Menu Close

Giữa lằn ranh mong manh – Kỳ 8

alt

Những người bán rong trên đường phố Jamaica

“Đặc nhiệm”

1.
Giờ khắc trôi qua thật chậm rãi. Trên giường bệnh, sự đuối sức đã làm anh mệt mỏi và chẳng lưu tâm đến những gì đang diễn ra. Anh nằm, nghiêng phía bên tim. Hơi thở nhẹ như mây, đến nỗi tôi phải sờ vào cổ tay để chắc tim anh vẫn còn thoi thóp!

Sự mệt mỏi và  căng thẳng như giọt nước tràn đầy cái bình chịu đựng của tôi. Tôi trở nên dễ khóc, dễ xúc động nghẹn ngào. Đêm với những ác mộng bơ phờ từ những giấc mơ kỳ dị chắp vá. Ngực khô khốc rời rạc những tiếng ho khan. Đầu tôi như tê dại, không sao suy nghĩ một cách tỉnh táo. Tôi nhầm lẫn ngày bên Tây, với đêm bên Đông. Nỗi đau buồn cứ như bật cựa trong một căn phòng không chốt khoá.   

Nurse Linda xuất hiện bên giường bệnh, gò ngực đầy thách thức, làn da như lụa cũ bị rạn, cặp mắt mang vẻ soi mói hơn ân cần.   

“Chào old man”, thị ra vẻ một giọng khôi hài giả tạo, “Ông có ngủ ngon giấc không?”

“Chừng nào tôi còn nằm mộng thì tôi còn sống.Người chết không nằm mộng.” Anh dường như vẫn đầy dị ứng với  lớp áo xanh vô hồn này.  

“Ông đừng khéo lo. Thần chết không chọn nạn nhân theo tuổi thọ.” Đôi mắt thị mở to nhìn anh, màng mắt trắng đặc như men sứ.

“Chết mới thật là hết nói chuyện tuổi tác!” Anh  thẳng thuột, gắng sức đè cơn ho đang trổi lên cuống họng. Ánh mắt anh lừ đừ, yếu ớt như đốm lửa tàn.

“Bác sĩ John vẫn chưa có mặt ở đây hả?” Tôi hỏi, câu hỏi nhạt vì chẳng mặn lời và chỉ càng thêm cảm giác sự bất ổn vẫn đang lẳng nhẳng, u ám. Niềm  hy vọng vẫn như một tiếng kèn lạc điệu nơi xứ người.

alt

“Chiến hữu” Andy Nguyễn. Từ xe cứu thương…

2.
Ca cấp cứu giường đối diện. Tiếng rên rỉ, có lúc gào rống của một thằng bé, nạn nhân với cái chân bị giật đứt giống như cẳng của một con côn trùng. Tiếng rên như thể ép chặt lên màng nhĩ, kéo dài cơn sợ hãi. Một cảm giác mệt mỏi, căng thẳng đến thờ thẫn, nặng nề. Trong cái không gian nặng nề mùi sinh tử, mọi lúc, mọi thứ vừa bệ rạc vừa sạch sẽ và toát ra một thứ mùi nước tẩy sàn. Cổ họng tôi khô đắng. Mấy ngày đêm co quắp, cái ghế gỗ như muốn bẻ gãy sống lưng. Tôi dằn cơn đói bằng mẩu bánh khô như thứ cát nghiến sào sạo trong hàm nhai. Cánh tay khều khào lên bên chân bị muỗi đốt đang ngứa  ngáy, cái đầu gầm lên từng đợt âm u choáng váng.

Một giọng dài, thô, khàn đục xì xào qua lớp màn che, “Tui đã nói chị rồi, đi ‘vây cấy sần’ mà chị cứ cố tọng mấy cái món mặn chát để phải lên huyết áp.”

Tôi ngơ ngác. Tưởng màng nhĩ đang bắt lộn tần sóng quê Việt.

“Tui có ăn mặn gì đâu? Chắc tại  uống  cà phê già mái cà (Jamaica) đậm đặc quá!” một giọng khác, rướn lên yếu ớt.

Tôi nhìn dưới chân vách màn ngăn, mấy ngón chân đỏ chót,ngọ nguậy trong đôi dép màu sặc sỡ, mang chút sắc màu vào cái thế giới xám xịt. Thì ra hai người đàn bà Việt, toan nhập vài câu đối thoại  trước một tình cảnh mệt mỏi nơi xứ người.

 “Thôi lỡ rồi, bà ráng ở lại nhe, mai tui với mấy nhỏ tới đón về lại khách sạn.” Giọng người đàn bà khàn khàn, ra vẻ trấn an.

“ Không, tui muốn về khách sạn ngủ. Tui không muốn ở lại đây một mình.” nạn nhân cao huyết áp, tỏ vẻ ương ngạnh.

“Trời đất! Bác sĩ đo mạch nói huyết áp của bà tới một trăm tám mươi mấy lận. Coi chừng bể tim đó bà nội.” Giọng khàn kia như nhắc khẽ.  

“Xin vui lòng ra phòng chờ đợi,” người y tá nhắc lại như nhắc tuồng.

Tiếng dép lẹp xẹp nhỏ dần. Tôi thở dài, cầu an cho người đồng hương. Một cảm giác chua chát khi nghĩ đến một quãng đời quấy đảo đầy ổ voi. Tất cả rơi tọt vào cái hố tuyệt vọng.

Bác sĩ John xuất hiện, giọng ồ ề trên phone. “Vâng, vâng, tôi đã cho ông Andy liều lượng thuốc… Yes, tôi có mặt ở đây đến hai giờ đêm…”  Mấy cái áo xanh, đã phải sắm nhiều vai kịch trong mỗi đời mặt giữa cái chốn địa ngục này.  Ngày nay, chợt dưng vào ra như chong chóng, han hỏi ân cần bịnh tình của bệnh nhân Andy. Cả nurse Linda, một gương mặt nhẵn quen sự vô cảm thường ngày, bỗng trở nên vồn vã hẳn, thị còn giả lả cầm hai cây bút bi đòi tôi dạy học cách cầm đũa.

Tất cả, cứ như tấn tuồng có một kịch bản tồi. Vì  chỉ sau cái off phone, tôi đã không còn nhìn thấy cái áo khoác blouse trắng của bác sĩ John lảng vảng ở giường bệnh nhân. Không một ất giáp về tình trạng bệnh tình của anh.

Mệt mỏi, tôi lả thiếp trong những cơn ác mộng trật rời, nảy nở.

alt

Air Ambulance- cứu cánh tuyệt vời giữa cơn sinh tử. ẢNH CHỤP BẰNG CELL PHONE.

3.
Cánh cửa sau phòng cấp cứu mở toang. Những vóc dáng cao lớn, mạnh mẽ như duỗi ra trong thứ ánh sáng lờ mờ của đêm. Tôi bật dậy như cái lò xo.

Một người trong đoàn, tiến đến giường bệnh, “Xin vui lòng xác nhận. Ông có phải là bệnh nhân Andy Nguyễn? “

Chút ngái ngủ còn đọng lại trong mắt anh. Niềm hy vọng mạnh mẽ hôi hổi chảy vào ý thức, khiến anh chợt như tỉnh người, “Vâng, là tôi.”  Anh điềm tĩnh đáp.

“Tôi là bác sĩ David, tháp tùng theo đội Máy bay Cứu thương Air Ambulance,” vị bác sĩ ân cần bắt tay anh.

Hàng loạt thông tin cá nhân được lặp lại, xác nhận. Sự hiển hiện không lời của những “người hùng” – hệt như đội đặc nhiệm tinh nhuệ của Hải quân Hoa Kỳ. Những thao tác răm rắp. Chuyên nghiệp. Tự tin. Tuyệt vời như một đội cứu hộ giải nguy những nạn nhân giữa cơn sinh tử.

Tôi ôm siết anh, “Mình được cứu rồi, honey ơi!”  Tôi nhìn đồng hồ, đúng 2 giờ đêm.

“Họ giữ đúng lời hứa, chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ sẽ ‘bốc’ mình ra khỏi đây.” Ánh mắt anh đầy tự tin.

Cánh máy bay nhỏ vươn ra ngoài bóng đêm. Những tảng mây che lấp những vì sao khuya.  Niềm hạnh phúc hong khô những giọt nước mắt. Tôi nhìn gương mặt chồng, gương mặt diễn đạt cả một cuộc chiến sinh tử, cả những đớn đau… Anh như một cái xác vực dậy từ cõi chết đưa lên cái băng ca. Những  kiệt quệ khật khùng râu tóc. Cái chết đi qua với đời sống. Chỉ “Trước” hoặc “Sau”. Vậy mà, chẳng ai trên cõi đời này muốn một lần đối mặt.

Tôi thở ra những tích tụ đau đớn trong lồng ngực, cảm giác như tìm được sinh mệnh thứ hai của cuộc sống. Ngày của một đời hay đời của một ngày. Phép nhân của sự khổ đau, hay phép chia của niềm hạnh phúc. Giã biệt Jamaica. Thiên đường của những cơn ác mộng.

Một tiếng 45 phút sau. Chiếc Air Ambulance đáp xuống phi trường Miami-Dale Airport.

alt

… Đến máy bay cứu thương!

               ĐMH