Menu Close

Giết người trong mộng (Thung Lũng Bướm – 2)

Susan bay đến San Antonio tìm Khải bất ngờ. Buổi chiều chạng vạng. Cô đến tận nhà Khải. Bấm chuông. Không thông báo trước như thói quen và văn hóa của người Hoa Kỳ. Khải mở cửa. Hôm nay Khải đi làm về muộn, áo quần chưa kịp thay, chiếc cà vạt màu xanh navy điểm sọc trắng, đỏ còn nằm vắt qua vai áo sơ mi trắng. Khải trố mắt ngạc nhiên nhìn người phụ nữ tóc vàng óng ả, khuôn mặt khả ái, sở hữu được thân hình cân đối trong chiếc áo lụa ngà được bỏ vào quần tây xanh đậm may rất kéo, lộ rõ những đường cong cần thiết. Thoạt tiên, Khải tưởng chỉ là một cô gái đi bán quảng cáo cho một công ty nào đó. Khải chào:

“Hi! Tôi có thể giúp cô được gì không?”

Susan nhìn Khải rất nhanh từ đầu đến chân, cái nhìn đầy tò mò nhưng không khiến Khải khó chịu:

“Anh có phải là Khải?”

Khải tròn mắt như đồng tiền:

“Phải. Còn cô?”

“Tôi là Susan, bạn gái của Thi.”

“Thế cô đến từ San Francisco? Thi không có ở nhà. Cô ấy đi công tác bên Ukraine. Tuần sau mới về.”

“Tôi biết. Nhưng tôi cố tình đến tìm ông.”

“Tìm tôi?”

Khải ngạc nhiên, hơi cao giọng. Susan che giấu sự bối rối bằng cách khua tay trong không khí:

“Tôi có thể vào nhà?”

Khải mở toang cánh cửa, nhường lối:

“Xin lỗi. Mãi nói chuyện. Mời cô vào.”

 

alt

Bảo Huân

Susan bước vào, cô thấy phòng khách trang trí theo lối contemporary. Sàn gỗ. Màu cà phê đen. Bàn ghế và vật dụng toàn màu trắng, điểm xuyết những vật trang trí màu đen. Trên tường, những bức ảnh trắng đen, được treo một cách thẩm mỹ. Đôi mắt Susan dừng lại khá lâu trên bức tranh sơn dầu có màu sắc độc nhất trong nhà treo trên lò sưởi. Đó là bức tranh vẽ hình con bướm đỏ viền vàng, lốm đốm những chấm nâu, đen. Con bướm rất quen thuộc mà Susan thường chiêm ngưỡng trên thân thể Thi dạo nào. Khải không cần giải thích. Thật ra bức tranh này Khải đã có trước khi quen Thi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khải mời Susan ngồi. Tự nhiên như đang ở nhà. Anh vào wet bar, rót hai ly rượu chát. Susan nói cảm ơn khi nhận ly rượu từ tay anh. Anh ngồi xuống. Susan nói trong khi lắc lư ly ruợu trên tay:

“Thật xin lỗi, tôi đến mà không báo trước.”

“Không sao đâu.”

Susan thẳng lưng sửa lại thế ngồi, cô đằng hắng giọng:

“Chúng ta có thể nói chuyện như hai người đàn ông được không?”

Khải cố nín tiếng cười, nhưng bộ mặt lại rất nghiêm trang. Anh nhìn thẳng vào mắt Susan, đôi mắt màu đại dương vẩn buồn, như có chút mây đen che phủ:

“Tại sao lại không nhỉ?”

“Tôi muốn anh trả Thi lại cho tôi.”

“Tại sao?”

“Tôi rất đau khổ khi mất cô ấy anh biết không? Là người đồng tính. Tôi hiểu, Thi sẽ không ở bên anh lâu đâu.”

“Tôi không nghĩ như thế. Tôi và Thi yêu nhau. Thi đang hạnh phúc.”

“Tôi rất ghét khi nhìn cô ấy hạnh phúc – Susan gằn giọng – thứ hạnh phúc không phải do tôi mang lại cho cô ấy.”

“Hình như cô và Thi đã chia tay trước khi Thi đến bên tôi.?”

Khải hỏi với đôi mắt nhướng lên một cách giễu cợt. Đôi mắt ấy chạm vào mắt Susan sắc như lưỡi dao, khiến ánh mắt Khải ngượng ngùng đậu xuống ly rượu trong tay. Khải xoay xoay ly ruợu, đổi đề tài:

“Lần đầu tiên cô đến Texas?”

“Không. Tôi từng đến Houston, Dallas. Nhưng San Antonio là lần đầu tiên.”

“Cô đang ở đâu?”

“Tôi ở khách sạn Hyatt.”

“Có phải khách sạn nằm bên cạnh river walk không?”

“Đúng rồi.”

“Thi có biết cô về đây gặp tôi không?”

“Không.” Susan ngập ngừng. “Tôi không mong Thi biết việc này.”

Khải chiêu một ngụm rượu. Nhìn Susan trầm ngâm dán mắt vào ly rượu sóng sánh màu huyết dụ trên tay. Khải chậm rãi đáp:

“Dĩ nhiên là không.”

Susan làm một động tác như muốn cáo từ. Cô đứng dậy bắt tay Khải. Susan nắm tay Khải khá lâu. Bàn tay mềm, mát rượi đàn bà. Khải vẫn để yên trong tay Susan:

“Cô đến San Antonio, còn mục đích nào khác không?”

Susan rơm rớm nước mắt:

“Không? Tôi đi tìm hy vọng trong nỗi tuyệt vọng.”

Bỗng dưng, Khải muốn ôm Susan vỗ về. Rõ ràng cô gái đang cần một bờ vai dựa hơn lúc nào hết. Nhưng Khải không dám. Khải đứng yên bất động một lúc sau. Chờ cho cơn xúc động của Susan lắng xuống. Khải mới dịu dàng nói:

“Cô đến đây tìm tôi, dầu sao cũng là khách. Hơn nữa cô là bạn của Thi cũng giống như… là bạn của tôi. Ngày mai tôi mời cô bữa cơm tối nhé.”

Susan thở nhẹ:

“Ông thật tốt. Ngày mai gặp.”

“Tôi sẽ đón cô lúc 7 giờ tối tại khách sạn. Cô ở phòng số mấy? Hay tôi gặp cô ở đại sảnh?”

Susan khoát tay:

“Phòng tôi số 2316.”

Khải đùa, nói vô thưởng vô phạt:

“Tầng thứ 23. Chắc là good view.?”

“Tôi không biết, check in xong, bỏ hành lý vào phòng thì đến tìm ông ngay.”

Khải cười thành tiếng:

“Cô ghét tôi lắm phải không?”

Susan cười. Bây giờ Khải mới thấy cô cười, nụ cười thật gợi cảm với hàm răng trắng đều sau đôi môi hồng đào tô khéo:

“Lúc đầu thì có. Bây giờ tôi đang suy nghĩ lại là nên ghét hay hận ông.”

o O o

Thi bỏ làm cho tờ San Francisco Chronicle, sau khi trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng Khải. Thi quyết định dọn về ở với Khải và đầu quân vào tờ báo San Antonio Express News. Khải rất hoan nghênh trước quyết định của Thi. Gia đình Thi nghe tin rất mừng. Vợ chồng Đoàn cũng bay sang thăm Khải và Thi. Khải và Thi rủ vợ chồng Đoàn đi thăm river walk. Buổi tối, river walk nhộn nhịp tiếng người. Yên vợ Đoàn rất thích, luôn miệng khen không ngừng. Thành phố này thật lạ. Lạ hơn bất cứ thành phố nào trên nước Mỹ. Thi hớn hở ra mặt. Chị nói đúng đó. Đây là một sự kết hợp văn hóa thật đẹp giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Anh chị muốn ăn thức ăn Mễ không? Thức ăn Mễ Tây Cơ ở đây ngon hơn bất cứ nơi nào. Yên nguýt Thi một cái dài. Đúng là ở đâu bênh đó. Nhưng mà tôi cũng trách anh Khải nhé. Ở một nơi chốn đẹp như thế mà chẳng bao giờ thấy anh nhắc tới cả. Khải đánh trống lảng. Muốn ăn thức ăn Mễ chứ gì. Mình tới nhà hàng La Paloma nhé.

Khi cả bốn người có được chỗ ngồi lộ thiên, cạnh dòng sông ở nhà hàng La Paloma rồi. Khải mới lên tiếng hỏi Đoàn:

“Ông Đoàn chắc còn nhớ bài hát La Paloma chứ gì?”

 Đoàn gật gù:

“Ừ, bài hát được chuyển sang tiếng Việt, nghe xong chẳng biết là nhạc của ngoại quốc. Không biết ai viết tiếng Việt bài hát đó hay quá. Hình như là ‘Cánh Buồm Xa Xưa’ thì phải.”

Khải quay qua Thi:

“Thi là phóng viên nhà báo chắc biết.”

“Không phải làm nhà báo thì cái gì cũng biết hết đâu. Nhưng bài hát này Thi biết. La Paloma được viết bởi Sebastián Iradier người Tây Ban Nha. Ông đi du lịch Cuba trở về năm 1861. Khoảng 2 năm sau đó (1863) ông viết bài La Paloma và ông qua đời 1865, 2 năm sau khi bài hát ra đời. Còn lời Việt là của nhạc sĩ Phạm Duy.”

Yên cười:

“Paloma nghĩa là sao?.”

Thi giải thích:

“Có nghĩa là con chim bồ câu.”

Yên thắc mắc:

“Đâu có liên quan gì tới ‘cánh buồm xa xưa’ đâu.”

“Ồ! Bài hát này đã được chuyển ra rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Tuy không chính xác với nguyên bản, nhưng tinh thần bài hát vẫn thể hiện được tình yêu và sự cô đơn trước những chia ly, tan tác.”

Người hầu bàn mang thức uống ra. Không hiểu sao, cả bốn cùng chọn uống Magarita. Thi cười:

“Magarita bình dân, dễ uống. Chị Yên đừng sợ, nam nữ, già trẻ gì cũng uống được.”

“Chị đói quá, chỉ mong thức ăn ra mà thôi.”

“Lúc nãy chị gọi món gì vậy?”

“Chị thuận miệng kêu món Fajitas Riverwalk, vì mình đang ngồi trên river walk mà.”

Thi cười thành tiếng:

“Chị gan thật, chọn đại không chừng họ cho chị ăn đậu xay nhuyễn thì chết.”

Yên cãi:

“Cô này làm như chị nhà quê lắm. Chị có đọc thực đơn kỹ rồi, có thịt bò steak, tôm, ớt chuông, hành tây, cơm Tây Ban Nha, dĩ nhiên có đậu…”

“Chị làm nước miếng em chảy ròng ròng.”

Khải xen vào:

“Mấy cô ăn nói mất vệ sinh quá.”

Yên phản đối:

“Không phải ‘mấy cô’ đâu. Chỉ có một cô của anh mà thôi.”

Bữa ăn diễn ra vui vẻ, trong sự đầm ấm gia đình. Lúc Thi và Yên rủ nhau vào phòng vệ sinh để trang điểm lại. Đoàn đã nửa đùa nửa thật. Nhờ Khải đã uốn Thi từ “cong thành thẳng”. Khải cười sảng khoái. Gió từ dòng sông thổi lên mát lạnh. Những ánh đèn lung linh khoe sắc trong đêm. Đêm nhộn nhịp tiếng chân người. Uống thêm một ngụm Magarita xong, Đoàn thè lưỡi liếm chút muối trên vành ly, vỗ vai Khải, thích thú. Chừng nào thì làm đám cưới đây. Khải cười. Không nhanh như thế đâu. Mắt Khải chợt dừng lại trên con bướm lạc loài đang nhịp đôi cánh đỏ trên nhành cây Thủy Sam trước mặt. Đoàn chợt nhớ đến Hiền. Có thể Hiền linh thiêng muốn kết hợp Thi cho Khải. Tất cả như có một sự xếp đặt trước. Trước tiên là  Đoàn tìm cách liên lạc với Khải, báo tin Thi đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sợ Thi sẽ làm ra điều gì dại dột. Sau đó là sự gặp gỡ giữa Khải và Thi ở thị trấn Oludeniz, rồi ở Thung Lũng Bướm. Có lần Thi cũng nói với Khải những điều tương tự như thế. Khải phớt lờ. Em mà cũng tin vào những chuyện huyền bí như thế sao?

o O o

Khải đến hí viện khá sớm. Chương trình ca nhạc Việt Nam được tổ chức rầm rộ tại MGM Grand Las Vegas. Hiền đã gửi giấy mời cho anh. Khải tưởng Hiền đã quên mình từ khi bay qua California, đổi tên thành ca sĩ Hồng Điệp. Với chất giọng khàn đục mang âm hưởng tây phương. Chất giọng nhừa nhựa, gây mê. Và với vóc dáng liêu trai. Hồng Điệp đã nhanh chóng tạo cho mình một tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam hải ngoại. Chương trình đặc sắc với đoàn vũ công điêu luyện. Tiết mục này lôi kéo tiết mục khác một cách khá liền lạc.

Phần trình diễn của Hồng Điệp được người MC giới thiệu một cách trang trọng với ca khúc “Giết Người Trong Mộng”, nhạc sĩ Phạm Duy phổ theo ý thơ bài “Hành Khuất” của Hàn Mặc Tử.

Hiền bước ra sân khấu với chiếc dạ hội được thiết kế rất lạ. Nó như một cánh bướm, rực rỡ. Một cánh bướm màu đỏ viền vàng cùng những chấm đen, nâu lẫn lộn. Khải đoan chắc nhà thiết kế đã lấy ý tưởng của bức hình xăm con bướm trên da thịt Hiền. Nghĩ đến đây, Khải thấy chút ghen tức.

Hiền cúi đầu chào khán giả. Lọn tóc dài thả xuống bờ vai, yểu điệu, duyên dáng. Mặt trái xoan buồn muốn khóc. Cô cất tiếng hát. “Làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp bẽ bàng. Giết người đi! Giết người đi! Giết người trong mộng đã bội thề. Giết người đi! Giết người đi! Giết người quên tình nghĩa phu thê…” Khải muốn ứa nước mắt. Hồng Điệp hát cho Hiền hay hát cho Khải? Tim Khải vẫn hoài ủ kín hình ảnh một Hiền của ngày tháng nào. Một thời ta đã yêu nhau, sống cùng nhau. Khải thở dài. Ảo não. Một đàn bướm trắng hiện ra, bay vờn. Những người vũ công múa Ba Lê, với những gót chân điệu nghệ. Những khuôn mặt lạnh buồn sáp nặn, và những cánh tay nhịp nhàng lả lơi như những cánh bướm bay vờn chung quanh Hiền. Khải nổi gai ốc khi Hiền hát đến cao trào bài hát: “Giết người đi! Giết người đi! Giết người trong mộng đã đi về.Giết người đi! Giết người đi! Giết người như loài bướm đong đưa…”. Hồng Điệp xếp cánh, làm một động tác đong đưa thân hình như con bướm chúa, rực rỡ, đu mình trên cây Linh Sam trong khu rừng miền trung nước Mễ Tây Cơ. “Làm sao giữ được người trong mộng. Để được tình yêu, dẫu bẽ bàng. Giết người trong mộng? Hay giữ người trong mộng? Giết người trong mộng? Hay giữ người mộng mơ?” . Hồng Điệp chấm dứt bài hát. Không khí thính đường đọng lại. Im lắng. Một phút sau đó òa vỡ tiếng vỗ tay. Hồng Điệp mở miệng cười tươi tắn. Như chưa từng đau đớn, rên siết, trước đó mấy phút để lột tả ca khúc “Giết người trong mộng” . Cô đặt bàn tay phải lên ngực trái của mình và cúi thấp mình chào khán giả lần nữa trước khi lui vào hậu trường. Tiếng vỗ tay vẫn còn vang dài. Có một vài tiếng thanh niên la lớn “I Love you, Hồng Điệp”. Bây giờ Khải mới chợt nhận ra rằng Hiền không còn thuộc về anh nữa, mà thuộc về khán giả ái mộ.

o O o

Khải không tìm Hiền sau hậu trường. Anh text cho Hiền cái message khen ngợi và chúc mừng buổi trình diễn thành công. Khải lặng lẽ ra về. Trên đường trở về khách sạn đêm đó. Khải nghe tiếng hát và hình ảnh như cánh bướm đỏ rực của Hiền vẫn còn giăng mắc trong không khí: “Giết người đi! Giết người như loài bướm đong đưa…”. Khải nghe lòng buốt đau. Hôm sau, Khải đáp chuyến bay sớm nhất về lại San Antonio.

Như thế đó. Sống với Thi nhưng hình ảnh Hiền lúc nào cũng hiện về, thấp thoáng. Thi đã từng ngạc nhiên khi thấy bức tranh bướm sống động bằng sơn dầu treo trên lò sưởi nhà Khải. Con bướm giống hệt như con bướm trên da thịt Thi. Thi đứng trước bức tranh, khá lâu, mới lên tiếng:

“Con bướm như đang còn sống. Em nghe thấy tiếng đập cánh của nó nữa.”

Khải đùa:

“Hy vọng cái đập cánh của con bướm ở Texas không tạo ra cơn bão ở San Francisco?”

Thi nghiêm giọng:

“Có. Nó như cơn lốc thổi qua hồn em. Tan hoang.”

Khải đặt tay trên vai Thi. Thi vùi mặt vào ngực Khải, khóc thành tiếng:

“Trí óc em là một cõi hỗn mang. Như bức tranh trắng đen chụp bầu trời nhiều mây vằn vện và một vùng biển, anh đang treo trên hành lang kia.”

Khải im lặng, vỗ về vai Thi. Một lúc sau, Thi ngước mặt nhìn Khải, tò mò:

“Ai vẽ bức tranh này vậy? Chẳng thấy chữ ký.”

“Anh vẽ chứ ai. Hiền làm… người mẫu cho anh lúc ấy.”

“Làm ‘người mẫu’ mà anh chỉ vẽ có con bướm thôi sao?”

“Như vậy đủ rồi.”

“Đẹp lắm. Sống động lắm. Như thể con bướm bay ra từ da thịt Hiền và đậu ở trên ấy. Anh tài thật.”

“Không đâu. Anh chỉ copy con bướm từ da thịt Hiền mà thôi.”

Thi giấu mặt vào vồng ngực rộng của Khải:

“Em cũng có một con bướm sinh đôi.”

Khải cười lớn:

“Chẳng biết em nói con bướm nào?”

o O o

Khải đến tìm Susan ở khách sạn Hyatt như lời hẹn. Susan đã chờ anh nơi sảnh đường. Hôm nay cô mặc váy màu đen, mang sâu chuỗi hạt trai, trông thật sang trọng. Khác với những gì Khải đã suy nghĩ về Susan. Trước đây, loáng thoáng trong đầu óc Khải, Susan chắc có nhiều kích thích tố nam, nên khuôn mặt và thân hình phải khô cứng như đàn ông. Nhưng ngày hôm qua gặp Susan, Khải đã hơi ngỡ ngàng. Bây giờ, trông cô như một tài tử màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, khuôn mặt cô đượm nét buồn buồn. Không hẹn mà gặp. Khải cũng mặc bộ vest đen, thắt cà vạt đỏ có những sọc chéo màu đen xen kẽ. Khải cao lớn, rất xứng đôi với Susan. Cả hai cùng sánh vai bước ra khách sạn.

Khải chở Susan đến nhà hàng Chart House trên Tower of the Americas mà Khải đã đặt chỗ trước ngày hôm qua. Phục vụ viên đưa hai người vào thang máy để lên nhà hàng Chart House. Chưa tới mười phút, cô hầu bàn xinh đẹp mặc đồng phục đen, áo sơ mi trắng dẫn hai người vào chỗ ngồi cạnh cửa kính như lời yêu cầu của Khải. Khải kéo ghế mời Susan ngồi. Nhìn thành phố dưới thấp, tráng lệ với triệu triệu ánh đèn tỏa sáng, Susan trầm trồ:

“San Antonio ban đêm thật quyến rũ.”

Khải nịnh đầm:

“Tôi thấy San Francisco đẹp hơn chứ.”

“Ở đâu cũng có cái đẹp riêng của nó.”

“Mình đang ngồi trên nhà hàng quay 360 độ. Cô sẽ nhìn thấy toàn bộ San Antonio từ trên cao.”

Susan cười. Ý muốn nói Khải hơi thừa lời. Khải tảng lơ tiếp:

“Thế cô có biết người kiến trúc sư của Tower of the Americas là dân San Antonio tên O’Neil Ford?”

Susan chống cằm nhìn Khải cười. Khải tiếp::

“Tôi là dân ở San Antonio, dĩ nhiên phải biết một chút để giới thiệu với khách phương xa. Phải không?

“Phải rồi. Anh nói tiếp đi, tôi muốn biết thêm.”

“Tower of the Americas bắt đầu khởi công vào ngày 9 tháng 8 năm 1966, và hoàn tất khoảng18 tháng sau đó. Đến ngày 6 tháng 4 năm 1968 thì khánh thành. Tháp cao 750 ft tính đến cần ăng-ten. Còn nhà hàng mình đang ngồi chỉ ở độ cao 550 ft mà thôi.”

Susan cười nửa miệng:

“Anh khá thuộc bài.”

Người hầu bàn trở lại chuẩn bị ghi order. Susan chọn món Fried Asparagus khai vị, món chính là Pan Seared King Salmon và món tráng miệng là Hot Chocolate Lava Cake. Khải chọn Crispy Oysters on the Half Shell để khai vị, món chính là Savory Scallops, và món tráng miệng thì như của Susan. Thấy cả hai cùng ăn đồ biển. Khải kêu chai rượu chát trắng Saint M, Riesling của Đức sản xuất 2010.

Khi người hầu bàn vừa đi khuất. Susan lên tiếng:

“Tại sao anh không ngăn cản Thi đi Ukraine. Bên đó tình hình rất tồi tệ.”

“Thi bảo là lính mới của tờ báo San Antonio Express News nên tình nguyện qua đó để lấy điểm.”

“Anh có biết Vladimir Putin muốn thôn tính Ukraine? Người dân Ukraine bất mãn, bạo động hàng ngày. Thi qua đó chỉ làm cho người khác lo mà thôi.”

Susan cúi đầu thở dài. Khải nhìn Susan. Cô gái này thật sự yêu Thi đến thế sao? Mình có yêu Thi như cô ta đang yêu Thi không? Nghĩ đến đây. Khải thấy hổ thẹn với chính mình. Không lẽ mình đã cướp đi bạn gái của người khác? Mình là kẻ thứ ba? Mình đã làm người khác đau khổ như thế này sao?

Bữa ăn tối sắp xong, trong khi chờ món bánh tráng miệng. Susan nâng ly rượu lên cụng ly với Khải. Rồi, cô nói:

“Anh cho biết chút ít về bức tranh sơn dầu vẽ hình con bướm trong nhà anh đi. Tại sao toàn căn nhà đều hai màu trắng đen làm chính, lại có bức tranh con bướm màu đỏ rực rỡ như thế? Anh yêu Thi đến thế sao?”

Khải uống ngụm rượu, từ tốn giải thích:

“Bức tranh này tôi vẽ trước khi quen Thi.”

Susan tròn mắt ngạc nhiên:

“Tại sao con bướm lại giống như con trên da thịt Thi thế?”

“Phải! Con bướm này trên da thịt của một người con gái khác. Đó là Hiền, vị hôn thê của tôi.”

“Sao lại giống nhau như sinh đôi thế?”

“Cô có biết vị hôn thê của tôi từng là bạn gái của Thi không?”

“What? Cái gì?”

Susan thảng thốt như không tin ở tai mình. Rồi cô tiếp:

“Anh không ngại sao?”

“Không. Tất cả đã là quá khứ. Hơn nữa tôi là một người rất open-minded.”

Tự nhiên, Susan khua tay kêu cô hầu bàn:

“Tôi muốn thêm một chai rượu nữa.”

Xong, cô đưa tay vén tóc, lộ ra vành tai xinh xắn đong đưa chiếc bông tai cũng bằng ngọc trai. Đêm trong nhà hàng đông người nhưng không ồn ào. Chiếc đèn nến trên bàn tỏa ra chút ánh sáng mờ ảo, tình tứ. Khuôn mặt Susan trắng sáng như được thoa lớp lân tinh, tỏa ra lộng lẫy trong vùng tranh tối tranh sáng đó. Cả hai cùng uống rượu. Lúc nhà hàng sắp đóng cửa. Susan bỗng nói với Khải bằng chất giọng ngà ngà:

“Tôi muốn về nhà anh để xem lại bức tranh con bướm. Nói thật với anh, tối hôm qua tôi không ngủ được. Bức tranh ám ảnh, lôi cuốn tôi một cách lạ lùng.”

o O o

Đêm đen như vũng lầy sền sệt. Khải trôi tuột vào trong ấy. Anh hốt hoảng vùng vẫy. Nhưng càng cố, anh lại càng bị chìm xuống nhanh hơn. Tới rốn. Tới ngực. Và trời ơi, tới cổ. Anh hốc miệng la lớn. Nhưng tiếng la của anh tắc nghẽn. Chỉ một chút xíu nữa thôi, nếu không kịp ngậm miệng lại thì bùn sẽ trào vào miệng anh. Cuối cùng, anh nắm được rễ cây. Anh cố leo lên khỏi vũng sình lầy. Khi vừa đặt chân lên mặt đất, Khải thấy một cơn lốc từ xa kéo tới như bão táp. Khi cơn lốc bay đến gần anh, thì hàng triệu cánh bướm tỏa ra từ cơn lốc phủ kín người anh. Những con bướm chúa bay về miền trung Mễ Tây Cơ từ Bắc Mỹ và Canada để trốn lạnh. Những con bướm chúa tạo thành cơn lốc bướm cuốn tốc Khải lên. Anh la lớn. Anh chợt nhận ra Hiền là một trong những con bướm chúa đó. Khuôn mặt Hiền xuất hiện trong cơn lốc bướm. Bỗng nhiên, tiếng hát Hồng Điệp vang lại một thứ âm thanh từ sâu thẳm, âm u: “Giết người đi! Giết người đi! Giết người như loài bướm đong đưa… Làm sao giữ được người trong mộng. Để được tình yêu, dẫu bẽ bàng…”. Khải choàng tỉnh. Anh ôm mặt khóc. Giọt nước mắt rơi âm thầm trong đêm cô đơn. Từ cái chết bất đắc kỳ tử của Hiền. Khải thường xuyên gặp Hiền trong giấc mộng. Có lẽ Hiền vẫn còn yêu Khải như Khải vẫn không thể nào quên được Hiền dù đang có Thi bên cạnh. Không biết lúc nào mới xóa nổi hình bóng của Hiền được đây? Thế cho nên dù gia đình Thi có ý hối thúc chuyện đám cưới của hai người vẫn làm Khải chần chờ. Nhiều khi làm tình với Thi, Khải không còn biết đó là Thi hay Hiền. Lúc ấy, Thi như lột xác thành một Hiền mềm mại và trơn tru như rắn lượn quanh thân thể Khải. Rồi trong ảo giác Khải, chập chờn đôi cánh bướm đong đưa. Khải hồ đồ không biết đó là cánh bướm của ai? Hiền hay Thi? Nó như một vệt lửa bay xẹt vào tâm tưởng Khải, nung nóng thân hình rần rật, và làm trái tim Khải sôi sục lửa yêu đương. Gần sáng, lúc nào Khải cũng nhìn thấy cánh bướm đang rung khẽ cánh trên da thịt Thi như chuẩn bị bay đi, đậu lại trên bức tranh sơn dầu.

o O o

Về đến nhà. Susan đi lắc lư bên cạnh Khải. Thế nhưng khi vừa ngồi xuống chiếc ghế bành trong phòng gia đình. Susan lại đòi uống rượu. Khải đi lấy thêm rượu. Bước ra, đã thấy Susan đứng nhìn bức tranh bướm, như đang bị thôi miên. Susan đón lấy ly rượu rồi nói, trong khi mắt vẫn không rời bức tranh:

“Anh thấy không? Hình như hai con mắt nó đang nhấp nháy nhìn tôi?”

“Tôi có thấy gì đâu?”

“Tôi nghĩ anh đã thổi linh hồn vào trong con bướm khi anh vẽ nó.”

“Tôi chỉ là thợ vẽ, copy nó lại từ trên thân thể vị hôn thê cũ của tôi mà thôi. Vẽ không phải là nghề nghiệp của tôi, chỉ là sở thích.”

“Một sở thích đáng cho anh theo đuổi tới cùng.”

“Nói cho cùng, tôi phải cảm phục người thợ xăm hình con bướm cho Hiền và Thi bên Thổ Nhĩ Kỳ. Đúng là một nghệ nhân. Cô có thấy con bướm trên da thịt Thi sống động lắm không?”

“Tôi cũng có một con y hệt như thế.”

Khải há hốc miệng, chút rượu còn lừng khừng trong cuống họng khiến anh muốn bị sặc:

“Cô đùa cũng thú vị đấy nhỉ?”

“Thật đấy. Khi tôi nhìn con bướm đỏ trên da thịt Thi. Tôi mê ngay. Và tôi cũng quyết định tìm thợ xăm cho tôi một con giống như thế. Anh có muốn xem không?”

Lần này thì Khải sặc rượu thật. Ngụm rượu vừa hớp vào khi không bị Khải phun bắn ra ngoài, tung tóe trên sàn gỗ. Khải xuýt xoa:

“Thật xin lỗi.”

Susan bất ngờ túm chiếc cà vạt trên cổ Khải kéo đi, miệng hỏi:

“Phòng ngủ của anh lối nào vậy?”

Trong bóng đêm nhờ nhợ. Khải mơ hồ thấy con bướm đỏ bay thoát ra từ khung vải trên lò sưởi, đậu chập chờn trên da thịt Susan. Màu da trắng sáng như sữa. Và con bướm đỏ viền vàng lốm đốm những chấm nâu, đen đang nhịp cánh nhẹ nhàng. Lần này con bướm không đậu ở vị trí dưới rốn Susan vài centimet như của Hiền và Thi. Mà nằm dưới vùng xương cụt, cạnh bờ mông vun tròn, chắc nịch và trắng như một ngọn đồi tuyết. Khải nằm nghiêng, gối đầu trên lưng Susan. Anh chăm chú nhìn vào con bướm đang rung động trên thác đồi da thịt Susan, mơ hồ nghe tiếng hát Hiền vang lại từ cõi âm u, gờn gợn từng tia máu chạy li ti trong thân thể: “Giết người đi! Giết người đi! Giết người như loài bướm đong đưa…” . Rồi Susan xoay người, ôm lấy Khải. Bóng Hiền đổ xuống. Một cánh bướm đỏ viền vàng đu lên mình Khải như con bướm chúa xếp cánh đong đưa trên thân cây Linh Sam trong khu rừng miền trung Mễ Tây Cơ. Cảm giác rần rật yêu đương làm nóng ran thân thể Khải.

o O o

Sáng hôm sau. Không còn thấy Susan bên cạnh. Khải bắt gặp tờ giấy có ghi vội hàng chữ của Susan được đặt cạnh đèn bàn ngủ:

“Tôi phải bay về San Francisco gấp. Bây giờ tôi mới biết tại sao Thi đã chọn anh mà không chọn tôi. Cảm ơn anh, một đêm khó quên. Bye. Susan.”

VP