Lê Đình Nhất Lang
Thực hiện phỏng vấn

Kỳ 1
Họa sĩ Trịnh Cung:
Không có một nền nghệ thuật nào bay lên chỉ với một cánh!
Tin tỉ phú Leonard A. Lauder tặng bảo tàng Metropolitan Museum of Art (Met) một bộ sưu tập hội họa và điêu khắc trị giá 1 tỷ USD làm chấn động giới thưởng ngoạn nghệ thuật ở Mỹ hồi giữa tháng 4.2013. Từ 40 năm trước, chủ thương hiệu Estée Lauder bắt đầu gom góp những bức tranh, phác họa và tượng của một số nhỏ họa sĩ thuộc trường phái Lập Thể. Cái được báo chí gọi là cả một “kho tàng nghệ thuật” của ông gồm 33 tác phẩm của Pablo Picasso, 17 tác phẩm của Georges Braque, 14 tác phẩm của Fernand Légers và 14 tác phẩm của Juan Gris. Lauder chú tâm đến những tác phẩm này bởi vì, theo lời của chính ông, “thời đó vẫn còn nhiều những tác phẩm này, vì không ai muốn chúng cả.”
Người đàn bà ngồi trên ghế bành (Eva) – 1913
Tranh Picasso – sưu tập Leonard A. Lauder
Gần đây, tôi có dịp được trao đổi với họa sĩ Trịnh Cung về vấn đề thưởng ngoạn nghệ thuật. Ông đang sống ở Pasadena, California, với gia đình một trong những người con của ông, và có một dự án hướng dẫn về thưởng ngoạn nghệ thuật cho cộng đồng tại đây. Nhân sự kiện món quà của ông Lauder cho bảo tàng Met, tôi khơi lại câu chuyện về vấn đề thưởng ngoạn với họa sĩ Trịnh Cung, và chúng tôi có cuộc trao đổi sau đây.
1.
Lê Đình Nhất Lang (LDNL): Thưa ông Trịnh Cung, Leonard Lauder nói 40 năm trước không ai muốn những tác phẩm lập thể. Ông có chia sẻ nhận xét đó hay không?
Trịnh Cung: Ông Lauder không nói sai. Bây giờ nhìn lại, 40 năm của lịch sử mỹ thuật thế giới là một chặng đường dài của sáng tạo nghệ thuật. Ở châu Âu, tuy Lập Thể đã có từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, nhưng sự tranh cãi về cái đẹp của tranh Picasso và Braque, hai nhà sáng lập, luôn nổ ra giữa các nhà phê bình, và công chúng phần lớn tiếp tục ngoảnh mặt sau cả thập niên kể từ khi tranh họ ra đời. Và dù có truyền thống yêu nghệ thuật, người châu Âu vào thời cách nay 40 năm không phải ai cũng thích bỏ tiền để mua tranh Lập Thể, nhất là lúc ấy giá tranh của những Picasso, Braque, Leger và Gris chưa được các nhà bán đấu giá đẩy lên thật cao như từ những năm cuối thế kỷ 20 đến ngày nay.
Tuy nhiên, sự kiện ông chủ cửa hàng mỹ phẩm Estée Lauder vừa tặng cho Metropolitan Museum of Art một bộ sưu tập tranh của các họa sĩ vừa nêu trên có giá trị cả tỷ USD đã làm nóng lại giá trị nghệ thuật phương Tây thời những thập niên đầu thế kỷ 20. Nhờ có sự sưu tập các loại tác phẩm nghệ thuật tùy theo sở thích với mục đích để giữ gìn và sau đó là hiến tặng cho các bảo tàng mỹ thuật của những người như Lauder mà nhân loại được chiêm ngưỡng nhiều tuyệt tác khác nhau, nhiều cung cách sáng tạo mới mẻ của những nghệ sĩ thiên tài từ Cổ Điển đến Đương Ðại.
Cất cánh (Mùa hè đỏ lửa),1972. Tranh Tạ Tỵ
2.
LĐNL: Lại nói chuyện 40 năm trước, nhưng ở Việt Nam, khi ấy giới thưởng ngoạn Việt Nam ưa chuộng những tác phẩm hoặc trường phái nào và “chưa muốn” những gì?
Trịnh Cung: Lúc ấy, 1973, hội họa Saigon chỉ mới có Tạ Tỵ (đã mất) theo trường phái Lập Thể (Cubism) và đang chuyển qua Trừu Tượng (Abstract). Tại Việt Nam thời ấy, sự ưa chuộng các tác phẩm nghệ thuật của công chúng chỉ hướng về loại hữu hình (figuratif) mang hình ảnh gần gũi đời thường, dân tộc và lãng mạn. Dù họa sĩ sử dụng chất liệu gì – lụa, sơn mài, bột màu hay sơn dầu – hay trường phái nào (Tân Cổ Ðiển, Ấn Tượng, Lập Thể) phần lớn đều xoay quanh các chủ đề như Thiếu nữ, Hoa lá, Đồng quê, Bốn mùa… Và như thế, thời điểm ấy, các tác phẩm theo hướng nghệ thuật phi hữu hình đều khó cảm đối với người Việt.
Người hút thuốc, 1914 . Tranh Fernand Léger- sưu tập Leonard A. Lauder
3.
LDNL: Một số tranh trong kho tàng mà ông Lauder tặng cho Met quả thật là những dấu mốc trong lịch sử hội họa. Nhưng người thưởng ngoạn có cần phải quan tâm đến yếu tố lịch đại khi đứng trước một tác phẩm, chẳng hạn để “cảm” được tác phẩm?
Trịnh Cung: Lịch đại ư? Cần lắm chứ! Nó là chìa khóa để mình khám phá ra những gì nó chứa đựng nếu như nó “không cảm” được người xem. Nghệ thuật mới sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ và ngữ pháp khác thường nên không biết cách đọc thì chắc chắn người xem tranh sẽ thốt lên: Chẳng ra cái gì cả! Hoặc: Vẽ cái gì thế này?…
Thời điểm đánh dấu sự ra đời của tác phẩm sẽ cho người xem biết nên dùng hệ quy chiếu (frame of reference) nào để “đọc” được nó. Đó như chiếc chìa khóa giúp ta mở ra cánh cửa của cái gọi là “quái dị” của tác phẩm đó, trong trường hợp người xem chưa từng gặp hệ tác phẩm giống như vậy. Do đó, xem tranh cũng cần có kiến thức mỹ thuật: kiến thức của bạn đến đâu, bạn sẽ xem và cảm được tranh đến đấy.
Mặt khác, nghệ thuật mới mang tính riêng tư rất cao nên nó không thuộc về đám đông, có thể không ai “cảm” nó được. Ai muốn cảm nó thì phải “hy sinh” vậy, nhưng bù lại họ sẽ nhận được ở nó sự hữu ích vô giá cả về tinh thần và vật chất.
Đường không đứt đoạn, 1923. Tranh Kadinsky
4.
LĐNL: Xin ông nói rõ hơn về sự hy sinh và sự hữu ích – ý ông là sự hy sinh của người nghệ sĩ hay người thưởng ngoạn?
Trịnh Cung: Tôi dùng chữ hy sinh trong ngoặc kép để dành cho nhà sưu tập, vì có hai trường hợp mua tranh, có người mua để bán lại kiếm lợi, có người mua để thưởng thức và lưu giữ cho riêng mình. Dù ít dù nhiều, cả hai đều giúp cho sự sống của cả tác phẩm lẫn nghệ sĩ.
Nếu chúng ta trở lại những câu chuyện nói về sự nghèo khó của những họa sĩ như Van Gogh, Utrillo, Picasso… thời chưa có thị trường nghệ thuật vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, họ đã đổi tranh lấy bữa ăn, ly rượu, tách café… từ những ông chủ nhà hàng hoặc quán rượu ở Paris. Cũng tương tự như vậy, ở Hà Nội, thời Miền Bắc theo đuổi chiến tranh “Giải phóng Miền Nam”, chỉ có một nhà sưu tập duy nhất là ông Đức Minh, một nhà tư sản chơi tranh hào phóng từ thời người Pháp còn cầm quyền ở Hà Nội, thỉnh thoảng còn mua tranh của những danh họa như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… với tinh thần giúp đỡ là chính. Phần đông các nghệ sĩ này đã uống café chịu tại quán của ông Lâm có tên thân mật là Lâm Toét. Họ ghi nợ bằng những ô gạch chéo trên tường và trả nợ bằng tranh hay bản thảo nếu ai đó là nhà văn. Hội họa có ích lợi gì trong hoàn cảnh xã hội nghèo đói, chiến tranh, tương lai dân tộc mịt mờ, thế mà lại có những người tử tế với nghệ sĩ như vậy, chẳng phải đó là “hy sinh” hay sao?
Cây ở L’Estaque, 1908
Tranh của Braque sưu tập Leonard A. Lauder
Còn những người như các ông Lauder, Atherton Curtis, Menil… khi thụ hưởng Cái Đẹp từ những tác phẩm mua được và về sau đem hiến tặng cho các viện bảo tàng để công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tác vô giá, thì gọi đó là sự hy sinh không đáng hay sao? Còn nữa, lịch sử mỹ thuật của thế giới sẽ ra sao khi những chứng tích của từng giai đoạn sáng tạo nghệ thuật của con người bị ném vào bóng tối?
Và để cảm nhận được sự hy sinh này, tôi thiết nghĩ chúng ta nên có lần đến thăm những bảo tàng dành cho tranh của Mark Rothko, hay của Cy Twombly… được thực hiện bằng chính tài sản riêng của những nhà sưu tập, thì mới thấy rõ sự Hữu Ích và Hy Sinh của họ cho nghệ thuật và cho công chúng.
Còn ý cuối của câu hỏi trên, nếu anh là nghệ sĩ thì không có gì là hy sinh khi làm nghệ thuật cả. Vì khi anh sáng tác là anh đã giải phóng được giấc mơ hay ác mộng của riêng anh, và như thế là anh đã sảng khoái, đã hạnh phúc lắm rồi. Chuyện người đời vinh danh giới nghệ sĩ là hy sinh hay cống hiến gì đó là tấm lòng của họ dành cho những ai là tài năng lớn thật sự.
Gris, Chân dung Picasso, 1912