Menu Close

ISIS & tham vọng khôi phục đế chế Hồi Giáo

Trong những ngày cuối Tháng Chín 2014, sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên chiến với tổ chức Hồi Giáo cực đoan ISIS (còn gọi là ISIL hoặc IS), đã có trên 50 nước gia nhập khối đồng minh chinh phạt ISIS do Hoa Kỳ cầm đầu.

 

alt

Các cảm tử quân Hồi Giáo cực đoan của ISIS.

Sau các cuộc không tập sơ khởi của không lực Hoa Kỳ và Pháp Quốc, đến phiên Quốc Hội Anh Quốc cũng vừa bỏ phiếu chấp thuận cho Không Lực Hoàng Gia nhập cuộc. Ngay cả nước Nga – vốn đang có nhiều tranh chấp với Hoa Kỳ và Tây Phương, cũng tỏ dấu hiệu sẵn sàng hậu thuẫn chánh phủ quốc gia tại Iraq đương cự ISIS. Sự góp mặt của vài nước Ả Rập cũng là yếu tố chánh yếu trong buổi đầu của cuộc chiến chống ISIS. Trên thực tế, một trong những phi công chỉ huy các cuộc dội bom lên mục tiêu ISIS vừa qua chính là một nữ thiếu tá không quân của xứ Hồi Giáo Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates, viết tắt là UAE).

 

alt

Thủ Tướng Anh Quốc David Cameron trong cuộc tranh luận trước khi Quốc Hội Anh chấp thuận cho Không Lực Hoàng Gia dự phần không tập ISIS. Ảnh PA EPA/Landov

Khác với Al Qaeda, ISIS đang thu hút số lượng đông đảo chưa từng thấy những phần tử Hồi Giáo cực đoan. Nhiều giới trẻ sanh sống ngay tại Tây Phương đang gia nhập hàng ngũ “thánh chiến quân”. Ước lượng bán chánh thức, trong thời gian qua đã có trên 11,000 người rời bỏ đời sống ổn định tại Tây Phương, bay sang Syria và Iraq để đi theo tiếng gọi “thánh chiến”. Đa phần trong số này là cư dân Hồi Giáo sanh sống tại Âu Châu nhiều năm.

Nhìn lại lịch sử, làn sóng người Hồi Giáo di cư sang Âu Châu đông đảo nhất từ sau 1945, buổi cuối mùa của chế độ thuộc địa. Khó nắm bắt con số chính xác số người theo Hồi Giáo tại Âu Châu, nhưng ước lượng họ chiếm 6% dân số, và trên đà gia tăng gấp đôi vào năm 2020. Các nước Liên Hiệp Âu Châu vào năm 2010 có khoảng 19 triệu người theo Hồi Giáo (3.8% dân số chung). Pháp Quốc là nhà của chừng 5 triệu người Hồi Giáo, đa phần gốc gác Bắc Phi, đến Pháp vào các thập niên 1950 đến 1970 khi Pháp Quốc dần trả độc lập cho các thuộc địa và mở cửa đón người Hồi Giáo đến “mẫu quốc”. Tại Anh Quốc, từ 2001 đến 2009, dân số người theo Hồi Giáo tăng mau hơn mọi trường hợp khác đến 10 lần.

 

alt

ISIS đã nhiều lần bị cáo buộc là diệt chủng.

Nguồn gốc và lịch sử của các sắc dân Hồi Giáo tại Âu Châu rất đa dạng. Nhưng không ít khảo sát xã hội lại cho thấy một điểm chung là khuynh hướng Hồi Giáo bảo thủ, thậm chí cực đoan, đang phát triển rất mạnh. Đa phần tín đồ Hồi Giáo Âu Châu tin tưởng rằng luật tôn giáo quan trọng hơn luật đời. Không quá bất ngờ khi khuynh hướng này có phần phản chiếu qua các phương cách chiến tranh lẫn cai trị của ISIS.

Sau các cuộc hành binh chớp nhoáng qua miền bắc Iraq, ISIS lần lượt chiếm Mosul (thành phố lớn thứ nhì Iraq); Tikrit (quê hương của nhà độc tài Saddam Hussein); Al-Qaim (giáp giới với Syria). Căn cứ địa của các tay súng ISIS thì nằm tại Raqqa, đông phần Syria, và đầu tháng 7-2014, họ cũng chiếm luôn mỏ dầu lớn nhất của Syria là al-Omar (khi hoạt động hết công suất có thể sản xuất 75,000 thùng dầu mỗi ngày). Khi đã chiếm được những nơi này, ISIS lập tức áp dụng nhiều điều khoản luật Hồi Giáo Sharia  khắt khe như ra lịnh bắt phụ nữ phải ở trong nhà, cấm người ta hút thuốc, cấm rượu bia, v.v… Ngày 29-6-2014, ISIS tuyên bố trở thành một “quốc gia Hồi Giáo” (“Islamic state” hay “Caliphate”).

“Quốc gia Hồi Giáo” này cai trị theo “thần quyền”, do giáo chủ cai quản dựa trên luật Hồi Giáo Sharia. Khác với “thế quyền” là các thể chế dân sự hình thành từ tự do đầu phiếu hoặc từ phương pháp độc tài. Như vậy, đầu lãnh của ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, 43 tuổi, trở thành giáo chủ đạo Hồi, có quyền cai trị 1.5 tỉ tín đồ Hồi Giáo trên toàn thế giới. ISIS không thừa nhận các lằn ranh quốc gia hiện thời, tham vọng tiến chiếm toàn vùng Trung Đông, thậm chí đe dọa chinh phạt cả giáo triều Vatican ở Rome. Những điều này làm không ít người nghĩ đến chuyện 10 thế kỷ trước, lúc các binh đoàn Hồi Giáo khổng lồ đã đánh thắng trận Thập Tự Chinh, vào chiếm thành Jerusalem năm 1187.

 

alt

Pháp Quốc có cộng đồng người Hồi Giáo lớn nhất Âu Châu, cứ 1 trong 6 người với lập trường thân ISIS, thường xuống đường ẩu đả với cảnh sát.

“Caliphate” hay “Islamic state” hay “quốc gia Hồi Giáo” cũng không phải là những thuật ngữ hoặc thực tế mới xuất hiện cùng với ISIS. “Caliphate” đầu tiên thiết lập năm 632 lúc giáo chủ tiên khởi Muhammad qua đời, và kéo dài đến 661. Đế chế Hồi Giáo lúc đó nhất thống dưới quyền một giáo chủ, lãnh địa trải dài từ Iran ngày nay sang đến Bắc Phi. Nhiều người Hồi Giáo xem đây là thời đại hoàng kim. Đến “Caliphate” thứ hai (năm 661 đến 750) do các giáo chủ nhánh  Sunni cai trị tại Damascus, Syria ngày nay. Đế chế Hồi Giáo thứ 3 (năm 750 đến 1258 thì chỉ thu hẹp ở Iraq và Syria. “Caliphate” tồn tại lâu nhất là đế chế Ottomans, trị vì từ 1299 đến tận 1924, với tâm điểm thần quyền đặt tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đế chế Hồi Giáo này bị giải thể sau Đệ Nhất Thế Chiến (năm 1924 nước Thổ Nhĩ Kỳ Cộng Hòa ra mắt chính thể Tổng Thống “thế quyền” đầu tiên, còn tồn tại đến nay).

Cũng cần thiết nhắc lại tình thế Iraq sau khi binh lực Hoa Kỳ triệt thoái hoàn toàn cuối năm 2011. Chánh quyền quốc gia tại đây còn non nớt, cộng thêm cảnh tranh tối tranh sáng của cuộc nội chiến Syria, chính là mảnh đất màu mỡ đang dung dưỡng nhiều khuynh hướng Hồi Giáo cực đoan, mà ISIS là thế lực lớn nhất. Bản thân tổ chức ISIS là một nhóm hậu thân của Al-Qaeda tại Iraq (Al-Qaeda in Iraq) thành lập từ năm 2004. Hiện nay, tổng số tay súng ISIS ước lượng cao nhất chừng 80,000. Cũng có dự đoán khác chỉ chừng 15,000. ISIS thường dùng các phương pháp tàn bạo để trấn áp dân chúng lẫn kẻ thù: chặt đầu, giết con tin, tống tiền, cướp nhà băng, trấn lột tiệm kim hoàn, gài bom các cơ sở thương mại, v.v…

 

alt

Nữ thiếu tá phi công Mariam Al Mansouri là người chỉ huy một phi vụ không tập ISIS trong tuần qua. Ảnh EMIRATES NEWS AGENCY / AP FILE

Trên thực tế, tham vọng khôi phục “Caliphate” của ISIS không chỉ đẩy Iraq và Syria vào biến động, mà có thể dẫn tới một hệ lụy bất ngờ nhưng hệ trọng: mở rộng các khu tự trị cho người sắc tộc Kurd, thậm chí thiết lập một nhà nước mới, hoàn toàn độc lập. Người Kurd là nhóm sắc tộc lớn nhất thế giới đến nay vẫn chưa có lãnh thổ và quốc gia. Đang có khoảng 30 triệu người Kurd sanh sống rải rác tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Syria, Do Thái, Lebanon, nước Nga, v.v…

Trước áp lực của ISIS, chánh phủ quốc gia Iraq đã quyết định cung cấp võ khí cho nghĩa binh người Kurd. Các cuộc hành quân của họ chống ISIS tại miền Bắc Iraq đều hiệu quả cao, nhất là khi được Hoa Kỳ yểm trợ hỏa lực. Đức Quốc thậm chí cũng đã gởi quân viện trị giá đến $92 triệu, gồm hằng ngàn súng máy, hỏa tiễn tầm ngắn, quân xa, v.v… Lâu nay đã có nhiều vận động đưa đến vùng tự trị hoặc cả nền độc lập cho dân Kurd. Nhưng Hoa Kỳ mấy thập niên nay khăng khăng chống việc thành lập một quốc gia riêng cho người Kurd vì không muốn phật lòng các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, v.v… Tuy nhiên, cục diện chiến trường khốc liệt rất có thể sẽ thay đổi bàn cờ chánh trị.

Trên trang báo này các số tới, chúng tôi sẽ trở lại cùng quý độc giả quanh Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự kiện mới đây có nhiều thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ đặt điều kiện khi nào Hà Nội tôn trọng công đoàn độc lập thì mới cứu xét thông qua TPP. Cách vận hành, ý nghĩa, quyền lợi và cả những ràng buộc của TPP – lý do làm VN muốn mà e dè – có thể là những đề tài gần gũi và liên quan tới người Việt hơn.

 

alt

Bản đồ đế chế Hồi Giáo “Omayyad Caliphate” năm 750 sau Công Nguyên, thời tột đỉnh vàng son của quyền lực Ả Rập.

TD