Một câu chuyện xưa. Rất xưa… Mẹ và tôi đều là người mơ mộng. Những ngày sóng yên bể lặng, chúng tôi thường ra ngồi ngoài bãi biển, để từng ngón chân vùi sâu trong cát nóng. Khi những con sóng khổng lồ lừng lững tiến vào bờ, biển dần dần trở lại màu xanh thẳm. Chúng tôi nhìn từng đợt rồi lại từng đợt sóng bạc đầu rực sáng dưới ánh mặt trời gay gắt, yên lặng nghe gió mơn trớn mát rượi trên da thịt. Thuở ấy mẹ ba mươi bốn tuổi, tôi mười tuổi. Mẹ là một phụ nữ nhỏ nhắn, tròn lẳn, da trắng, tóc nâu có pha chút màu đồng sáng, rất nữ tính và nghiêm nghị. Chúng tôi nhìn hai bé John và Adele chạy đua rồi nằm dài trên cát, la hét vang trời. Riêng tôi thích ngồi gần mẹ hơn. Có lần tôi hỏi mẹ ước mơ gì. Mẹ cười vang khiến chiếc răng vàng cũng lấp lánh; mẹ đưa tay vuốt mái tóc ướt của tôi, rồi bảo: “Con là cậu bé ham hiểu biết.” Rồi mẹ kể cho tôi nghe ước mơ của mẹ. Một ngày nào đó, khi cha tôi kiếm đủ tiền, ông sẽ mua cho mẹ đôi bông tai kim cương. Nhỏ thôi. Mẹ đưa đôi tai cho tôi nhìn: “Con xem. Tai mẹ xâu lỗ từ lúc mẹ mới 15 tuổi. Có đôi bông tai chắc hẳn trông mẹ sẽ đẹp lắm.”
Rồi bà hỏi ước mơ của tôi. Tôi mong khi trưởng thành sẽ có ngôi nhà ngay trên bãi biển này. Tôi sẽ được chiêm ngắm trùng dương từ lúc mặt trời mọc, cho đến khi mặt trời lặn; sẽ được đồng cảm với trùng dương cả khi bình yên lẫn khi sóng to gió lớn gào rú giữa mùa đông; cả khi ngàn hoa sóng tan giữa thủy triều. Tôi sẽ thấy chiếc du thuyền trắng sang trọng, sẽ thấy những con tàu lớn ra khơi đi đến cùng trời cuối đất. Người giúp việc của tôi chẳng phải làm gì, ngoài việc mang những khay đầy kẹo chocolate cho tôi. Mẹ nhìn tôi, lọn tóc ướt rũ xuống vai, thì thầm trong tiếng cười: “Hoàng tử bé của mẹ.” Tôi hiểu rằng những gì tôi diễn tả không hề được bà xem trọng. Tôi rút chân ra khỏi cát, chạy đón con sóng bạc đầu đang từ xa tiến vào bờ. Muối biển làm mắt tôi đau xót.
Ước mơ của mẹ tôi đã thành hiện thực. Cha tôi trả góp, mua cho mẹ đôi bông tai có hạt kim cương vỏ bọc bằng vàng mà bà hằng mơ ước. Mẹ ngồi hàng giờ trước gương, hết quay đầu từ trái sang phải, lại xoay người ngắm nghía, khuôn mặt ngời sáng. Tôi không quên trầm trồ: “Ôi! Mẹ thật đẹp!” Thực ra mẹ tôi không đẹp lắm, nhưng từ khi có đôi bông tai kim cương, bà ngẩng cao đầu kiêu hãnh không kém bất cứ bà hoàng hậu nào trên thế gian này. Rồi đến lúc cha tôi gọi là “thuở hàn vi.”
Đôi bông tai lặng lẽ ra đi. Khi tôi hỏi tại sao, mẹ vừa cười vừa khóc nói: “Cha con đem cầm rồi, nhưng sẽ chuộc lại cho mẹ.” Thời buổi kinh tế suy thoái, đồng lương ít ỏi của một nhân viên cảnh sát càng ngày càng bị cắt giảm. Mẹ tôi nhận may quần áo, về đêm còn nhận đính hoa hồng trên vớ lụa với giá rẻ mạt 1 xu một đôi. Nhưng năm nào mẹ cũng gom góp được một số tiền, để trả lãi cầm đồ. Cho đến một mùa hè, mẹ tôi đành quy hàng số phận. Đến kỳ hạn trả tiền, nhưng không thấy bà lo lắng ngược xuôi như mọi lần. Mẹ thở dài bảo: “Bông tai là vật xa xỉ không dành cho người nghèo.” Mẹ không bao giờ có thể nhìn thấy đôi bông tai thêm lần nữa. Bờ biển năm xưa nhạt nhòa trong mắt mẹ. Từ đó sức khoẻ và thị lực của mẹ dường như sút giảm. Nhiều năm trôi qua, mẹ tôi còm cõi già đi. Nhưng khi mẹ mỉm cười, vẫn hé lộ những chân răng còn sáng bóng; và trong tâm trí tôi, lại hiển hiện hình ảnh hai mẹ con ngồi trên ghềnh ráng bể năm nào.
Ai trong đời cũng có ít nhất một lần may mắn. Vận may rơi trúng vào tôi. Một quyển sách của tôi bán chạy, được dịch ra mười sáu thứ tiếng. Tôi mua căn nhà trên bãi biển cũ. Ước mơ của tôi thành hiện thực khi mái tóc đã hoa râm, chỉ riêng con sóng bạc đầu vẫn gầm thét bằng chất giọng trẻ trung y hệt ngày xưa. Nhà trang hoàng xong, tôi mời cha mẹ đến ở chung. Một hôm tôi tặng mẹ chiếc hộp nhỏ bằng nhung, ân cần nói: “Đến lúc mẹ ước mơ.” Tay mẹ run rẩy, bà gọi cha tôi: “John, anh mở giùm cái hộp, tay em lóng ngóng quá rồi!” Cha tôi mở hộp, thốt lên: “Jenny, đôi bông tai mới thật đẹp!” Mẹ vuốt tóc tôi như thuở nào. Tôi giúp mẹ đeo bông tai, bà hỏi: “Trông mẹ thế nào?” Cha và tôi cùng đáp: “Thật đẹp.” Mẹ tôi không nói một lời. (Bởi vì làm sao bà có thể tự khẳng định điều này!). Mẹ đã mù nhiều năm…[*]
Tôi đọc và dịch xong câu chuyện. Cảm nhận thời gian với đầy đủ ngày-tháng-năm thinh lặng trôi qua. Nỗi buồn, niềm vui, ước mơ, hy vọng, điều thành, điều bại… đến và đi chẳng hạn kỳ không dấu vết. Thế nhưng trong những điều tưởng như là thoáng mây bay và rất vô thường ấy, có những câu chuyện dẫu đã về xưa còn để lại âm vang bất tận khiến người ta mỗi khi nhớ lại, vẫn thấy một thoáng gió vào làm mắt cay, vẫn thấy niềm thương cảm bàng bạc trong đáy sâu nội ngã, cho dẫu ước mơ thành hiện thực.
7:37pm Chủ Nhật ngày 14 tháng 9 năm 2014
[*]. “Dreams Do Come True.” Của Jim Bishop.