Nếu cuộc đấu tranh dân chủ của sinh viên Hoa Lục tại quảng trường Thiên An Môn hồi 1989 đã dễ dàng bị đàn áp vì bối cảnh chính trị và phương tiện kỹ thuật lúc bấy giờ, thì cuộc Cách Mạng Dù của sinh viên Hồng Kông vừa qua luôn được cập nhật tức thời và liên tục mọi hình ảnh, tin tức, diễn biến ngay nơi biểu tình để tìm sự ủng hộ và hậu thuẫn từ khắp mọi nơi. Những cuộc đấu tranh dân chủ khắp thế giới sẽ dễ dàng bị bưng bít và dập tắt nếu không nhờ những phương tiện kỹ thuật như hiện nay. Nhìn về phong trào dân chủ tại Hồng Kông, việc các sinh viên Hồng Kông tận dụng internet và các phương tiện kỹ thuật cao cũng nên được các phong trào đấu tranh tương tự lưu tâm.

Trong một bài báo kể lại diễn tiến chụp được bức ảnh “Tank Man” lịch sử – hình một thanh niên Hoa Lục đang chặn đầu đoàn xe tăng của vệ binh Trung Cộng chuẩn bị đàn áp sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn, phóng viên ảnh của tờ Newsweek là Charlie Cole kể rằng, ông đã phải giấu cuộn phim chụp được vào trong bồn cầu tại khách sạn trước khi tìm cách gởi về tổng hành dinh mà phát tán đi khắp thế giới. Đó là thời điểm của 25 năm trước, khi kỹ thuật internet và phương tiện thông tin liên lạc vẫn còn sơ khai, cũng như chỉ có một số ít ký giả phương Tây đang hiện diện tại Bắc Kinh dưới sự theo dõi nghiêm ngặt từ các nhân viên an ninh Trung Cộng lúc bấy giờ. Nhưng với cuộc Cách Mạng Dù tại Hồng Kông hiện nay, có thể xem đây là khuôn mẫu cho việc ứng dụng kỹ thuật thông tin một cách có tổ chức và bài bản so những cuộc cách mạng dân chủ trước nay.
Để truyền được tấm hình này, phóng viên Charlie Cole đã phải chịu nhiều vất vả và nguy hiểm – nguồn famouspicture.org
Tất nhiên việc thừa hưởng một trong những hệ thống internet và thông tin liên lạc mạnh nhất thế giới hiện nay, giới trẻ Hồng Kông (HK) đã có một lợi thế hơn hẳn nhiều quốc gia khác. Trong các bảng xếp hạng về các quốc gia có đường truyền tốc độ internet nhanh nhất thế giới hiện nay từ các tổ chức nghiên cứu và đánh giá khác nhau, tựu trung thì Hồng Kông hay Nam Hàn đều thay nhau chiếm vị trí đầu bảng trong danh sách này. Cũng vậy khi nói về điện thoại di động, mật độ sử dụng của người dân HK cũng nằm trong danh sách hàng đầu thế giới với tỉ lệ hơn 80% người sử dụng điện thoại đa năng và mật độ sử dụng là 237%, tức trung bình mỗi người dân có hơn hai cái điện thoại cầm tay. Đảo quốc nhỏ và lại giàu có, cũng như là trung tâm tài chính thế giới cùng một tham vọng trở thành trung tâm kỹ thuật thế giới trước cơn sốt internet vào đầu thập niên 90, đã biến Hồng Kông thành một quốc gia có kỹ thuật cao như vậy. Dù vậy, việc giới trẻ Hồng Kông tận dụng một cách hiệu quả và thông minh các điều kiện kỹ thuật này đã chứng tỏ một khả năng tổ chức chung cùng những sự am hiểu kỹ thuật đáng khâm phục của họ.
Đêm Chủ Nhật 28 tháng 9 ngay khi cuộc biểu tình bắt đầu, sau khi những hình ảnh cảnh sát xịt hơi cay và tấn công sinh viên được phát tán lên internet, hàng ngàn sinh viên học sinh HK vốn chưa tham gia vào phong trào đã đổ xô ra đường ủng hộ những sinh viên tranh đấu và có thể đó cũng là một trong những lý do giới hữu trách ngừng ngay các cuộc tấn công vì e rằng sẽ lôi kéo thêm những sinh viên học sinh chưa tham gia. Những chiếc điện thoại đa năng rọi sáng cả một góc tối khu vực biểu tình, những người biểu tình truyền hình ảnh và các thước phim chụp và quay được đến bạn bè hay đưa lên các trang mạng xã hội, đã trở thành thứ vũ khí hữu hiệu của người biểu tình. Cũng ngay trong ngày, trang Facebook song ngữ Anh-Hoa LIVE: Verified Updates được một nhóm sinh viên báo chí đại học HKU tự động thiết lập nhằm cung cấp các nguồn tin có kiểm chứng cho những người biểu tình và những ai quan tâm đến tình hình HK từ khắp thế giới. Và đến nay thì bên cạnh các nguồn tin từ các hãng truyền thông, dường như những ai sử dụng điện thoại đa năng hoặc các trang mạng xã hội cũng nắm rõ đầy đủ tin tức hình ảnh từ HK. Ngược lại, ngay tại các khu vực biểu tình, các máy phóng ảnh cực mạnh được nối kết vào các máy điện toán cầm tay hay điện thoại để chiếu lên các bức tường lớn những đoạn thu hình, các tin tức từ các hãng thông tấn phương Tây cùng các phát biểu ủng hộ, phản hồi từ khắp thế giới để họ vững lòng vào cuộc đấu tranh của mình.
Làn sóng dân chúng phản đối vẫy điện thoại di động của mình trong không khí bên ngoài khu liên hợp chính phủ ngày 01 Tháng mười 2014 tại Hồng Kông, nguồn time.com
Nếu cuộc Cách Mạng Mùa Xuân tại các nước Ả Rập đã phụ thuộc phần lớn vào Facebook và Twitter để liên lạc và phát tán tin tức hình ảnh và gặp phải trở ngại khi nhà cầm quyền chặn lại các trang mạng này hay cắt đứt internet và sóng điện thoại, thì sinh viên HK đã học được bài học này và bắt đầu sử dụng ứng dụng điện thoại FireChat để liên lạc mà không cần đến internet và sóng điện thoại, trong trường hợp chúng bị cắt đi. Đơn giản và hiệu quả, FireChat được xem như một phòng họp ảo để mọi người trong nhóm cùng trao đổi thông tin, thông báo tình hình, truyền đạt mệnh lệnh… Sử dụng kết nối bluetooth, một tính năng truyền dữ liệu không dây trong khoảng cách ngắn qua điện thoại di động, các sinh viên chia làm từng nhóm nhỏ và phân chia công việc, từ các thông tin chung cho đến việc di chuyển, cung cấp thực phẩm, vệ sinh, nước uống hoặc luân phiên nghỉ ngơi… Cũng có thể kể thêm việc góp sức và ủng hộ phong trào dân chủ tại HK từ tổ chức Code4HK của một nhóm chuyên gia điện toán trẻ. Trang mạng được thiết kế để cung cấp các hướng dẫn chi tiết cho người biểu tình, các trung tâm cung cấp hậu cần, tình hình giao thông trực tuyến, sơ đồ di chuyển, nghỉ ngơi… để cuộc biểu tình trở thành trật tự, có tổ chức và duy trì được lâu dài. Code4HK còn thiết kế cấp tốc một số ứng dụng điện thoại nhỏ để tạo thêm sự tiện lợi cho mọi người trong một số vấn đề khác. Không những vậy, Code4HK và một nhóm chuyên viên điện toán ẩn danh Anonymous còn ủng hộ mạnh mẽ phong trào biểu tình khi tuyên bố nếu cảnh sát lại tấn công người biểu tình, họ sẽ tấn công các trang mạng chính phủ và công bố hồ sơ cá nhân của những người lãnh đạo HK. Nhóm chuyên gia chuyên xâm nhập và tấn công nhiều trang mạng chính phủ, các tập đoàn trong hoạt động cổ súy nhân quyền và tự do ngôn luận là Anonymous khét tiếng thế giới, cũng đã lên tiếng ủng hộ người biểu tình HK và cảnh cáo chính quyền và cảnh sát HK về việc đàn áp người biểu tình. Họ cho biết đó “không phải là sự đe dọa mà là một lời hứa” và trên thực tế, cuối tuần trước họ đã bắt đầu đánh sập một số trang mạng các đảng phái chính trị thân Trung Cộng tại HK.
Người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông sử dụng FireChat để giữ liên lạc với nhau khi không có internet và wifi – nguồn Alex Ogle / AFP / Getty Images
Trung Cộng cũng nhận biết những nguy hiểm về việc tận dụng kỹ thuật của phong trào dân chủ tại Hồng Kông hiện nay nên đã tung các nhóm an ninh kỹ thuật và tin tặc để chống lại người biểu tình. Một số ứng dụng điện thoại giả mạo danh nghĩa tổ chức Code4HK đã được gởi đến người biểu tình để cài đặt các nhu liệu thu nhận, theo dõi mọi cuộc trò chuyện, nhắn tin, di chuyển của những ai tải về điện thoại mình các ứng dụng mang virus này. Không ngừng ở đó, ngay sau khi đăng bài xã luận chỉ trích người biểu tình HK và cảnh cáo người dân Hoa Lục về các ý định phản kháng như HK ngay trên trang nhất của tờ báo Đảng Nhân Dân Nhật Báo vào buổi sáng Thứ Sáu tuần trước, Trung Cộng đã bắt đầu tấn công thô bạo vào cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên HK ngay tối đó khi cài người hoặc thuê du đãng mạo danh “biểu tình chống biểu tình” để tấn công vào sinh viên học sinh, trước sự làm ngơ của cảnh sát HK. Có thể khó lòng áp dụng những cách đàn áp hung hăng như thế ngay tại Hoa Lục, nhưng với các thủ đoạn này, Trung Cộng và những nhóm thân Trung Cộng tại HK có thể từng bước tạo các áp lực để giải tán cuộc biểu tình đã kéo qua tuần thứ hai. Cũng một lần nữa, tất cả những thủ đoạn này đều được trực tiếp truyền đi khắp thế giới và chỉ làm tăng thêm sự ủng hộ của thế giới tự do với cuộc tranh đấu của sinh viên HK hiện nay.
Nếu như cuộc biểu tình và đòi hỏi dân chủ của giới trẻ Hồng Kông phải giải tán, hay có đạt được thoả thuận tích cực nào không trong những ngày tới, thì cuộc Cách Mạng Dù tại HK đã được ghi nhận như một thắng lợi to lớn cho giới trẻ và người dân HK nói chung. Những tiếng nói dõng dạc đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi quyền tự do ngôn luận và biểu tình trong ôn hòa đã được cả thế giới nhìn vào và ủng hộ, cũng như những ý định phản dân chủ muốn áp đặt lên Hồng Kông từ giới thân cộng HK và Bắc Kinh phải dè dặt hơn. Nó cũng đã truyền đi những niềm cảm hứng cho giới trẻ khắp thế giới trên con đường tìm tự do và dân chủ cho chính dân tộc mình. Xin gởi lời chào bình yên và chúc lành đến những người bạn trẻ Hồng Kông.
Những người biểu tình sạc điện thoại di động của họ bên ngoài một trung tâm nghệ thuật gần tòa nhà trụ sở chính phủ ở Hồng Kông – photo Carlos Barria / Reuters
ĐYT