Menu Close

Đi tìm một cánh chim xanh

Chiều nhạc thính phòng tại thư viện La Jolla

Thành phố thùy dương La Jolla trong một buổi chiều thật ấm áp và rực rỡ. Thời tiết 75 độ – khá quảng đại cho một chiều chớm Xuân. Con đường Torrey Pines vẫn đông xe như những chiều nắng ấm khác. “Ai nấy kéo nhau đi biển,” có người nói như vậy.

Thư viện La Jolla, bên cạnh những sinh hoạt phong phú khác, tổ chức buổi nhạc thính phòng với Robert Williams trình diễn Windsynth và Masayo Norikura với đàn Koto lúc 6 giờ rưỡi chiều hôm nay.  Buổi nhạc thính phòng này mệnh danh “đi tìm một cánh chim xanh,” cũng là tên của CD thứ hai và CD mới nhất do Masayo và Robert đồng thực hiện.  Đây là lần thứ hai quý vị nhạc sĩ được mời trình diễn tại Thư viện. Lần trước, chương trình của họ diễn ra ít ngày sau đám cháy rừng tại San Diego vào Tháng Mười.  Tuy đối phó với cảnh khói lửa, nhiều người vẫn gọi điện thoại xem chương trình có diễn ra không, và đã đến tham dự thật đông. Theo lời của nhân viên thư viện đứng ra tổ chức chương trình, “Buổi nhạc năm ngoái là một thành công rực rỡ.”

alt

Hai nghệ sĩ cùng say đắm đi tìm cánh chim xanh

Nhật Bản – Hoa Kỳ: tuy xa mà gần…

Trong thời đại liên mạng của thiên niên kỷ thứ ba, khoảng cách địa lý đã được rút ngắn qua nhiều hình thức.  Robert và Masayo, kẻ ở Mỹ, người ở Á, nhưng lại có thể kết hợp sáng tác âm nhạc với nhau một cách thoải mái. Vì sự đa dạng của chương trình, sau mỗi bài hát, Masayo đều phải lên dây để đúng tông với bài hát kế tiếp. Trong lúc cô lên dây, thì Robert kiêm vai trò MC để giới thiệu về công việc sáng tác của họ.

– Thật là tuyệt vời khi tôi có thể nói chuyện và thấy cô Masayo trực tiếp qua Webcam khi chúng tôi gọi nhau qua Skype. Miễn phí, và vô cùng thuận tiện!  Lúc nào cô ấy viết nhạc xong, thì lại gọi tôi, và tôi mở máy fax.

– Tuy họ chỉ gặp nhau một năm hai lần để kết hợp trình diễn và thu âm cho các tác phẩm mới của mình, nhưng họ thường xuyên liên lạc với nhau qua email và skype. Nhờ đó, hai nhạc sĩ này đã làm việc liên lỉ và thâu được hai CD, và đang trong quá trình thực hiện CD thứ ba. Sự hài hòa của hai phong thái rất khác biệt của hai nhạc sĩ cũng tạo nên sự thú vị cho người đến dự. Robert thì rất ‘bụi,’ trong khi Masayo thì rất “Nhật.” Robert càng bình dân và hóm hỉnh bao nhiêu, thì Masayo càng kín đáo và giữ lễ bấy nhiêu. Có lúc, Robert khôi hài, nói là anh phải đảm trách bá nghệ. Anh nói:

– Masayo chỉ lo có mỗi việc chơi đàn Koto. Còn tôi, tôi khuân vác máy móc, tôi khiêng đàn Koto cho cô, tôi gồ hệ thống âm thanh…  Cái gì cũng tôi, còn cô ấy chỉ lo mỗi việc chơi đàn Koto.

Một cô gái trong khán giả đã nhanh nhẩu, “Sao anh may mắn thế!”  Masayo cười thẹn, một nụ cười có nhiều tia sáng ấm và mềm. Tôi nhớ thuở nhỏ, khi đọc tiểu thuyết Nhật Bản “Đèn không hắt bóng” (Vô Ảnh Đăng) của tác giả Duynichi Watanabe, tôi có một ấn tượng bất định về đời sống nội tâm của người Nhật. Tôi chợt nghĩ, tiếng đàn và tâm hồn của Masayo cũng phảng phất một cái gì đó rất thiền lặng, rất mênh mang, rất Phù Tang.

Tuy gần mà xa…

Cô Masayo lần này đến Hoa Kỳ hơi vất vả. Chuyến bay của cô đã bị trì hoãn ở Nhật và lộ trình của cô cũng bị thay đổi. Những bất trắc như thế này vẫn thường xảy ra trong những chuyến bay liên lục địa. Cô Masayo đã mất hơn 60 tiếng đồng hồ để đi từ nơi cô sinh sống ở Nhật đến Los Angeles. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn ngoài dự định đó đã không ảnh hưởng đến niềm đam mê âm nhạc và sự tận tâm với nghệ thuật trình diễn của người nghệ sĩ này. Masayo đắm mình trong điệu đàn, khi thì róc rách như nắng chiều đổ xuống trên bờ biển La Jolla, khi thì thung dung như ngọn bạch đàn trong những cánh rừng con rải rác khắp làng thùy dương, khi thì lơ lửng như không gian của Thái Bình Dương treo trên mặt sóng. Và tuy cô đưa âm thanh và kỹ thuật của đàn Koto vào một thế giới ‘world beat’ trong sự kết hợp với Windsynth của Robert, Masayo vẫn giữ cho người thưởng thức một âm hưởng Nhật Bản. Cô tung cây đàn Koto vào vũ trụ, đả phá tất cả những gò bó của các bài nhạc cổ truyền nhưng lại vẫn giữ cho điệu đàn một cái gì đó rất riêng của xứ hoa Anh Đào. Ngón đàn của cô réo rắt và du dương, dịu dàng mà quyết liệt, như cuộc sống cuộn trôi ngoài kia, giữa những thách đố kinh tế thế giới và một niềm tin yêu đời không nhượng bộ. 

Chiều nay, Masayo đã cho lòng tôi được lắc lư trong những rặng rừng xanh ngát của Nhật, được đong đưa trên những dãy núi mờ ở một nơi không cố định trên quả đất, được thả lòng bên dòng thời gian khi xuôi khi ngược, được về lại với chính mình trong một âm hưởng Đông phương, được làm đứa bé gọi may mắn về với mình qua bài kết thúc “Kichi, kichi, lái lái.” Tựa đề bài hát này, phần đầu là tiếng Nhật, phần sau là tiếng Hoa, có nghĩa là, “May mắn ơi, hãy đến đây.” Nhạc khúc đến với cô khi Masayo đang đi xe đạp, và gợi cho cô ý tưởng tìm một từ ngữ gì đó kêu kêu để đưa vào dòng nhạc. Và cô nghĩ, à, may mắn, nghe cũng hay! Cô gọi cho Robert, và tập cho anh hát với cô. Nhưng người bạn nhạc sĩ của cô đã than thở với cử tọa rằng cô hát một nhịp, nhưng vỗ tay một nhịp khác, và anh chịu, không theo được.  Masayo cũng tập cho khán giả hát câu này khi kết thúc buổi hòa nhạc, và cô cũng vỗ tay và hát với hai nhịp khác nhau, để cho khán giả vừa thán phục vừa bối rối.

Tôi không kịp bối rối, bởi Masayo đã cho tôi đi vào một không gian rất đẹp và rất thơ, một không gian của Koto rất ‘thế kỷ 21.’  Và trong không gian đó, tôi không có cơ hội và không có quyền để bối rối.

Cám ơn Masayo, cám ơn đàn Koto, cám ơn Robert, cám ơn cánh chim xanh…

Xin mời quý độc giả gặp gỡ với hai nghệ sĩ đáng yêu này tại masayoandrobert.com

alt

Robert và Masayo cùng khán giả hâm mộ