kiến thứ hai
– Khi không được bác sĩ giải thích tường tận về bệnh của mình
– Khi mình không thỏa mãn với lời giải thích của bác sĩ điều trị
– Có một bệnh hiếm chưa được hoặc đã được xác định
– Có hơn một phương thức điều trị bệnh đó được nêu ra.
– Bác sĩ điều trị không biết mình đau bệnh gì.
– Bệnh nhân muốn có phương thức trị liệu mà bác sĩ của mình không nắm vững.
– Khi đang bị một bệnh trầm trọng, bệnh nhân cần quyết định xem nên chấp nhận hoặc từ chối phương thức điều trị mà bác sĩ đề nghị.
– Ý kiến thứ hai giúp ta yên tâm là mình đã quyết định đúng.
– Lấy ý kiến thứ hai từ các bác sĩ có kinh nghiệm hơn về bệnh của mình.
– Ý kiến thứ hai có thể giúp mình và bác sĩ điều trị an tâm về phương thức trị liệu đang hoạch định
– Lấy ý kiến thứ hai giúp ta hiểu biết nhiều hơn về phương thức trị liệu mới
– Lấy ý kiến thứ hai đôi khi cần làm đối với vài loại bệnh hoặc kỹ thuật chữa trị, sàng lọc bệnh. Bảo hiểm đôi khi chỉ trả một nửa hoặc không bồi hoàn nếu không lấy ý kiến thứ hai.
– Khi sẽ phải trải qua giải phẫu lớn hoặc tái giải phẫu.
– Khi gặp khó khăn thảo luận với bác sĩ điều trị.
– Bệnh tình không khá hơn với trị liệu đang theo.
– Có quá nhiều bệnh một lúc.
Khi đã quyết định lấy ý kiến thứ hai, nên xin hồ sơ bệnh lý, kết quả thử nghiệm để mang cho bác sĩ thứ hai coi. Bệnh nhân phải ký nhận đồng ý chuyển hồ sơ.
Khi tới bác sĩ thứ hai, nên chuẩn bị sẵn các điều muốn hỏi như là:
– Liệu bệnh của mình có thể có chẩn đoán khác
– Có cách chữa nào khác không
– Kết quả sẽ ra sao nếu trì hoãn hoặc không điều trị
– Rủi ro của điều trị như thế nào
– Điều trị có kéo dài hoặc nâng cao đời sống không
– Bao lâu sau điều trị thì bình phục
– Tại sao ý kiến thứ nhì lại khác với ý kiến trước.
Theo các nhà chuyên môn y học Hoa Kỳ, năm bệnh thường được hỏi ý kiến là
1. Giải phẫu nối động mạch tim (heart bypass surgery),
2. Cắt bỏ tử cung,
3. Dứt thai kỳ vì thai nhi bất bình thường,
4. Giải phẫu dãn tĩnh mạch,
5. Điều trị u bướu não.
Vì các phương pháp này đôi khi được thực hiện khi không cần thiết, kỹ thuật quá phức tạp hoặc chẩn đoán không chính xác.
Tóm lại, lấy ý kiến thứ hai có lợi điểm là giúp bệnh nhân có thêm hiểu biết về bệnh tình, về phương thức chữa trị để lựa chọn và nhờ đó họ an tâm tích cực hơn trong việc tự chăm sóc.
Trước khi yêu cầu ý kiến thứ hai, nên coi lại xem giữa mình và bác sĩ đã có sự đối thoại, giải thích rõ ràng chưa. Nếu là chưa thì mình cứ nhẹ nhàng hỏi thêm, cho ra lẽ. Thường thường thì các vị lương y cũng không đến nỗi quá khó tính, không muốn mích lòng con bệnh và cũng không muốn thấy mấy ngài trạng sư gửi thư hỏi thăm.
Các cụ ta vẫn nhắc nhở
“Lời nói chẳng mất tiền mua”.
Đôi bên nên nhẹ nhàng hỏi đáp thông cảm với nhau để duy trì tình nghĩa con bệnh-thầy thuốc ngày càng thêm thắm thiết.
Hy vọng các góp ý này giúp ông bà giải quyết được mối e ngại đang có.
Tôi nghe nói dầu olive tốt cho sức khỏe. Xin bác sĩ cho ý kiến xem dầu tốt như thế nào.Cảm ơn Bác sĩ. Trần Thiện
Đáp
Thưa ông, Dầu olive đã được người dân các nước Ý và Hy Lạp dùng từ nhiều thế kỷ với số lượng lớn, và họ có một sức khỏe tốt và tuổi thọ cao. Họ thường ăn dầu này chung với hạt đậu, hải sản, trái cây, rau và uống rượu vang.
Một thìa olive có 14gr chất béo và cung cấp 126 calori.
Dầu olive là loại dầu duy nhất được ép ra từ trái olive chín trên cây, rồi vô chai ngay chứ không qua các thủ tục tinh chế. Tây Ban Nha là quốc gia sản xuất dầu này nhiều nhất trên thế giới.
Dầu olive có thể dùng để xào nấu hoặc trộn xà lách. Hương vị, mầu sắc, cấu trúc của dầu tốt xấu tùy theo địa phương và cách trồng olive.
Có nhiều loại dầu olive, tùy theo mức độ chua nhiều hay ít.
– Loại ngon nhất và đắt tiền nhất là nước chiết đầu tiên của trái olive, được ép bằng máy, có dưới 1% acid linoleic, linoleic (dầu extra-virgin). Mầu của dầu này có thể xanh đậm hoặc trong nhạt như rượu sâm banh. Loại này dùng tốt nhất là để ăn với salade, vì khi nấu hơi nóng làm giảm phẩm chất của dầu.
– Tiếp theo là dầu virgin có từ 1- 3% acid linoleic. Loại kém nhất là olive lấy từ bã của các dầu trên (dầu Fino).
Cất giữ trong chỗ mát, không có ánh sáng, dầu olive có thể để dành được tới nửa năm. Nếu để trong tủ lạnh thì một năm sau vẫn còn tốt.
Ngoài công dụng dinh dưỡng, dầu còn được dùng trong y học.
Hippocrates đã từng chữa bệnh loét bao tử, dịch tả, đau bắp thịt bằng dầu olive.
Nhiều người tin là dầu cũng ổn định suy tâm thần của tuổi già, bớt phong thấp khớp, giảm LDL, tăng HDL, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, làm máu loãng và ngăn ngừa ung thư vú.
Tôi nghĩ, chúng ta nên dùng dầu này thay cho mỡ động vật. Nhưng giá cả hơi đắt đấy, thưa ông.