Nhà văn Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, bút hiệu khác: Tràng Thiên. Ông sinh ngày 20/10/1925 tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha là Đoàn Thế Cần làm giáo học, mẹ là Ngô Thị Cương. Khoảng năm 1933, cha mẹ xuống Rạch Giá lập nghiệp đem theo em trai của ông là Đoàn Thế Hối; Võ Phiến ở lại Bình Định, sống với bà nội, học trường làng và trung học ở Quy Nhơn. 1942 ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn.

Nhà văn Võ Phiến – PHOTO DÂN HUỲNH – NGUỒN DIENDANTHEKY.NET
Thuở thiếu thời Võ Phiến có gia nhập bộ đội và tham gia kháng chiến một thời gian ngắn. Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố (Võ Phiến là Viễn Phố nói lái) và ông dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V. Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin ít lâu rồi xin chuyển vào Quy Nhơn, tại đây ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu Chữ tình (1956) và Người tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa. Từ tác phẩm thứ ba Mưa đêm cuối năm (in năm 1958, tại Sàigòn), Võ Phiến bắt đầu nổi tiếng, ông xin đổi vào làm việc tại Sài Gòn, cộng tác thường xuyên với các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn… và trở thành một trong những cây bút chính của tờ Bách Khoa, cùng với Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh, v.v… Năm 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới.
Rời nước một tuần trước ngày 30/4/1975, một thời gian sau ông định cư tại Los Angeles, làm công chức thuế vụ.

Tạp chí Văn, số giới thiệu Võ Phiến
Nhận định hành trình văn chương Võ Phiến, nhà thơ Du Tử Lê viết trên trang mạng của mình: Võ Phiến là một trong những nhà văn hàng đầu của 20 năm VHNT miền Nam, giai đoạn 1954-1975. Giai đoạn sự nghiệp văn chương của ông đạt tới đỉnh cao nhất là thập niên 1960, khi ông di chuyển từ miền Trung vào Saigon. Đó là thời gian ông xuất bản những tác phẩm được nhiều người biết tới, như: “Đêm Xuân Trăng Sáng”, “Giã Từ”, “Thương Hoài Ngàn Năm”, hay “Thư Nhà’, “Đàn ông”, “Ảo Ảnh”, “Phù Thế ”, v.v…
Nhà phê bình Thụy Khuê nhận định: Võ Phiến là một trong những người đầu tiên có công xây dựng nền văn học Việt Nam Hải Ngoại, chủ trương tập san Văn Học Nghệ Thuật từ 1978 đến 1979, rồi từ 1985 đến 1986. Tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến là nguyệt san văn học có uy tín đầu tiên tại hải ngoại, là tiền thân của tờ Văn Học mà sau này Nguyễn Mộng Giác tiếp nối rồi tới Cao Xuân Huy. Văn Học Nghệ Thuật đã mở đầu cho một trào lưu văn học đích thực mà sau này trở thành Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, hội tụ những cây bút cũ và mới, tạo ra một lớp người viết và người đọc tham dự vào văn chương tiếng Việt.

Một tác phẩm của Võ Phiến
Theo nhận xét của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc thì trong lãnh vực nghiên cứu văn học ở hải ngoại từ sau năm 1975, bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, dù gây nên nhiều tranh cãi sôi nổi và dù còn một số hạn chế, vẫn là một trong những thành tựu lớn nhất. Nó không những giúp người đọc nhận diện một khía cạnh khác trong tài năng của Võ Phiến mà còn cung cấp cho người đọc một khối tài liệu đồ sộ và đáng tin cậy về một nền văn học từng một thời phồn thịnh nhưng ngỡ đã bị quên lãng từ khi Miền Nam sụp đổ vào ngày 30-4-1975 và sách vở, văn chương, báo chí đều bị coi là phản động. Đó là văn học Miền Nam thời gian 1954-1975
Từ tháng 7/1994, Võ Phiến nghỉ hưu về sống tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ. Nhà văn Phạm Xuân Đài ghi nhận: Sinh hoạt hàng ngày của ông vẫn là đọc và viết. Và chơi với con cháu. Và tiếp bạn bè. Ông bà có bốn người con, ba trai một gái, và cho đến nay, 2010, đã có ba cháu nội và một cháu ngoại. Nhưng chưa hết: lại đã có chắt, hiện nay là ba chắt nội, đứa lớn nhất lên năm tuổi. Nếu cha mẹ con cái ở chung một nhà như ngày xưa thì ông bà Võ Phiến nay đứng đầu cho một dòng Ông Bà Con Cháu gọi là “tứ đại đồng đường” (bốn thế hệ ở cùng nhà).
Nhìn lại, sự nghiệp văn chương của Võ Phiến có thể nói là đồ sộ gồm trên 40 cuốn. Ông viết nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tiểu luận, tạp luận, biên khảo, phê bình, dịch thuật. Đặc sắc hơn cả là tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút. Ông là người có công sưu tập, lưu trữ và nhận định về Văn Học Miền Nam trong 6 bộ sách đã in.

Nghỉ hưu tại Quận Cam – NGUỒN DUTULE.COM