Lái máy bay là một công việc thú vị, hấp dẫn và đáng mơ ước. Nhưng làm thế nào để trở thành một phi công thực thụ? Bạn không thể chỉ nộp hồ sơ và mong chờ công ty Airline nào đó gọi cho mình kèm theo lời đề nghị làm việc. Quá trình đào tạo lái máy bay thực tế diễn ra trong khoảng thời gian dài và lấy đi nhiều mồ hôi sức lực của học viên. Bù lại nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, đây có thể là một nghề nghiệp ngon lành với thu nhập khá cao dành cho những ai thích… bay lên trời.

Đôi lúc “dạo” trên các mạng xã hội tôi bắt gặp nhiều câu chuyện thú vị về cuộc sống, cảm xúc tình yêu hay quan điểm của một vấn đề xã hội của các em lứa tuổi “teen”. Nhưng thực sự tôi ít thấy một chủ nhân facebook nói về ước mơ nghề nghiệp tương lai. Mà nếu có bộc bạch thì cũng chỉ là góp chuyện cho vui vì các bạn trẻ có quá nhiều lựa chọn và cơ hội trong cuộc sống văn minh hiện đại. Trong số hàng chục facebook viết chuyện linh tinh, tôi chọn được một lời tâm sự ước mơ nghề nghiệp một cách nghiêm chỉnh để giới thiệu với các bạn về nghề bay lên trời cao.
“Cuộc sống hiện đại có vô số các nghề nghiệp để mọi người chọn lựa. Chính vì thế mà con người ta ai cũng phải luôn làm và học không ngừng để theo đuổi ngành nghề mình mong muốn và đã trở thành ước mơ của riêng mỗi cá nhân. Các bạn luôn có nhiều lựa chọn trong các lãnh vực như: doanh nhân, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, và một số ngành được xem là “hot” hiện nay. Riêng tôi, tôi lại thích phi công – một nghề cũng “hot” và quan trọng hơn bởi đó chính là mơ ước của tôi từ nhỏ. Thuở ấu thơ và bây giờ cũng vậy, tôi rất thích nhìn ngắm bầu trời xanh, từng đám mây, đường nét của chúng và hào hứng nhất là khi thấy những chiếc máy bay trên đó. Nhưng tôi không đơn thuần dừng lại ở đó. Trong tôi bỗng dưng xuất hiện một niềm đam mê – đam mê điều khiển “cánh chim sắt” khổng lồ.
Phòng tập mô phỏng tại các lớp dạy bay
Bây giờ, qua tìm hiểu rất nhiều về nghề phi công, tôi thấy đây là một ngành nghề đòi hỏi rất cao về mọi mặt nhưng điều đó lại càng làm tôi thêm thích thú hơn với ước mơ bấy lâu mà mình đã chọn. Ngành nghề nào mà không có những khó khăn, thử thách, chỉ cần chúng ta biết kiên trì vượt qua thì ước mơ sẽ trở thành hiện thực với mình. Lương của một phi công được xem là khá cao, rất hấp dẫn nhưng đó không phải là điều làm tôi theo đuổi ước mơ làm phi công. Nói một cách chân thật nhất, ước mơ ấy xuất phát từ chính niềm đam mê chinh phục bầu trời từ nhỏ. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại lên mạng và tìm kiếm những thông tin bổ ích về lĩnh vực hàng không và nhờ đó mà tôi ngày càng thêm hâm mộ các phi công và rạo rực mong một ngày mình cũng sẽ thực hiện được ước mơ như họ.
Tất nhiên đó là một giấc mơ lớn bay lên bầu trời với con chim sắt khổng lồ. Nghề phi công máy bay thương mại đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe và một bằng đại học khoa học cũng như đầu tư một thời gian dài cho chương trình học. Hãy bước đi từ thấp lên cao giống như con chim non tập bay, con đường bay lên trời xanh sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu làm phi công loại máy bay một động cơ như Cessna thì việc sở hữu bằng đại học là không cần thiết. Việc đào tạo bước đầu cho các phi công máy bay nhỏ từ hai đến bốn chỗ ngồi thường bao gồm 1 tuần lý thuyết; 3-6 tuần học mặt đất và thực hành mô phỏng trong phòng thực tập lái cùng với 25 giờ kinh nghiệm hoạt động ban đầu, bao gồm cả kiểm tra và lái với một thanh tra an toàn của Cục Hàng không Liên bang (FAA). Muốn hội tụ đủ điều kiện để được FAA cấp phép, các ứng viên phải có kinh nghiệm bay ít nhất 250 giờ. Học viên có thể học ở nhiều trường khác nhau nhưng để được cấp chứng chỉ bay đều phải được sát hạch của FAA.
Nhà của tài tử Travolta có nguyên một đường băng dẫn máy bay vào nhà
Có lần tôi lái xe cùng đám bạn từ Chicago đi New York. Trên một đoạn xa lộ đường bên trong có vài chiếc Cessna đáp xuống. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy một sân bay không cần đường băng, không cần trạm không lưu, bay lên đáp xuống giống như lái chiếc xe hơi trên đường. Chúng tôi dừng xe bên lề an toàn nhìn ngắm những chiếc máy bay nhỏ được chủ nhân lái tà tà vào sân đất. Không phải chỉ vài nhà có máy bay, hàng chục ngôi nhà nằm dọc theo xa lộ đều có máy bay nằm bên hông nhà trông không khác gì một phi trường nhỏ. Thì ra chủ nhân là những người nông dân “đại gia” đi rải phân bón đồng ruộng bằng máy bay cánh quạt. Dường như ở xứ này, bay lên trời như chim là một việc dễ dàng. Ngay cả nếu muốn bạn có thể làm cho mình một sân bay riêng.
Ít ai biết rằng nam diễn viên John Travolta là một phi công chuyên nghiệp. Ông sở hữu tới 5 chiếc phi cơ riêng. Niềm đam mê với bầu trời của nam diễn viên 60 tuổi còn hơn thế nữa. Dinh thự của Travolta ở thành phố Ocala, Florida có hẳn một đường băng dài gần 2.300m dành cho vị chủ nhân có sở thích lái máy bay. Dinh thự rộng hơn 2km2 của nam tài tử này thuộc một phần diện tích của sân bay Greystone. Travolta tự lái máy bay về đến trước cửa nhà của mình.
Người bạn tôi ở San Jose kể chuyện lúc đi Alaska chơi, đi từ đảo này sang đảo kia có thể dùng Taxi Air cánh quạt. Điều đặc biệt là máy bay chẳng chờ đủ người, cứ đúng giờ là bay mà giá vé chỉ bằng một cuốc taxi trong thành phố. Cứ tưởng nghề phi công có thu nhập ngon lành, hỏi anh lái máy bay mới biết tiền lương không khác gì nghề lái taxi. Lương cao một hai trăm ngàn đô mỗi năm chỉ dành cho phi công lái máy bay thương mại và tùy theo bay nội địa hay quốc tế mà có thang lương tăng theo cấp loại. Nhưng để làm phi công trưởng bay trên những máy bay lớn chở hàng trăm hành khách là điều không dễ.
Một trường dạy lái máy bay một động cơ ở California
Tại các trường cao đẳng và đại học có đào tạo 2 nhóm ngành chính là phi công máy bay thương mại và kỹ sư hàng không. Những trường này dạy bay đủ loại máy bay dân dụng từ một đến nhiều động cơ. Đầu tiên chúng ta phải đạt được chứng chỉ bay dân sự Private Pilot, chứng nhận sức khỏe hạng nhất của FAA. Kế tiếp là yêu cầu nâng cao kỹ thuật bao gồm lấy chứng chỉ Instrument Rating (Bay bằng phi cụ) và chứng chỉ Commercial Certificate (Bay thương mại), Certificate Flight Instrument (chứng chỉ xác nhận bay huấn luyện). Nếu làm việc trên máy bay nhiều động cơ, bạn phải có các chứng nhận Certificate Flight Instructor – Instrument (bay phi cụ huấn luyện – CFII) và chứng nhận Multi Engine Instructor (hướng dẫn đa động cơ – MEI).
Điều quan trọng là các chuyến bay thực hành. Chứng chỉ Instrument Rating đòi hỏi phi công trải qua 50 giờ bay xuyên quốc gia cùng với một phi công giám sát (Pilot-in-Command – PIC, người chịu trách nhiệm an toàn cuối cùng của chuyến bay và đánh giá kết quả bay của bạn) và 40 giờ bay trong điều kiện phi cụ thực tế hoặc mô phỏng (không nhìn ra ngoài mà hoàn toàn nhìn vào các đồng hồ trước mặt hay yêu cầu của radar hướng dẫn bay dưới đất để điều khiển máy bay đến nơi cần đến). Với Chứng chỉ bay thương mại, bạn cần tổng thời gian bay là 250 giờ, trong đó 100 giờ bay với PIC, và 10 giờ giảng dạy điều khiển một chiếc máy bay phức tạp.
Nếu muốn làm việc cho một hãng hàng không lớn, thông thường cần tổng cộng 3,000 giờ bay, trong đó có ít nhất 1,500 giờ bay đa động cơ, và ít nhất 1,000 giờ bay như một phi công chịu trách nhiệm chính – PIC của chuyến bay. Và để thăng tiến trong nghề một cách suôn sẻ, bạn cần có kinh nghiệm nhờ nhiều cách sáng tạo (giảng dạy, lái thuê, bay cho hãng tư nhân…). Sau 1 đến 5 năm, các kỹ sư bay được thăng lên thâm niên của sĩ quan sơ cấp. Sau 5 đến 15 năm, một sĩ quan sơ cấp sẽ thăng cấp lên cấp trưởng phi hành.
Bay vào cuối tuần, dịp Giáng sinh hay ngày nghỉ lễ, bạn sẽ được tăng thêm thâm niên làm việc và có nhiều cơ hội bay thú vị. Bạn có thể vắng mặt dài ngày với gia đình và bạn bè, công việc của bạn có thể không bao giờ dừng lại. Bất kể ở nhà có xảy ra chuyện gì thì bạn vẫn đang đi lại trên bầu trời. Khi việc bay trở thành “nghiệp” thì đó là một nghề rất căng thẳng. Trách nhiệm cuối cùng của phi công là sự an toàn của hành khách và hàng hóa. Đó không phải chỉ là trách nhiệm cá nhân nữa mà là cả số đông người. Điều cuối cùng là bạn phải trải qua các đợt huấn luyện trong năm, đánh giá liên tục, kiểm tra tình trạng sức khỏe, thử nghiệm rượu, thuốc kích thích, kiểm tra lý lịch hoàn tất kỹ thuật bắt buộc cho nghề nghiệp bay lên trời cao.
Lái máy bay là một công việc thú vị, hấp dẫn và đáng mơ ước
TN