Không đẫm máu và bạo lực như cuộc đàn áp của nhà cầm quyền Trung Cộng với phong trào sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989, cuộc đàn áp của cảnh sát nhắm vào sinh viên học sinh Hồng Kông từ cuối tuần qua đã đánh động thế giới về một phong trào dân chủ đã ngấm ngầm vài năm qua, nhắm vào một chính quyền Hồng Kông ngày càng bị chi phối bởi cộng sản Bắc Kinh. Đây sẽ là một tín hiệu và thông điệp mới cho phong trào dân chủ toàn cầu hiện nay, khi người thủ lĩnh sinh viên học sinh vẫn thường lên tiếng mạnh mẽ với chính quyền và công kích Bắc Kinh là Joshua Wong, chỉ mới 17 tuổi, là một sinh viên Đại Học Mở Hồng Kông, người mà giới truyền thông quốc doanh Trung Cộng tấn công bằng xuẩn từ “cực đoan” vốn thường được chụp lên những nhà đấu tranh dân chủ.

Có thể có một số người sẽ nghi ngờ về khả năng chính trị và vai trò thủ lĩnh của một sinh viên 17 tuổi, nhưng nếu xem được những phát biểu của người thiếu niên mảnh khảnh có khuôn mặt cương nghị sau đôi mắt kính dày, thật khó có thể giấu được sự ngưỡng mộ với Joshua Wong, một trong những thủ lĩnh phong trào dân chủ của sinh viên học sinh (SVHS) tại Hồng Kông hiện nay. Trả lời với CNN, Joshua phát biểu, “Tôi không nghĩ cuộc chiến của chúng tôi sẽ kéo dài. Nếu anh có ý tưởng là cuộc tranh đấu dân chủ kéo dài, thoái lui và thực hiện chậm chạp, anh sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu”. Hay “Tôi không muốn cuộc đấu tranh dân chủ này để lại đến thế hệ sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi”. Những phát biểu mạnh mẽ và can đảm này quả đã tiếp thêm sức mạnh cho những nhà đấu tranh dân chủ đang bị đàn áp khắp mọi nơi và là tấm gương cho giới thanh thiếu niên ở những quốc gia đang bắt đầu nhen nhúm những phong trào dân chủ như vậy.
Joshua Wong (trái) phát flyer kêu gọi các sinh viên hỗ trợ bãi khóa để phản đối thể thức “đảng cử dân bầu” của Bắc Kinh. Ảnh: Sam Tsang
Chỉ là một nhượng địa nhỏ với khoảng hơn 7 triệu dân và vốn được xem là một thành phố của thế giới với thị trường tài chính chỉ thua New York và London, Hồng Kông trở thành một đặc khu hành chính khi được Anh trao trả về cho Trung Cộng với những cam kết về hệ thống tự trị trong kinh tế, chính trị, luật pháp, tài chính, giáo dục…, ít nhất là trong vòng 50 năm sau khi thuộc về Trung Cộng. Nhưng trong những năm qua, quen sống trong môi trường tự do và dân chủ phương Tây, người dân Hồng Kông đã bắt đầu phản ứng khi nhận thấy Trung Cộng đã bắt đầu nôn nóng phá vỡ những cam kết khi tiếp nhận Hồng Kông. Với thế hệ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn chuyển tiếp này như Joshua Wong, dường như ý thức tự do và dân chủ vẫn ảnh hưởng những tư tưởng khai phóng phương Tây, cho dù đã có sự sang tay chính trị. Sinh năm 1996, một năm trước khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Cộng sau hơn 150 năm dưới quyền kiểm soát của người Anh, có thể xem Joshua lớn lên trong một tân Hồng Kông, không như đã từng là một phần của thế giới tự do. Hai năm trước, lúc 15 tuổi, Joshua đã khởi xướng một phong trào phản đối việc Trung Cộng bắt đầu tiêm nhiễm những vấn đề ý thức hệ, qua chiến dịch tuyên truyền “dân tộc và đạo đức” muốn tiêm nhiễm vào học đường Hồng Kông. Cùng với một số bạn bè, Joshua khởi xướng phong trào Scholarism – tạm dịch là Chủ Nghĩa Học Đường, để phản đối những áp đặt giáo dục của Trung Cộng vào Hồng Kông. Phong trào Scholarism huy động được hàng chục ngàn sinh viên học sinh tuần hành, vây quanh các cơ quan chính phủ để đòi hỏi những người đứng đầu Hồng Kông phải hủy bỏ các chương trình của Trung Cộng. Những cuộc phản kháng cũng tạo ra được công luận với hàng chục vụ tuyệt thực của sinh viên học sinh. Không ngừng ở đó, phong trào Scholarism còn tiếp tục quy tụ các SVHS để trở thành một trong những tiếng nói dân chủ mạnh mẽ nhất Hồng Kông, khi lên tiếng các vấn đề chính trị lớn lao hơn như cải tổ lại hệ thống bầu cử theo thể thức dân chủ trước việc Trung Cộng dù vẫn sẽ để cử tri Hồng Kông chọn lựa những người đứng đầu, nhưng yêu cầu các ứng cử viên tranh cử phải có sự chấp thuận của Trung Cộng. Một mô hình “dân chủ” kiểu cộng sản: bỏ phiếu cho danh sách được Bắc Kinh chấp thuận, tức cho những ai có xu hướng thân Bắc Kinh. Phong trào Scholarism của Joshua Wong có đến khoảng 300 thành viên thường trực, nhưng sức quy tụ của nó lại lớn hơn nhiều khi giới SVHS bắt đầu ủng hộ và hưởng ứng những kế hoạch hành động của Scholarism.
Học sinh tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông. nguồn NBCnews.com
Hồi tuần trước, có ít nhất 5,000 SVHS đã mở màn các cuộc tuần hành và bao vây các công sở cấp cao của Hồng Kông nhằm phản đối Trung Cộng làm áp lực lên cuộc bầu cử vào năm 2017 sắp tới của Hồng Kông. Joshua tuyên bố người dân Hồng Kông phải được tự do đề cử và chọn lựa hội đồng uỷ trị của đặc khu, thay vì chỉ là những thành viên biết phục tùng và do Trung Cộng đề nghị. Phần lớn người dân cũng như các nghiệp đoàn giáo chức và các đại học Hồng Kông đã bắn tiếng ủng hộ phong trào tranh đấu của SVHS, một thế hệ nhận mình là người Hồng Kông chứ không phải Hoa Lục như Trung Cộng muốn đồng hóa. Niềm tin của người dân sút giảm trong các năm qua trước chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” ngày càng bị Trung Cộng chi phối, muốn Hồng Kông tự trị về mặt kinh tế nhưng phải lệ thuộc Bắc Kinh về mặt chính trị và được giới tài phiệt Hồng Kông vừa rời tay Nữ Hoàng đã chầu chực Bắc Kinh để giữ vững quyền lợi riêng mình. Đêm Thứ Sáu, Joshua và vài thủ lĩnh của khối liên hiệp sinh viên đã bị bắt giữ với lý do xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực cấm tại Civic Square và trước áp lực của SVHS cùng đông đảo người ủng hộ, đêm Chủ Nhật cảnh sát đã phải thả Joshua vô điều kiện sau hai ngày bắt giữ. Nhưng cảnh sát cũng đã xịt hơi cay và dùng hơi cay để tấn công đoàn biểu tình được ghi nhận lên đến hàng trăm ngàn người đang tràn ngập khu trung tâm thành phố vào sáng Thứ Hai đầu tuần hưởng ứng lời kêu gọi bãi khóa và chiếm giữ trung tâm thành phố để rồi cảnh sát phải dè dặt rút lui bớt cảnh sát chống bạo động trước thái độ ôn hòa nhưng không nhân nhượng của SVHS và đoàn biểu tình đang tăng dần, và cũng có thể vì cả thế giới đang nhìn vào Hồng Kông và bày tỏ sự ủng hộ với phong trào dân chủ đang diễn ra. Những xã luận của những tờ báo lớn lên tiếng binh vực giới SVHS Hồng Kông khi cho rằng “chính Tập Cận Bình đã đẩy Hồng Kông đến điểm bùng nổ này khi Bắc Kinh đã rút lại cam kết khi nhận lại Hồng Kông…” như tờ Wall Street Journal đưa lên trang nhất trên ấn bản Á Châu của mình sáng Thứ Hai. Ấn bản New York Times đưa những ký giả kỳ cựu từng đưa tin các sự kiện quan trọng tại khu vực Châu Á và từng bị Trung Cộng trục xuất để làm các phóng sự ngay khu vực biểu tình, cũng như dùng các tít đánh động thế giới: “Hơi cay được sử dụng để tấn công người biểu tình”. Sau các vụ tuần hành tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn vài tháng trước, đây là lần biểu tình quy mô và to lớn nhất từ sau khi Hồng Kông bị về tay Trung Cộng.
Joshua Wong trả lời các hãng truyền thông. nguồn NBCnews.com
Cảnh sát Hồng Kông tấn công người biểu tình bằng hơi cay. nguồn NBCnews.com
Trung Cộng bày tỏ thái độ giận dữ qua các phát biểu từ Bộ Ngoại Giao cùng những ngôn từ trên hầu hết các phương tiện truyền thông quốc doanh để đả kích làn sóng dân chủ tại Hồng Kông, cũng như đã khóa lại một số trang mạng xã hội đang phát tán các hình ảnh và tin tức về cuộc biểu tình vì lo sợ làn sóng dân chủ tại Hồng Kông lan truyền sang đại lục. Nhưng liệu Trung Cộng có dại dột để tạo ra một cuộc đàn áp tương tự như Thiên An Môn ngay tại Hồng Kông hay không, thì làn sóng dân chủ Hồng Kông đã thật sự mở màn và khó lòng ngưng lại. Tại Việt Nam thì cho đến tối ngày Thứ Hai giờ Châu Á, trên các trang mạng báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân của Việt Nam vẫn không hề có bất cứ một hàng tin hay hình ảnh biểu tình nào của sinh viên học sinh Hồng Kông. Có phải những cái tên như Joshua Wong và cuộc đấu tranh dân chủ của sinh viên học sinh tại Hồng Kông cũng làm nhà cầm quyền Việt Nam bối rối? Cái thông lệ bưng bít thông tin này cũng cho thấy phong trào “Tôi Muốn Biết” của giới trẻ Việt Nam khởi xướng qua mạng lưới internet trong hơn một tháng qua quả có lý do của nó.
Joshua Wong, lãnh đạo Nhóm Scholarism bị cảnh sát bắt vào đêm Thứ Sáu. Ảnh: SCMP
ĐYT