Cho đến tận bây giờ, ngày hai buổi đi – về trên lộ trình quen thuộc, tôi vẫn luôn dõi mắt kiếm tìm Bác tài xế xe buýt tốt bụng ngày nào. Chỉ mong được nói lên lời cảm ơn chân thành đến Bác thêm một lần nữa. Nhưng, thật khó để có thể thực hiện điều tưởng chừng như đơn giản này. Bởi, kể từ ngày đó, tôi không còn gặp lại Bác, người tài xế tốt bụng, lái chiếc xe buýt số 4, lộ trình từ Parksville đến Nanaimo, trên đảo Vancouver nữa.
Ngày đó, tôi từ Việt Nam mới sang Canada được 2 tuần. Tất cả mọi thứ đều trở nên bỡ ngỡ. Cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ quê hương xứ sở… dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Và vì cuộc sống mưu sinh, tôi phải đi tìm việc ngay ở những ngày đầu mới đặt chân đến xứ lạ quê người này. Do người bảo trợ của tôi cứ than vãn chuyện xăng mắc mỏ và luôn càm ràm trên suốt đoạn đường chở tôi đi tìm việc. Tôi thấy rất ngại và một chút tự ái mỗi khi leo lên xe của họ. Thế là tôi quyết định học cách đi xe buýt vào ngày Thứ Sáu của tuần thứ hai. Hôm đó, tôi được hẹn phỏng vấn việc làm ở một nhà hàng người Việt. Tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng, vì sắp có cơ hội làm việc. Lo, là vì tôi hoàn toàn không biết đường đi đến đó. Vì không muốn trễ giờ hẹn cũng như không muốn gây ấn tượng không hay cho Nhà Tuyển Dụng ở buổi đầu gặp gỡ, nên tôi đã ra khỏi nhà trọ từ rất sớm, trừ hao nếu có lạc đường, thì vẫn còn cơ hội để khắc phục hậu quả.
Nhìn vào tấm bản đồ và lịch trình xe buýt được phát miễn phí cho người mới định cư, mà mắt tôi cứ hoa lên. Những, Ngày/ Giờ/ Lộ trình… chi chít và dày đặc những tên đường xa lạ, và cả những con số cực nhỏ, nhỏ đến độ dễ gây cho người xem sự nhầm tưởng như một nhúm mè, được xếp ngay ngắn trên miếng bánh tráng trắng ngần. Tận dụng hết vốn liếng tiếng Anh mà tôi được học lúc còn ở quê nhà, tôi mạnh dạn hỏi thăm người đi đường, và cuối cùng cũng lần mò đến được trạm xe buýt số 90.
Lên xe rồi, tôi chìa tấm giấy nhỏ có ghi địa chỉ nơi tôi sắp đến. Theo người tài xế, thì muốn đến được nơi này, tôi phải chuyển thêm 3 chuyến xe buýt nữa. Trời! Tôi bắt đầu thấy choáng thật sự! Mồ hôi trên trán bắt đầu thi nhau tuôn xuống mặt. Xe chuyển bánh, tôi lân la, hỏi thăm một hành khách ngồi bên cạnh mình, chị vui vẻ cho biết: Tôi cần phải xuống ở trạm kế là Woodgrove. Sau đó, đón xe số 88 đi đến Country Club Centre. Lại chuyển tiếp xe số 3 đi xuống Downtown, và cuối cùng, đón tiếp xe số 4 đi ngược lên Vancouver Island University. Và trên đoạn đường này có đi ngang qua đường tôi cần đến, nhưng cần phải theo dõi, để khi gần tới, thì nhấn chuông báo cho tài xế dừng lại theo yêu cầu, (mà người ở đây thường gọi là “Stop requested “). Thế là tôi đã làm theo, nhưng họ quên không dặn tôi cần xin vé chuyển khi đi chưa hết 75 phút/ vé. Nên thay vì chỉ mất $2.50, thì tôi đã trả hết $7.50 cho 3 lần chuyển xe. Mà đi xe buýt ở đây chỉ nhận tiền cắc, vì bỏ tiền vào máy tự động, không như ở quê tôi, có hẳn một nhân viên đứng thu tiền. Vì thế, tôi không còn đủ tiền cắc cho chuyến xe cuối cùng, là xe số 4. Và tôi đã gặp ông, Bác tài đầy nhân hậu. Sau khi nghe tôi giải thích là không còn tiền, ông cười một nụ cười hiền và vẫy tay kêu tôi: “Cứ lên xe! Đừng lo!”. Tôi lí nhí cảm ơn rồi rón rén bước lên xe, cùng một chút ngại ngùng.
Ngồi phía sau ông, tôi lén nhìn ông qua kiếng chiếu hậu. Ông, độ khoảng ngoài 50 tuổi. Với dáng dong dỏng cao, da trắng, gương mặt ông thật hiền hoà, và có vẻ dễ chịu. Vừa lái xe, ông vừa huýt sáo, thể hiện sự vui tính và yêu đời. Miệng ông lúc nào cũng như đang mỉm cười đầy sự thân thiện…
Đang miên man suy nghĩ, tôi bỗng giật mình, khi ông dừng lại ở trước cổng Trường Đại Học, quay lại, mỉm cười và nói: “Cô ơi! Đây là trạm cuối rồi!”. Tôi ngớ người, hoảng hốt, vì quang cảnh dường như quá xa lạ với nơi mà tôi định đến. Mải lo suy tư, mà tôi quên mất có biết bao kẻ lên, người xuống, ở mỗi trạm dừng. Và hiện tại trên xe, chỉ còn mỗi ông và tôi. Tôi vội chạy đến gần ông, chìa ra mảnh giấy có ghi địa chỉ nhà hàng, tôi nói với giọng van xin, gần như sắp khóc: “Thưa ông, tôi bị lạc đường. Tôi đi xin việc ở đây, nhưng từ sáng giờ vẫn không tìm được. Và nơi này, thật sự xa lạ. Tôi dường như không biết hiện giờ, tôi đang ở đâu nữa…”. Ông tắt hẳn máy xe. Nhìn mảnh giấy gần như nhàu nát, chữ đã nhoè đi một số chỗ do mồ hôi trong tay tôi tuôn ra. Xem xong, ông trầm ngâm trong vài giây, và như chợt nhớ ra điều gì, ông nhìn tôi, cười thông cảm và nói: “Ở đây đã qua khá xa với nơi cô muốn đến. Tôi nghĩ tôi biết chỗ này. Trở lại chỗ ngồi đi!”. Ông nói như ra lệnh, trước khi đề máy xe. Một câu ra lệnh thật nhẹ nhàng và đáng kính làm sao! Tôi ngoan ngoãn trở lại chỗ ngồi. Xe bon bon trên đường, hết quẹo trái rồi đến quẹo phải. Qua hai ngọn đồi và một chiếc cầu rất cao, to và đẹp. Qua nhiều khúc quanh co, ngoằn ngoèo… chở mỗi một hành khách là tôi! Xe chạy như thế khoảng hơn 20 phút, thì dừng lại. Ông quay lại, vẫn nụ cười hiền hoà, thân thương trên môi và chỉ tay về phía bên kia đường hỏi tôi: “Đó có phải là nơi cô muốn đến?”. Theo hướng tay ông chỉ, bên kia đường, một nhà hàng không lớn lắm, với bảng hiệu đèn chớp, tắt có hai chữ “Phở Việt”. Tôi mừng rỡ và trả lời như reo, “Dạ”. Ông vui cùng với niềm vui khôn tả của tôi. Tôi cảm ơn ông ríu rít trước và sau khi xuống xe. Ông cũng tươi cười tạm biệt tôi và không quên kèm theo lời dặn “Qua đường cẩn thận! Nhớ bấm đèn báo hiệu khi qua đường!”. Tôi quay lại, đưa tay lên ngang trán, chào như các chiến sĩ trong Quân Đội chào Quốc Kỳ mỗi khi làm lễ và nói “Yes Sir! “. Xe ông lao đi vun vút. Tôi đứng nhìn theo cho đến khi chiếc xe buýt to đùng, có thể chở hơn 50 hành khách, chỉ còn là một chấm nhỏ, và rồi cũng khuất hẳn phía sau ngọn đèo.
Có thể do mừng quá, nên tôi chỉ lo cảm ơn ông, mà quên mất hỏi tên ông là gì. Tôi chặc lưỡi, tự trách mình quá lẩn thẩn, đến độ quên mất điều này. Nhưng rồi, tôi tự nhủ: “Ngày nào mình cũng đi xe buýt, mình sẽ tìm ông để hỏi, mấy hồi!”. Dù không biết tên, nhưng gương mặt ông thì tôi vẫn nhớ rõ từng chi tiết. Nhất là nụ cười thật phúc hậu làm sao! Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy an tâm phần nào.
Và nhờ Trời, nên cuộc phỏng vấn thành công. Thứ Hai tới, tôi sẽ làm việc.
Cũng kể từ Thứ Hai đó cho đến tận bây giờ. Đã mấy mùa Đông qua đi và một mùa Đông nữa sắp đến, vậy mà bóng bác tài xế ngày nào của tôi vẫn mất dạng. Tôi tìm, và mãi tìm… trong tuyệt vọng. Đã bao lần, tôi tự hỏi: “Có khi nào, ông đổi nghề, hay nghỉ hưu, và ngày đó, là ngày cuối cùng ông còn làm việc? Hay ông đang nghỉ bệnh? Không biết ông có sao không?…” Cả trăm ngàn câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình, nhưng vẫn không có lời giải đáp mà cũng không ai có thể trả lời giúp dùm tôi. Tôi luôn tự trách mình: “Khi không lại quên những điều mà lẽ ra cần phải nhớ “. Vì giả sử, nếu biết được danh tánh của ông, thì biết đâu giờ đây, đã dễ hơn cho tôi khi muốn tìm lại ông chăng?
Thời gian cứ như chậm chạp trôi qua. Một lần qua thăm bạn tôi ở Vancouver. Khi về, anh ta dúi vào tay tôi quyển Tạp Chí ” VANCOUVER TRẺ “, để đọc trong suốt thời gian 150 phút trên phà về lại Đảo. Quả thật đó là một định mệnh. Khi đọc đến bài “CẢM ƠN U ” của tác giả TTĐ. Đọc đi, đọc lại những 3 lần, mà tôi vẫn còn nguyên sự xúc động. Sang trang kế bên, tôi mừng rỡ, khi thấy Chuyên Mục “CẢM ƠN U” của THE VIETNAMESE MONTHLY MAGAZINE có Chương Trình mời tham dự giải viết ngắn….
Tôi vui mừng khôn xiết, vì biết đây là cơ hội để tôi nói lên lời tri ân đến ân nhân của tôi ngày nào. Không biết ông có biết tiếng Việt hay có bạn bè nào là người Việt không!? Nhưng tận trong thâm tâm, tôi vẫn tin, một ngày nào đó, nhân một cơ hội nào đó…
những lời biết ơn chân thành này của tôi sẽ đến tận tai ông, nếu may mắn, bài viết Tri Ân này của tôi được VANCOUVER TRẺ chọn để đăng.
Nhưng dù có được chọn hay không, thì tôi cũng rất biết ơn The Vietnamese Monthly Magazine đã cho tôi cơ hội thật quý báu này. Cho tôi được nói lên nỗi lòng mà tôi đã cất giấu bấy lâu mà cũng không biết tỏ cùng ai.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn THE VIETNAMESE MAGAZINE, VANCOUVER TRẺ. XIN CẢM ƠN!