Vậy là đã chớm thu. Nhìn ra ngoài trời, thấy nắng nhạt màu hơn, đôi khi trời nhiều mây, thoáng điểm vài hạt mưa thưa. Có tiếng sấm ì ầm chuyển bụng từ xa, những bông sage tím của mùa hè qua run rẩy trong chiều. Chợt nghĩ tới quê nhà, ở nơi xa ấy mùa thu đã bắt đầu từ cả tháng nay, khi bầu trời chập chùng mây và những cơn mưa trút xuống, đâu đó ở Hà Nội có gió heo may và màu hoa cúc vàng bên giậu.
Vâng. Vậy là đã chớm thu. Nhưng chớm thu thì làm gì? Trời đất này chỉ gợi hứng cho người ta đi ăn đi chơi thôi. Hay ra Starbucks ngồi uống cà phê nhớ về một thời sớm trưa Phố Cổ? Cũng hay đấy, nhưng ngồi mãi một mình thì e mau chán. Thôi, ta đọc chơi vài trang văn vậy, như thế sẽ sống thêm được nhiều mảnh đời và tâm cảnh ở nơi này nơi khác. Ta bắt đầu với ông hàng xóm Châu Liêm nhé – ông này với Nguyễn là bạn cùng trường cùng thầy và yêu chung một cô bạn làm thơ. Nào, xin bắt đầu với Mùa Thu và… Thịt Chó của CL.
”Ấy, ấy… Một lần nữa sẽ có vị mắng CL: Gớm cái ông nhà thơ nhà văn này sao mà dung tục, hết xúc xích bia đen của Đức (trong một bài Tùy Bút Thơ khác về ngày hội Octoberfest – chú thích của Ng.), bây giờ lại đem xáo trộn văn chương với thịt chó.
Quả đúng là dung tục. Nhưng không phải tự dưng CL xắn quần vào chợ đâu. Do người ta nói, và CL bắt chước nói leo đấy thôi. Nói có sách mách có chứng. Sau đây là đoạn văn ghi lại cuộc trò chuyện giữa hai nhà văn, Phan Thị Như Ngọc và Dương Nghiễm Mậu hiện ở Sài Gòn.
“Bố Dương mở túi hồng ngắm lặng lẽ những mặt trời ấm áp (hồng này Như Ngọc hái từ vườn nhà ở Đà Lạt đem tặng nhà văn DNM – chú thích của CL)… Tầm này mùa thu miền Bắc đang có cốm, có hồng như hồng này. Trời thu ngoài ấy cũng mát. Rất dễ chịu. Bầu trời cao lên… Tôi liến thoắng nói leo “Và nắng vàng ngoài bụi ruối. Mặt ao xanh, vườn cũng xanh. Ngồi đầu thềm, thở không khí tĩnh lặng của nhà quê, người thấy bứt rứt buồn buồn. Giá mà có miếng…” Bố Dương ngắt lời, thịt chó chứ gì. Vâng! Nhưng sao bố biết con định nói thịt chó. Thế sao cô lại định nói thịt chó? Không phải tự con nghĩ, mà là nói theo ông nhà văn Nam Cao thôi. Trong truyện ngắn “Trẻ con không được ăn thịt chó” ông Nam Cao tả tâm trạng một anh thèm “rờ tờ cờ” (rượu, thịt chó) rỏ dãi, phải làm thịt con chó nấu riềng mẻ, mua rượu, mời bạn…Chung quy cũng chỉ vì trời thu bàng bạc, nắng thu như mật ong, không khí thu tĩnh lặng, bứt rứt tay chân…”
Đó… Đó… Mùa thu và thịt chó. Đã nói “cảo thơm lần giở trước đèn…” mà! Có phải do CL này bịa ra đâu. Cái chuyện “Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này…” hay “Hôm nay có phải là thu / Mây năm xưa đã phiêu du trở về” của thi sĩ Đinh Hùng -hoặc nữa, chuyện “Nhìn những mùa thu đi / Anh nghe sầu lên trong nắng“ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… chỉ là chuyện văn chương nghệ thuật, đôi khi chẳng có dính dáng chút xíu nào đến máu thịt của đời sống. Muốn cảm nhận thấm thía cái hồn và cái hậu của mùa thu e phải nhờ tới các ông nhà văn miền Bắc rặt, không pha tạp chút xíu nào với các trường phái văn chương từ lãng mạn, siêu thực, tới hiện sinh và hậu hiện đại… CL muốn nói đến những ông như Tô Hoài, Nam Cao… chẳng hạn. Đối với các ông nhà văn miền Bắc này thì cứ mỗi độ thu về, nắng thu như mật ong, không khí thu tĩnh lặng, bứt rứt tay chân… là tự nhiên thấy thèm thịt chó. Lúc bấy giờ, một bát rựa mận, hay một miếng thịt chó luộc đi kèm với lát gừng cay và lá mơ non, rồi hớp thêm hớp rượu quốc lủi hay quốc mù gì đó… là mùa thu chung quanh chợt hiển lộng như văn Mai Thảo.”
Xong ông nhà văn lôm côm Châu Liêm rồi. Bây giờ, ta đọc chơi văn của Vũ Khắc Khoan nha, các bạn. Vũ Khắc Khoan nổi tiếng từ Thằng Cuội và Thần Tháp Rùa. Kịch Thành Cát Tư Hãn của ông được diễn nhiều lần ở Sài Gòn ngày trước và là một áng văn chương tuyệt tác. Nguyễn mê Thành Cát Tư Hãn và mê văn của Vũ Khắc Khoan từ hồi còn là sinh viên trường Luật ở Sài Gòn, những năm 1958-1960. Vũ Khắc Khoan qua đời ngày 12 tháng 9 năm 1986 tại Minnesota (đã gần 20 năm trôi qua, lại sắp đến ngày giỗ ông rồi đấy!). Hình ảnh Vũ Khắc Khoan là một khắc họa độc đáo trong văn chương và ngoài đời. Thanh Tâm Tuyền gọi ông là Tuyết Ngưu. Đoạn văn sau đây trích từ Đoản Văn Xa Nước của Vũ Khắc Khoan, An Tiêm xuất bản năm 1995 ở hải ngoại.
”Tôi bước ra khỏi quán rượu, đi về phía sông Seine. Lúc bấy giờ vào khoảng 3 giờ chiều một ngày cuối tháng 10, có mặt trời. Tôi nhìn xuống mặt sông: Mây trời trôi theo những gợn sóng nhỏ. Bỗng dưng tôi thấy cần phải ném một cái gì xuống mặt sông trước mặt, khuấy động một tác phẩm Vĩnh Ấn đang hoàn thành. Châm vội một điếu gauloise. Rít nhanh một vài hơi. Và vứt mẩu thuốc xuống dòng sông. Nhè nhẹ, rất nhè nhẹ, bước vào thế giới Thanh Tâm Tuyền.
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
“Nhìn quanh chỉ thấy người. Vui, trẻ, đẹp. Những ống khói tàu mệt lả mờ trong sương, tận cùng chân trời ký ức, trở lại vẫn một hình ảnh cũ. Lê Quang Luật, buổi trưa đó. Tôi đi lại quãng đường vừa qua, trở về nơi quán cũ. Đẩy cửa bước vào:
– Một vin chaud.
Rượu nho đỏ hâm nóng, một chút đường – và một chút bột quế. Trời lạnh – lạnh Hà Nội, lạnh Đà Lạt. Tôi nâng ly rượu tự mời. Nốc cạn. Đáy ly còn chút cặn. Tôi dựa vào tường, nhồi thuốc vào tẩu, nghe ấm hơi men từ đan điền dâng thẳng lên đầu. Khu chợ Monffetard bỗng trở thành khu chợ Bến Thành. Đâu đây văng vẳng nhịp song lang cầm trịch 6 câu vọng cổ. Chiếc cyclo thả giữa gió trời, bắt con đường Lê Văn Duyệt, xuyên qua ngã tư Hồng Thập Tự, ven chợ Đũi, ngoẹo Phan Thanh Giản, rẽ sang tay trái Duy Tân, đi thẳng, đi thẳng, đậu lại cuối đường. Bên kia đường là tiệm phở gà. Trong tiệm vẫn Luật và Khoan tôi. Lúc bấy giờ đã 2 giờ trưa. Đã 1975.
– Làm gì bây giờ?
Bây giờ -2 giờ trưa, 1975 – bây giờ thì gì cũng lỡ rồi. Ban Mê Thuộc mất. Nắng xế ngang vào quán phở vắng tanh. Bao giờ đến lượt Pleiku?
Tôi nâng ly rượu, lưỡi nghe tê đắng. Ngẩng lên nhìn Luật.
– Tình hình sao mày?
Và thấy ngay là thừa. Tình hình ra sao, ai mà không biết, kể cả người vừa đặt câu hỏi là tôi.
Luật trả lời bằng một câu chửi thề:
– Tiên sư chúng nó!
Chúng nó là Cộng Sản và Thiệu.
– Lũ em mày ở Pháp ra sao?
Lũ em Luật sống ở Pháp và tôi biết nếu Luật muốn thì cái việc sang Pháp để sống không phải là khó.
Luật nhìn tôi khá lâu, cái nhìn làm men rượu bốc hết khỏi đầu. Trong một lúc, trước mắt tôi, không là một người thấm mệt. Mà là Luật của 1945, Luật của 1954.
– Tao ở lại.
Đoạn văn trên thật là hay. Văn Vũ Khắc Khoan bao giờ cũng hay. Sắc nét, mạnh mẽ và trí tuệ. Với Vũ Khắc Khoan, tạm ngưng ở đây. Bây giờ ta đọc tùy bút Võ Phiến, cũng như từ phố xá, vỉa hè và quán rượu về một nơi êm đềm và thân thuộc hơn. Võ Phiến viết về Thơ Ba Mén của Bình Nguyên Lộc và cô Quì:
– Bình Nguyên Lộc có tập truyện bằng văn vần, gọi là Thơ Ba Mén. Truyện ấy hình như chưa bao giờ xuất bản. Thơ Ba Mén là thơ thế nào, tôi không biết. Chỉ tình cờ biết qua lời khai từ, trên vài chục câu. Và chỉ nhớ vài câu:
Ghe ơi, vài bữa ghe về
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?
– Ghe ơi, ghe ấy tức những chiếc ghe thương hồ đậu ở bến sông Ông Lãnh một buổi sáng mưa dầm. Trong thời chiến tranh, chốn nông thôn bất an, lắm kẻ bỏ quê lên tỉnh sinh sống. Trong số những kẻ ấy có người đã yên thân làm ăn ở Sài Gòn, nhưng thân có yên mà lòng chưa chịu yên. Những hôm mưa rơi nhẹ nhàng, tiết trời lành lạnh, người nọ ra bến sông, ngồi uống tách cà phê nóng ở một quán nhỏ, nhìn lũ ghe thương hồ từ dưới quê chở nông phẩm lên bán mà nhớ về làng xóm cũ. Ghe đi vài bữa ghe về, mà mình thì biền biệt, nhớ cô Quì muốn chết. Một ông khách bới tóc (tức cũng người gốc quê) ngồi bên cạnh liếc sang có trông thấy người nọ khóc trộm. Thảm quá.
Vì bấy nhiêu mà tôi không quên được thơ Ba Mén. Mà tôi bị thơ Ba Mén ám ảnh.
Áng chừng người nọ bỏ quê ra đi cũng không lâu mấy. Cô Quì vẫn còn gọi được là cô Quì thì xa cách có gì là lâu. Xa như chúng ta – một số đông đảo trong chúng ta, những kẻ rời bỏ xóm làng từ tuổi đôi mươi cho tới tận cuối đời – xa đến thế thì nhớ về người cũ đâu còn nỡ gọi nhau là cô! Từ lục tuần, thất tuần về sau, dẫu có còn đấy các cô Quì cũng thành ra cụ Quì cả thôi.
Đàng này, mới tách lìa nhau đấy đã mếu máo, đã rối rít: “Cô Quì còn không?” – Làm gì mà chả còn. Lo sao lo lắm vậy.”
Ôi, cô Quì còn không? Cô Quì của Bình Nguyên Lộc, của Võ Phiến. Cô Quì của tôi, của bạn, của non nửa triệu người đang lưu lãng khắp cùng trái đất. Cô Quì còn không? Chớm thu rồi đấy, nắng đã nhạt màu, tiết trời se lạnh, chim đã bỏ đi xa, lòng chợt nhớ cô Quì đến xốn xang, cùng bông súng bông sen nơi ao hồ cũ.
TN – September 2005