Phạm Cao Hoàng
– Sinh năm 1949 Tuy Hòa, Phú Yên.
– Từ 1969 đến 1999 dạy học qua các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng.
– Định cư ở Mỹ từ năm 1999. Hiện sống và làm việc tại Fairfax, tiểu bang Virginia.
– Nhà thơ Phạm Cao Hoàng trước năm 75 đã cộng tác với rất nhiều tạp chí văn học của Sài Gòn cho tới khi những tờ báo một thời ấy vĩnh viễn đóng cửa. Nhà thơ, giống như mọi người con dân khác trôi nổi trên dòng chảy nghiệt ngã của lịch sử cho tới gần hai mươi lăm năm sau ông may mắn qua được bến bờ tự do.
– Sang Mỹ, ông tham gia sinh hoạt với nhóm anh em tạp chí Thư Quán Bản Thảo và anh em nhà xuất bản Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư và thỉnh thoảng có cộng tác với tạp chí Tân Văn ở California.
– Dạo sau này, Phạm Cao Hoàng cũng như nhiều tác giả khác sinh hoạt chủ yếu trên các trang mạng, đặc biệt trên blog riêng – Phamcaohoang.blogspot.com.
Tác phẩm
– Đời như một khúc nhạc buồn (thơ, nxb đồng dao, Sài Gòn, 1972)
– Tạ ơn những giọt sương (thơ, nxb đồng dao, Sài Gòn, 1974)
– Mây khói quê nhà (thơ, nxb thư ấn quán, Hoa Kỳ, 2010)
– Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt (truyện & tạp bút, nxb thư ấn quán, Hoa Kỳ, 2013)
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Mang Viên Long về thơ Phạm Cao Hoàng.

Từ trái: Phạm Cao Hoàng, Đinh Cường, Trương Vũ và Trịnh Cung
Tập thơ đầu tiên của Phạm Cao Hoàng – Đời như một khúc nhạc buồn – do nhà xuất bản Đồng Dao ấn hành năm 1972 lúc tuổi anh còn khá trẻ. Phạm Cao Hoàng đã sớm có những bài thơ thật sâu lắng, thâm trầm, tạo nhiều bất ngờ cho người đọc. Tôi và nhiều bạn bè thân tình có mặt và chia vui cùng anh trong buổi giới thiệu tập thơ ở quán Cây Phượng (Tuy Hòa) vào một tối mùa hè năm 1972. Buổi giới thiệu tập thơ Đời như một khúc nhạc buồn đông vui thuở ấy là một sinh hoạt văn nghệ gây nhiều ấn tượng đặc biệt trong anh em cầm bút và những người yêu quý văn học nghệ thuật ở địa phương.
Khởi đi từ Đời như một khúc nhạc buồn – một thời tuổi trẻ với nỗi buồn chung và riêng của thân phận và đất nước, Phạm Cao Hoàng luôn dành cho quê hương nhiều sáng tác tâm huyết, giá trị trong suốt thời gian dài sau này… Một không gian thơ trầm lắng, xanh biếc, dạt dào cảm xúc, chơn chất, hồn nhiên, phóng khoáng… Tôi rất thích những bài thơ mặn nồng tình nghĩa đối với quê hương, gia đình, bạn bè và cả những bài thơ tình của Phạm Cao Hoàng vì chúng đã gợi nhớ trong tôi bao điều uẩn khuất mà chưa có thể giãi bày. Phạm Cao Hoàng đã nói hộ cho tôi (cũng như nhiều người) cùng thời, cùng cảnh ngộ, rất trung thực, chân tình.
Trong những bài thơ Phạm Cao Hoàng viết sau 1975, tôi đặc biệt chú ý đến bài Đời như một khúc nhạc buồn (viết năm 2009, dành tặng cho một người bạn – nhà văn Trần Hoài Thư).
dù sao vẫn cám ơn đời
cỏ cây và gió mặt trời và hoa
cám ơn những đám mây xa
đang bay về phía quê nhà chiều nay
Cảnh đời tha hương nhiều nỗi buồn phiền nhưng nhà thơ vẫn tìm thấy ở “cỏ cây/gió/mặt trời/hoa/mây xa” như chút ân huệ còn lại.
cám ơn những sớm heo may
lạnh se sắt lạnh bên này đại dương
cám ơn giọt nắng vô thường
lung linh ở cuối con đường khổ đau
Trong cuộc sống tha hương, nhà thơ đã tìm thấy “những sớm heo may/ se sắt lạnh/ giọt nắng…”, nghĩa là đã tìm thấy trong cuộc bể dâu nơi cõi tạm một niềm an ủi rộng lớn của thiên nhiên và chính sự bao dung bao la của đất trời đã tiếp sức cho nhà thơ tiếp tục cuộc lữ hành đến “cuối con đường khổ đau” đang trải dài phía trước, cho dù:
mười năm nước chảy qua cầu
chuyện về đất nước là câu chuyện buồn
Hai ý tưởng “nước chảy qua cầu” và “câu chuyện buồn” sau mười năm đã cho thấy nỗi thất vọng còn đang âm ỉ khó nguôi trong lòng nhà thơ.
mười năm sống kiếp tha phương
thân nơi biển bắc mà hồn biển đông
Hai câu thơ này như bật ra từ sự dồn nén cao độ của niềm u uất kết tụ từ những tháng năm sống xa quê hương.
mười năm thương ruộng nhớ đồng
lòng còn ở lại sao không quay về
Trong nỗi phân vân phiền muộn nhà thơ đã có lần tự hỏi “lòng còn ở lại sao không quay về?”. Hỏi mà không thể trả lời. Tháng ngày trôi qua vẫn cứ phải “nhớ đất thương quê”:
mười năm nhớ đất thương quê
bước đi một bước nặng nề đôi chân
Nguyễn Du xưa cũng có cùng tâm sự của kẻ tha hương: “lòng quê đi một bước đường một đau”, còn Phạm Cao Hoàng thì “ bước đi một bước nặng nề đôi chân” vì trong lòng anh vẫn còn mang nặng nỗi buồn của kiếp sống tha hương.
Tâm tình cũng được khép dần lại qua sự thức tỉnh về “thật tướng” của cuộc thăng trầm và nhà thơ đã đạt đến chân lý của sự tỉnh giác giữa cuộc phong trần:
mười năm một thoáng phù vân
tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người
Đúng là như thế. Nói theo ý của Thiền sư Thanh Từ thì “vạn pháp đều là huyễn mộng; cuộc đời là một giấc mộng dài”. Do vậy, chân lý còn lại mãi mãi vẫn là tình thương yêu. Thi sĩ Kahlil Gibran (Liban) đã có câu thơ bất hủ: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Cho ta thêm ngày nữa để yêu thương”.
Nếu có ai đã từng mỗi sớm mai ngồi trước tách trà nóng hay ly cà phê đang tỏa hương đón ngày mới bên hiên nhà yên tĩnh, lặng nhìn mây bay và nghe tiếng gió thì thầm trong hàng cây ngoài sân, rộn rã tiếng chim chuyền cành đâu đó vọng lại thì sẽ cảm nhận được niềm an lạc trong tình thương yêu:
dù sao vẫn cám ơn đời
biển xanh và sóng núi đồi và em
cám ơn những sáng êm đềm
khói cà phê quyện bên hiên nhà mình
đứng bên bờ vực tử sinh
vẫn nghe em hát bản tình ca xưa
Đứng trước mọi nỗi bất hạnh lao đao – còn / mất – được/thua, tình yêu thương vẫn mãi còn nồng ấm trong “những sáng êm đềm” với “khói cà phê quyện bên hiên nhà mình”, thì mới có thể an nhiên mà nghe được tiếng vọng về của kỷ niệm, của dĩ vãng từ “bản tình ca xưa” của người yêu dấu đã luôn có mặt, để cùng chia sẻ nỗi niềm chung của phận người:
mười năm như một giấc mơ
Từ hình ảnh nhỏ nhất của quê nhà là khóm cỏ bụi cây, hoa lá, con đường, tiếng chim, trường xưa, cho đến ruộng đồng, nắng gió, mặt trời… thậm chí chỉ là chút “mây khói quê nhà” (tên tập thơ của Phạm Cao Hoàng, Thư Ấn Quán xuất bản năm 2010) – tất cả đã ghi dấu sâu đậm trong tâm hồn nhà thơ, chẳng bao giờ phai nhạt…

Phạm Cao Hoàng