Menu Close

Đổi cái tên “cúng cơm”

Gia đình vợ chồng hàng xóm vào quốc tịch tổ chức bữa tiệc ăn mừng. Ăn nhậu nhân dịp này không dễ dàng từ chối. Trong lúc bữa tiệc vui vẻ thì hai đứa con gái tuổi teen của chủ nhà lên tiếng đòi cha mẹ đổi tên cho ra người Mỹ. Bữa tiệc vui bỗng biến thành cuộc tranh luận.

 

alt

Vào quốc tịch là niềm vui của nhiều người nhập cư trên nước Mỹ

Ông bố thì bảo cứ giữ cái tên “cúng cơm” vì đã nghe quen cái lỗ tai rồi, còn bà mẹ chống chế “thôi kệ, để tụi nó một cái tên mới cho có vẻ Tây, sống ở xứ này, có cái tên Mỹ nghe cũng “oai”. Tui cũng đổi tên “Đài” thành “Dana” nghe hay hơn, ông sếp cứ gọi là “Die, Die”, nghe muốn nhảy lên bàn thờ”. Con chị tên Kim đòi đổi tên là Kimberly vừa mang tên cũ vừa có thêm tên mới. Quá hợp lý. Con em tên Chi phân vân không biết chọn tên gì nên ông bố đành nhờ anh em góp ý. Thôi thì để giữ tên giống như con chị, đặt cho nó là “Chili”. Cả bàn nhậu cười lăn. Con em mặt nhăn như ăn ớt.

 

alt

Nhiều người nhập cư hay con cái của họ hồi đầu thế kỷ 20, có một thông lệ: Đến Mỹ, họ sẽ chọn cho mình một nhân dạng mới, một cái tên mới, có thể thuận lợi trong công việc hoặc kinh doanh

Nhân chuyện đổi tên, anh em đem ra những câu chuyện về cái tên “cúng cơm” góp chuyện. Tôi không biết có thật hay không, hay là mấy cha nổ. Chuyện hồi ở trại Bidong, nhân viên di trú phỏng vấn thanh lọc người vượt biên cho vào Mỹ. Gọi ông Nô lên hỏi, ông không biết tiếng Anh nên trả lời câu nào cũng “Nô”, cốt ý cho nhân viên di trú biết tên mình. Hỏi tên, ông trả lời “Nô”, quá đúng. Hỏi có thân nhân sống ở Mỹ không, cũng “Nô” tuốt luốt. Hỏi có muốn vào Mỹ định cư, ông “Nô” luôn cho gọn. Cuối cùng hồ sơ ông bị gác lại chờ có người phiên dịch đến giúp.

Vào Mỹ, vất vả với ba mớ tiếng Anh mới được trở thành công dân Mỹ. Ông quyết định đổi tên “Nô” cha sanh mẹ đẻ nghe quê mùa thành “Robert” giống cái tên của nhân viên thanh lọc ở đảo để cảm ơn người cho ông cuộc sống mới. Đi làm trong hãng, ban đầu anh supervisor gọi trịnh trọng tên ông Mr. Robert, nghe thật khoái. Thời gian quen thân lại không gọi tên ông Robert nữa, gọi tắt “Bob” cho nhanh. Mấy tay thanh niên làm chung, cứ hễ mỗi lần nghe gọi “Bob” lại hùa lôi cái họ Bùi của ông ra. Ông hậm hực trong lòng, biết thế chả thèm lấy cái tên Mỹ, giữ cái tên “cúng cơm” nghe còn hay hơn.

 

alt

Người Á Đông hoặc gốc Phi : việc thay đổi họ không tạo ra sự khác biệt, hiệu quả bằng người Châu Âu

Đổi cái tên là chuyện bình thường với lý do đơn giản. Chấp nhận những cái tên nghe có vẻ Mỹ hơn có thể giúp người nhập cư hòa nhập nhanh hơn, cho dễ phát âm, phòng ngừa sự phân biệt đối xử hoặc chỉ là để tạo thuận lợi hơn cho cuộc sống bắt đầu ở quê hương mới. Tất nhiên có những cái tên chuyển ngữ theo cách phát âm hay văn viết mà người ngoại quốc không phát âm đúng mang ý nghĩa xấu hoặc giễu cợt. Chẳng hạn “Phước” một cái tên đẹp của người Việt, thật là khó cho một người Mỹ phát âm mà không trở thành một ý nghĩa thô tục. Hay mới đây, có một chuyện tiếu lâm thật trăm phần trăm. Tin tức báo chí cho biết một người dẫn chương trình trên đài truyền hình nhà nước Ấn Độ bị mất việc trong chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping). Do nhầm lẫn chuyển ngữ sang tiếng Anh, chữ viết họ Xi giống số La Mã XI, phóng viên này đã đọc tên ông Tập là “Eleven Jinping”. Anh em bàn nhậu lao nhao, không biết người phóng viên nhầm lẫn hay cố tình chơi xỏ. May mà chỉ bấy nhiêu, chứ đọc thành “Seven Eleven” thì ngài chủ tịch leo lên máy bay về nước.

Tôi tình cờ đọc được tài liệu nghiên cứu xã hội của Sở Di trú New York. Hơn một thế kỷ trước, các đại lý hãng tàu đã đơn giản hóa một số cái tên khi những người đi Tân Thế Giới lên tàu ở Châu Âu. Và đối với nhiều người nhập cư hay con cái của họ hồi đầu thế kỷ 20, có một thông lệ: Đến Mỹ, họ sẽ chọn cho mình một nhân dạng mới, một cái tên mới, có thể thuận lợi trong công việc hoặc kinh doanh. Những người chơi piano chắc hẳn biết hiệu đàn piano nổi tiếng Stainway. Tất nhiên hiệu đàn này do gia đình và con ông Stainway sản xuất nhưng chưa chắc biết Charles Stainweg, nhà sản xuất đàn piano có bố mẹ là người Đức, đã đổi tên thành Stainway (một phần vì các nhạc cụ viết bằng tiếng Anh dường như có vẻ cao cấp).

Kế đến, người Do Thái và Italia đến Mỹ đổi cả tên lẫn họ. Do vậy, mọi người sẽ không nhận ra họ là người Do Thái hay Italia, ngoại trừ các trường hợp người nổi tiếng là các ngôi sao điện ảnh muốn giữ cái tên “cúng cơm” của mình. Đổi tên của nhóm dân tộc này gần như là một truyền thống. Tên Sapusnick thành Phillips (khó phát âm tên, gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh), Laskowsky thành Lake và từ Katchka thành Kalin. Tên “Katchka” trong tiếng Do Thái nghĩa là “con vịt” và có ông tên Katchka đã gắn liền với sự nực cười và khó chịu vì điều này khi còn ở quê nhà. Nhưng nếu bạn nghiên cứu đặc điểm hình thể của những người không phải là người da trắng – ví dụ, Đông Á hoặc da đen – việc thay đổi họ của bạn sẽ không tạo ra sự khác biệt, hiệu quả bằng người Châu Âu. Betty Joan Perske trở thành Lauren Bacall, và hầu hết mọi người không biết bà là người Do Thái; nhưng dù sử dụng bất kỳ cái tên nào, Lena Horne vẫn là người da đen, cũng như tên Kimberly V. đứa con gái người hàng xóm của tôi vẫn là người Việt Nam da vàng.

 

alt

Một số con cái của người Trung Đông bỏ tên Mohammed, thay vào đó lấy tên Najmul hoặc Hayat hoặc đổi họ từ Islam thành Khan

Trong suốt những thập niên cuối nửa thế kỷ hai mươi, khi làn sóng nhập cư ngày càng ồ ạt từ các nước đến Hoa Kỳ, việc giữ nguyên tên họ trở thành một phần cuộc sống của người di cư và phong trào quyền công dân hợp pháp đổi tên Mỹ là niềm tự hào của một nhóm người. Một người nhập cư đến Mỹ với toàn bộ thẻ căn cước hợp pháp, một bằng lái xe trong túi, một passport với một cái tên trên đó. Thay đổi điều này thực sự là cái gì đó rất ghê gớm. Do vậy, những người nước ngoài mới đến và con cái của họ không còn cảm thấy áp lực phải đổi tên họ như ngày xưa. Chỉ một số ít đương đơn đến từ Châu Mỹ Latinh hoặc Châu Á dường như có ý định Anh hóa hoặc giảm bớt ký tự tên họ của họ. (Một vài người Nga hoặc Đông Âu cũng làm như vậy, nhưng số người giữ lại tên họ gốc của gia đình họ nhiều hơn).

Tuy nhiên, qua thế kỷ hai mốt, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng thông lệ này gần như đã biến mất. “Nói chung, gần như rất ít người muốn đổi sang tên Mỹ nữa”, Cheryl R.David, cựu chủ tịch Hiệp hội Luật sư Nhập cư Mỹ, cho biết. Tờ New York Times đã kiểm tra hơn 500 đơn trẻ em nhập tịch tại Tòa án Di trú New York, thành phố với số dân có bố mẹ là người nước ngoài nhiều hơn bất kỳ thành phố nào ở Mỹ. Xem ra cứ 6 trẻ em vào quốc tịch thì có 1 em xin đổi tên Mỹ mà thôi. Các nhà xã hội học cho biết nước Mỹ ngày nay là một đất nước đa văn hóa hơn. Ngoại trừ một số con cái của người Trung Đông bỏ tên Mohammed, thay vào đó lấy tên Najmul hoặc Hayat hoặc đổi họ từ Islam thành Khan, nhưng họ cho biết họ làm như vậy là theo ý của cha mẹ chứ không phải để đối phó với sự phân biệt đối xử.

Thông thường, hầu hết mọi yêu cầu đổi tên họ “cúng cơm” đều được chấp thuận, cho dù trong thời thế chiến thứ nhất, một thẩm phán ở Brooklyn đã từ chối đơn đổi tên của một người tên Weitz thành Weeks. Phán quyết của ngài thẩm phán là “Không có lý do hợp lý nào cho phép người Đức che giấu sự thật bằng việc sử dụng, thông qua sự giúp đỡ của tòa án, những cái tên có nguồn gốc Mỹ hoặc Anh…”.

Phần lớn những người với tên họ dân tộc nộp đơn xin đổi tên sau khi kết hôn (chấp nhận họ của người bạn đời hoặc tạo ra một cái tên gốc lai) hoặc sau khi sinh con (vì con họ được công nhận hợp pháp khi sinh ra là trai hay gái hoặc mang tên của cha/mẹ). Bà Mai Thi Vu ở Brooklyn đã đổi tên và họ của bà thành Makini Valdene Bryce theo họ của người chồng. Sau khi chồng chết, bà lại muốn đổi lại họ Vu và cả đứa con gái cũng lấy họ theo bà. Bà cho biết: “Tôi cảm thấy rằng tôi sẽ mất đi một phần của chính mình và văn hóa Việt Nam của tôi, và cảm thấy đó không phải tên họ của gia đình bố mẹ đẻ. Không ai thực sự bảo tôi phải đổi tên họ, nhưng tôi cảm thấy cần phải làm như vậy”. Nhưng bà Marija Sajka, nhân viên chăm sóc y tế đến từ Nam Tư cũ (Yugoslavia) 7 năm trước, đã chấp nhận lấy tên họ của chồng bà người Bosnia, Tomic – một phần vì tên này dễ phát âm hơn. “Tôi thật may mắn có được người chồng tuyệt vời với một cái tên có thể phát âm được. Phụ nữ lấy chồng, đổi họ theo chồng là nét văn hóa truyền thống trong hôn nhân của các nước Châu Âu”.

Đổi cái tên “cúng cơm” cho người còn sống là việc dễ dàng, nhưng lấy lại cái tên “cúng cơm” cho người chết là chuyện không thể làm được trên mặt giấy tờ pháp lý. Người bạn tôi kể, có ông bác mất ở bệnh viện, tên giấy tờ đã đổi khi vào quốc tịch là Tony Nguyễn. Tên khai sinh gốc là Nguyễn Văn Tồ. Theo lời trăng trối, gia đình muốn làm giấy chứng tử đúng cái tên của ông bà đã đặt. Xuống suối vàng với cái tên Tony lạ hoắc làm sao ông bà ông vải nhận ra. Thôi thì đành chịu, giấy chứng tử là “Tony Nguyen”, còn viết trên cáo phó là “Nguyễn Văn Tồ” theo cái tên “cúng cơm” vậy.

 

alt

Niềm vui nhập tịch của người Việt

TN